VÀ CHẾT AN LÀNH
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Geshe Thupten Jinpa
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 17/08/2011
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Geshe Thupten Jinpa
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 17/08/2011
Đối diện với cái chết trong một trạng thái an bình là một vấn đề khó. Theo ý nghĩa thông thường, dường như có hai cung cách để đối phó với rắc rối và khổ đau. Thứ nhất, đơn giản là cố gắng tránh rắc rối, đặt nó ngoài tâm thức chúng ta, mặc dù thực tế vấn đề vẫn ở đấy và không giảm thiểu. Một cung cách khác để đối phó với vấn đề này là nhìn một cách trực tiếp vào rắc rối và phân tích nó, làm cho nó quen thuộc với chúng ta và làm cho rõ ràng rằng nó là một phần trong đời sống của tất cả chúng ta.
Tôi đã đề cập đến chủ đề thân thể và bệnh tật. Bệnh tật xảy ra. Đấy không phải là điều gì đấy ngoại lệ; đấy là một phần của tự nhiên và sự thực của đời sống. Nó xảy ra vì thân thể ở đấy. Dĩ nhiên chúng ta có quyền để tránh bệnh tật và đớn đau, nhưng thay cho những nỗ lực ấy, khi bệnh tật xảy ra, tốt hơn là chấp nhận nó. Trong khi chúng ta nên làm mọi nỗ lực để chữa trị một cách nhanh chóng như có thể, chúng ta không nên có thêm những sự đè nặng tinh thần. Như đại hành giả Ấn Độ, Tịch Thiên đã nói: "Nếu có một phương cách để vượt thắng khổ đau, thế thì không cần phải lo lắng; nếu không có cách nào để chiến thắng đớn đau thế thì lo lắng không ích gì." Loại thái độ hợp lý ấy là lợi ích vô cùng.
Bây giờ tôi muốn nói về cái chết. Chết là một phần của đời sống chúng ta. Cho dù chúng ta thích hay không, nó bắt buộc phải xảy ra. Thay vì tránh nghĩ về điều đó, chúng ta tốt hơn thấu hiểu ý nghĩa của nó. Trên tin tức, chúng ta thường thấy những vụ ám sát và chết chóc, nhưng một số người dường như nghĩ rằng cái chết chỉ xảy ra cho những người khác, không phải cho chính họ. Loại thái độ như thế là sai lầm. Tất cả chúng ta có cùng thân thể, cùng da thịt con người, và vì thế chúng ta sẽ chết. Dĩ nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa cái chết tự nhiên và cái chết do tai nạn, nhưng một cách căn bản cái chết sẽ đến chẳng chóng thì chầy. Nếu ngay từ đầu thái độ của chúng ta là, "Vâng, cái chết là một bộ phận của đời sống chúng ta," sau đó có thể dễ dàng hơn để đối diện. Vì thế có hai loại tiếp cận khác nhau để đối diện với một vấn đề. Một là chỉ đơn giản né tránh nó bằng việc không nghĩ về nó. Thứ khác hiệu quả hơn là đối diện một cách trực tiếp vì thế chúng ta đã ý thức về nó. Một cách tổng quát, có hai loại rắc rối hay khổ đau: với một loại, có thể là bằng việc tiếp nhận một loại thái độ nào đấy, người ta sẽ có thể thật sự giảm thiểu sức mạnh và mức độ của khổ đau và băn khoăn. Tuy nhiên, có thể có những loại rắc rối và khổ đau khác, những loại mà tiếp nhận một loại thái độ nào đấy và một cung cách suy nghĩ có thể không nhất thiết giảm thiểu mức độ của khổ đau, nhưng điều ấy vẫn chuẩn bị cho chúng ta đối diện với chúng.
Khi những điều bất hạnh xảy ra trong cuộc đời chúng ta có hai kết quả có thể. Một khả năng là tinh thần bất ổn, băn khoăn, sợ hãi, nghi ngờ, chán nản, và cuối cùng suy nhược, và, trong trường hợp tệ hại nhất, ngay cả tự tử. Đó là một cách. Một khả năng khác, là do bởi kinh nghiệm thảm họa, chúng ta trở nên thực tiễn hơn, chúng ta trở nên gần với thực tế hơn. Với năng lực của khảo sát, kinh nghiệm bi thương có thể làm chúng ta mạnh mẽ hơn và gia tăng sự tự tin và tự quả quyết. Sự kiện bất hạnh có thể là nguồn gốc của sức mạnh nội tại.
Sự thành công của cuộc đời và tương lai của chúng ta, như tôi đã từng nói, tùy thuộc trên động cơ và quyết tâm hay lòng tự tin cá nhân của chúng ta. Qua những kinh nghiệm khó khăn, đời sống đôi khi trở nên đầy đủ ý nghĩa hơn. Nếu chúng ta nhìn vào những người từ lúc bắt đầu cuộc sống của họ, đã có mọi thứ, chúng ta có thể thấy rằng khi những sự việc nhỏ bé xảy ra, họ đã mau mắn đánh mất hy vọng hay tức tối. Những người khác, như thế hệ những người ở Anh Quốc, trải qua Thế Chiến Thứ Hai, đã phát triển những thái độ tinh thần mạnh mẽ hơn như một kết quả từ những khó khăn của họ. Tôi nghĩ, người đã có nhiều những kinh nghiệm khốn khó có thể đứng trụ vững vàng hơn trong khuôn mặt của những rắc rối hơn là những người chưa bao giờ trải nghiệm khổ đau. Từ góc cạnh này, thế thì, một khó khăn nào đấy có thể là một bài học tốt cho cuộc đời của chúng ta.
Bây giờ có phải thái độ này chỉ là một cách để lừa gạt chính mình? Một cách cá nhân, tôi đã đánh mất quê hương và tệ hại hơn nữa, trong quê hương tôi có nhiều sự tàn phá, khổ đau, và bất hạnh. Tôi đã dành không chỉ phần lớn đời sống của tôi mà cũng là phần quan trọng nhất cuộc sống của tôi bên ngoài Tây Tạng. Nếu quý vị nghĩ về điều này từ góc cạnh đó mà thôi, hiếm mà có điều gì là tích cực. Nhưng từ một khía cạnh khác, chúng ta có thể thấy rằng do bởi những bất hạnh này, tôi đã có một loại tự do khác, chẳng hạn như cơ hội để gặp gỡ những người khác nhau từ những truyền thống khác nhau, và cũng gặp gỡ những nhà khoa học từ những lĩnh vực khác nhau. Từ những kinh nghiệm đó, đời sống của tôi đã được làm phong phú thêm rất nhiều và tôi đã học nhiều thứ đáng giá khác. Do vậy những kinh nghiệm bi thương của tôi cũng có những khía cạnh giá trị.
Nhìn vào những vấn nạn từ những khía cạnh khác nhau thật sự làm nhỏ đi những gánh nặng tinh thần hay những sự thất vọng. Theo quan điểm của nhà Phật, mọi sự kiện có thể được thấy từ nhiều, rất nhiều khía cạnh khác nhau. Rất hiếm hay không thể có một sự kiện có thể là tiêu cực từ tất cả mọi quan điểm. Do thế, thật hữu ích khi điều gì đấy xảy ra để cố gắng nhìn nó từ những khía cạnh khác nhau và rồi chúng ta có thể thấy những khía cạnh tích cực hay hữu ích. Hơn thế nữa, nếu điều gì đấy xảy ra, rất lợi ích để thực hiện một sự so sánh ngay lập tức với một sự kiện nào khác hay với những sự kiện của người khác hay quốc gia khác. Điều này cũng rất lợi lạc trong việc duy trì sự hòa bình trong tâm hồn của chúng ta.
Bây giờ tôi sẽ giải thích, như một thầy tu Đạo Phật, đối phó với cái chết như thế nào? Đức Phật đã dạy những nguyên tắc về Bốn Chân Lý Cao Quý, đầu tiên là Sự thật về Khổ Đau. Sự thật về Khổ Đau được dạy trong phạm vi của ba đặc trưng tồn tại, thứ nhất là vô thường. Khi nói về bản chất của vô thường, chúng ta phải hiểu trong tâm rằng có hai trình độ. Một là trình độ thô, khá rõ ràng và là sự chấm dứt việc tiếp tục một đời sống hay một sự kiện. Nhưng bản chất vô thường được dạy trong sự liên hệ với Bốn Chân Lý Cao Quý liên quan đến những khía cạnh vi tế hơn của vô thường, bản chất nhất thời của sự tồn tại.
Giáo huấn của Đức Phật về những khía cạnh vi tế hơn về bản chất vô thường của sự luân hồi hướng đến việc thiết lập một sự đánh giá về bản chất bất toại tự nhiên trong sự hiện hữu của chúng ta. Nếu chúng ta thông hiểu bản chất của vô thường một cách đúng đắn, chúng ta sẽ thấu hiểu là nó bộc lộ rằng bất cứ sự tồn tại nào được sản sinh một cách ngẫu nhiên, đấy là, những thứ hình thành như một kết quả của nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên), hoàn toàn tùy thuộc trên nguyên nhân và điều kiện cho sự tồn tại của chúng.
Không chỉ thế, mà ngay chính nguyên nhân và điều kiện sản xuất ra chúng cũng mang đến sự tan rả và chấm dứt của chính những thực thể đó. Do vậy, trong những hạt giống nguyên nhân của những sự kiện là hạt giống của sự chấm dứt và tan rã của chúng. Khi điều này được liên hệ đến sự thấu hiểu về bản chất vô thường của những tập hợp uẩn, thân thể và tâm thức, thế thì ở đây, nguyên nhân liên quan đến thể trạng si mê của tâm thức, mà đấy chính là gốc rễ của sự tồn tại, và điều này biểu lộ rằng chính sự tồn tại vật lý của chúng ta, sự tồn tại thân thể của chúng ta, là bị khống chế rất nhiều bởi thể trạng si mê của tâm thức.
Nhưng đấy là bởi sự phản chiếu thứ nhất trên những trình độ thô thiển của vô thường mà người ta cuối cùng đưa đến một sự đánh giá về những thể trạng vi tế của vô thường. Và bằng điều này, người ta sẽ có thể đối diện và chinh phục sự chấp trước về tính thường còn hay sự hiện hữu ngoại tại của đặc tính chính mình hay tự ngã, bởi vì sự chấp trước này vào tính thường còn đã thúc đẩy chúng ta bám víu vào chính "đặc tính hiện tại" hay những vấn đề của cả cuộc đời riêng ta mà thôi. Bằng việc giải tỏa sự kìm kẹp của chấp trước dai dẳng trong chúng ta, chúng ta sẽ ở trong một vị thế tốt đẹp hơn để nhận thức những giá trị của việc làm vì những đời sống tương lai của chúng ta.
Một trong những lý do tại sao mà tỉnh thức về cái chết và vô thường là rất thiết yếu trong sự thực hành của nhà Phật là việc quan tâm đến thể trạng tâm thức của chúng ta tại thời điểm lâm chung có một hệ quả rất lớn trong việc quyết định hình thức nào của tái sinh mà chúng ta có thể sẽ tiếp nhận. Cho dù nó là một thể trạng tích cực hay tiêu cực của tâm thức, người ta sẽ có một tác động to lớn. Do vậy, sự thực hành của Đạo Phật nhấn mạnh tầm quan trọng vô cùng của sự tỉnh giác về cái chết và vô thường.
Mặc dù mục tiêu chính của một cấp bậc tỉnh giác cao độ về vô thường để rèn luyện chính mình vì thế vào thời điểm lâm chung người ta sẽ ở trong một thể trạng tâm linh đạo đức và tích cực, và sẽ bảo đảm cho một sự tái sinh tích cực, cũng có những lợi ích khác. Một trong những tác động phụ tích cực của việc duy trì một cấp bậc tỉnh thức cao độ về cái chết là nó sẽ chuẩn bị cho chúng ta đến một mức độ tối đa như thế, khi người ta thật sự đối diện với cái chết, người ta sẽ ở trong một vị thế tốt hơn để duy trì sự hiện diện tâm thức của người ấy. Đặc biệt trong mật tông tantra, hành giả quan tâm rằng thể trạng tâm linh mà người ta trải qua tại thời điểm lâm chung là cực kỳ vi tế, do bởi trình độ vi tế của thần thức, nó cũng có một năng lực to lớn và tác động trên sự tương tục tinh thần của hành giả. Do vậy trong sự thực hành mật tông, chúng ta thấy có nhiều nhấn mạnh đặt trong những thiền quán liên hệ cái chết và cũng như cá nhân tại thời điểm lâm chung không chỉ duy trì sự hiện diện tâm thức của người ấy, mà cũng là ở trong vị thế để sử dụng thể trạng vi tế ấy của thần thức một cách hiệu quả đối với việc nhận ra con đường [thực chứng con đường tu tập].
Đấy là bởi điều này, chúng ta thấy nhiều thiền quán mật tông, một cách kỹ thuật được biết như "thiền quán bổn tôn du già[1]" bởi vì chúng là những thiền quán về những bổn tôn, liên hệ đến tiến trình hòa tan, phản chiếu trên sự hòa tan của những yếu tố mà hành giả trải nghiệm vào thời điểm lâm chung. Trong thực tế, theo quan điểm mật tông, toàn bộ tiến trình của tồn tại [luân hồi] được giải thích trong dạng thức của ba giai tầng được biết như "chết", "trung ấm thân", và "tái sinh". Tất cả ba giai tầng tồn tại này được thấy như những thể trạng hay biểu hiện của thần thức và những năng lượng phối hợp hay đẩy thần thức tới, vì thế thể trạng trung ấm và tái sinh không gì khác hơn là những cấp độ đa dạng của thần thức và năng lượng vi tế. Một thí dụ của những thể trạng dao động có thể được thấy trong sự hiện hữu hằng ngày của chúng ta, khi mà suốt hai mươi bốn giờ một ngày chúng ta đi qua một chu kỳ của ngủ sâu, thời gian thức giấc và tình trạng mơ ngủ. Sự tồn tại hằng ngày của chúng ta trong thực tế được đặc trưng bởi ba giai tầng này.
Khi nói về những sự phân biệt được thực hiện trong mật điển Tantra giữa những trình độ vi tế và thô thiển của thức và tâm, tôi nghĩ điều quan trọng để giữ trong tâm những gì chúng tôi muốn nói qua "thức tinh thần" một cách chính xác. Thông thường người ta có ấn tượng rằng khi chúng ta nói về 'thức tinh thần thứ sáu[2]' có một loại nào đó của loại thức tự trị mà nó hoàn toàn độc lập với thể trạng của thân thể và trong một cách nó là thứ tương đương với linh hồn. Nhưng đây là một sự thấu hiểu sai lầm. Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu thẩm tra thế giới tinh thần của chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết các thể trạng tinh thần và chức năng tinh thần của chúng ta có những yếu tố vật lý tương liên trực tiếp. Không chỉ những 'thức cảm giác[3]', mà cũng nhiều những gì chúng ta gọi là thức tinh thần có những căn bản sinh học và là liên kết một cách mật thiết với những tình trạng của thân thể, giống như những nhà khoa học nói rằng não bộ và hệ thống thần kinh là những căn bản sinh học chính yếu của nhiều kinh nghiệm ý thức của chúng ta. Do thế, khi những tình trạng thân thể ngừng lại, những chức năng tinh thần này cũng chấm dứt.
Nhưng câu hỏi thật sự là: điều gì làm cho nó có thể cho những căn bản vật lý hay những tình trạng sinh học cho phát sinh một sự kiện tinh thần của tỉnh thức? Phật Giáo đặc biệt là mật tông tantric, sự giảng giải hướng tới những gì được biết như là thể trạng Linh Quang[4] vi tế, là điểu có thể được xem như độc lập với căn bản sinh học. Và chính thể trạng Linh Quang này của tâm là trình độ vi tế nhất của thức là điều khi nó tương tác với căn bản sinh học sẽ cho phát sinh tất cả ý thức và những sự kiện nhận thức của chúng ta.
Có những biểu hiện nào đấy của sự tồn tại về những gì được gọi là thể trạng Linh Quang của tâm. Có những dấu hiệu mà thông thường có khuynh hướng có khả năng hơn cho những hành giả tôn giáo. Thí dụ, trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong, có những trường hợp khi người ta được tuyên bố là chết lâm sàng, đó là, chức năng của não bộ đã ngừng và não bộ đã chết nhưng sự phân hủy chưa bắt đầu, và họ duy trì trong tình trạng ấy nhiều ngày cho đến khi kết thúc. Thí dụ, ngài giáo thọ quá cố của chính tôi, Kyabje Ling Rinpoche, đã duy trì trong tình trạng đó đến 13 ngày. Ngài được tuyên bố là chết lâm sàng và đã trải qua sự chết của não bộ, nhưng thân thể của ngài tiếp tục duy trì tươi nhuận và không phân hủy trong 13 ngày.
Bây giờ phải có một sự giải thích nào đấy cho điều này. Sự giải thích của Đạo Phật là trong tình trạng ấy, cá nhân chưa thật sự chết mà đúng hơn là trong tiến trình của cái chết. Phật Giáo sẽ giải thích rằng mặc dù mối quan hệ thân-tâm có thể đã ngừng dứt hiển nhiên, ở trình độ thô, nhưng nó chưa chấm dứt ở cấp độ vi tế. Theo mật điển đặc biệt được biết như Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja Tantra), khi một con người đi qua tiến trình của cái chết, có một giai đoạn nào đó của hòa tan. Từ sự tan biến đó vào trong thể trạng Linh Quang có một chu trình đảo ngược và khi chu trình đó đạt đến một giai tầng nào đấy, một đời sống mới bắt đầu được gọi là tái sinh. Sau đó sự tái sinh duy trì và con người một lần nữa đi qua một tiến trình của hòa tan. Có thể nói rằng, chết ở giai tầng trung gian khi những yếu tố tan biến vào trong Linh Quang và từ đấy tái sinh khởi vào trong một hình sắc mới. Vì vậy, chết không gì khác hơn những điểm trung gian này khi những yếu tố sinh học đa dạng của con người hòa tan vào trong điểm Linh Quang.
Khi quan tâm đến tiến trình tan biến thật sự của những yếu tố đa dạng, mật điển đề cập những giai tầng khác nhau của hòa tan và những dấu hiệu phối hợp với chúng. Thí dụ, trong trường hợp hòa tan của những cấp độ thô hơn của những yếu tố, có cả hai dấu hiệu nội tại và ngoại tại và những biểu hiện đánh dấu sự hòa tan. Khi đi đến những yếu tố vi tế, chỉ có những dấu hiệu nội tại chẳng hạn như ảo ảnh, v.v...
Đã có một sự quan tâm lớn mạnh trong những nhà khoa học, những người đang thực hiện những nghiên cứu về cái chết, đặc biệt những dấu hiệu nội tại và ngoại tại. Như một Phật tử, tôi nghĩ thật rất quan trọng cho chúng ta để cảnh giác về những khảo sát của những nhà khoa học đang làm. Tuy nhiên, chúng ta phải có thể phân biệt giữa những hiện tượng vẫn tiếp tục vượt khỏi những phương pháp phân tích khoa học hiện hữu và những hiện tượng có thể thấy như bị bác bỏ bởi những phương pháp và sự khảo sát của khoa học hiện hữu. Tôi nói rằng nếu những hiện tượng nào đấy có thể thấy như bị chứng tỏ là sai bởi khoa học qua sự khảo sát khoa học và phương pháp khoa học, tôi nghĩ như những Phật tử chúng tôi phải quan tâm tôn trọng những kết luận này.
Như cái chết trở nên điều gì đấy quen thuộc với chúng ta, khi chúng ta có một tri thức nào đấy trong tiến trình của nó và có thể nhận ra những biểu hiện nội tại và ngoại tại, chúng ta phải chuẩn bị cho nó. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi vẫn không tin tưởng rằng tại thời điểm của cái chết tôi sẽ thật sự áp dụng tất cả những sự thực tập này đối với những gì tôi đã chuẩn bị. Tôi không bảo đảm! Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi tôi nghĩ về cái chết, tôi có một sự sôi nổi nào đấy. Thay vì sợ hãi, tôi có một cảm nhận về sự tò mò và điều này làm nó dễ dàng hơn cho tôi chấp nhận cái chết. Tôi tự hỏi tôi có thể áp dụng những sự thực tập này đến mức độ này. Dĩ nhiên, sự băn khoăn duy nhất của tôi nếu tôi chết ngày hôm nay là, "Ô, những gì sẽ xảy ra ở Tây Tạng? Nền văn hóa Tây Tạng sẽ ra sao? Thực trạng của sáu triệu người Tây Tạng sẽ ra sao? Đây là sự quan tâm chính của tôi. Về mặt khác, tôi không cảm thấy sợ hãi cái chết. Có lẽ, tôi có một loại tin tưởng mù quáng nào đấy! Vì thế, thật là tốt lành để giảm thiểu sự sợ hãi cái chết. Trong sự thực tập cầu nguyện hằng ngày, tôi quán tưởng mười tám bổn tôn du già khác nhau và mười tám cái chết khác nhau. Có lẽ khi cái chết đến tất cả những sự chuẩn bị của tôi có thể thất bại. Tôi hy vọng là không!
Thế nào đi nữa, tôi nghĩ rằng phương pháp đó rất hữu ích tinh thần trong việc đối phó với cái chết. Ngay cả nếu không có đời sống tương lai, cũng có một số lợi ích nào đấy nếu nó làm nhẹ bớt sự sợ hãi. Và bởi vì ít sợ hãi hơn, người ta có thể chuẩn bị một cách đầy đủ. Giống như cho chiến trận, không có chuẩn bị sẽ tạo cơ hội tốt cho thất bại, nhưng nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ, thì sẽ có cơ hội phòng thủ. Nếu chúng ta chuẩn bị một cách trọn vẹn, rồi thì tại giờ phút lâm chung, chúng ta vẫn có thể duy trì sự hòa bình của tâm thức. Chính sự hòa bình của tâm vào thời điểm lâm chung là nền tảng cho việc trau dồi một động cơ thích đáng và đấy là một sự bảo đảm tức thời cho một sự tái sinh thánh thiện, của một đời sống tốt đẹp hơn sắp tới. Đặc biệt đối với những hành giả của Đại tối thượng Mật thừa, chết là một trong những cơ hội hiếm hoi để chuyển hóa tâm vi tế hành tuệ trí.
Như đến những gì trong kho tàng cho chúng ta sau khi chết, Phật Giáo nói về ba cõi luân hồi, một cách kỹ thuật được biết như "vô sắc giới", "sắc giới", và "dục giới". Cả sắc giới và dục giới có một tầng trung gian trước khi người ta có sự tai sinh, được biết như "trung ấm thân". Tất cả những gì của điều này hướng tới là mặc dù sự kiện 'chết' cung cấp cho chúng ta cơ hội tốt nhất để sử dụng cấp độ vi tế nhất của ý thức, chuyển hóa nó thành một con đường của tuệ trí, ngay cả nếu chúng ta không thể tận dụng cơ hội ấy một cách có hiệu quả, thì có một tầng trung ấm mà nó mặc dù thô thiển hơn thời điểm lâm chung, cũng vi tế hơn nhiều thần thức lúc tái sinh. Do vậy, có một cơ hội khác. Và ngay cả nếu chúng ta có thể nắm lấy cơ hội này, thì có một sự tái sinh và một vòng luân hồi tiếp tục.
Vì thế nhằm để nắm lấy cơ hội kỳ diệu phù hợp tại thời điểm lâm chung, sau đó, trong tầng trung ấm thân, chúng ta trước nhất cần tự rèn luyện mình để có thể sử dụng những thời điểm ấy. Cho điều ấy, Đạo Phật đã dạy những kỷ năng đa dạng để có thể cho phép chúng ta áp dụng những kỹ năng thiền quán nào đấy trong mỗi giấc ngủ, giấc ngủ sâu, và những tình trạng tỉnh thức.
Kết luận, tôi nghĩ rằng tại thời điểm lâm chung, một tâm hòa bĩnh tĩnh lặng là thiết yếu bất kể chúng ta tin tưởng trong điều gì, cho dù là Đạo Phật hay tôn giáo nào đấy. Tại thời điểm lâm chung, con người không nên tìm kiếm sự giận dữ, thù hận, v.v... Điều này là rất quan trọng ở trình độ thế đế của tập quán trần gian. Tôi nghĩ ngay cả người vô tín ngưỡng cũng thấy rằng tốt hơn là qua đời trong một tình trạng hòa bình tĩnh lặng. Như vậy thật là hạnh phúc hơn. Cũng thế, đối với những ai tin tưởng thiên đàng hay những khái niệm khác, tốt nhất cũng là giả biệt thế gian một cách yên bình với tư tưởng thượng đế của họ hay tin tưởng trong những năng lực cao thượng. Đối với người Phật tử cũng như những truyền thống cổ xưa của Ấn Độ thừa nhận sự tái sinh hay thuyết nhân duyên nghiệp quả, tự nhiên trong thời điểm lâm chung, một thể trạng đạo đức của tâm thức là lợi lạc vô cùng.
Facing Death and Dying Well trích trong the Art of Living
Ẩn Tâm Lộ ngày 23/08/2011
[1] Guru yoga (bổn tôn du già)
Guru yoga là một thực hành chính yếu trong mọi trường phái Phật giáo Tây Tạng và đạo Bošn. Điều này chứng tỏ trong kinh tantra, và Đại Toàn Thiện. Nó phát triển sự nối kết trong lòng với vị thầy. Bằng cách liên tục làm mạnh lòng sùng mộ, chúng ta đến chỗ sùng mộ thuần túy, không lay chuyển, căn cứ thần lực của sự thực hành. Tinh túy của guru yoga là hòa lẫn tâm của hành giả với tâm của đạo sư.
Đạo sư chân thật là gì ? Đó là bản tánh nền tảng, vô tướng của tâm, tánh giác bổn nguyên nền tảng của mọi sự, nhưng vì chúng ta sống trong nhị nguyên, sẽ ích lợi cho chúng ta quán tưởng cái ấy trong một hình tướng. Làm như vậy là sử dụng một cách thiện xảo những nhị nguyên của tâm thức ý niệm để làm mạnh thêm lòng sùng mộ và giúp chúng ta nhắm đến thực hành và sự phát sanh những phẩm tính tích cực.
Trong truyền thống Bošn, chúng tôi thường dùng hoặc Tapihritsa như là đạo sư, hoặc Phật Shenla Odker*, ngài đại diện sự hợp nhất của tất cả chư đạo sư. Nếu bạn đã là một hành giả, bạn có thể có một bổn tôn khác để quán tưởng, như Guru Rinpoche hay một yidam hay dakini. Trong khi điều quan trọng là làm việc với một dòng phái mà bạn có một mối liên kết, bạn cần hiểu rằng đạo sư bạn đang quán tưởng là hiện thân của tất cả các đạo sư bạn đã liên kết, tất cả các vị thầy đã theo học, tất cả các bổn tôn bạn đã có những cam kết. Đạo sư trong guru yoga không chỉ là một cá nhân, mà là tinh túy của giác ngộ, tánh giác bổn nguyên nó là bản tánh chân thật của bạn.
Đạo sư cũng là vị thầy mà bạn nhận những giáo lý từ ngài. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng ta nói rằng đạo sư còn quan trọng hơn đức Phật. Vì sao? Bởi vì đạo sư là sứ giả trực tiếp của những giáo lý, người đem trí huệ của Phật đến cho đệ tử. Không có đạo sư chúng ta không tìm ra con đường của chúng ta đến với Phật. Thế nên chúng ta cần cảm thấy sùng mộ với đạo sư như đối với Phật nếu thình lình Phật xuất hiện trước mặt chúng ta.
Guru yoga không chỉ là phát sinh một cảm giác nào đó đối với một hình ảnh được quán tưởng. Nó được làm để tìm thấy tâm nền tảng trong chính bạn, tâm đó là nhất như với tâm nền tảng của tất cả các vị thầy của bạn, và của tất cả chư Phật và những bậc chứng ngộ đã từng sống ở đời. Khi bạn hòa nhập với vị guru, bạn hòa nhập với thật tánh nguyên sơ của bạn, nó là người hướng dẫn và đạo sư đích thực. Nhưng điều này không nên là một thực hành trừu tượng. Khi bạn làm guru yoga, hãy cố gắng cảm thấy lòng sùng mộ mãnh liệt đến độ tóc gáy dựng đứng, nước mắt bắt đầu rơi trên mặt bạn, và lòng bạn mở ra và tràn đầy tình thương mến lớn lao. Hãy để bạn hòa lẫn hợp nhất với tâm của guru, chính là Phật tánh giác ngộ của bạn. Đây là cách thực hành guru yoga.
http://hoavouu.com/D_1-2_2-
[2] Ý thức
[3] Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân thức
[4] Clear light: Tịnh quang hay ánh sáng trong suốt.
Source: thuvienhoasen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét