Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

TÔN KÍNH và CÚNG DƯỜNG ĐỨC PHẬT

blank
Nguyên Giác

1 Dalai_Ban nhac_7 7 2015
Hình 1: Một ghế trống đặt giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và 
GS Tenzin Dorjee, Chủ tịch hội Tibetan Association of Southern California.
Tôn kính, cúng dường một vị Phật cũng là tôn kính và cúng dường vô lượng Đức Phật. Do vậy, lòng tôi  luôn luôn hoan hỷ khi nghĩ về Đức Đạt Lai Lạt Ma, người tôi tin là một hóa thân của Đức Phật Quan Âm. Đi khắp trần gian này để đưa chúng sinh qua bờ bên kia… hẳn là tâm của một bà mẹ. Tôi luôn luôn muốn rằng mình có nhiều cơ hội để tôn kính và cúng dường chư Phật – cũng là Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng là các bà mẹ thế gian này, và tất cả những vị thầy dạy pháp cho mình.
Buổi nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma chiều Thứ Ba 7-7-2015 không nằm trong các chương trình có công bố trên truyền thông dòng chính. Tôi cũng không ngờ, rằng chương trình này nói toàn tiếng Tây Tạng. Tất cả mọi người trên sân khấu đều nói tiếng Tây Tạng, chỉ trừ ban đầu cô Ann Curry trong cương vị MC nói vài câu tiếng Anh.
2 Dalai_Tenzin_7 7 2015
Hình 2: GS Tenzin Dorjee quỳ, nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma
Đó cũng là lần đầu tiên tôi được nghe hoàn toàn, một sự kiện nhiều giờ, trong tiếng Tây Tạng -- cầu nguyện, ca hát, và rồi Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng, kể cả khi ngài nói giỡn (dĩ nhiên, tôi không hiểu, nhưng rồi thấy Ngài và rồi cả ngàn người cười phá lên). Không khí huyền ảo như dưòng siêu thực, khó gặp lần thứ nhì trong kiếp này. Buổi lễ có tên là Tibetan Long Life Prayers to His Holiness The Dalai Lama, trên nguyên tắc chỉ giành cho cộng đồng người Tây Tạng lưu vong và những người Mỹ biết nóí tiếng Tây Tạng.
Nhiều người Mỹ trắng ngồi quanh tôi, cũng gật gù theo một số câu nói của Ngài, và rồi cười khúc khích khi Ngài nói cười… nghĩa là, nhiều nhà trí thức Hoa Kỳ có nghiêm túc học tiếng Tây Tạng khi học Kinh Phật. Chỉ có tôi ngồi im lặng khi mọi người cười giỡn, vì mình chẳng hiểu gì cả. Không phải đâu, cùng số phận với tôi là  các em bé Tây Tạng và Mỹ trắng, và Mỹ vàng trong hội trường Brent nữa, có em còn nằm trên tay bồng của mẹ, dĩ nhiên các em chẳng hiểu người lớn nói gì,  vì các em ở nhà chỉ xem TV nói tiếng Anh. Có lẽ.
*
Về nhà, mệt kinh khủng, sau nhiều ngày chạy theo tin thời sự, từ các buổi Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, rồi số báo đặc biệt để cúng dường Ngài, và rồi phải xem tin TT Obama tiếp khách… tính tắt máy để ngủ, được anh bạn thân -- nhạc sĩ Trần Chí Phúc -- gửi email nhắc: “Cuộc sống ngắn lắm, thời gian không chờ chúng ta đâu…” Do vậy, những dòng chữ này được viết để kể về một buổi lễ cầu nguyện trường thọ cho một vị, mà tôi tin rằng, thế gian rất mực hy hữu.
Công việc của tôi là cầm 12 ấn bản đặc biệt in màu của Việt Báo, số Thứ Hai ngày 6 tháng 7-2015 tới giao cho GS Tiến sĩ Tenzin Dorjee, Chủ tịch hội Tibetan Association of Southern California, để cúng dường Đức Đạt Lai Lạt Ma và phái đoàn chư tăng Tây Tạng. Ấn bản này in song ngữ Anh-Việt, nên tốn sức, làm rất mệt nhọc.
Đậu xe xa kinh khủng. Vì các sân gần đó đã đầy chỗ. Rời sân đậu xe, chỉ sợ lúc về tìm lại không ra, nên phải ghi chú đường đi, ngã quẹo, thậm chí chụp hình một biểu ngữ quảng cáo ở góc đường để làm dấu. Hóa ra cái đại học UCI này lớn kinh khiếp.
Bên ngoài hội trường Brent, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ được cộng đồng Tây Tạng làm lễ chúc thọ, một nhóm khoảng 20 người, Mỹ trắng và vàng, mặc áo tu sĩ Tây Tạng và đời thường, đang đánh trống quân hành, la hét chỉ trích Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Lòng tôi buồn kinh khủng. Buồn không chi kể nổi. Tôi đã quan sát tình hình này từ lâu. Dorje Shugden, vị thần hộ pháp, được thờ từ lâu bởi dòng Mũ Vàng, nhưng rồi chính Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng vị thần này gây bạo lực, gây chia rẽ bộ phái, vì lý tưởng là phải tu học bất phân bộ phái. Chỗ này có thể hiểu rằng, các vị hộ thần cũng là một chúng sinh ở cõi vô hình, không phải vị nào cũng thích nghi với pháp tu của Phật Tử. Và nên hiểu rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma trong khả năng thiền định của Ngài, đã nhận ra vị Shugden là một “ác linh,” không thích hợp với pháp tu từ bi và hòa hài xã hội.
Đặc biệt, nhà nước Trung Quốc gây chia rẽ thêm, đã  ra lệnh cho các tu viện trong vùng Tây Tạng phải dựng tượng và thờ phượng vị thần Shugden. Chính phủ TQ cũng cung cấp tiền, hỗ trợ các bộ pháí thờ Shugden tại Ấn Độ, Nepal, toàn cầu để làm suy yếu vị trì của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ tháng 12-2-12, nhà sư Lama Jampa Ngodrup được chính phủ TQ giao nhiệm vụ ra hải ngoại, cổ vũ thờ vị thần Shugden.
Tôi hoàn toàn không thể hiểu được tại sao những người tự nhận là Phật Tử này có thể đánh trống, hô hào la hét, chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vì sao Phật Tử hung hăng như thế? Trước giờ, tôi đã không dám nặng lời với bất kỳ ai, ngay cả một người khác đạo đang hung hăng tấn công mình. Có cái gì rất bệnh ở kiểu như thế. Thêm nữa, trong cương vị nhà báo ngồi giữa Little Saigon, tôi đã quen với nhiều sóng gió. Đôi khi, có những người gọi điện thoạị vào tòa soạn, mắng tôi xối xả vì dung chữ không thích nghi, hay vì lỗi chính tả nào đó, hay vì bản tin dịch thiếu sót…  Ra phố, gặp mục sư hay linh mục, tôi cũng chắp tay kính lễ.
Tôi rất ít khi tranh luận… phần lớn vì nhớ lời dặn của thầy tôi, rằng chuyện gì cũng có nhân quả. Đặc biệt nên tránh tranh cãi, vì nếu mình nói đúng Phật Pháp, mà người kia nhất định cãi bướng, kiếp sau họ khó gặp lại Phật Pháp. Thêm nữa, Thầy dạy, ra đường, thấy một em nhỏ cũng chớ xem thường, vì em bé đó có thể là một vị thánh tái sinh, hay một vị bồ tát tái sinh…
Khoảng 1 giờ trưa, nhóm Phật tử Shugden im lặng, dẹp trống, ngồi nghỉ mệt… có lẽ, họ chờ xe buýt tới, chở đi. Thêm nữa, họ biểu tình chống Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng mấy ngày rồi, hẳn là mệt.
Tôi thấy anh Tenzin đứng sau một chiếc bàn. Tôi đưa tay lên hét, “Mr. Tenzin Dorjee.” Anh bước ra, bắt tay chào, nhận 12 số báo gói sẵn, và đưa một vé vào cửa cho tôi. Anh nói rằng bây giờ cons ớm, vì một giờ rưỡi chiều mới vào hội trường. Những người giữ an ninh mặc đồng phục giăng dây để làm mọi người xếp hàng chờ sẵn. Thế rồi, anh Tenzin biến mất dạng. Cũng nên nói thêm, anh nguyên là nhà sư Tây Tạng ra đời, bây giờ vẫn độc thân (và có lẽ, sẽ độc thân suốt kiếp này, vì có một số vị lạt ma được chỉ thị ra đời để hoằng pháp), học xong Tiến sĩ và bây giờ dạy ở đạị học CSU Fullerton. Bản thân anh là Hội trưởng của hội Tibetan Association of Southern California.
Tôi nhìn chung quanh. Hầu hết đứng để chờ vào, vì ai cũng mặc trang phục lễ hội, màu sặc sỡ như trang phục thổ cẩm của người Hmong tại miền núi Việt Nam.. Thấy rõ đấy: gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, đối với dân Tây Tạng là lễ hội lớn. Trẻ em cũng mặc trang phục lễ hội nữa, có em khóc, có em chạy giỡn và bị mẹ nắm tay ghìm lại, bắt chờ. Những người Mỹ trắng cũng đông…
Tôi tới các bàn đang bày bán kỷ vật, khăn quàng, trang phục, chuông, mõ… kiểu Tây Tạng. Phải mua cái gì chớ, vì Ngài Đạt Lai Lạt Ma sau năm nay, không chắc gì tới Quận Cam nữa. Năm nay, Ngài 80 tuổi, và sẽ được sắp xếp tới các thành phố khác sau này.
*
3_Dalailama_Nguyen Giac
Hình 3: Cư sĩ Nguyên Giác đứng bên một Phật tử Tây Tạng 
với biểu ngữ ủng hộ Ngài Đạt Lai Lạt Ma
Tôi luôn luôn nhìn Đức Đạt Lai Lạt Ma như một hóa thân của Đức Quan Âm. Tôi đã dự pháp hội của ngài nhiều năm nay, ở Pasadena, ở Long Beach, ở Quận Cam… Lần họp báo giành cho rất ít phóng viên ở Long Beach mấy năm trước, tôi nhường cho hai bạn  phóng viên – Tâm Huy Huỳnh Kim Quang và Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy – tham dự, vì biết là sẽ có cơ duyên đứng bên Đức Đạt Lai Lạt Ma chụp hình. Hóa ra, hai anh này lúng túng, không được chụp hình gần, lại thành ra chụp hình giùm cho mấy người khác; tôi còn nhớ và còn giữ mấy tấm ảnh chụp hình một vài nhà báo gốc Việt đứng kế bên Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tôi tham dự các pháp hội chỉ vì lòng tôn kính, thuần túy vì lòng tôn kính. Không phảỉ vì nghe pháp. Tôi đã mua qua Amazon sách của ngài, nhiều tới để sách chất ở đầu giường, ở bên giường để ban đêm hễ mở mắt là thấy có sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma để đọc, và tin rằng mình đọc  kỹ hơn rất nhiều người. Đó là đọc, dĩ nhiên là đọc bản Anh ngữ, còn nói rằng mình hiểu Phật pháp tới đâu thì, dĩ nhiên, có thể gọi rằng chẳng tới đâu – hay để nói cho gọn kiểu người xưa, rằng chỉ nhớ có mỗi chữ Như. Nếu không nhầm.
Khởi đầu buổi lễ, ba vị sư Tây Tạng mũ vàng làm nghi thức, kiểu như tụng kinh, giống như hát, và nghi lễ vân vân.  Tôi tự chọn ngồi cánh trái, trên cao để dễ chụp hình. Máy hình mua nhiều năm trước, nên không tối tân, nhưng cũng tạm xài trong hội trường Brent của UCI, nơi kiến trúc theo kiểu một sân vận động trong phòng.
Anh bạn Giáo sư Tenzin Dorjee ngôì trên sân khấu, cách Đức Đạt Lai Lạt Ma một ghế trống. Tôi không hiểu ý nghĩa ghế trống để bên Đức Đạt Lai Lạt Ma có ý nghĩa gì. Có thể tượng trưng cho Đức Ban Thiền Lạt Ma đang bị Trung quốc giam cầm? Không hiểu nổi. Cô MC Ann Curry đứng ở bục, nói vài câu tiếng Anh là thôi. Từ đó trở đi, là nói toàn tiếng Tây Tạng. Tôi nghe dĩ nhiên không hiểu, nhưng bầu không khí tuy rộng tới khoảng 2,000 người ngồi, nhưng vẫn đậm chất thân thương.
Một điều để nghiệm ra rằng, tuy anh Tenzin là Hội Trưởng, đứng ra tổ chức, nhưng bản văn chúc thọ Đức Đạt Lai Lạt Ma lại do một nhóm thiếu nhi thực hiện, và rồi sau đó tới một nhóm thanh niên đọc một bản văn khác. Tôi đoán, đó là nguyện văn chúc thọ. Hẳn là cô MC Curry cũng chẳng hiểu chữ nào. Điều tôi ngạc nhiên là, anh Hội Trưởng Tenzin không hề đọc diễn văn nào, cũng không hề nói một lời nào trước công chúng. Đúng ra, tôi thấy anh có nói vài câu riêng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lúc đó anh quỳ một đầu gối xuống; lúc đó, tôi thực sự thấy  rằng dân Tây Tạng, kể cả một người bây giờ là Giáo sư CSUF, cũng xem Ngài như một vị vua. Thêm nữa, điểm khác là: dân Việt Nam mình hễ giữ chức Hội Trưởng là ưa đọc diễn văn dài kinh khủng.
Khi tôi nghĩ rằng chắc chỉ duy mình là người Việt nơi đây, nhìn thấy từ ngoài cổng bước vào là Nguyễn Quốc Bảo, Thị Trưởng Thành Phố Garden Grove. Bảo đi cùng một cô bạn Hoa Kỳ, Tôi đưa máy ảnh, chụp từ xa, nghĩ là sẽ về gửi email tặng Bảo, anh chàng sẽ bất ngờ lắm. Tôi đoán là Bảo hiểu tiếng Tây Tạng, vì Bảo tốt nghiệp Thạc sĩ về Indo-Tibetan Buddhist Studies (Nghiên Cứu Phật Giáo Ấn-Tạng) tại đại học Naropa University tại Boulder, Colorado.
Vài hôm sau, Bảo cảm ơn về tấm ảnh, cho biết cô bạn kia là học cùng ở Đại học Naropa, nay về Quận Cam dự pháp hội. Nghĩa là, cũng chung một làng Phật Giáo Tây Tạng.
*
Tôi luôn luôn nhìn Đức Đạt Lai Lạt Ma như hóa thân của Đức Quan Thế Âm. Nghĩa là, nhìn chúng sinh như mẹ nhìn con, lòng lúc nào cũng muốn bảo bọc chúng sinh. Mỗi lần nghĩ tới Ngài, lòng tôi tự nhiên thấy ấm lại, như khi nghĩ tới ba, tới mẹ.
Hôm đó, trên đường từ chỗ gửi xe đi tới hội trường Brent, tôi đang suy nghĩ vê những bài thơ đang làm, tìm cách sắp xếp các cảm xúc, các suy nghĩ. Duyên khởi của việc làm thơ này cũng là để cúng dường Tam Bảo.
Anh bạn nhạc sĩ Trần Chí Phúc một hôm gọi điện thoại, lúc 10 giờ khuya, nói rằng cần một bài thơ để anh phổ nhạc, để sang hôm sau anh sẽ hát trong Đạo Tràng Nhân Quả của quý thầy phái khất sĩ Quận Cam, còn gọi là hệ phái Minh Đăng Quang, nơi anh thân với một số vị sư.
Tôi nói, tôi không có thơ thiền, thơ đạo nào có sẵn, vì trước giờ mỗi năm chỉ làm thơ một lần cho báo Xuân, và do vậy chỉ có thơ tình, vì muốn bán báo là phải làm thơ tình mới chiều lòng độc giả được.
Bạn Phúc nói, rằng có vào Google, tìm thơ đạo để phổ nhạc, nhưng thấy thơ quý thầy không hợp, mới nghĩ tới bạn, vậy thì làm ngay một bài thơ trong vòng một giờ đồng hồ, giử cho mình để phổ nhạc.
Tôi nói, cúng dường Tam Bảo là phải lẽ, xin chờ một giờ, tôi làm xong sẽ gửi qua email.
Đêm hôm sau, nhạc sĩ  Trần Chí Phúc gọi lại, nói rằng bài thơ phổ hoài không được, sang hôm sau, ra nhà bếp chùa, ngồi cầm đàn, dò tới dò lui, mới nghĩ ra nhạc, tới trưa là hát cúng dường trong Đại Lễ Phật Đản.
Đó là nhân duyên của bài đầu tiên. Sau đó, Phúc đề nghị rằng hãy làm cho đủ 10 bài thơ thiền, để Phúc phổ nhạc, rồi in CD, in tập nhạc, cúng dường Tam Bảo. Tôi nghĩ, đó là đề nghị hy hữu, nên hứa là sẽ ráng sức làm thơ.
Hôm dự Lễ Cầu Nguyện Trường Thọ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi cũng hồi hướng lời cầu nguyện của Ngài tới tất cả các bà mẹ, vì khi nhìn thấy Ngài đứng nói bằng tiếng Tây Tạng cà giờ đồng hồ, tôi thấy Ngài hiện thân ra như những bà mẹ muốn bảo bọc con mình.
Nơi đây, xin mời độc giả nghe trước một ca khúc để tặng các bà mẹ. Băng ghi âm này không có chất lượng studio, chỉ có âm thanh guitar, giọng hát của Phúc chỉ là bản nháp, vì nếu in CD là sẽ nhờ các cô ca sĩ có giọng hay hơn.
Cũng nên ghi thêm, khi tôi làm bài thơ này, tới câu “tụng kinh mẹ khóc mưa nguồn,” hiện ra trước mắt tôi là hình ảnh nhiều thập niên trước, mẹ của một người bạn thân (bây giờ bạn này dịch kinh, ký tên Thanh Liên) trong khi ngồi tụng kinh ở chính điện một ngôi chùa trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3, đã ràn rụa nước mắt theo từng dòng kinh.
Bài thơ cúng dường các bà mẹ như sau:
Rồi Mẹ Như SươngThương con trăm sông ngàn núitrang kinh mẹ chép cúng dườngbốn thời sớm trưa chiều tốinhớ ơi nước mắt lăn dòng
Thương con mãi xa ngàn dặmtụng kinh mẹ khóc mưa nguồngió đưa tới rừng xa thẳmlạnh ơi mưa ngấm vào hồn.
Rồi mẹ như sương, tan vào nắng trưarồi mẹ như hương, ẩn hiện trong mơrồi mẹ như mây, tóc trắng cuối trờirồi mẹ như nắng, bóng khuất sau đồi
Nửa khuya trở mình viễn phốcon đọc trang kinh cuối dòngchữ mẹ ngút ngàn thương nhớchép lời Phật dạy qua sông
Thương ơi một rừng tóc trắngbay về  che khắp tử sinhnghe chim kêu ngàn xa vắngngẩng đầu rơi tiếng bất sinh.
(Thơ Phan Tấn Hải)
Xin mời nghe ở đây:
AUDIO CA KHÚC: Rồi Mẹ Như Sương 
*
Và sau đây, là bài thơ tôi làm để diễn lại Kinh Bahiya, một kinh tôi nghĩ là Thiền Tông Đốn Giáo, vì không qua bất kỳ phương tiện chỉ quán nào, chỉ cần nhận ra tức tâm tức vật, hay  tức tâm tức cảnh là vượt qua mọi dính mắc. Bài thơ như sau:
Hoa Bay Khắp TrờiNhìn kiachỉ hình hiện rakhông người không tachỉ hình được thấykhông ai đang thấy
Nghe kìachỉ tiếng trong lờikhông ta không ngườichỉ tiếng được nghekhông ai đang nghe
Chữ vàng trên giấy, lời Phật năm xưa, khởi từ bi dậy, chỉ qua kia bờThương ơi ba cõi, bè pháp cứu người, qua sông còn gọi, hoa bay khắp trời
Ngồi đâycảm nhận hơi thởhơi vào hơi rachỉ là hơi thởkhông ai đang thở
Tâm kiàkhắp cảnh là tâmkhắp tâm là cảnhkhắp trời gương sángkhắp trời là tâm.
(thơ Phan Tấn Hải)
Anh bạn Trần Chí Phúc phổ thành nhạc, và hát nháp như sau:
AUDIO CA KHÚC: Hoa Bay Khắp Trời
*
Tôi không biết rằng mình có sẽ in được CD nhạc và tập nhạc hay không, vì có mời ai hát cũng là tốn tiền, có ghi âm ở studio nào rồi cũng phải tốn kém. Nhưng ít ra, là phải làm cho đủ 10 bài thơ, để phổ thành nhạc. Trong đó, tất nhiên sẽ phải có một bài thơ ngợi ca Đức Quan Thế Âm… Chỉ hy vọng, từ từ các pháp sẽ thành tựu.
Nguyên Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét