Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

* MỘT VIỆC LÀM TẮC TRÁCH




Chùa Vạn Đức ở Thủ Đức là ngôi tổ đình nổi tiếng, nơi cư ngụ của Đại lão Hòa Thượng T.Trí Tịnh, chủ Tịch HĐTS TW GHPGVN. Với uy đức và danh tiếng của Ngài, trong và ngoài nước ai cũng biết, vì thế tín đồ vân tập về tu tập khá đông, trong đó có gia đình đạo hữu Trần Chí Cường, pháp danh Hoằng Kiên.
Trước ngày Hòa Thượng chủ tịch viên mãn độ hơn một tháng thì thân mẫu của đạo hữu Trần Chí Cường cũng ra đi vì bệnh tật, được chư Tăng chùa Vạn Đức hộ niệm suốt thời gian trước và sau tang sự. Gia quyến cúng dường trai tăng và làm nhiều thiện sự để hồi hướng phước báu cho cụ bà, xin lưu cốt lại chùa sau 49 ngày sẽ thỉnh về; nhưng chẳng may lúc ấy sư ông T.Trí Tịnh viên tịch, nên tang quyến chưa tiện thực hiện, tuy nhiên mỗi ngày đều đến chùa tụng kinh. Sau vài tháng, gia đình đến thỉnh cốt về thì phát hiện cốt không còn, được quý thầy cho biết đã đem thủy táng mà không cho tang chủ biết. Quá bức xúc nên hôm sau gia đình đến trình vấn thầy Hoằng Tri, trụ trì chùa Vạn Đức từ Thái Lan về. Thầy Hoằng Tri có vẻ khó chịu và thách thức: “Bây giờ cô chú muốn gì? Cứ việc đi thưa hoặc muốn đền cái gì?”
Gia đình bất ngờ về thái độ và ngôn ngữ của một trụ trì tổ đình nổi tiếng như thế, nhưng tang chủ cố bình tĩnh phân trần về tình và lý trong nhà đạo cũng như việc ngoài đời: “Cầm đồ lỡ trễ hẹn không ai nỡ thanh lý liền, huống chi đây là hũ cốt để ở chùa”. Thế là sư trụ trì T. Hoằng Tri nổi tam bành thịnh nộ. Một chú sa di thị giả tên Hoằng Hiền, hùng hổ sừng sộ chống nạnh: “Bây giờ các người muốn gì?”. Các thầy đứng gần, bức xúc, biết lỗi do nhà chùa nên điềm đạm nói: “Thôi, cho thầy nhận lỗi hết”.
Đáng ra, muốn thủy táng cũng phải báo cho gia chủ biết, vì ai lưu cốt tại chùa cũng có để địa chỉ, số điện thoại và dĩ nhiên đóng góp chi phí cho chùa. Gia đình biết nói thế nào với thân nhân ở xa về trước sự cố xem thường tình cảm và tâm linh của nhà chùa như thế. Trụ trì một tổ đình lớn cần phải khiêm hạ, không nên xem thường bá tánh, xem thường tình cảm huyết thống của thế gian. Một người thân bị mất tích còn hy vọng có ngày gặp lại, tự động thủy táng tro cốt người thân của họ là một việc làm thiếu đạo đức. Trước việc bức xúc đau khổ của người còn sống đối với kẻ ra đi bị xem thường, đáng ra nhà chùa ôn tồn, xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình thì tang chủ bớt phần thương tổn; ngược lại thái độ cao ngạo thách thức đó cho phép quần chúng đánh giá về nhân cách của một trụ trì không biết tàm quý trước sự sai trái của mình. 

Trụ trì chưa phải là gì ghê gớm lắm, kể cả trụ trì một tổ đình nổi tiếng lại tự mình bôi đen uy tín của sư phụ vừa ra đi. Thái độ tắc trách đó là bài học cho tất cả những tu sĩ đang làm nhiệm vụ hướng dẫn quần chúng trên con đường đạo đức tâm linh; biến xấu thành tốt chứ không phải biến tốt thành xấu như vậy.

MINH MẪN
24/10/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét