Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Nguyễn văn Tường

Linh mục đầu tiên trên thế giới nói về Chúa dạy ăn hạt giống : Nguyễn văn Tường
https://www.youtube.com/watch?v=JFQ6FtWdTWU

Pindaya Caves


pindaya cave
Pindaya, Myanmar
Yungang Grottoes
yungang
Shanxi, China
Wat Tham Erawan
temple cave thailand
Nong Bua Lamphu province, Thailand
Sadan Cave
cave temple burma
Kayin State, Myanmar
Ellora Caves
ellora caves
Maharashtra, India
Yathae Pyan Cave

Pindaya Caves

Buddhist Cave Temples Are Jaw-Droppingly Gorgeous (PHOTOS)

After seeing these stunning Buddhist temples located inside caves, we want to drop everything that we are currently doing and visit them.
The isolation of these sites serves to intensify the spiritual connection experienced by visitors. While some places of worship use architectural height to draw attention up to the heavens, these cave temples highlight the value of spiritual treasures that lie within.
Datdawtaung Cave

in the cave leopard
Mandalay region, Myanmar
Khao Luang Cave Temple
temple cave thailand
Phetburi, Thailand
Pindaya Caves

hang động đẹp như mơ



Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

HAI LOẠI HẠNH PHÚC


Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ (thuộc Chương 5: Bản chất hạnh phúc)

Hạnh phúc có hai loại, hạnh phúc thế gian và hạnh phúc siêu thế. Hạnh phúc thế gian thuộc về các giác quan, làm cho con người tăng trưởng lòng ích kỷ, nuôi lớn bản ngã và kéo dài sự chấp mắc trói buộc trong vòng luẩn quẩn khổ đau. Ngược lại, hạnh phúc siêu thế là cảm giác làm cho lòng vị kỷ chết đi, lòng vị tha được chuyển nở, sự dấn thân giúp đỡ người khác và hành vi lợi ích cho đa số, cộng đồng, chư thiên và loài người được mở rộng hơn. Dĩ nhiên hạnh phúc siêu thế không bao giờ nuôi lớn bản ngã mà làm cho người đó có thái độ hỷ xả về những gì mình đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Hai khái niệm hạnh phúc này tạo ra hai khuynh hướng và từ đó tạo ra sự khác biệt giữa một người được gọi là phàm phu chạy theo hạnh phúc thế gian, và một người là thánh nhân chạy theo hạnh phúc siêu thế.

Ví dụ, đối với người nghiện cờ bạc thì các hạnh phúc giác quan khác như mắt quan sát phim ảnh, cảnh đẹp du lịch mọi nơi, hoặc nhìn ngắm hình thái màu sắc kiến trúc nghệ thuật... gần như không có gì lôi cuốn. Trước mắt anh ta, hạnh phúc duy nhất là được ngồi trên sòng bài, ăn những đồng tiền “của thiên trả địa”, không là thành quả của mồ hôi nước mắt. Cho nên dù có được cũng không biết cách giữ.

Năm 2003 khi sang Úc, chúng tôi được các Phật tử dẫn vào một tòa nhà nguy nga lộng lẫy như cung điện. Họ không cho chúng tôi biết đó là nhà gì. Vào bên trong, các cánh cửa được làm bằng vàng, đính những viên kim cương óng ánh, hồ nước phun lên với nhiều màu sắc rực rỡ của đèn. Quang cảnh lóa mắt dễ làm cho phản ứng hưởng thụ của con người bắt đầu được chuyển nở. Đó là sòng bạc nổi tiếng nhất nước Úc. Đi tham quan một vòng, chúng tôi có dịp quan sát nhiều gương mặt phản ánh hạnh phúc lẫn khổ đau. Người cười hân hoan, sung sướng; kẻ thì gục đầu xuống, chán nản, buồn bã. Một bà già hơn tám mươi tuổi đánh bạc bằng thẻ tín dụng. Chúng tôi đứng thử nửa tiếng kiên nhẫn xem bà chơi, càng chơi càng thua, đến khi hết tiền trong thẻ bà mới ra về. Báo chí đăng đã từng có người Việt vào chơi đến độ bỏ quên con mình trên xe hơi đang khát nước và rất đói. Cuối cùng, đứa bé đã chết. Thoả mãn hạnh phúc đặt trên các ảo giác thông thường làm cho những trách nhiệm của người làm cha, làm chồng, một công dân xã hội có thể bị bỏ quên. “Tứ đổ tường” là cách thức làm cho con người, thay vì được hưởng hạnh phúc, lại giết chết hạnh phúc.

Đó là cách phân loại hạnh phúc. Khi đi ngược lại hạnh phúc thuộc giác quan thì lòng vị kỷ sẽ không có mặt. Đức Phật Thích Ca từ bỏ hạnh phúc dục tính, từ bỏ ngôi vị đông cung thái tử để tìm hạnh phúc mang tính siêu thế, trả giá bằng những lận đận khổ đau trên suốt chặng đường tu tập khổ hạnh. Cuối cùng Ngài tìm được sự giác ngộ thật sự, để lại giá trị cho nhân loại xưa, nay và mãi về sau. Như vậy, hạnh phúc không phải là một sản phẩm, một món hàng có thể được mua bằng tiền bạc. Hạnh phúc có thể đạt được bằng thái độ, những hành vi cao cả vị tha hơn là những gì thuộc về giác quan.

Hạnh phúc thế gian, mặc dù có những trường hợp phát xuất từ ảo giác, nhưng ước mơ trên bản chất vẫn là cách thức để giúp cho con người đạt được hạnh phúc. Vì thế, nguyên lý trước nhất là nuôi lớn hạnh phúc bằng những ước mơ đẹp. Theo tâm lý học Phật giáo, ước mơ có ba loại:

- Ước mơ lương thiện phản ánh về cuộc đời tốt đẹp, thanh cao, những đóng góp cao cả...
- Ước mơ sống xa hoa, phung phí, hưởng thụ, không phù hợp quy luật đạo đức và luật pháp của xã hội.
- Ước mơ trung tính, nhiều người không muốn tìm hạnh phúc cũng không muốn khổ đau, họ giữ tâm chai lỳ thụ động trước những biến cố. Gần giống như những người chứng đạo dửng dưng trước những biến cố của cuộc đời, nhưng họ không dửng dưng mà chai lỳ thụ động.

Trong ba dạng ước mơ đó, chỉ có dạng đầu tiên là ước mơ đẹp, góp phần tạo nên hạnh phúc thật sự trong cuộc đời.

Tào Tháo có lần bị đuổi đánh tả tơi, ông phải dẫn đội kỵ binh trốn chạy. Đường đi đến nơi ẩn náu cách xa mấy chục dặm. Tất cả binh sĩ đều mỏi mệt. Tào Tháo nhanh trí nghĩ ra một cách, ông lợi dụng ánh nắng chang chang phản chiếu trên mặt đường tạo ảo giác dòng nước đang gợn sóng từ xa, điều này kinh đại thừa gọi là “dương điện” và nói rằng nước đang nằm phía trước. Binh lính tin lời và nỗ lực đi tiếp. Khi đến nơi, dĩ nhiên nước không có nhưng rất may có nhiều rừng cây để đoàn kỵ binh nghỉ ngơi thoải mái, nhờ đó họ đã đi đến điểm mà Tào Tháo muốn đến.

Có những ước mơ dù khoảng cách của nó đối với hạnh phúc thật sự là khoảng cách không đến được, ví dụ như dòng nước mà Tào Tháo và đoàn kỵ binh nhìn thấy là dòng nước ảo, không có thật, nhưng nếu không nhờ dòng nước ảo này chắc rằng đoàn kỵ binh sẽ không còn cảm hứng nào để đi tới phía trước, và đặc biệt là có thể bị đánh một cách tức tưởi và chết đau khổ từ phía sau. Một ước mơ đẹp, ước mơ uống ngụm nước sau những ngày mỏi mệt dưới trời nắng gắt làm cho đoàn quân có thêm sức lực đi đến phía trước một cách thành công. Do đó, có những trường hợp ước mơ chỉ là ước mơ không bao giờ thành hiện thực, vì không được nuôi lớn bởi những hành vi tạo tác, hay nói cách khác, nó đơn thuần chỉ phản ánh sự cầu nguyện, lời ước muốn, kết quả không bao giờ có mặt.

Kinh Pháp Hoa đưa ra những hình ảnh phương tiện về chặng đường hạnh phúc mà con người đạt được trên nền tảng những ước muốn đẹp. “Hóa thành dụ”, “thành” thuộc về vật lý, tượng trưng cho trạng thái Niết bàn trong nhà Phật, từ đó mà có thuật ngữ “Niết bàn thành”. Khái niệm “Niết bàn thành” làm cho rất nhiều người không theo đạo Phật hiểu lầm Niết bàn như một cảnh giới vật lý. Thực ra, nó là trạng thái tâm lý khi các dòng chảy của tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến không còn nữa thì hạnh phúc tự động xuất hiện, giống như khi ánh sáng thổi vào thì bóng tối tự động biến mất. Nơi nào có Niết bàn thì tất cả dòng chảy của khổ đau tự động tan biến. Nhưng để đạt được Niết bàn, kinh điển Đại Thừa mong mỏi là Niết bàn của Phật tính, khác hoàn toàn với Niết bàn của các vị Bồ tát và A La Hán, nên các Tổ, chư Phật đã phương tiện đặt ra ba chặng đường hạnh phúc khác nhau để người đi có cảm giác con đường với những ước muốn đẹp dễ dàng thực hiện. Khi đã an thân hưởng hạnh phúc của quả vị A La Hán, đức Phật mới nói rằng đây chỉ là giai đoạn một, chặng đường thứ hai còn nằm phía trước và do đó phải có ước mơ đẹp về chặng đường thứ hai để tiếp tục có được hạnh phúc của nó. Cứ như vậy, hạnh phúc dần dần xuất hiện, và hạnh phúc cuối cùng cao nhất sẽ có mặt.

Thực hiện ước mơ đẹp thì hạnh phúc mới thật sự, dù những ước mơ đó chưa chín chắn, trọn vẹn, nhưng vẫn làm cho con người có nghị lực kiên cường để vượt qua tất cả gian lao thử thách. Để đạt được những ước mơ đó, nhà Phật dạy phải hỗ trợ chúng bằng những hành vi tạo tác, cầu nguyện suông không mang lại kết quả nào. Câu chuyện Trung Hoa kể về một anh bạch diện thư sinh tài giỏi. Trên đường lên kinh ứng thí, anh ta mỏi mệt nên xin tá túc ở ngôi nhà bên vệ đường của một bà lão. Vừa đặt lưng xuống giường, anh chàng ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, anh thấy mình đỗ trạng nguyên, được vua cử dẫn đầu đoàn quân xung trận giết giặc. Chiến thắng trở về, anh được vua khen thưởng và gả công chúa. Giấc mơ đẹp đang diễn ra thì bà lão gọi anh dậy ăn cháo. Đây là những ảo giác hạnh phúc trong giấc mơ, điều này không nguy hiểm.

Thiền tông Trung Hoa nói “Những ước mơ khi đang thức mới nguy hiểm, vì người ta ước mơ dựa vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân”. Nếu những ước muốn đó không thành sự thật thì sự dằn xé sẽ rất lớn, trong khi ước mơ trong lúc ngủ chỉ đem lại cảm giác tiếc nuối. Vì thế, người tu phải biết từ bỏ những mộng mị trong khi đang mở mắt.

Kinh điển Pàli thường đề cao vai trò của chủ nghĩa hành động. Hành động là tác nhân đem lại hạnh phúc. Đức Phật đưa ra hình ảnh: “Không thể nào lấy sữa từ sừng của con bò cái, vì sừng không có chức năng tạo ra sữa”. Trong cuộc đời, khi thức, nhiều người vẫn mơ có được sữa tươi từ sừng, nghĩa là chỉ mơ mộng mà không làm, do đó không đạt được kết quả.

Như vậy, để có hạnh phúc thì điều kiện cần là phải tìm tác nhân dẫn đến hạnh phúc. Còn mơ mà thiếu tác nhân thì hạnh phúc vĩnh viễn vẫy tay chào. Trong vài thế kỷ đầu, khi kinh Pháp Hoa có mặt, chỉ có tất cả hai mươi sáu phẩm. Phẩm Bồ Tát Quan Thế Âm và phẩm Đà La Ni được đưa vào sau này. Nhưng rất tiếc trong thực tế, Phật tử Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đều xem trọng phẩm này và biến nó thành nghi thức tụng niệm trong chùa, dẫn đến quan niệm cho rằng đây là bài kinh mang lại hạnh phúc an lành, trong khi những triết lý cao siêu lại ít được biết tới. Như phương pháp ngũ quán, phương pháp quán ngũ âm, hoặc hạnh nguyện ứng thân vô bờ bến của Bồ tát Quan Thế Âm thì lại không được nhấn mạnh, phân tích.

Phương thức tìm tác nhân dẫn đến hạnh phúc, câu đáng tâm đắc là: “Ưng dĩ Bà la môn thân đắc độ giả, tức hiện Bà la môn thân nhi vị thuyết pháp”. Bà la môn giáo là ý thức hệ tôn giáo đối lập với đạo Phật. Nơi nào đạo Phật phát triển thì ảnh hưởng của Bà la môn bị giảm. Do đó, Bà la môn xem đạo Phật như một cái gai. Bồ Tát Quan Thế Âm với hạnh nguyện độ thân tuyệt vời, mang thân, hình ảnh, ý thức hệ của Bà la môn để giáo huấn quần chúng về Phật đạo, mang lại hạnh phúc lâu dài.

Phật giáo Việt Nam có cơ hội lớn, sống trong nghịch cảnh để làm bồ tát đạo. Nếu không có Đề Bà Đạt Đa thì đức Phật đã không là đức Phật. Sự tương phản của Đề Bà Đạt Đa làm cho hình ảnh của đức Phật ngày càng cao thượng. Khó khăn của hoàn cảnh làm cho người đạo Phật đang hành đạo trong khó khăn trở nên nổi bật hơn.

Vượt lên trên phương diện chính trị, hành giả Phật giáo vì hạnh phúc của chúng sanh mà tùy cơ, tùy duyên ứng dụng “Ưng dĩ cộng sản thân, xã hội chủ nghĩa thân di đắc độ giả, tức hiện cộng sản thân, xã hội chủ nghĩa thân nhi vị thuyết pháp”, hoặc “Ưng dĩ nhân quyền thân di đắc độ giả,...” đều được. Vấn đề cần lưu ý là “ưng dĩ” theo cách thức nào thì mới là bảo vệ Phật pháp. Tùy duyên hoàn toàn không phải là ba phải, vì tùy duyên nhưng không lấy học thuyết chủ nghĩa đó làm chân lý của mình. Đạo Phật có học thuyết riêng, có chủ nghĩa riêng, có chân lý riêng, có cách thức phục vụ nhân sinh riêng. Mục đích cuối cùng là hạnh phúc thật sư.

Tu tập biến những ước mơ đẹp trở thành cơ năng để cảm thụ hạnh phúc là một điều nên làm. Tùy duyên nào cũng phải được hướng dẫn bởi trí tuệ thì mới giữ được gốc, đạo Phật gọi là “tùy duyên bất biến”, để có bất biến phải có trí tuệ. Bản chất ước mơ chỉ là công cụ kích thích, làm cho con người phấn chấn, tạo được lý tưởng tốt, dấn thân một cách kiên định. Bằng không, thì cả chỉ mãi mãi là những tòa lâu đài trên cát.

Phải nhìn vào những cứu cánh của sự vật hơn là những đánh giá vào biểu hiện hời hợt của nó. Ý thức hệ Phật giáo nào phục vụ cho dân tộc thật sự thì hãy dựa vào hệ quả mà nó mang lại. Dù nhân danh cỡ nào đi nữa, nhưng không mang lại hạnh phúc cho con người, cho cuộc đời thì tất cả những danh nghĩa đó chỉ vứt đi. Một lần Hòa thượng Thích Thanh Từ sang Mỹ thuyết pháp, đã gặp biểu tình rất đông, cho rằng Hòa thượng là đại cộng sản, các chùa cô lập không dám mời về, nên Hòa Thượng phải giảng ở công viên. Khi đó, một câu nói rất hay của Hòa thượng được đăng trên tạp chí: “Nếu mang một danh nghĩa và cho rằng nó phản ánh bản chất của đạo Phật, ngoài danh nghĩa đó không còn là đạo Phật thì ta đang đi trên con đường tà chứ không phải hoằng pháp lợi sinh”. Sau câu nói đó, người ta càng chống đối Hòa Thượng nhiều hơn nữa. Về Việt Nam, ngài đã ra hàng loạt tác phẩm “Hoằng pháp trong bão táp”.

Dù bị gán ghép vào việc này việc nọ, nhưng là người con Phật thì phải bản lĩnh, có tinh thần xây dựng và tìm giải pháp thật sự cho con đường hạnh phúc. Đạo Phật không chạy theo bất cứ chủ nghĩa nào. Đạo Phật tùy duyên vào từng hoàn cảnh xã hội để làm trách nhiệm hoằng pháp mà đức Phật để lại gia tài tâm linh lớn cho chúng ta. Là người con Phật, chúng ta có quyền ước mơ đẹp về điều đó.

Nói cách khác, quan niệm hạnh phúc trong Phật giáo được đặt nền tảng trên đời sống đạo đức, dĩ nhiên vượt ra khỏi những khuynh hướng hưởng thụ mà không đạt đến lợi ích an vui cho cộng đồng. Hạnh phúc đặt trên nền tảng của lòng vị kỷ sẽ mang lại khổ đau cho đa số. Đó là khuynh hướng không bao giờ được tán đồng và cần được loại trừ đối với những người có tinh thần hướng đến con đường giác ngộ và giải thoát.

HƯƠNG LINH CÓ TỒN TẠI SAU KHI MẤT?


- Thích Nhật Từ

Hỏi: Làm thế nào để biết hương linh thuộc dòng họ nhà mình đã được siêu thoát. Hiện tượng các vong về nhà dưới hình thức là bươm bướm, sâu có thật đúng với những gì đã đồn đãi hay không?

Trả lời:
Theo tinh thần Phật dạy trong các kinh nguyên thủy tất cả đều phải tái sinh theo nghiệp. Do vậy sẽ không có tình trạng các hương linh tiếp tục tồn tại dưới âm phủ, mộ huyệt, ở nhà từ đường, bàn thờ vong hay vướng kẹt vào di ảnh, địa điểm cái chết diễn ra như dân gian đã đồn thổi. Cho nên sau khi làm lễ tống táng, chúng ta tin rằng người thân của ta đã tái sinh theo nghiệp. Trung bình để một con người mới trong một kiếp sống mới là 9 tháng 10 ngày.
Như vậy ta phải tin vào lời Phật dạy để không tiếp tục lo lắng sợ hãi. Ngoài ra là Phật tử ta không nên mê tín dị đoan vào các loại thầy đồng bóng, phong thủy, địa lý, nhân điện, thầy bói và ngoại cảm. Không nghe theo những điều bày vẽ vì trên thực tế không ai muốn tiếp tục sống dưới lòng đất sau khi chết 49 ngày.

Thước đo đơn giản trong các kinh đưa ra: nếu người thân chúng ta suốt một kiếp người chưa từng làm việc thiện nhưng cũng chưa từng làm việc ác thì tối thiểu tái sinh làm lại con người. Như vậy chỉ cần làm một so sánh nhỏ, ta thấy người thân đã từng làm việc tốt thì không thể nào có cảnh giới tái sinh là một con sâu, bươm bướm hay bất cứ một con vật nào ở trong gia đình.

MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU CHUYỆN THIỀN

- Trần Trúc Lâm dịch

- Trần Trúc Lâm dịch
Lời Mở Đầu
101 Câu Chuyện Thiền (101 Zen Stories): đã được ấn hành lần đầu vào năm 1939 bởi Rider and Company, Luân Đôn, và David McKay Company, Philadelphia. Những mẫu chuyện này đã được chuyển sang Anh ngữ từ một cuốn sách gọi là Shaseki-shu (Collection of Stone and Sand: Góp nhặt Cát Đá), viết vào cuối thế kỷ 13 bởi một Thiền sư Nhật tên là Muju (Vô Trú), và những giai thoại của các vị Thiền tăng lượm lặt từ nhiều sách đã ấn hành tại Nhật vào khoảng đầu thế kỷ 20. Những câu chuyện này kể lại sự chứng ngộ của các vị Thiền sư Trung hoa và Nhật bản. Các ngài đã giảng dạy Thiền hơn 500 năm qua.
1. MỘT CỐC TRÀ
Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn cốc nước tràn cho đến khi không nhịn được, bèn lên tiếng: "Nó đã đầy tràn rồi, không thêm được nữa đâu!"
"Thì cũng như chiếc cốc này" Nan-In thong thả nói, "ông đã mang đầy tư kiến và thành kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu ông không cạn cốc của ông?"

2. TÌM THẤY VIÊN NGỌC TRÊN ĐƯỜNG BÙN
Gudo tuy là quốc sư, nhưng ngài vẫn hay du hành như một kẻ khất sĩ lang thang. Một hôm trên đường đi Edo, một trung tâm văn hóa và chính trị quan trọng, ngài đến gần một ngôi làng có tên là Takenaka. Trời đã tối và mưa tầm tả, Gudo ướt mẹp và đôi dép rơm đã tơi tả. - một căn nhà tranh gần làng, ngài thấy có khoảng bốn hay năm đôi dép bày ở cửa sồ và muốn vào hỏi mua một đôi.
Người đàn bà thấy ngài ướt lạnh, thương tình mời ngài trú qua đêm. Gudo nhận lời và cám tạ bà ta. Ngài đến trước bàn thờ giữa nhà tụng một thời kinh. Sau đó bà mẹ của bà chủ và bầy con ra chào. Nhìn thấy cả nhà buồn bả, ngài hỏi cớ sự.
"Chồng con là kẻ cờ bạc say sưa", người đàn bà kể lể. "Khi ổng ăn bạc thì uống rượu say mèm rồi về nhà đánh đập vợ con. Nếu ổng thua thì đi vay mượn khắp nơi. Lắm khi say quá lại không về nhà. Con phải làm sao?"
"Để bần tăng giúp cho," Gudo nói. "Đây có ít tiền, hãy đi mua một chung rượu ngon và ít đồ nhấm. Rồi bà đi nghỉ đi. Bần tăng sẽ tọa thiền trước bàn thờ." Nửa đêm, ông chồng say khướt trở về, la lối om xòm. "Con mẹ nó đâu, tao về nhà đây này. Có cái gì ăn không?"
"Có" Gudo nói, "Bần tăng bị mắc mưa và được bà nhà thương tâm cho tạm trú qua đêm. Để đền đáp bần tăng có mua một ít rượu và đồ nhấm dành cho ông dùng."
Gã đàn ông hài lòng, uống sạch chung rượu rồi ngã lăn trên sàn mà ngủ. Gudo tọa thiền cạnh bên. Sáng sớm hôm sau, gã đàn ông tỉnh dậy quên hẳn mọi chuyện đêm qua.
"Ông là ai? - đâu đến đây?" gã hỏi Gudo khi ngài vẫn còn trầm tư mặc tưởng. "Bần tăng là Gudo từ Đông Kinh đến, trên đường đi Edo," Thiền sư trả lời.
Gã đàn ông xấu hổ quá, liền miệng xin lỗi quốc sư. Gudo mĩm cười.
"Mọi sự, mọi vật trên đời đều vô thường," ngài giảng giải. "Cuộc đời rất ngắn ngủi. Nếu ông cứ tiếp tục cờ bạc và rượu chè thì ông chẳng làm được việc gì hữu sự, lại còn làm khổ vợ con."
Gã đàn ông chợt ngộ, như ra khỏi cơn mê.
"Đại sư nói đúng," anh ta dõng dạc. "Làm sao con có thể đền bù cho ngài về lời dạy này! Hay là để con mang hành lý hộ ngài và tin ngài một đoạn đường.
"Nếu ông muốn," Gudo tán đồng.
Hai người lên đường. Sau khoảng ba dặm, Gudo bảo y quay về.
"Xin được thêm năm dặm nữa," gã nài nỉ. Họ tiếp tục đi.
"Giờ ông nên quay về," Gudo khuyên.
"Hẳn thêm mười dặm nữa," gã đàn ông xin.
"Hãy về ngay," Gudo bảo sau khi đã đi hết mười dặm.
"Xin cho con theo Đại sư suốt đời," gã tuyên bố.

  Những thiền sư hiện đại của Nhật đều là môn đệ của người kế thừa Gudo. Tên của ngài là Mu-nan, người đàn ông đã không bao giờ quay trở lại.
3. THẬT VẬY SAO?
Thiền sư Hakuin được mọi người tán tụng là một bậc đạo hạnh. Cạnh thiền thất có một cô gái xinh đẹp mà bố mẹ là chủ một cửa hàng thực phẩm. Bỗng dưng một hôm bố mẹ cô khám phá ra rằng cô đang mang bầu. Cô không chịu khai ai là tác giả của cái bào thai, nhưng sau bao lân cật vấn cô bảo là Hakuin.
Cha mẹ cô điên tiết lên đến đối chất với Hakuin. Ngài chỉ nói "Thật vậy sao?".
Ngay khi đứa bé vừa chào đời, nó được giao cho Hakuin, lúc bấy giờ danh dự của ngài đã bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng ngài vẫn thản nhiên. Ngài tận tình chăm sóc đứa bé và thường đi sang hàng xóm để xin sữa và các thức cần thiết khác để nuôi trẻ sơ sinh.
Một năm sau, cô gái xinh đẹp kia không chịu đựng được lương tâm cắn rứt, bèn thú nhận với bố mẹ rằng người cha thật sự của đứa bé là anh hàng cá trẻ tuổi. Bố mẹ cô gái vội vả đến tạ lỗi với thiền sư, mong ngài thứ tội và xin nhận lại đứa bé.
Hakuin chấp thuận và khi trao đứa bé lại ngài chỉ nói: "Thật vậy sao?".

4. VÂNG LỜI
Khi thiền sư Bankei thuyết pháp, thính giả không những chỉ là thiền sinh mà còn có mọi hạng của các tông phái khác. Ngài không bao giờ trích dẫn kinh sách hoặc say sưa biện luận. Thay vào đó, lời ngài giảng đi thẳng vào tâm người nghe.
Thính chúng đông đảo của ngài làm cho một vị tăng của phái Nichiren tức giận, bởi vì ngay cả đồ đệ của ông ta cũng bỏ đi nghe thiền. Vị tăng cao ngạo kia quyết định tìm đến thiền đường để tranh biện với Bankei.
"Này, ông giáo thiền kia!" vị tăng gọi lớn. "Đợi một chút. Ai kính phục ông đều nghe lời ông cả, nhưng một kẻ như ta đây không hề phục ông. Vậy ông có thể làm cho ta vâng lời ông được chăng?ẽ
"Hãy đến gần đây, ta sẽ chỉ cho" Bankei nói.
Với vẻ tự đắc, vị tăng nọ vạch đám đông bước đến.
Bankei mỉm cười bảo "Ông hãy sang bên trái ta."
Vị tăng làm theo.
"Không," Bankei nói, "Chúng ta có thể nói chuyện được hơn nếu ông bước sang bên phải. Hãy qua đây." Ông tăng lại vênh váo bước sang bên phải.
"Ông thấy không" Bankei nhỏ nhẹ, "Ông đang tuân theo lời ta".

ƯỚC MUỐN HẠNH PHÚC


- Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ (thuộc Chương 5: Bản chất hạnh phúc)

Kinh định nghĩa “một trong những cơ sở dẫn đến khổ đau là ước muốn mà không được toại nguyện”, có nghĩa là nguyện ước diễn ra theo cách này mà thành tựu lại theo hướng hoàn toàn đối lập. Nỗi thất vọng do nỗ lực dụng công theo đuổi một lập trường, sự nghiệp lại không được đền bù trả giá đúng mức khiến con người trở nên khổ đau.

Khổ đau trước nhất là tiếc nuối những gì đã bỏ ra mà không đạt được; khổ đau thứ hai là kết quả, cái mà con người nghĩ rằng nó sẽ đáp ứng ở mức độ cuối cùng, nhưng mọi việc lại diễn ra theo cách thức riêng của nó. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra là khi ước muốn được toại nguyện, con người có thật sự được hạnh phúc không?. Câu trả lời tùy thuộc vào nội dung của từng ước muốn. Chẳng hạn sự thành tựu ước muốn trở thành tay ăn trộm chuyên nghiệp, rõ ràng không mang lại hạnh phúc mà chỉ mang lại niềm vui, niềm vui đó nuôi lớn bản ngã, còn hạnh phúc thì không có mặt thật sự. Rất tiếc có nhiều người theo đuổi khuynh hướng tiêu cực này, hoặc đánh đồng hai thành một, niềm vui là hạnh phúc. Có nhiều cách thức để truyền bá niềm vui, bao gồm cả những tiến trình rất mạo hiểm.

Hai cha con hành nghề ăn trộm. Người cha vô cùng lão luyện và người con cũng muốn không thua kém cha mình. Anh yêu cầu cha truyền nghề một cách chính tông. Một hôm vào lúc giữa khuya, người cha dẫn con lẻn vào một ngôi nhà giàu có. Sau đó cha bảo con hãy chui vào tủ quần áo ngồi đợi cha. Người con vui mừng làm theo. Sau khi con chui vào tủ, người cha hô lớn lên “trộm, trộm” rồi bỏ chạy. Sáng hôm sau, con lững thững trở về sau một đêm đối phó với các gia chủ và trốn chạy, thái độ anh hậm hực định thanh toán cha mình. Bấy giờ người cha gật gù vỗ vào vai con và chúc mừng con đã thành nghề.

Câu chuyện một mặt phản ánh chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng một mặt phản ánh ước muốn được thành tựu chưa chắc là niềm hạnh phúc thuộc về đời sống của nội tâm. Có những bài học cần tính hiện thực, đặt học trò vào một bối cảnh để tự tạo giải pháp cho riêng mình. Chủ nghĩa kinh nghiệm rập khuôn bắt thế hệ sau phải bê các giải pháp của thế hệ trước áp dụng cho các tình huống hoàn toàn khác nhau là điều mà các triết gia duy lý rất phản ứng. Họ cho rằng bê khuôn kinh nghiệm của người trước áp đặt cho những người sau là tạo khổ sở cho họ, đặt một giá trị chân lý bất di bất dịch và bắt mọi người phải theo chân lý đó đôi lúc đánh mất những khả thể có thể tiếp cận chân lý mà phải xóa bỏ những cái này mới làm chân lý hiển hiện được.

Tuy nhiên phương diện cần nêu ở đây là liệu ước muốn khi được thành tựu có mang lại niềm hạnh phúc hay không?. Công thức “Ước muốn không thành tựu =>Khổ đau” chỉ diễn ra một chiều, chiều còn lại “Ước muốn được thành tựu => Hạnh phúc” chưa chắc là chân lý. Sự thành tựu ước muốn chưa hẳn là hạnh phúc, nếu thành tựu ước muốn đó đặt trên nền tảng của đời sống vị kỷ mang lại khổ đau, đi ngược lại quy luật của đạo đức, lương tâm và luật pháp.

NỖI BUỒN THÀNH NIỀM VUI

Khi sống trong môi trường hoàn toàn trái biệt và đi ngược lại nguyện vọng của chính mình thì phải làm thế nào để được an vui? Những nông dân chân lấm tay bùn, bằng rất nhiều nỗ lực, nhưng cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Mỗi bước chân đi trên đồng ruộng mang theo cả gánh nặng về trách nhiệm gia đình, về cuộc sống. Khi vụ mùa bị thất thu, công sức tiền bạc đổ dồn cho một năm trời nhưng cuối cùng không đủ để trả vốn. Lỗ vốn và mất công, rõ ràng khổ đau tràn ngập. Trong những tình huống này, người biết cách vẫn có thể tạo cho mình được niềm vui. Dĩ nhiên, niềm vui có thể bắt nguồn từ sự tự an ủi nào đó, theo cách nói của người phàm, bằng không thì phải biết cách nhìn, quán chiếu, để chuyển nỗi buồn thành niềm vui. Câu ca dao được các em mục đồng hát nghêu ngao trên đồng ruộng: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”. Đó là cách thức tìm kiếm giá trị hạnh phúc từ những phương tiện, những sự kiện đang diễn ra liên hệ đến cuộc sống hằng ngày của nông dân như là một số phận.

Ấn Độ là một nước nghèo khó, mặc dù sự phát triển về khoa học, vũ khí, các công nghệ hiện đại Ấn Độ đang từng bước theo kịp các nước phương Tây, nhưng đời sống của quản đại đa số quần chúng là nghèo khó, nghèo rớt mồng tơi, màn trời chiếu đất. Báo chí đưa tin, hàng năm sau mỗi mùa mưa, mùa nắng, có tối thiểu ba trăm người chết. Họ không có đủ phương tiện để điều hoà khí hậu bất thường nóng và lạnh ở Ấn Độ. Nếu quan sát cách thức con người Ấn Độ sống trong sự khổ sở đó, sẽ có nhiều điều cần học từ họ.

Hiện tượng kẹt xe trên đường kéo dài ba đến năm tiếng là rất phổ biến, nhưng trên gương mặt của tài xế và phụ lái Ấn Độ không thể hiện sự buồn rầu, bực dọc, tức tối. Anh tài xế hát nghêu ngao một đoạn nhạc thư giãn, lúc nào đi thì đi, lúc nào phải dừng thì ngồi chờ, không hề than trách, cũng không đứng trên mui xe nhìn tới phía trước xem đoàn xe này còn kẹt bao lâu nữa.

Đó là thái độ của người Ấn Độ, họ luôn tìm những cách an vui trong hoàn cảnh khó khăn hằng ngày. Như vậy, hạnh phúc liên quan rất nhiều đến cách nhìn vấn đề, cách giải quyết vấn đề hơn là bản thân của vấn đề và sự kiện đang diễn ra, dù các sự kiện đó là nghịch cảnh, khó khăn, gian truân, thử thách.

Một anh đạp xích lô Ấn Độ kiếm sống bằng sức lao động tay chân, chở khách hàng to béo vẫn không làm cho họ cảm thấy khổ đau. Mỗi người có một tiêu chí riêng, cá nhân anh đặt ra tiêu chí mỗi ngày kiếm hai mươi rupi, khi kiếm đủ tiêu chí thì anh không chạy nữa mà ngả lưng nằm trên xe xích lô thư giãn, ai gọi cũng lắc đầu không đi. Họ tìm mọi cách để an vui mà không cần phải bon chen, giàu có thế này thế nọ. Người Ấn Độ không quan niệm giàu có hoặc đầy đủ phương tiện là hạnh phúc. Vì vậy mà Ấn Độ là môi trường sản sinh ra rất nhiều tôn giáo có chiều kích tâm linh hơn các tôn giáo phương Tây.

Sự thỏa mãn một ước muốn chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đích thực. Câu chuyện nhà thi hào, nhà văn Đức nổi tiếng thế kỷ 18, Goethe, đem lòng thương Charlote Buphe, vợ của bạn ông. Mặc dù vậy, sự si tình vẫn làm ông theo đuổi ước mơ được lấy Charlote làm vợ. Đã nhiều lần ông tìm cách tiếp cận Charlote và tìm cách bày tỏ rằng: “Nếu không lấy được em anh sẽ tự tử để chứng minh tình yêu chung thủy và duy nhất”. Điều đó đã làm cho Charlote vô cùng hoảng sợ, bà đem điều đó chia sẻ với chồng mình.

Một hôm, chồng bà đến gặp Goethe và nói một cách tế nhị rằng: “Tôi nghe người ta nói Goethe đem lòng thương vợ tôi. Tôi nghĩ nếu Goethe thương vợ tôi thì Goethe không còn là Goethe nữa”. Goethe đã rất nhanh trí trả lời: “Rất tiếc tôi không phải là Goethe như anh nói, nếu là Goethe tôi sẽ cho anh chồng biết tay, có nghĩa là tôi sẽ tự tử thật”. Nói như vậy, Goethe phủ định việc ông đem lòng yêu thương Charlote.

Thế nhưng ông vẫn hun đúc ngọn lửa tình yêu cháy bỏng và cho ra đời tác phẩm mang tên “Nỗi đau của chàng Werther”. Tác phẩm phản ánh chuyện tình của Werther và Lohtéa, tương tự chuyện tình của ông và Charlote ngoài đời, nhưng cuối tác phẩm ông cho phép Werther tự tử chết, vì tấm lòng chung thủy trong tình yêu một chiều mà người kia không biết, không bao giờ đáp lại, và không thể nào đáp lại được.

Trong tác phẩm này, nhân vật Werther được nhà văn Goethe mô tả đạt được hạnh phúc tối đa trong tình yêu ảo mộng của mình. Cái chết chứng minh lòng thương yêu của ông là duy nhất, không gì thay đổi, chuyển hóa được, và quan niệm của ông cho đó là hạnh phúc. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã chết theo Werther, vì tìm thấy sự đồng cảm trong tác phẩm. Đó là sai lầm với khuynh hướng bắt chước mà không suy nghĩ tại sao lại làm điều đó. Nhưng có một điều rất khôi hài là bản thân Goethe thì không chết, thậm chí sống đến gần trăm tuổi, trong khi rất nhiều thanh niên trẻ sau khi đọc tác phẩm đều bỏ mạng.

Các nhà văn khác đã thốt lên lời phát biểu: “Chưa bao giờ có một nhân vật nữ nào đẹp, quyến rũ, tuyệt vời như nhân vật Lohtéa, đã làm say mê biết bao con tim của các chàng trai và dẫn đến cái chết của họ nhưng tác giả của nó thì sống nhăn răng”. Ước muốn của Goethe là chết để chứng tỏ tình yêu duy nhất dành cho Charlote. Ông không thỏa mãn được trong thực tế thì thỏa mãn qua tác phẩm.

Đó là lý do tại sao kinh Phật khẳng định “tác ý, tự do ý chí, biểu hiện về đời sống nội tâm chính là một hành động, nếu đó là hành động tốt sẽ có phước báu, nếu là hành động xấu thì mang lại hậu quả tương ứng trong cuộc đời”. Theo nhân quả, Goethe đã tạo nghiệp xúi giục biết bao chàng trai trẻ hồn nhiên, vô tư, nhưng thiếu sáng suốt lao vào cái chết thoả mãn tình yêu không được đáp lại.

Như vậy, có thể khẳng định: “Hạnh phúc không nằm ở chỗ ước nguyện được hoàn tất có thể mang lại niềm vui, mà hạnh phúc là điều gì đó vượt lên trên niềm vui thông thường”.

Dù hạnh phúc của phàm tục, nó liên hệ đến các giác quan khi các giác quan được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ như mắt quan sát các hình thái sắc tướng, tai nghe âm thanh thích hợp... đều có thể tạo phản ứng hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc là sự hưởng thụ, khoái cảm của các giác quan đối với các đối tượng mà chúng tiếp xúc. Nhưng sự thỏa mãn ước muốn trong trường hợp này chưa phản ánh được bản chất của hạnh phúc đích thực. Có những sự thoả mãn chỉ đem lại khổ đau cho con người. Do đó, người Phật tử phải sáng suốt, dứt khoát, buông bỏ không tiếc nuối. Vì sự theo đuổi và đạt mục tiêu không chân chính chẳng những đánh mất giá trị hạnh phúc thật sự mà còn mang lại khổ đau cho người khác.

LẮNG NGHE VÀ CHIA SẺ


- Trích cuốn ĐÔI DÉP - TRIẾT LÝ VỀ HẠNH PHÚC HÔN NHÂN của thầy Thích Nhật Từ (thuộc Chương 1: Hạnh phúc gia đình)

Lắng nghe là nhu cầu phát sinh khi một trong hai người bắt đầu phát ra ngôn ngữ nói về nhu cầu cảm xúc nhưng người kia không quan tâm. Do đó sự lắng nghe chính là năng lực trị liệu giúp nỗi đau lắng dịu phần nào. Chúng ta hãy học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm khi người thân thương muốn truyền thông. Quát tháo, hay chặn đứng tất cả cơ hội phát ngôn, thậm chí hiểu lầm mà không cho người kia cơ hội giãi bày thì dần dần những ức chế tâm lý này làm đời sống tình yêu bị đốt cháy.

Lắng nghe cần song hành với quan sát để đi vào chi tiết của vấn đề, những tâm tư, suy nghĩ mà tìm ra giải pháp. Nếu chỉ lắng nghe một cách đơn thuần qua loa, chắc chắn người còn lại sẽ cảm thấy hụt hẫng dần dần rơi vào trạng thái lặng câm. Nói mà có người biết lắng nghe sẽ dẫn đến xóa bỏ hiểu lầm, khai thông được trạng thái cô đơn của người đang có nhu cầu truyền đạt thông tin tình cảm. Nói tạo phản ứng nghe, lúc đó nhu cầu trao đổi tâm tình và kéo theo sự gắn bó.

Trong đời sống vợ chồng, nếu không hề có sự trao đổi, mạnh ai nấy làm, tiền ai nấy giữ, không quan tâm để ý đến nhau thì trước sau gì đổ vỡ hạnh phúc là điều đương nhiên xảy ra. Tuy nhiên, trao đổi đó cũng phải đặt trên sự chia sẻ.

Bản chất của sự chia sẻ đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước tiên là thời gian dành cho nhau. Nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp khủng hoảng trong hạnh phúc hôn nhân bởi vì những đứa con thơ đòi hỏi quá nhiều sự chăm sóc làm cho cả hai không còn thời gian dành cho nhau nữa. Rốt cuộc tình yêu nồng thắm trở nên nguội lạnh. Do đó, tình yêu khi được quan tâm chia sẻ thì phải hướng đến những nhu cầu cần giải quyết và dành cho nhau không gian để tình yêu được duy trì và được nuôi lớn.

Chia sẻ cũng cần có chừng mực nhất định. Vợ chăm sóc chồng như đứa con trai dễ gây cho chồng cảm giác tự ti rằng mình mất hết nam tính lẫn cương vị trụ cột gia đình. Ức chế tâm lý này sẽ phá vỡ tình yêu mặc dù được chăm sóc rất kỹ. Cho nên trong thương yêu chăm sóc cũng cần có khoảng cách nhất định của đời sống riêng tư thuận theo luật pháp, đạo đức mà vẫn giữ được bản chất riêng. Còn nếu cả hai vợ chồng hòa với nhau làm một như lý thuyết thì điều kiện kéo dài tình yêu hạnh phúc đó không được bao lâu.

BỞI ĐỜI LÀ CÕI TẠM


- Thích Tánh Tuệ
  
Bởi đời là cõi tạm,
 Nên sống thật với nhau.
 Nếu kiếp người trôi mau,
 Thì oán thù dừng lại.

Bởi không gì tồn tại,
 Nên giận hờn bỏ qua.
 Nếu lòng mình vị tha,
 Thì nỗi sầu tan biến.
 
Bởi không gì lưu luyến,
 Nên đừng buộc ràng thêm.
 Nếu có ngày và đêm,
 Thì mê rồi phải ngộ.

Bởi mộng đời dễ vỡ,
 Nên quý trọng hôm nay.
 Nếu thế sự vần xoay,
 Thì ngồi yên tĩnh lặng.

Bởi lòng người sâu thẳm,
 Nên đừng cạn nghĩa ân.
 Nếu mang nặng nghiệp trần,
 Thì buông rời vọng tưởng.

Bởi tham cầu danh tướng,
 Nên quán niệm vô thường.
 Nếu ai còn tha phương,
 Thì nhớ về nguồn cội.

Bởi ai còn nông nỗi,
 Nên nhớ lấy lời xưa.
 Nếu ai đi trong mưa,
 Thì thấm đời gian khó.

Bởi yêu trong giông gió,
 Nên hiểu tình long đong.
 Nếu “Sắc tức thị Không”,
 Thì... vô cầu, vô niệm

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

* TRUYỀN THÔNG VÀ TRUYỀN THỐNG


Ngày 23 và 24 tháng 4 năm 2016, tại Thiền viện Quảng Đức - 294 Công Lý, Quận 3, Sài gòn đã có buổi tập huấn lần thứ 2 của Ban Thông Tin Truyền Thông Phật giáo, do HT T.Gia Quang, Trưởng Ban TTTT tổ chức.

TTTT là tổ chức rất mới đối với Giáo Hội Phật giáo kể cả trước 1975. GHPGVN nhiệm kỳ thứ 7 mới hình thành Ban Truyền thông khi mà nhiều website Phật giáo do nhiều cá nhân thành lập khá lâu.

Qua những buổi tập huấn do nhiều vị Tiến sĩ chuyên ngành dày dạn kinh nghiệm trình bày về chức năng, ý nghĩa, nhiệm vụ, khủng hoảng, xử lý... quanh vấn đề Thông tin truyền thông; không riêng trong phạm vi của tôn giáo mà ngay cả báo chí ngoài xã hội.

Truyền thông, theo một số quan niệm như:

- "Truyền thông là sự trao đổi với nhau tư duy hoặc ý tưởng bằng lời. (John Hober)

- Truyền thông là quá trình qua đó, chúng ta hiểu người khác và làm cho người khác hiểu chúng ta. (Martin P.Aldelsm)

- Truyền thông là nhu cầu giảm độ không rõ ràng để có hành động hiệu quả, để bảo vệ hoặc tăng cường. (Dean Barnlund)

- Thông tin là truyền tin cho nhau để biết. (từ điển tiếng Việt- Minh Tâm-Thanh Nghị-Xuân Lãm)"

Tùy mỗi góc độ mà ý nghĩa Thông tin Truyền thông được hiểu khác nhau, nhưng cái chung vẫn là đem lại sự hiểu biết cho nhau ở một vấn đề, một góc độ nào đó. Tuy TTTT của Phật giáo là ngành khá mới trong tổ chức, nhưng bản chất của Thông tin Truyền thông thì quá cũ trong việc hoằng truyền chánh pháp từ thời Đức Phật khai đạo cho 5 anh em Kiều Trần Như, và tiếp theo đó, chư vị xuất sĩ mang thông điệp của Phật để ban rãi khắp xã hội Ấn Độ.

Ngày nay có khác hơn về phương tiện Truyền thông nhờ khoa học kỹ thuật thông qua báo đài, liên mạng toàn cầu, băng đĩa kinh sách... chính vì thế mà việc truyền bá Thông tin nhanh nhạy và hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng từ phương tiện nhạy bén đó mà một số nội dung truyền tải thiếu chính xác, thiếu trong sáng đã đưa đến cho người tiếp nhận một hiểu biết sai lệch. Một vài trường hợp kẻ xấu lạm dụng trang mạng bôi bẩn, xuyên tạc nhau mà không cơ quan chức năng nào xử lý.

Riêng Phật giáo càng khó có thể giải quyết những khủng hoảng thông tin như thế. Gần một trăm báo giấy và trang mạng của Phật giáo truyền tải giáo lý của Phật giáo cũng góp phần đáng kể cho người tiếp nhận hiểu được phần nào giáo lý phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề tự phát đó cũng khó tránh khỏi những thực trạng về việc hạn chế tiếp cận thông tin của một số cư dân chưa quen trang mạng hoặc tiếp cận báo giấy.

Trong TTTT của Phật giáo hiện nay có kênh truyền hình An Viên quảng bá hình ảnh Phật giáo qua kiến trúc, lịch sử, sinh hoạt, nhưng rất ít đi vào giáo lý phổ cập. Những khủng hoảng thông tin do một số trang mạng xã hội đưa tin, Ban TTTT cũng khó mà ngăn chận hay xử lý vấn đề nội bộ. Ban Pháp chế và Tăng Sự cũng chưa có kế hoạch khả dĩ chế tài tu sĩ sai phạm. Hiện nay, văn phòng 2 cũng đã tiếp nhận rất nhiều đơn thưa kiện của quần chúng về một vài tu sĩ sai phạm luật giới, thay vì lập ban kiểm Tăng gồm đại diện các ban ngành trong Giáo hội, hồ sơ vẫn được phủ kín lớp bụi thời gian để chìm trong quên lãng.

Xử lý khủng hoảng thông tin là việc hầu như ngoài tầm tay hiện nay của Giáo hội nói chung và Ban TTTT nói riêng. Thông tin từ báo mạng, báo giấy đưa tin về nhân sự sai phạm trong Phật giáo, tiếp cận trang mạng xã hội để tìm hiểu thật hư của vấn đề cũng đã nhiêu khê, xử lý khủng hoảng thông tin đó càng khó gấp bội. Phật giáo không có quyền xâm phạm hay quyết định việc truyền tải thông tin đó, thì xử lý nội bộ những sai phạm được xã hội đưa tin cũng gặp không ít gian nan, bởi Phật giáo không có giáo quyền như tôn giáo bạn.

Song song giải quyết khủng hoảng thông tin, Ban Tăng sự cần thường xuyên mở khóa tập huấn luật nghi cho Tăng Ni để củng cố thân giới và thân giáo. Đồng thời xác định những thành phần sai phạm mặc pháp phục tu sĩ là giả danh để công bố cho quần chúng phân biệt. Nếu sự sai phạm thuộc về tu sĩ thì Giáo Hội công khai xác nhận và xin lỗi quần chúng về sự quản lý lỏng lẻo của Phật giáo và việc vô ý thức của đương sự. Một trong những việc xử lý khủng hoảng như thế có thể giải tỏa nhiều áp lực từ quần chúng.

Nhìn chung, những hiện tượng bất thường của những cá nhân bị trang mạng xã hội đưa tin là hạt cát so với cộng đồng tu sĩ hiện nay. Ngay từ thời Phật tại thế vẫn có những Tỳ Kheo sai phạm thì sự sai phạm của tu sĩ hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Có điều thời đại @ thì sự sai phạm được khuyếch tán trên phương tiện truyền thông nhanh và rộng nên xôn xao dư luận là việc thường. Hiện nay chúng ta không thể xử lý khủng hoảng thông tin theo nguyên tắc của những nhà chuyên môn, thì hãy xoay lại củng cố nội bộ. Phải thành thật công nhận, nội tình tu sĩ sau 1975 phần lớn thiếu kiểm soát và tự kiểm soát; do chúng ta chạy theo hình thức và số lượng nên bỏ quên chất lượng. Một số ít bậc chuyên tu và chân tu thì ẩn dật, vì vậy không đủ minh oan cho những phẩm chất tha hóa mà cộng đồng tu sĩ trẻ phần lớn phạm phải.

Phật giáo không thể là một Tôn giáo như những Tôn giáo khác. Mục đích xuất hiện của đức Bổn sư Thích Ca không phải để thành lập tôn giáo mà là để chuyển hóa tâm thức (tâm linh), đánh thức Phật tính (giác ngộ) của chúng ta. Muốn đạt đúng mục tiêu của Phật thì Tôn giáo chỉ là phương tiện sơ khởi để làm bàn đạp tiến đến tâm linh giải thoát. Chúng ta bỏ quên mục đích nên lấy phương tiện làm cứu cánh, lấy vật chất chùa chiền, nghi lễ làm mục tiêu nên phẩm chất nội hàm bị bỏ quên, chúng sanh tánh trỗi dậy là chuyện đương nhiên, đó là khủng hoảng phẩm chất nội tình đưa đến khủng hoảng Thông tin Truyền thông trong xã hội. Giải quyết khủng hoảng thông tin xã hội chỉ là chắp vá tạm thời, độc tố trong nội thân không được hóa giải thì khủng hoảng thông tin luôn xuất hiện, giải quyết khủng hoảng nầy thì khủng hoảng khác phát sanh.

Nên chăng, song song với những lớp tập huấn TTTT thì Ban TTTT nên liên kết với Ban Pháp chế và Ban Tăng sự tìm một hướng đi đúng nghĩa để củng cố thân giới cho tu sĩ, làm thân giáo cho quần chúng. Chữa tận gốc thì lo gì hiện tượng bất hảo phát sanh.

Không tôn giáo nào hoàn hảo, nhưng không có sự hoàn hảo nào mà không trải qua những giáo luật nghiêm túc được tôn giáo chế tài mỗi khi sai phạm. Đức Giáo Hoàng can đảm đứng ra xưng thú 7 núi tội của Giáo hội đối với nhân loại thì cá nhân những tu sĩ làm sao hoàn hảo thánh thiện? Phật giáo không cần phải mặc cảm mỗi khi những trang mạng đưa tin về hình ảnh những người mặc đồ tu phạm giới. Việc xử lý khủng hoảng thông tin đó bằng cách nhìn thẳng vào thực trạng nội tình và giải quyết chính nội tình bằng nội quy Tăng sự, bằng giáo luật nghiêm minh. Sự cả nể đưa đến ỷ lại và phớt lờ dư luận. Giáo hội nên chú trọng nhiều đến việc tu dưỡng, chuyển hóa. Người được chuyển hóa tâm thức thì những dục tánh sẽ được hóa giải, khủng hoảng nội lực sẽ không còn.

Đó là truyền thống cơ bản của Phật Giáo mà đức Phật đã truyền thông cho chúng ta gần 3000 năm qua vẫn còn giá trị và luôn có hiệu quả. Truyền thông kết hợp với truyền thống sẽ chỉnh đốn nội tình mà không cần xử lý khủng hoảng thông tin như các doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng thông tin ngày nay.

MINH MẪN

26/4/2016





Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Hang động 14.000 năm tuổi tại Nepal Vương quốc PG bí ẩn


image
Vương quốc Mustang, giáp với cao nguyên Tây Tạng là một trong những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của người Nepal trên dãy Himalaya huyền thoại.

Từng là một vương quốc Phật giáo độc lập, Mustang sáp nhập vào Nepal cuối thế kỷ 18, nhưng đến năm 1950 mới thực sự từ bỏ quyền độc lập. Bởi nằm ở vị trí biên giới nhạy cảm, đến năm 1992, người nước ngoài vẫn chưa được tới Mustang. Sự cô lập đối với thế giới bên ngoài giúp nơi đây bảo tồn được rất nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa cổ đại gắn kết chặt chẽ với nền văn minh Tây Tạng.

Cảnh quan ở Mustang không giống bất cứ điều gì du khách từng hành hương chiêm ngưỡng trên khắp Nepal. Những hẻm núi sâu tạo thành bởi sông Kali Gandaki và các hình khắc kỳ lạ trên thành đá. Đặc biệt, trên vách đá dựng đứng ước tính có khoảng 10.000 hang động cổ xưa. Một vài hang nằm ở độ cao gần 50m so với đáy thung lũng.
Chưa có lời giải đáp cho việc ai đã đào chúng hoặc làm cách nào để người ta có thể đào hang trên những vách đá dựng đứng gần như không thể đặt chân tới. Ngay cả những nhà leo núi dày dặn kinh nghiệm cũng chưa leo tới được một số hang ở vị trí hiểm hóc.
 
Phần lớn hang động ngày nay đều trống rỗng nhưng vài hang có dấu hiệu của người sinh sống như thùng chứa đồ và không gian ngủ. Một số khác là nơi chôn cất người chết. Hàng chục thi hài được tìm thấy trong các hang động hơn 2.000 năm tuổi. Họ được đặt nằm trên giường gỗ và đeo đồ trang sức bằng đồng hoặc hạt thuỷ tinh.
 
Người ta còn tìm thấy những bộ xương có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 8, trước khi Phật giáo xuất hiện ở vương quốc Mustang, thời thịnh hành thiên táng (nghi lễ mai táng bằng việc xé nhỏ xác chết cho kền kền ăn).
 
Các nhà khảo cổ tin rằng những hang động bí ẩn ở Mustang được sử dụng qua ba thời kỳ. Lần đầu tiên vào khoảng 3.000 năm trước với vai trò nơi chôn cất người chết. Sau đó là 1.000 năm trước, chúng trở thành nơi sinh sống, chủ yếu giúp người dân vương quốc Mustang thoát khỏi những kẻ xâm lược. Cuối cùng, vào những năm 1400, hầu hết người dân chuyển tới những ngôi làng dưới thung lũng và đây là nơi tu luyện của những vị Thánh Tăng đã thành tựu tam vô lậu học, và có sức mạnh phi thường nhờ chứng đắc Thiền định.
 
Một vài hang động trở thành Tu viện Phật giáo như Luri Gompa, tu viện hang Chungsi và Tu viện hang Nyiphuk.
 
Luri Gompa là một trong những tu viện nổi tiếng nhất Mustang, nằm trên mỏm đá cách mặt đất khoảng 100m, kiến trúc sử dụng các cột trụ bằng đá tự nhiên. Lối đi quanh co từ thung lũng dẫn lên cửa vào duy nhất tới không gian gồm hai buồng nối liền nhau.

Buồng bên ngoài có miếu thờ, kho báu chính của Luri Gompa, được trang trí đẹp mắt với các bức tranh miêu tả Mahasiddhas – một vị thánh Ấn Độ. Tu viện được xác định có từ khoảng thế kỷ 14 hoặc sớm hơn.
 
Vân Tuyền 

Ấn Độ: Chùm ảnh tượng Phật


 trong Khu phức hợp Thiền Phật tại Amaravati
22/04/2016 18:06 

image

Thành phố Amaravati (A Ma La Bà đề) là Trung tâm của Đại chúng bộ (sa. mahāsāṅghika). Du khách hành hương chiêm bái từ mọi nơi - ngay cả Sa. pāṭaliputra (Hoa Thị thành) - đều đến Hành hương chiêm bái Trung tâm Phật học này. Đường Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang thuật lại rằng, trong thời hưng thịnh, hơn 20 tu viện tầm cỡ được kiến lập tại đây.

Một bộ Sưu tập các Di tích Phật giáo trước đây giấu đi tại Bảo tàng Khảo cổ học ở Amaravati (A Ma La Bà đề) thành phố miền Nam Ấn Độ thời cổ đại, là một trung tâm nghệ thuật Phật giáo quan trọng ở thế kỉ 2-3.

Những Di tích nơi đây phản ánh thời đầu của Phật giáo Đại thừa. Sự nối tiếp giữa nghệ thuật Phật giáo Nguyên thuỷ và nghệ thuật vùng Sa. gandhāra (Càn Đà-a) gây ảnh hưởng lớn cho nền văn hoá nghệ thuật ở những vùng Nam Á, nhất là ở Thái Lan, Nam Dương (Indonesia) và Tích Lan (Śrī Laṅkā).

Di tích nghệ thuật quan trọng nhất của vùng này là một Bảo tháp (sa. stūpa) nằm phía Đông, theo truyền thuyết có chứa đựng ngọc Xá lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Việc phát hiện một trụ đá với những ghi chép của vua Asoka (A dục), chứng tỏ rằng vị Minh quân Thánh triết này đã thúc đẩy việc xây dựng Bảo tháp.

Thành phố Amaravati (A Ma La Bà đề) cũng là Trung tâm của Đại chúng bộ (sa. mahāsāṅghika). Du khách hành hương chiêm bái từ mọi nơi - ngay cả Sa. pāṭaliputra (Hoa Thị thành) - đều đến Hành hương chiêm bái Trung tâm Phật học này. Đường Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang thuật lại rằng, trong thời hưng thịnh, hơn 20 tu viện tầm cỡ được kiến lập tại đây.

Vốn nhà nước đề xuất, nằm trên bờ phía nam của sông Krishna (một trong các sông dài nhất ở Trung-Nam Ấn Độ, với 1.300 kilômét (810 mi), một trung tâm Phật giáo nổi tiếng từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3. Các Di tích lịch sử là quê hương của Bảo  tháp Amaravati, bây giờ trong đống đổ nát, được xây dựng dưới thời trị vì của hoàng đế Ấn Độ Ashoka (rc 268-232 TCN).

Nhằm tăng trưởng ngành du lịch, Chính quyền bang Andhra Pradesh ở đông nam Ấn Độ có kế hoạch thiết lập một Trung tâm quốc tế của các Tu viện Phật giáo tại Amaravati, thủ phủ mới đã được qui hoạch của bang. Chính quyền bang muốn khuyến khích các Phật phái xây dựng Tự viện Phật giáo, hy vọng sẽ nhân rộng sự phổ biến của Bồ Đề Đạo Tràng ở đông bắc Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng rằng Amaravati sẽ trở thành một mô hình cho các sáng kiến của Chính phủ để phát triển 100 "thành phố thông minh" ở Ấn Độ.

Tôn tượng Phật Thích Ca tọa thiền với chiều cao 31 mét (125 feet) nằm trên bờ sông Krishna (một trong các sông dài nhất ở Trung-Nam Ấn Độ, với 1.300 kilômét, là sông dài thứ tư tại Ấn Độ sau sông Hằng, Godavari và Narmada), tôn tượng an vị trong Khu phức hợp Thiền Phật tại Amaravati (A Ma La Bà đề) thành phố miền Nam Ấn Độ thời cổ đại.

Dự án tôn tượng Phật Thích Ca tọa thiền bắt đầu khởi công vào năm 2003 và hoàn thiện vào năm 2007.

Dự án này được sự tài trợ của các nhà Sưu tập quận Guntur, với tổng kinh phí hơn 3 triệu Rubi.

Xung quanh dự án tôn tượng Phật Thích Ca tọa thiền, các bức tượng Phật được thiết kế kết hợp các tính năng, hơn 50 loại tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Phật giáo tại 154 điểm Di sản lớn trên khắp Ấn Độ. 24 chươngg Giáo lý Phật giáo, 424 bài kệ được khắc trên 200 tấm bia đá và trang trí trong Khu phức hợp Thiền Phật.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đến  viếng thăm Khu phức hợp Thiền Phật này vào năm 2006.

Vùng tệp đính kèm
0,89 GB (5%) trong tổng số 15 GB được sử dụng
Hoạt động tài khoản gần đây nhất: 21 phút trước
Chi tiết