Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

* HỘ NIỆM VÀ TRỢ NIỆM




Trên căn bản, ý nghĩa hai từ nầy không khác nhau mấy, nhưng gần đây, phong trào niệm Phật cầu vãng sanh của một số Ban Hộ Niệm dành cho người sắp lâm chung hoặc vừa lâm chung, đã làm cho hai từ trên có một ý nghĩa khác nhau.

Trước đây, Phật giáo Tỉnh Gia Lai than phiền một số Ban Hộ Niệm sinh hoạt ngoài luồng không hợp với tinh thần Phật giáo. Hiện nay một số Tỉnh thành cũng xuất hiện phong trào “trợ niệm”, nổi bật nhất và có tổ chức nhất là Tịnh xá Quán Âm của thầy Giác Nhàn ở Đức Trọng. Trên các trang mạng đã đăng bài viết về thầy Giác Nhàn, nêu những quy kết của BTS và BTG Lâm Đồng trong những buổi họp mà không có mặt thầy Giác Nhàn.

Quy trình kết tội về sinh hoạt của thầy Giác Nhàn đúng nguyên tắc nhưng chưa hợp lý. Cách quy tội kết án chỉ đúng về mặt pháp lý thế gian, nhưng chưa hợp với tính nhân bản của nhà Phật. Trong sinh hoạt Tăng đoàn có tác pháp Yết Ma để “cử tội” một vị Tăng sai phạm, có nghĩa đưa ra giữa đại chúng những việc làm chưa đúng chánh pháp để người phạm lỗi thấy được lỗi mình thuộc điều khoản nào trong giới bản, từ đó, người sai phạm thừa nhận lỗi và đại chúng tùy đó mà khuyến giáo. Sinh hoạt trong Tăng đoàn luôn mang tính dân chủ và hòa hợp, không dùng quyền lực áp chế theo kiểu trị tội của thế gian; từ đó, giúp kẻ phạm lỗi biết tàm quý, tự hoàn thiện.

Khi xét một hiện tượng phạm lỗi, phải đứng trên hai mặt: Vô tình hay cố ý, thiện ý hay bất thiện ý. Việc làm của thầy Giác Nhàn, khởi đầu là thiện ý, muốn giúp kẻ bệnh tật hoạn nạn, bằng chứng là không đòi hỏi tiền bạc hay quyền lợi nào từ bệnh nhân, chẳng những thế sự phục vụ rất tận tình cho bệnh nhân có những căn bệnh trầm trọng, nguy hiểm về sức khỏe cho người phục vụ; nhưng với thiện ý đó, đi quá xa và lệch lạc về giáo điển của nhà Phật. Những lần qua Mỹ trước đây, thầy hay tuyên bố là đã giúp vãng sanh nhiều vị trong một năm. Thầy căn cứ vào thân tướng người quá cố, tay chân mềm mà cho là vãng sanh, thầy quên đức Phật từng ví dụ: Thỉnh hàng ngàn vị Tăng tụng niệm cho cục đá trong nước, vẫn không thể nổi lên, hàng ngàn vị Tăng niệm cho lông hồng trên mặt nước, cũng không thể làm cho nó chìm xuống đáy nước. Vậy một người sống từng tạo ác nghiệp, không biết hướng về Tam Bảo, khi chết chỉ cần trợ niệm là được vãng sanh, thì cần gì phải tu; luật nhân quả không còn giá trị sao? Trợ niệm chỉ giúp cho hương linh từng thâm tín Tam Bảo, đến phút cận tử nghiệp nhớ lại Tam Bảo, không bị tán loạn khỏi đọa vào ác đạo; hoặc người từng có căn lành, giờ phút lâm chung nương theo lực hộ niệm mà tỉnh giác hướng về oai lực Tam Bảo. Người từng tu niệm Phật, tín-hạnh-nguyện chưa đủ mạnh để siêu thoát, lực hộ niệm giúp hương linh nhớ lại công hạnh tu tập mà quy hướng nẻo lành. Như vậy, việc hộ niệm không thể quyết định việc vãng sanh.

Người chết là lúc thần thức thoát khỏi nhục thân, nhưng chưa phải hoàn toàn xa rời nhục thân trong vài giờ, lực hộ niệm giúp thần thức nhìn lại xác thân và nhớ lại thiện nghiệp đã tạo trong kiếp nầy. Tuy điện tâm đồ xác định tim ngưng hoạt động, nhưng trung khu thần kinh vẫn còn những sóng thức lăn tăn, do vậy đỉnh đầu còn hơi ấm thì thân thể vẫn còm mềm dịu. Những nghiệp thức u trược nặng nề tội lỗi thì thần thức xuất ra từ bụng trở xuống, tay chân không thể mềm dịu. Như vậy trợ niệm chưa chắc đã giúp người quá cố được vãng sanh như các ban trợ niệm mong muốn.
Do nhiệt tâm giúp người ra đi mà áp dụng và hiểu về việc hộ niệm sai lệch luật nhân quả của nhà Phật, từ đó dần dần biến tướng pháp môn Tịnh độ thành một tà phái.

Trong bản kết tội thầy Giác Nhàn, có cả việc sử dụng pháp y theo kiểu Hòa Thượng Tịnh Không. Trong luật Phật chỉ nói đến y phấn tảo, không đưa ra một tiêu chuẩn cố định, vì vậy, mỗi quốc gia, chư Tăng có một pháp phục và màu sắc khác nhau. Ban Tăng sự cũng không chỉ định rõ màu sắc, kích thước của từng loại y như ngũ điều, cửu điều hay 25 điều. Hiện nay, các sư “ứng phú” tự trang phục pháp y theo sở thích. Sư du học Đài Loan thì sử dụng pháp phục Đài Loan, xuất thân từ Nhật thì trang phục kiểu Nhật, học từ Trung quốc về thì ăn bận theo kiểu Trung quốc, học theo Tây Tạng thì mặc kiểu Tây Tạng... vì thế mà kết tội về pháp phục cũng chưa thuyết phục.
Việc tụ tập người không thông báo với giáo hội mà cho là tội cũng không hẳn, vì Hiến chương cũng như nội quy Tăng sự không có điều khoản xin phép BTS giống như trình báo với công an khu vực. Vệ sinh khi tụ tập người quá đông ảnh hưởng đến sức khỏe là điều sai phạm, nhưng sai phạm đối với y tế.

Về việc thầy Giác Nhàn đưa một người nữ lên đại diện cho HT Thiện Quang đã quá cố, tự xưng là vong linh của HT Thiện Quang, không cần đơn thưa của gia đình hay môn nhơn pháp quyến của HT, điều nầy cũng đủ cho thấy thầy Giác Nhàn trượt quá xa về tâm lý và đạo lý của Phật giáo, đủ lý do cho Giáo hội khiển trách. Ai xác minh được việc nhập cốt đó giả hay thật? Cho dù là thật cũng không thể phơi bày trước đại chúng trong và ngoài nước. Ví dụ bố mẹ mình sai phạm, mình có thể đem ra công bố cho bàng dân thiên hạ biết chăng? Việc làm vô ý thức của thầy Giác Nhàn đã tạo một phản ứng cho đại đa số Phật tử.

Rất nhiều điều quy kết về thầy Giác Nhàn chỉ đúng về mặt pháp lý mà chưa đúng về mặt đạo lý, vì thế ảnh hưởng đến sự hiểu biết của quần chúng đang ngưỡng mộ thầy Giác Nhàn cũng như say mê lực trợ niệm hiện nay. Những người tham gia ban trợ niệm rất tốt và có nhiệt tâm, không đòi hỏi một quyền lợi nào đối với tang gia, nhưng quên rằng nhiệt tâm mà thiếu hiểu biết giáo lý đem đến hủy báng Tam Bảo.

Tuy nhiên, một số ban hộ niệm của các chùa vẫn giúp cho một số Tang lễ mà không đặt nặng đến trạng thái tay chân mềm hay không, không xác quyết họ vãng sanh hay không, vì thế, không ai lên án những ban hộ niệm như thế.
Cũng từ việc làm của hai tập thể nầy, cho người ta có hai ý niệm: Ban hộ niệm khác với Ban trợ niệm.

Tóm lại, việc làm của thầy Giác Nhàn do thiếu hiểu biết căn bản giáo lý mà đi quá xa tinh thần tu tập giải thoát của nhà Phật. Giáo hội nên có cuộc gặp gỡ trong tinh thần hòa hợp của người con Phật để hóa giải những sai phạm đó hầu tìm lối thoát cho địa điểm tại Đức Trọng mà hầu hết trong và ngoài nước đều biết, để một số người không hiểu lầm giữa BTS PG Lâm Đồng cấu kết với chính quyền địa phương làm áp lực thầy Giác Nhàn; đồng thời, đương phạm không bị mặc cảm bị thế lực đố kỵ với uy tín của mình và đẩy đương phạm vào chân tường.

Tinh thần hòa hợp và dân chủ của Phật giáo có thể giải quyết mọi mắc mứu trong nội bộ khá ổn thỏa và êm ấm.

MINH MẪN
22/10/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét