Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

* TỪ THIỆN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ bài 3


* CÔ NHI VIỆN VÀ NHÀ DƯỠNG LÃO
Cô nhi viện đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 1860 do các soeurs xây dựng và đảm trách. Vào thời điểm từ thế kỷ 19 trở về trước, dân ta chưa hề nghe đến  các từ như "cô nhi viện và nhà dưỡng lão", tuy xã hội ta lúc nào cũng có những trẻ em mồ côi và các cụ già không nơi nương tựa. Vào thời xa xưa ấy, dân số không đông nên việc trẻ mồ côi và già đơn côi không nhiều, họ sống lây lất bằng tình thương và lòng hảo tâm của xóm làng.
Khi chiến tranh Việt-Pháp và Việt - Nhật xẩy ra, số lượng trẻ mồ côi tăng nhanh do cha mẹ hy sinh trong hai cuộc chiến và nạn đói năm 1945 tại miền Bắc, lần đầu tiên, Phật giáo nuôi dưỡng 200 cô nhi và một số người dân đói khổ, do cư sĩ Bồ Tát Thiều Chửu kết hợp với HT Tố Liên, HT Trí Hải lập Tổng hội Cứu tế đặt tại chùa Quán Sứ. Rồi những năm đất nước phân ly, phía Bắc, số trẻ mồ côi do nhà nước quản lý, miền Nam tiếp tục nuôi dưỡng một số trẻ mồ côi do các chùa tự nguyện đảm trách mà chưa chính thức thành lập cô nhi viện, trong khi đó, Kyto giáo đã có một số cơ sở cô nhi được hợp pháp do thời đệ nhất Cộng hòa cấp phép như cô nhi viện Gò Vấp đối diện trường Donbosco, cô nhi viện Thủ Đức, thời gian đó Kyto giáo đã có 1030 trường tiểu học, cô nhi viện, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, sau 1990 có 123 cô nhi viện và nhà dưỡng lão.
Riêng Phật giáo, sau 1964, GHPGVNTN ra đời thì chư Ni bắt đầu chính thức xin phép thành lập viện cô nhi và nhà dưỡng lão.
Ngay tại Sài gòn, cô nhi viện Quách thị Trang hình thành ngay sau khuôn viên Việt Nam Quốc tự mà bây giờ là hồ Kỳ Hòa, Q 10, TP HCM, do TT T. Nhật Thiện cai quản.
Cô nhi viện An Lạc tại ngã ba An Lạc;
chùa Lâm Quang (301/117H Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TPHCM) do sư cô Thích nữ Huệ Tuyền thành lập; đặc biệt nơi đây, chùa tự túc kinh tế để nuôi các cụ.
Chùa Diệu Pháp thuộc khu du lịch Vườn Xoài Đồng Nai cũng nuôi dưỡng các cụ, trẻ mồ côi và các bệnh nhân bại liệt, các bệnh nan y. Sư cô Huệ Đức trụ trì.
Phật Minh cách thị xã Bến Tre 7 km, cũng nuôi trẻ mồ côi do Sư cô Thích nữ Ngộ Mai thành lập, chùa Phật Minh; số 69, ấp 3, xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Cô nhi viện chùa Kỳ Quang Gò Vấp trên đường 154/4A Lê Hoàng Phái, P17, Q.Gò Vấp.
Tại Hà Nội và Bình Dương, cô nhi viện do chùa cùng tên là chùa Bồ Đề.
Năm 1988 tại Huế, sư cô Thích nữ Diệu Thành thành lập nhà dưỡng lão và chùa Đức Sơn, Huế. Sư cô Minh Tú lập viện cô nhi; còn nhiều cơ sở nuôi trẻ mồ côi và người già tại Huế mà ít được quảng bá.
Tại các tỉnh, thành khác: Trường nuôi trẻ mồ côi Bồ Đề (Bình Dương), chùa Khánh Quang (Khánh Hòa), Cẩm Phong (Tây Ninh), TT Từ thiện xã hội Phật Quang (Kiên Giang), Mái ấm Sen Hồng – nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, trẻ ảnh hưởng chất độc da cam (Quảng Trị). Cả nước có 47 cơ sở của Phật giáo, giáo dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, người già, thực tế còn rất nhiều chùa tự cung tự cấp giúp cho trẻ mồ côi và người già, khuyết tật mà không đăng ký chính thức.
Ngoài ra, cũng không thiếu tư nhân đứng ra chăm lo trẻ mồ côi và người già neo đơn như vợ chồng cô giáo Lời ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bán nhà mua đất vùng núi Hiệp Đức- Quảng Nam. Ở Bình Dương cũng có một đại gia biến khách sạn làm nơi trú thân cho người già cô độc; Trung tâm nhân đạo Quê Hương (Bình Dương)...
Hầu như 64 Tỉnh thành đều có cơ sở từ thiện hoặc của tư nhân, của tôn giáo hoặc của nhà nước điều hành; có Tỉnh thành gần 10 cơ sở nuôi dạy trẻ và nhà dưỡng lão. Trong xã hội tuy còn nhiều nhiều khó khăn nhưng cũng không thiếu những tấm lòng vị tha dành cho trẻ không nhà, già không nơi nương tựa. Tư nhân và tôn giáo tuy phương tiện không như nhà nước có sẵn mọi thứ, nhưng tấm lòng đã là động cơ thúc đẩy công việc từ thiện rất nhiệt thành, người phụ giúp tuy không lương cũng tròn đầy trách nhiệm. Trong khi đó, một số cơ sở của nhà nước, nhân viên phục vụ được trả lương sòng phẳng, nhưng lắm khi chỉ vì đồng lương cho cuộc sống gia đình mà ít nặng lòng từ thiện. Cũng có trường hợp dù đồng lương cao nhưng tinh thần hy sinh phục vụ kém, ví dụ UBND TP. Hồ Chí Minh mở Trung tâm chăm sóc người bị bệnh HIV/AISD ở Bình Dương đã không thể tuyển được y bác sĩ đến phục vụ dù tăng lương bổng nên phải nhờ Hồng y Phạm Minh Mẫn giúp và 9 nữ tu là bác sĩ, y sĩ, y tá đã đến đây và bây giờ lên tới 40 tu sĩ. Hoặc có những dự án nhân đạo chăm sóc trẻ mồ côi của Mẹ Terêsa Calcutta chỉ được mấy tháng ở Sơn Tây là phải đóng cửa vì thủ tục khó khăn. Đây là thiệt thòi cho đất nước và làm cho dự án nhân đạo của tôn giáo không phát huy được tiềm năng của mình. Tôn giáo cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn nơi một số địa phương khi dang tay cứu giúp những mảnh đời bất hạnh.
Song song với bao tấm lòng nhân hậu vị tha của các tôn giáo và thường dân, luôn có những con sâu ẩn mình để mưu lợi gây tai tiếng cho cơ sở từ thiện không ít. Ví dụ chùa Bồ Đề tại Hà Nội trước đây, các bảo mẫu lợi dụng niềm tin của chùa đã mua bán con trẻ mà báo chí đã phanh phui.
Một ngôi chùa ở Bình Châu - Xuyên Mộc, luôn nhận tiền từ nước ngoài để nuôi người già, nhưng thực chất những người già chỉ được gom lại từ trong xã mỗi khi có mạnh thường quân báo trước đến viếng thăm. Khi đến đột xuất thì chẳng có người già nào ở đó mà điệu chúng cũng không.
Rồi viện cô nhi ở Suối Tre do một tay mượn danh tu sĩ lừa đảo tín đồ để thủ lợi, dĩ nhiên không được giáo hội công nhận. Tấm lòng nhân hậu của quần chúng luôn bị những kẻ bất lương lạm dụng. Một số trẻ con và người già cũng bị tổ chức đầu gấu làm cho thương tật, bắt đi xin, mỗi ngày đem tiền về cho chúng cờ bạc ăn nhậu, những nạn nhân như thế không được nhà nước và xã hội quan tâm giải thoát cho họ.
Xã hội có quá nhiều vấn đề, mặt tốt lẫn mặt xấu, kẻ bất lương luôn lợi dụng lòng thương của kẻ khác để thủ lợi dưới mọi hình thức. Khó mà lột trần tất cả, người phát tâm từ thiện cần đắn đo suy xét kỷ và biết rõ thực chất trước khi giúp đỡ để tránh khỏi bị lạm dụng mà đáng ra những kẻ bất hạnh phải đáng hưởng được những lòng tốt đó.
Hiện nay, các nhà dưỡng lão và cô nhi viện cần những bàn tay của xã hội hỗ trợ để các cơ sở từ thiện cưu mang bao mảnh đời bất hạnh. Những nơi chân chánh trải qua thời gian dài đã xác minh sự chân thật đủ để chúng ta tin việc từ thiện qua các mô hình đó, nhưng các cơ sở từ thiện của Phật giáo, cũng cần cảnh giác và quản lý chặt chẽ để tránh những đáng tiếc như chùa Bồ Đề Hà Nội đã xẩy ra. Tâm từ thiện, việc làm từ thiện phải có sự sáng suốt mà Phật giáo gọi là Bi phải có Trí thì việc làm mới đem đến kết quả tốt đẹp.

MINH MẪN
23/7/2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét