NHỮNG
CHUYẾN TỪ THIỆN
Sau năm 1990 những
chuyến từ thiện bắt đầu rộ nở. Khởi đầu là các chùa tại Sài gòn, trong đó, phải
kể đến tính chuyên nghiệp và thường xuyên là thầy Quảng Niệm, quận 12. Thầy
thường xuyên tổ chức sau những đợt ra nước ngoài vận động kinh phí. Mặc dù chùa
của thầy chưa hoàn chỉnh ngăn nắp, nhưng trong chùa luôn chất chứa các bao tải
áo quần, thuốc men, thực phẩm để chuẩn bị cho những chuyến tiếp theo.
Kế đến là sư cô Quang
Duyên thuộc hệ Nam Tông (đây là hiện tượng cá biệt, vì Nam Tông ít khi nào chú
trọng việc từ thiện, cô Quang Duyên trước kia là nhân viên đài truyền hình,
xuất gia theo Nam Tông, đệ tử TT. T. Thiện Minh chùa Bửu Quang, tọa
lạc ở số 171/10 Quốc lộ 1A, Gò Dưa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, được sư
phụ cho phép thực hiện hạnh lợi tha qua các công tác từ thiện vùng cao, vùng
xa).
Phải
nói, người dân Miền Nam
nói chung và Sài gòn nói riêng, rất có tâm từ thiện trong mọi mặt, phần lớn các
chùa và một số rất ít cư sĩ đứng ra tổ chức các chuyến từ thiện đến các vùng
cao. Đặc biệt, một số đồng bào Việt kiều hải ngoài cũng thường xuyên đóng góp
để hỗ trợ người đứng ra chủ động việc làm từ thiện ở quê nhà, trong đó, xây cầu
tại miền quê, đào giếng, cất nhà.
Xây
cầu thì có anh Nguyễn văn Công, Việt kiều Pháp, thường trú tại Hốc Môn, được sự
yểm trợ các mạnh thường quân trong và ngoài nước đã xây gần 200 chiếc cầu vùng
miền Tây Nam bộ.
Chị
Việt Ly, Việt kiều Mỹ, phu nhân của một Trung tá bác sĩ quân Y Hải quân Mỹ, mỗi
năm, ít nhất hai lần về quê để xây cầu, chuyển thực phẩm, áo quần lên các vùng
cao, sâu, tại Tây Bắc như Hà Giang... cho đồng bào sắc tộc chưa hề tiếp giáp
với nền văn minh của người Kinh hay biết đến cuộc sống của phố thị. Hầu như các
vùng Tây Bắc đều có dấu chân của người phụ nữ trung niên năng động nầy. Những
cư dân vùng núi giáp giới không ai còn xa lạ với Việt Ly. Người ta vẫn đặt vấn
đề - một phụ nữ có cuộc sống ổn định và địa vị của gia đình đáng trân trọng tại
xứ sở văn minh, tại sao chịu khó vất vả cho những chuyến từ thiện xa xôi, khó
nhọc mà một thân một mình can đảm xông vào chốn hoang vu, đường đèo hiểm trở
như thế để làm gì? Thật ra cũng không khó để hiểu rằng, cả hai vợ chồng của
Việt Ly đều là Phật tử thuần thành, ăn chay trường, không có con đẻ, từ thiện
là hạnh nguyện và cũng là niềm vui của một gia đình Việt kiều xa quê dành tình
thương cho những gia cảnh đói nghèo mọi mặt ở giữa núi non trùng điệp. Những
tấm ảnh chị Việt Ly cho thấy, trẻ con nơi đó không có tấm áo vào mùa giá rét.
Bà mẹ ẳm đứa bé để xuống đất, chúng co chân lên vì mặt đất ẩm ướt và quá lạnh.
Nhìn những gương mặt hồn nhiên của lũ trẻ, cặp mắt sung sướng khi cầm được từng
gói bánh kẹo ngọt ngào tình thương yêu mà chúng không cần biết họ từ đâu đến.
Cũng có thể người lớn thầm cám ơn Thượng đế. So với Tây nguyên thì người sắc
tộc vùng Tây Bắc theo Tin Lành ít hơn. Tín ngưỡng truyền thống của mỗi bộ tộc
mỗi khác. Cuộc sống họ đơn thuần, vì thế, nhu cầu của họ cũng chỉ cần cái ăn
cái mặc. Có lẽ chưa đoàn từ thiện nào có mặt trên núi cao, trong các bản làng
Tây Bắc như cá nhân Việt Ly đem những đồng tiền của Việt kiều về giúp cho dân
làng bị lãng quên trong xã hội công nghiệp hiện đại. Những chuyến hàng và những
việc làm của chị Việt Ly thật đáng trân trọng và không thể đòi hỏi hơn. Cuộc
sống hiện tại ở nơi nầy chỉ cần con cá chứ chưa cần đến chiếc cần câu; trình độ
dân trí của đồng bào sắc tộc nơi đây so với Tây nguyên vẫn còn một khoảng cách
khá xa. Tuy khó nhọc với những chuyến hàng trên chục ngàn đô la, tính cả mọi
chi phí vận chuyển, cũng chỉ là hạt muối bỏ biển, nhưng có còn hơn không. Đôi
tay bé nhỏ của một phụ nữ không thể gánh vác tất cả cuộc sống bản làng, nhưng
ít ra nói lên tấm lòng vị tha của người con Phật, biết đồng cảm sự thiếu đói,
khổ đau với thiên nhiên mà bao thế hệ người dân sắc tộc đã chịu đựng và tiếp
tục chịu đựng.
Trở
lại vấn đề những chuyến từ thiện bộc phát tự nguyện của một số chùa và tư nhân
đến các vùng Tây nguyên cũng như vài địa phương duyên hải miền Trung đất Việt.
Không ai phủ nhận tấm lòng vô biên vì người nghèo đói những nơi đến. Cái đói
cái nghèo nơi đây là chuyện trường kỳ. Trước 1975, các sắc tộc sống bằng nghề
săn bắn và du canh du cư trong rừng sâu, do vậy đói thì không mà giàu cũng
chẳng có. Sau 1975, để dễ kiểm soát an ninh, bảo vệ rừng và thú hoang, nhà nước
kêu gọi họ định cư hoặc ven bìa rừng, hoặc sống gần với người Kinh. Canh tác
đúng vụ mùa, không phá rừng săn bắn; cuộc sống thiên nhiên theo truyền thống đã
quy vùng, hạn chế mặt sinh hoạt và sinh kế. Họ không biết tính toán mua bán nên
cũng bị một vài người Kinh lợi dụng sự chân chất mua bán ép giá từng con gà cái
trứng hoặc đặc sản của núi rừng. Chính cuộc sống thiếu hụt nên cần đến nhiều
bàn tay hỗ trợ; các Mục sư Tin Lành chịu khó vất vả đến với họ bằng đồng tiền
mọn và cuốn Kinh Thánh trong buổi đầu, thế là Chúa đã sống với họ qua cây Thập
giá và các Mục sư vào mỗi tuần chủ nhật. Cơm gạo cũng chỉ tượng trưng chứ không
giúp họ thoát khỏi đói nghèo và cuốn Kinh Thánh cũng chỉ là món quà tinh thần
chập chờn trong ý nghĩ mông lung như hoa nắng giữa hư không của các lữ hành
cháy khát giữa sa mạc. Tuy những thứ đó chỉ là ảo giác, nhưng ảo giác đã giúp
họ đánh lừa khát vọng về một cuộc sống vĩnh cửu cho mai sau. Họ đã an trú trong
cuộc sống vật chất và niềm tin như thế.
Những
người con Phật, vì tình thương, đã đến với họ bằng cả tấm lòng, gói quà vài
trăm nghìn giúp họ lây lất chưa đến một tuần, bao tử họ vẫn trống và tinh thần
họ vẫn chập chờn ảnh Chúa trên cao. Việc từ thiện của những đoàn như thế ngang
bằng với việc cấp cứu thiên tai, mang tính chữa cháy mà không giúp họ thoát
được sự bế tắt lâu dài. Nghèo đói là thửa ruộng tốt cho hạt giống đức tin huyền
ảo nầy mầm nhưng là mảnh đất xấu làm cho cuộc sống cằn cổi thê lương. Việc làm
nầy cũng là hạt muối bỏ biển nhưng hạt muối bỏ biển nơi vùng Tây Bắc vẫn có giá
trị hơn hạt muối cho vùng Tây Nguyên; vì cư dân sắc tộc Tây nguyên dẫu sao cũng
sống gần và tiếp cận với người kinh, họ từng sở hữu T.V, xe gắn máy, điện thoại
di động; một số tiện nghi tối thiểu cũng đã được họ tiếp nhận. Trình độ kiến
thức ít ra cũng có một số con em về phố ăn học, có một ít tốt nghiệp đại học,
đa phần con em có được con chữ và thành thạo tiếng Việt. Việc còn lại chỉ cần
hướng nghiệp để họ tự lập cánh sinh hơn là từng gói quà mọn mà tiền vận chuyển
ngang bằng tiền quà, chi phí hao tốn mà giá trị sống cũng chỉ chưa đến một
tuần, thế là họ ngồi chờ các đoàn tiếp tế khác từ Thành phố hoặc đâu đó nơi
chân trời xa xôi mang đến như một thú vui chợt đến chợt đi. Theo báo cáo của
các đoàn từ thiện Phật giáo, hàng năm hàng vạn tỷ đồng đổ vào chốn không đáy
như thế mà nghèo vẫn nghèo, thiếu vẫn thiếu, chỉ còn lại niềm tin Thiên Chúa là
tồn tại lâu dài.
Đây
không phải lỗi của các đoàn từ thiện, mà Ban Trị Sự địa phương và Trung ương
chưa có kế hoạch lâu dài đối với đời sống của đồng bào sắc tộc. Tại sao nhà
nước có đủ điều kiện vật chất mà vẫn thất bại trong việc nâng cao đời sống của
họ? Bao nhiêu tiền của, máy móc, nhân sự đầu tư
cho cuộc sống đồng bào sắc tộc đến nay vẫn là con số không? Vật chất
không thể là điều kiện duy nhất như vật liệu lấp đầy một lỗ trống; con người
không phải là một lỗ trống vật chất. Đem cái ăn cho họ mà tình cảm và tinh thần
của họ còn một khoảng trống, không có chỗ bám víu niềm tin thì sự sụt lở tâm
linh đưa đến đời sống vật chất là chuyện tất yếu. Nhà nước đủ khả năng giải
quyết vật chất mà còn thất bại thì các đoàn từ thiện của Phật giáo làm bằng cái
tâm tượng trưng mang tính biểu diễn và phong trào cũng hoài công phí sức.
Hàng
ngàn tỷ đồng mỗi năm nếu có kế hoạch hướng nghiệp và chuyển hóa đức tin thì
cuộc sống chắc chắn sẽ ổn định. Bước đầu thử nghiệm trong phạm vi hẹp làm mẫu,
khi thành công sẽ nhân rộng. Chương trình hướng nghiệp tùy thuộc nhu cầu và
điều kiện tại mỗi vùng, cần có chuyên gia nghiên cứu đặc tính mỗi địa phương mà
có các hướng nghiệp khác nhau. Dĩ nhiên cần có sự hợp tác của địa phương để hỗ
trợ chuyên viên ngành nghề và chuyên viên về đất đai. Cũng có thể tài trợ cho
một vài cá nhân trẻ sắc tộc có trình độ, về Thành phố tập huấn ngành nghề thích
hợp để về địa phương giúp kế hoạch phát triển kinh tế bản làng.
Tạo
cuộc sống lâu dài và ổn định chứ không cần chắp vá giựt gấu bấu vai như các
đoàn từ thiện làm hàng chục năm qua. Nếu làm từ thiện như thế, thà giúp cho học
sinh nghèo thiếu điều kiện ăn học tại Thành phố hoặc miền quê, giúp cho bệnh
nhân không có tiền cứu chữa, giúp cho bao kẻ không nhà ngủ đầu đường gầm cầu,
công viên... còn có ý nghĩa và thực tế hơn. Đây là nói đến giá trị và hiệu quả
của công tác từ thiện mà nhiều đoàn thiếu kế hoạch. Hẳn nhiên việc nào cũng
không tránh khỏi một vài cá nhân thủ lợi, không cần đề cập ở đây; chỉ cần thay
đổi nếp suy nghĩ để việc làm từ thiện với tấm lòng cao thượng mang đến hiệu quả
lâu dài hầu cùng nâng mặt bằng cuộc sống của người vùng cao và vùng đồng bằng,
không ngang nhau thì ít nữa không có khoảng cách quá xa như hiện nay. Tâm từ của Phật giáo tuy vô tướng vô tác
nhưng phải có mục đích rõ ràng, can đảm dấn thân đó là hạnh Bi- Trí - Dũng của
người con Phật.
MINH MẪN
16/7/2015
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét