Trong cuộc sống luôn có những vấn đề tưởng chừng mâu thuẫn trái nghịch nhau, đó là hai mặt của một vấn đề. Theo Phật giáo, "Vì cái nầy có nên cái kia có, cái nầy sanh thì cái kia sanh, cái nầy diệt thì cái kia sẽ diệt". Tinh thần "tương tức, tương nhập của hệ tư tưởng Hoa Nghiêm luôn tồn tại trong cuộc sống "nhị nguyên". Chính vì thế, không xã hội nào hoàn hảo, Quảng Bình và tôn giáo cũng thế.
Hơn 30 năm thống nhất đất nước, lẽ ra phải thống nhất mọi mặt trong xã hội, nhất là vấn đề quản lý tôn giáo. Trên 20 năm, Ban tôn giáo chính phủ và luật pháp mới hình thành bộ quy tắc ứng xử tôn giáo. Riêng Phật giáo Việt Nam, sau khi hình thành một giáo hội mới, có Hiến chương, có Nội quy Tăng sự, có cả "Pháp lệnh tín ngưỡng" bởi lẽ Pháp luật và Tôn giáo luôn là hình ảnh sinh hoạt gắn bó trong xã hội.
Nhìn tình hình tổng quát thì tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đã có một phần cởi mở trong sinh hoạt so với 1975 -1995. Hẳn nhiên còn nhiều khía cạnh cần xem xét chuyển hoán từng phần để tương thích với cuộc sống hòa nhập cộng đồng quốc tế. Xét trong phạm vi nhỏ của Phật giáo tại Quảng Bình, mặc dù nằm giữa lòng đất nước, nhưng Phật giáo vẫn chưa tiến triển đáng kể như các vùng Tây Bắc.
- Cơ sở sinh hoạt Phật giáo hiện nay, ngoài chùa Đại Giác vừa hoàn thành làm cơ sở BTS PG Tỉnh, các quận huyện vẫn chưa hình thành cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho quần chúng.
- 60 nền chùa cũ chưa được phục hoạt đã đành, 6 cơ sở am tự được liệt vào di tích cấp Tỉnh còn sinh hoạt được, vẫn bị chính quyền Tỉnh quản lý như một bảo vật, thay vì chỉ quản lý trên mặt văn hóa lịch sử.
- Phật giáo xin thành lập Ban hộ tự thì địa phương bảo không có chùa nên không cho. Xin các chùa bị quản lý theo kiểu quản lý bảo tàng cổ vật, được sinh hoạt dưới hình thức tôn giáo thì họ bảo chưa có Ban hộ tự.
Đấy, cái kiểu ông đổ bà, bà đổ ông, lòng vòng như thế mà Phật giáo Quảng Bình chưa được thay da đổi thịt. Cơ sở cũ đã có mà còn chưa được phục hoạt thì làm sao xin phép để xây cất chùa mới cho các địa phương? Còn nhiều cái khó cho BTS PG Quảng Bình đối trước việc phát triển Phật giáo Tỉnh nhà.
Ngoài xã hội cũng vậy, một vài địa phương trước đây, người dân xin tạm trú để làm ăn, cấp hành chánh cơ sở bảo về địa phương xin giấy xác nhận di chuyển. Khi về địa phương thì địa phương bảo nơi đến xác nhận cho tạm trú họ mới giải quyết. Cung cách làm việc như thể gây cho người dân khốn đốn một cách không cần thiết. Tôn giáo càng không cần phải đối đầu những khó khăn vô lý như thế. Cán bộ quản lý di tích phải hiểu rằng, cho dù là di tích cấp Tỉnh, nhưng là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo phải cần giao lại cho tôn giáo sinh hoạt. Cái gì thuộc di tích văn hóa cũng quản lý như quản lý cái xác khô như thế thì những di tích biến thành di tích văn hóa chết, được gì cho một xã hội tiến bộ?
Khi đặt vấn đề khó khăn như thế, một số người với tư cách khách quan đặt câu hỏi:
- Phải chăng người đứng đầu BTS PG Tỉnh chưa đủ uy tín với chính quyền hay chính quyền chưa khẩu phục tâm phục một tu sĩ lãnh đạo Phật giáo Tỉnh nhà? Nếu thực sự là vậy, thì do đâu chưa đủ uy tín?
Đời người, ai không tránh khỏi những quá khứ sai lầm? cho dù sai lầm trầm trọng thì nó cũng thuộc quá khứ. Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai, hãy tạo điều kiện cho những sai lầm quá khứ trở thành công trạng tốt đẹp hữu ích cho xã hội trong hiện tại. Đừng nhìn và đánh giá những gì thuộc quá khứ, hãy xem hiện tại đương sự có làm được gì cho xã hội, cho tập thể chăng! Thầy Trưởng BTS PG Quảng Bình đã tạo một dấu ấn kỷ lục trong thời gian ngắn nhất để hình thành một ngôi chùa đặt làm trụ sở BTS PG Tỉnh tại vùng đất tưởng chừng không thể. Điều nầy chứng tỏ khả năng và một phần uy tín nào đó trong một cộng đồng quần chúng nào đó. Dĩ nhiên, làm người không thể được lòng tất cả, có kẻ ghét cũng có kẻ thương, không ai tự hào mình được mọi người tôn kính và mình đủ uy tín 100%. Ngay cả đức Phật còn bị ganh ghét bêu xấu.
Vấn đề ở đây, nhân thân có chuyện tốt xấu là chuyện cá nhân và chính cá nhân chịu luật nhân quả chứ không ai khác. Việc cần đánh giá là nhân thân của đương sự có làm được gì cho Phật giáo đang cần hay không! Có thể một tu sĩ không hội đủ tư chất của người mô phạm, nhưng có thể y là người làm được nhiều điều công ích và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó. Ta phải hiểu, cá nhân thuộc đời sống riêng tư, khi cá nhân được giao nhiệm vụ nào đó thì việc đòi hỏi là tinh thần trách nhiệm đạt yêu cầu cần có cho xã hội. Cũng đừng đòi hỏi quá đáng khi mình giúp ai đó thành công cho cộng đồng, người giúp và kẻ được giúp đều là nhân tố của sự thành công chung chứ không riêng của ai. Khi xong việc, cũng không nên kể công hay buộc đối tượng phải theo ý mình, làm như thế không những gây khó cho đối tượng mà ngay chính mình cũng chuốc thêm phiền não một cách vô ích. Cuộc sống ngắn ngủi, tại sao không đem lại niềm vui cho nhau mà cứ gây phiền não đau khổ cho nhau, hãy cùng nhìn về phía trước để có lợi chung cho cuộc sống.
Phật giáo Quảng Bình đang từng bước phát triển trong khó khăn, ngoài khả năng, vấn đề không thể thiếu là sự khôn ngoan trong giao tế, điềm tĩnh, tế nhị và nhân cách khiêm tốn góp phần thành công và vượt qua khó khăn không nhỏ nhờ uy tín đó.
Chính quyền Quảng Bình cũng thế, quyền trong tay không phải là muốn vo tròn bóp méo thế nào cũng được, nhất là đối với tôn giáo. Nếu một tu sĩ tạo một phản ứng cực đoan, người lãnh đạo dân càng khôn khéo ứng xử, tránh đối đầu để đưa đến đối thoại. Muốn trục xuất một cán bộ Giáo Hội không phải là quyền của nhà nước cấp Tỉnh, thay vì tống xuất kẻ khó chơi, người lãnh đạo nếu không trực tiếp tạo cảm thông cho nhau thì cần người trung gian đủ uy tín với vị đó để phân trắng đen hầu chuyển hóa, có lợi cho đôi bề. Chính sách chung đối với Tôn giáo, cái gì quản lý về mặt an ninh thì đó là nhiệm vụ của nhà nước, cái gì về mặt văn hóa tôn giáo thì nên bàn giao lại cho Tôn giáo để cho họ tiện bề sinh hoạt hầu góp phần ổn định xã hội mà tội phạm đang ngày càng phát triển. Những tội phạm đa phần không thuộc thành phần tôn giáo, không được giáo dục về nhân quả trong cuộc sống; thế thì hà cớ vẫn gò bó tôn giáo trong địa phương mình khi mà toàn xã hội cả nước từng bước cởi trói và tương kính lẫn nhau. Cơ chế xin - cho hiện nay cũng giảm dần, thiết nghĩ những cơ sở thuộc văn hóa Tôn giáo cũng cần phải giao lại cho Tôn giáo quản lý và sinh hoạt. Ban di tích lịch sử chỉ quản lý trên mặt hành chánh chứ không thể quản lý cả những mặt thuộc nhiệm vụ Tôn giáo. Nhà nước cũng không thể thay tôn giáo để làm nhiệm vụ tôn giáo cho quần chúng.
Quảng Bình là mảnh đất sản sanh nhiều anh tài, nhưng cũng là lãnh địa nhận không ít thiên tai và nhân tai. Quảng Bình là vùng nghèo ngoài cái nghèo của vùng Tây Bắc, nhưng Quảng Bình vẫn giàu có hơn cao nguyên vì có cả biển và núi. Vấn đề còn lại là người lãnh đạo đòi hỏi khả năng sáng tạo và khôn khéo. Xã hội lẫn tôn giáo cũng đều có nhu cầu như nhau; cần phát triển để bộ mặt được đổi mới như Đà Nẵng, Bình Dương mà người dân và tôn giáo đều cảm thấy nơi đó cuộc sống thoải mái, cần lưu trú.
Thiết nghĩ, một trong những điều kiện đưa đến cảm thông và thoải mái cho nhau, chính quyền và Phật giáo cần ngồi lại lắng nghe nhau, bỏ lại quá khứ, hãy tôn kính nhau, đừng xem nhau như đối thủ, cần đối thoại để gỡ những vướng mắc hầu tạo cho Quảng Bình một vùng đất đẹp đáng sống.
Đặt lại vấn đề các chùa hiện nay do nhà nước quản lý, hãy mạnh dạn trao lại cho Phật giáo sinh hoạt, giúp người dân khỏi mất thời giờ đi lễ xa, khỏi trở ngại công ăn việc làm của dân, để sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt xã hội cùng tồn tại song hành.
(Còn tiếp)
Minh Mẫn
20/4/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét