Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

* TỪ THIỆN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ...

(Bài 1)
* BẾP VÀ QUÁN ĂN TỪ THIỆN
Những năm gần đây, vấn đề từ thiện trở thành một phong trào, trong đó với tấm lòng chân thành vì người nghèo cũng có, cũng không thiếu kẻ lạm dụng từ thiện làm những việc bất minh.
Trước nhất, xin nói đến những bếp ăn từ thiện dành cho các bệnh viện. Những bếp ăn từ thiện nầy, đầu tiên được huynh đệ đồng đạo Hòa Hảo khởi xướng, từ mô hình nầy, được nhân rộng khắp các Tỉnh thành phía Nam, sau đó một số chùa và Mạnh thường quân tiếp tục phát triển không những trong các bệnh viện giúp bệnh nhân nghèo và thân nhân bệnh nhân nghèo, còn ra đến trường học và xã hội.
Các bếp ăn từ thiện trong bệnh viện, phải kể đến Bảo Hòa tại TP của cô Thủy, tồn tại trên dưới 20 năm, công tác rất chuyên nghiệp, thường xuyên cho bệnh viện ung bướu, huyết học, Chợ Rẫy, Gia Định... Tuy chưa có mặt bằng làm cơ sở ổn định, giữa Thành phố phải thuê mướn với giá khá cao, chi hội Bảo Hòa vẫn cố gắng tồn tại và được sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm về gạo, thực phẩm. Nhân sự  từ các đồng đạo tại miền Tây nam bộ, nhất là An Giang, Sa Đéc, luân phiên từng nhóm thay nhau công quả một cách nhiệt tình sốt sắng.

Các quán ăn như Thiện Tâm quận ba gần kênh nhiêu Lộc của ông Thương. Quán cơm 2.000 ở Lữ Gia, quận 11. Quán cơm 2.000 Ngô Quyền quận 10. Quán chay từ thiện Vợ Thằng Đậu của cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu quận Thủ Đức. Ở quận 6 có quán của vợ chồng anh Hùng, và còn nhiều nơi chưa được biết. Những nơi thường xuyên cố định, còn có nơi phát cơm hộp vào ngày rằm mồng một ở một số điểm như chợ đầu mối Hốc Môn. Người Sài Gòn làm từ thiện rất nhiều và đa dạng.
Trong các Tỉnh thành ven Sài Gòn còn có bếp ăn tình thương do từ thiện Thiện Hòa của anh Trần Thanh Liêm khai sáng và điều hành ở bệnh viện Tỉnh Bình Dương và bệnh viện thị xã Thuận An, còn quán chay xã hội cũng do anh Liêm điều hành giúp công nhân nghèo xa nhà, tạm trú nhà trọ gần các xí nghiệp.

Ở Sa Đéc có thầy giáo Mót ngoài cơm từ thiện còn lập lò thiêu và nhà quàng miễn phí cho dân nghèo. Nhà ăn cho học sinh Thanh Bình-An Giang. Tổ từ thiện bệnh viện Đa khoa Cao Lãnh. Những vùng biên địa xa xôi như Kiến Tường Mộc Hóa, huyện Tân Hưng, xã Hưng Điền và bệnh viện huyện Vĩnh Hưng cũng vùng biên giới Long An-Campuchea đều tồn tại bếp ăn trên 20 năm. Chẳng những thế, hầu hết các bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân đều có xe đưa đón bệnh nhân miễn phí về các vùng sâu vùng xa. Tất cả làm với tâm thiện vô điều kiện. Từ Bến Lức trở xuống, mạng lưới bếp ăn từ thiện cho các bệnh viện miền Tây Nam bộ hầu như có mặt khắp nơi, do các đồng đạo Hòa Hảo đảm trách. Từ Đồng Nai Long Thành trở ra Vũng Tàu, một số chùa cung ứng cơm chay miễn phí cho bệnh viện và cho dân nghèo. Qua phà Cát Lái độ 5km, gia đình cô Hồng nuôi dưỡng người già, bệnh tật và cô nhi, còn nấu hàng trăm suất cơm cho học sinh từ ruộng bưng ra chợ để học mỗi ngày.
Và phía Bắc, hiện nay cũng xuất hiện một vài nơi, hoặc bán cơm từ thiện, hoặc thuần túy bố thí, do những thanh niên, trung niên Phật tử phát tâm đảm trách. Đây là việc hết sức mới đối với người dân phía Bắc, nhưng sự thể hiện tâm từ của con Phật sẽ được bồi đắp lan rộng để phủ dần những khiếm khuyết từ thiện mà thời gian khá dài xã hội phía Bắc đã đánh mất.

Ăn chay không còn là vấn đề xa lạ đối với xã hội Việt Nam, cũng từ đó, tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh thể hiện qua những việc công ích giúp cho bao mảnh đời cơ cực bớt phần khó khăn. Tình thương tôn giáo trở thành chất liệu gắn kết tình người trong cuộc sống hiện nay. Nếu thuần là thế, không có gì đáng phải nói, nhưng cuộc sống đa dạng thì tâm hồn cũng đa diện, những khuất tất từ sự đen tối của ý tưởng vô minh, thường đẩy con người thiếu tự chủ hành động theo những toan tính nhỏ nhen, lạm dụng lòng tốt và sự trung thực trong cuộc sống để thủ lợi bất chính.
Trong thư ngỏ của anh Trần Thanh Liêm, quản lý bếp ăn từ thiện bệnh viện Bình Dương bức xức bộc bạch và khẩn khoản yêu cầu, nêu:
"Lời nói đầu tiên, cho tôi được gửi lời tri ân sâu sắc đến tấm lòng thiện nguyện của quý vị, tôi chưa từng thấy nơi nào hoạt động từ thiện mạnh như ở Bình Dương, một bếp ăn mà có tới 20 đoàn đăng ký đến cho. Từ chỗ các đoàn vào đông quá, tổ chức không chặt chẽ, mỗi đoàn hoạt động mỗi kiểu, nhân sự thì không ổn định, nay người nầy, mai người khác chính là lý do tạo điều kiện cho những thành phần không tốt vào bệnh viện mang cơm đem về gia đình ăn, ăn không hết bỏ thùng rác hoặc cho gà vịt. Có đoàn vào năm ba chục người, tạo điều kiện cho những thành phần lợi dụng từ thiện đi quyên góp và vận động khắp nơi..."
Anh Liêm góp ý: "Chúng tôi không từ chối những sự hỗ trợ của quý vị, có thể quý vị ủng hộ 1kg nấm hoặc 1kg đậu hủ, để bếp nấu được ngon hơn, tuy không lớn nhưng nó rất ý nghĩa và sẽ hay hơn việc vào quá đông gây mất trật tự, vệ sinh trong bệnh viện".
Thật vậy, nếu phẩm vật được cung ứng cho bếp ăn tự nấu, vừa nóng, vừa đầy đủ phương tiện bảo đảm vệ sinh mà Chữ Thập Đỏ dễ kiểm định, vừa tránh lạm dụng đưa đến dư thừa phí phạm vì bếp ăn đủ nhân sự và khả năng quán xuyến, thì ý nghĩa và việc làm từ thiện mới đúng tinh thần lá lành đùm lá rách.
Trong 20 đoàn đăng ký đến phát cơm tại bếp từ thiện, có những món mà tại bếp đã nấu, có những món mà cứ ngỡ đoàn sẽ mang đến, lại không có, cái thừa cái thiếu làm cho việc quản lý cung cấp phần ăn hàng ngày có phần lúng túng. Cũng có đoàn mang đến tượng trưng một số phần ăn phân phối, kẻ có người không, nhưng nhân sự lại quá đông để chụp hình đang phục vụ phần ăn tại bệnh viện - đưa lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ. Cũng từng có công ty lạm dụng hội chợ ẩm thực chay do anh Liêm đứng ra tổ chức, để vận động tài chánh và quảng bá cho công ty mình. Cho thấy, bất cứ việc gì, nhất là từ thiện thường dễ bị lạm dụng cho mưu lợi bất chính. Ngay cả những kẻ tật nguyền, trẻ mồ côi cũng bị lợi dụng có tổ chức đưa đi xin về cho đàn anh đàn chị ăn không ngồi rồi, nhậu nhẹt cờ bạc.
Còn nhiều những khuất tất trong các bếp ăn, quán ăn từ thiện do một vài cá nhân lạm dụng lòng tốt của người khai sáng để thủ lợi. Trong xã hội, nơi nào cũng có, việc nào cũng có những hành động tiêu cực, khó mà kiểm soát hết. Người phát tâm làm từ thiện, người phát tâm ủng hộ tài vật hỗ trợ làm từ thiện, cần cảnh giác, không nên cả tin để rồi, người nghèo khổ không được hưởng bao nhiêu, lọt vào tay những đầu óc đen tối, không những tạo tội cho chính những đen tối đó, tâm từ và vật thiện lọt vào chốn vô bổ hóa ra chúng ta tiếp tay cho tội lỗi thông qua việc từ thiện.
 Rút kinh nghiệm từ bếp ăn bệnh viện Bình Dương, các bếp ăn khắp nơi cần cảnh giác, vừa bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tránh tiếng bị lạm dụng từ thiện để gián tiếp tiếp tay cho những người xấu. Hiện nay, phong trào từ thiện bị xem là "cái nghề" mới.
(Còn tiếp)

MINH MẪN
12/7/2015








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét