(bài 4)
*
GIÁO HỘI VÀ CHƯ TĂNG ĐỐI VỚI GĐPT.
Tại Miền Trung, từ Quảng
Trị trở vào đến Bình Thuận, trước 1975, các đơn vị GĐPT sinh hoạt cấp cơ sở như
Khuôn hội, niệm Phật đường, lên đến quận huyện và Tỉnh Thành, có tổ chức, có lý
tưởng và có đoàn kết dưới sự dìu dắt của Ban Hướng Dẫn các cấp. Tại Sài gòn-Gia
Định không có cấp cơ sở như Khuôn hội, niệm Phật đường, nên các chùa là điểm tập
hợp sinh hoạt trực thuộc BHD Tỉnh thành hoặc Miền.
Việc huấn luyện
từng cấp như: -Ngành Đồng - Ngành Thiếu - Ngành Thanh; Huynh trưởng phải qua
các khóa đào tạo tu tập dài hạn thông qua các trại huấn luyện: Căn cứ vào trình độ
tu học, phẩm chất đạo đức, năng lực sinh hoạt, tinh thần phục vụ và hội đủ thâm
niên, Huynh trưởng Gia đình Phật tử được sắp xếp vào các cấp bậc: cấp Tập, cấp
Tín, cấp Tấn, cấp Dũng, theo quy định cụ thể được ghi trong Nội quy Huynh trưởng.
Khá bài bản đã thành hình nhân cách nhiều
huynh trưởng, đoàn sinh của GĐPTVN, không thiếu những tu sĩ xuất thân từ lò huấn
luyện đó. Một trụ trì xuất thân từ GĐPT hẳn nhiên biết giá trị giáo dục của
đoàn thể áo lam, nên trụ trì thường cưu mang và bảo bọc để đoàn sinh được thoải
mái trong môi trường sinh hoạt. Sự nâng đỡ che chở của một trụ trì rất quan trọng
đối với các em, cho dù tuổi trẻ lắm khi vô tình làm phiền không ít Thiền môn mà
các anh chị huynh trưởng không thể nào quản lý hết những sự việc xẩy ra ngoài ý
muốn. Ngược lại, cũng không thiếu vị trụ trì không thích các đơn vị GĐPT sinh
hoạt tại chùa mình. Nếu có chăng, thì một số vị cũng xem GĐPT như những đạo
tràng chịu sự chi phối, sai bảo, phục vụ cho chùa theo cá tính của vị đó; buồn
vui tùy lúc mà đối xử với GĐPT như một nô bộc. Không thiếu trường hợp GĐPT bị
xua đuổi, đòi giải tán hoặc la mắng thậm tệ. Không những trong nước mà ngay cả
hải ngoại. Vị trụ trì chùa Hoa Nghiêm ở Santa
Ana từng nặng lời với các em đoàn sinh, mà theo luật
pháp Hoa Kỳ, đó là một vi phạm về sự nhục mạ người khác. Trong đơn vị sinh hoạt
tại đó, có những huynh trưởng và đoàn sinh là người có trình độ, kiến thức và địa
vị trong xã hội. Thế nhưng, là một phật tử ngoan đạo được giáo dục kính Phật trọng
Tăng nên các em kham nhẫn. Ngoài việc sinh hoạt theo chương trình tu học, đoàn
sinh còn phụ giúp việc chùa mỗi khi có lễ lộc, giúp thầy trụ trì và Tăng chúng
những việc trong tầm tay, nhưng đó là thiện nguyện chứ không thể là bổn phận
như những Phật tử trong đạo tràng do chùa thành lập. Cũng có vài trường hợp vị
trụ trì chưa hiểu tính độc lập về quy chế tổ chức và giáo dục của GĐPT, muốn
xen vào điều hướng các em theo lối giáo dục riêng như giáo dục một đạo tràng,
làm cho các huynh trưởng lúng túng khó xử, khi không đáp ứng yêu cầu đó
thì có ý nghĩ là các em bất tuân, bất trị
và ngạo mạn.
Thật ra, các em là những
mầm non của Phật giáo, là mũi xung kích bảo vệ đạo trong những lúc khó khăn như
lịch sử thập niên 1960 triều đại nhà
Ngô, của thế kỷ trước tại miền Trung Việt
Nam. Chính vì thế, không thiếu những anh chị lớn gặp nhiều khó khăn như cựu
huynh trưởng Tư Đồ Minh từng vào tù Côn đảo... và cũng có người nằm xuống sau một
đêm bị tra tấn đánh đập, đâm giết tàn nhẫn trên bãi cồn mã giữa đêm tối như cố
huynh trưởng pháp danh Tâm Khiết, tục danh Phan Duy Trinh, ở Thừa Thiên-Huế. Và
còn rất nhiều huynh trưởng bị bỏ bao bố thả sông trong hai triều đại đệ nhất và
đệ nhị Cộng hòa miền Nam Việt Nam,
do một số phần tử cực đoan, đố kỵ Phật giáo, lạm dụng quyền lực triệt tiêu nhân
sự nồng cốt của đạo Phật lúc bấy giờ.
Phật giáo gồm hai lực
lượng: Tu sĩ và cư sĩ, riêng cư sĩ chỉ có GĐPT là lực lượng cốt lõi có tổ chức,
có lý tưởng có nhân cách rõ ràng. Sau khi thành lập GHPGVNTN cũng như GHPGVN hiện
nay, Hiến chương đã đưa lực lượng nầy vào Tổng vụ Thanh niên trước kia và BHD
cư sĩ Phật tử hiện nay, trong đó có các đoàn Thanh niên thiện nguyện, sinh viên
học sinh Phật tử, Thanh niên Thiện chí... nhưng GĐPT vẫn là đoàn thể có tổ chức
chặt chẽ, được huấn luyện bài bản, thậm chí, sau 1975, đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh copy một số bài hát, chương trình sinh hoạt như các trò chơi trại để
huấn luyện cho đoàn đội của mình.
Như
thế để thấy tầm quan trọng của tổ chức GĐPTVN, không những là nội lực của Phật
giáo mà còn là lò rèn luyện nhân cách đạo đức cho thanh thiếu niên trong xã hội.
Điểm son nầy, không chỉ nội tình PGVN mới biết mà cả Phật giáo thế giới đều biết,
Thế giới không chỉ mới biết GĐPTVN sau ngày di dân tỵ nạn mà thập niên 70 thế kỷ
XX họ cũng đã biết, bằng chứng, tại hội nghị Phật giáo thế giới tại Nhật, một
thành viên Phật giáo Nhật Bản đã có nhận xét: Phật giáo Việt Nam có một tổ chức
Gia Đình Phật Tử với mục đích “giáo dục thanh
thiếu đồng niên, trở thành một Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội,
theo tinh thần Phật Giáo”. Tổ chức này có cả hàng dọc, có cả
hàng ngang, tập hợp được mọi thành phần thanh thiếu đồng niên để giáo dục, huấn
luyện trở thành những con người tốt cho xã hội.
Với
lý tưởng cao đẹp như thế,với tầm quan trọng gánh vác việc giáo dục Thanh thiếu
đồng niên sống theo tinh thần nhà Phật và cung ứng nhân cách cho xã hội, chúng
ta không thể phủ nhận GĐPTVN, chính vì thế, trải qua bao sóng gió, nó vẫn tồn tại
trong gian khó. Tại hải ngoại bị chia rẽ
bởi những thế lực vô minh, thì các đơn vị GĐPT vẫn là những nhánh con phát triển
theo tế bào gen của mình mà không sợ bị lai giống. Trong 5 điều luật của
GĐPTVN, điều thứ 5 viết: Phật tử sống hỷ xả để dũng tiếng trên đường đạo. Điều này nêu rõ thực tập hạnh hỷ xả và
tinh tấn của người Phật tử, đã là hỷ xả thì việc chính kiến sai biệt trong cuộc
sống là điều tất yếu, nhưng làm sao sai biệt tinh thần con Phật khi ngành Oanh
đã được giáo dục: Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.
Đã thuận thảo với anh chị em thì anh em tình lam cho dù ở xã hội nào, ở tổ chức
nào, dù thuộc GĐPT giáo chỉ, GĐPT phân Ban hay GĐPT Tăng đoàn... cũng đều chung
một mục đích rèn luyện nhân cách và đức tin, phụng sự Phật pháp, xây dựng xã hội,
sao ta không thuận thảo với nhau? Chúng ta chỉ nhìn chung màu Lam chứ đừng thấy
màu Lam là màu vàng hay màu đỏ. Một điểm rất quan trọng trong ngành Oanh cần phải
học là: Em thương người và vật; Vật còn thương thì Anh Em Tình Lam không là người để mình thương hay sao???
Trong Hiến chương của
GHPGVN năm 1981 chưa đề cập đến GĐPT, có lẽ chưa thấy tầm quan trọng của một
đoàn thể trẻ của Phật giáo, cũng chưa đề cập đến Ni bộ và hàng cư sĩ Phật tử. Cả
một hệ thống tổ chức chỉ có chư Tăng, đại diện tượng trưng cho PGVN. Ngôi nhà gồm
tứ chúng mà chọn một chúng tiêu biểu, vì thế Phật sự dẫm chân tại chỗ suốt nhiều
nhiệm kỳ, mãi đến tu chính hiến chương lần thứ V mới đặt GĐPT vào Phân ban trực
thuộc BHD nam nữ cư sĩ Phật tử lúc bấy giờ. Tuy Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chấp
nhận sự tồn tại mặc nhiên của đoàn thể áo Lam, nhưng Giáo hội vẫn chưa có một kế
hoạch hỗ trợ GĐPT phát triển độc lập theo tôn chỉ đã có. Trong khi đó, GĐPT
giáo chỉ cũng èo ụt một vài nơi Miền Trung, GĐPT Tăng đoàn cũng vẫn tồn tại khá
mạnh sau những giông bão từ xã hội lẫn nội bộ.
Đến giờ phút này, một số
chư Tăng vẫn chưa thấy giá trị của đoàn thể áo Lam cần hỗ trợ cho họ phát triển;
vẫn chưa thấy tính độc lập trong tổ chức để cho các em một không gian riêng biệt.
Chính một số chư Tăng mới là trở ngại lớn cho các đơn vị áo Lam. Ngay tại Bình
Thuận, GĐPT bị một tu sĩ chức sắc trong BTS PG Tỉnh o ép đòi giải tán. Lắm khi
các em tự hỏi - ngoài xã hội thiếu gì đoàn thể để tham gia vui chơi giải trí, tại
sao các em phải khép mình trong tổ chức màu Lam dưới mái chùa mà quý thầy xem
các em là thành phần gây phiền nhiễu? Xua đuổi các em như thành phần tầm gởi
trên thân cây Phật giáo? Tại Hốc Môn, một đơn vị cũng bị trục xuất, sinh hoạt
lang thang như đứa con vô thừa nhận. Làm cha mẹ bỏ rơi con đã là vô lương tâm,
Tăng sĩ xua đuổi con Phật học hạnh ngoan hiền phải chăng là vô trách nhiệm???
Cũng bởi các em không chấp nhận sự sai khiến vô lý của cá nhân thầy trụ trì.
GĐPT truyền thống đã bị
cơn bão giáo chỉ số 09 và 10 của GHPGVNTN phân tán tả tơi, trôi giạt đến Tăng
đoàn, để chồi non GĐPT Giáo chỉ yếu kém ra đời. Nhờ những giông tố như thế mà
GĐPT trăm hoa đua nở khắp nơi, biểu hiện sự phát triển chứ không phải hiện tượng
tan rã.
Đã đến lúc Giáo hội và
chư Tăng cần minh định thái độ đối với tổ chức GĐPT, cho dù xã hội phân chia, đối
xử theo biên kiến, nhưng với tình thương nhà Phật, chúng ta phải dang tay bao bọc
để các em trở thành người tốt cho Đạo và Đời, bởi lẽ dẫu sao các em vẫn là mầm
non của Phật pháp, vẫn tốt hơn những thành phần bất hảo ngoài xã hội.
Hy vọng, các đoàn thể
áo Lam sẽ vượt qua những cơn giông bão để tăng trưởng như sự tăng trưởng của
các cổ thụ nhờ kinh qua những cơn giông bão của thiên nhiên!
MINH
MẪN
19/7/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét