Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

ƯỚC MUỐN HẠNH PHÚC


- Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ (thuộc Chương 5: Bản chất hạnh phúc)

Kinh định nghĩa “một trong những cơ sở dẫn đến khổ đau là ước muốn mà không được toại nguyện”, có nghĩa là nguyện ước diễn ra theo cách này mà thành tựu lại theo hướng hoàn toàn đối lập. Nỗi thất vọng do nỗ lực dụng công theo đuổi một lập trường, sự nghiệp lại không được đền bù trả giá đúng mức khiến con người trở nên khổ đau.

Khổ đau trước nhất là tiếc nuối những gì đã bỏ ra mà không đạt được; khổ đau thứ hai là kết quả, cái mà con người nghĩ rằng nó sẽ đáp ứng ở mức độ cuối cùng, nhưng mọi việc lại diễn ra theo cách thức riêng của nó. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra là khi ước muốn được toại nguyện, con người có thật sự được hạnh phúc không?. Câu trả lời tùy thuộc vào nội dung của từng ước muốn. Chẳng hạn sự thành tựu ước muốn trở thành tay ăn trộm chuyên nghiệp, rõ ràng không mang lại hạnh phúc mà chỉ mang lại niềm vui, niềm vui đó nuôi lớn bản ngã, còn hạnh phúc thì không có mặt thật sự. Rất tiếc có nhiều người theo đuổi khuynh hướng tiêu cực này, hoặc đánh đồng hai thành một, niềm vui là hạnh phúc. Có nhiều cách thức để truyền bá niềm vui, bao gồm cả những tiến trình rất mạo hiểm.

Hai cha con hành nghề ăn trộm. Người cha vô cùng lão luyện và người con cũng muốn không thua kém cha mình. Anh yêu cầu cha truyền nghề một cách chính tông. Một hôm vào lúc giữa khuya, người cha dẫn con lẻn vào một ngôi nhà giàu có. Sau đó cha bảo con hãy chui vào tủ quần áo ngồi đợi cha. Người con vui mừng làm theo. Sau khi con chui vào tủ, người cha hô lớn lên “trộm, trộm” rồi bỏ chạy. Sáng hôm sau, con lững thững trở về sau một đêm đối phó với các gia chủ và trốn chạy, thái độ anh hậm hực định thanh toán cha mình. Bấy giờ người cha gật gù vỗ vào vai con và chúc mừng con đã thành nghề.

Câu chuyện một mặt phản ánh chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng một mặt phản ánh ước muốn được thành tựu chưa chắc là niềm hạnh phúc thuộc về đời sống của nội tâm. Có những bài học cần tính hiện thực, đặt học trò vào một bối cảnh để tự tạo giải pháp cho riêng mình. Chủ nghĩa kinh nghiệm rập khuôn bắt thế hệ sau phải bê các giải pháp của thế hệ trước áp dụng cho các tình huống hoàn toàn khác nhau là điều mà các triết gia duy lý rất phản ứng. Họ cho rằng bê khuôn kinh nghiệm của người trước áp đặt cho những người sau là tạo khổ sở cho họ, đặt một giá trị chân lý bất di bất dịch và bắt mọi người phải theo chân lý đó đôi lúc đánh mất những khả thể có thể tiếp cận chân lý mà phải xóa bỏ những cái này mới làm chân lý hiển hiện được.

Tuy nhiên phương diện cần nêu ở đây là liệu ước muốn khi được thành tựu có mang lại niềm hạnh phúc hay không?. Công thức “Ước muốn không thành tựu =>Khổ đau” chỉ diễn ra một chiều, chiều còn lại “Ước muốn được thành tựu => Hạnh phúc” chưa chắc là chân lý. Sự thành tựu ước muốn chưa hẳn là hạnh phúc, nếu thành tựu ước muốn đó đặt trên nền tảng của đời sống vị kỷ mang lại khổ đau, đi ngược lại quy luật của đạo đức, lương tâm và luật pháp.

NỖI BUỒN THÀNH NIỀM VUI

Khi sống trong môi trường hoàn toàn trái biệt và đi ngược lại nguyện vọng của chính mình thì phải làm thế nào để được an vui? Những nông dân chân lấm tay bùn, bằng rất nhiều nỗ lực, nhưng cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Mỗi bước chân đi trên đồng ruộng mang theo cả gánh nặng về trách nhiệm gia đình, về cuộc sống. Khi vụ mùa bị thất thu, công sức tiền bạc đổ dồn cho một năm trời nhưng cuối cùng không đủ để trả vốn. Lỗ vốn và mất công, rõ ràng khổ đau tràn ngập. Trong những tình huống này, người biết cách vẫn có thể tạo cho mình được niềm vui. Dĩ nhiên, niềm vui có thể bắt nguồn từ sự tự an ủi nào đó, theo cách nói của người phàm, bằng không thì phải biết cách nhìn, quán chiếu, để chuyển nỗi buồn thành niềm vui. Câu ca dao được các em mục đồng hát nghêu ngao trên đồng ruộng: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”. Đó là cách thức tìm kiếm giá trị hạnh phúc từ những phương tiện, những sự kiện đang diễn ra liên hệ đến cuộc sống hằng ngày của nông dân như là một số phận.

Ấn Độ là một nước nghèo khó, mặc dù sự phát triển về khoa học, vũ khí, các công nghệ hiện đại Ấn Độ đang từng bước theo kịp các nước phương Tây, nhưng đời sống của quản đại đa số quần chúng là nghèo khó, nghèo rớt mồng tơi, màn trời chiếu đất. Báo chí đưa tin, hàng năm sau mỗi mùa mưa, mùa nắng, có tối thiểu ba trăm người chết. Họ không có đủ phương tiện để điều hoà khí hậu bất thường nóng và lạnh ở Ấn Độ. Nếu quan sát cách thức con người Ấn Độ sống trong sự khổ sở đó, sẽ có nhiều điều cần học từ họ.

Hiện tượng kẹt xe trên đường kéo dài ba đến năm tiếng là rất phổ biến, nhưng trên gương mặt của tài xế và phụ lái Ấn Độ không thể hiện sự buồn rầu, bực dọc, tức tối. Anh tài xế hát nghêu ngao một đoạn nhạc thư giãn, lúc nào đi thì đi, lúc nào phải dừng thì ngồi chờ, không hề than trách, cũng không đứng trên mui xe nhìn tới phía trước xem đoàn xe này còn kẹt bao lâu nữa.

Đó là thái độ của người Ấn Độ, họ luôn tìm những cách an vui trong hoàn cảnh khó khăn hằng ngày. Như vậy, hạnh phúc liên quan rất nhiều đến cách nhìn vấn đề, cách giải quyết vấn đề hơn là bản thân của vấn đề và sự kiện đang diễn ra, dù các sự kiện đó là nghịch cảnh, khó khăn, gian truân, thử thách.

Một anh đạp xích lô Ấn Độ kiếm sống bằng sức lao động tay chân, chở khách hàng to béo vẫn không làm cho họ cảm thấy khổ đau. Mỗi người có một tiêu chí riêng, cá nhân anh đặt ra tiêu chí mỗi ngày kiếm hai mươi rupi, khi kiếm đủ tiêu chí thì anh không chạy nữa mà ngả lưng nằm trên xe xích lô thư giãn, ai gọi cũng lắc đầu không đi. Họ tìm mọi cách để an vui mà không cần phải bon chen, giàu có thế này thế nọ. Người Ấn Độ không quan niệm giàu có hoặc đầy đủ phương tiện là hạnh phúc. Vì vậy mà Ấn Độ là môi trường sản sinh ra rất nhiều tôn giáo có chiều kích tâm linh hơn các tôn giáo phương Tây.

Sự thỏa mãn một ước muốn chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đích thực. Câu chuyện nhà thi hào, nhà văn Đức nổi tiếng thế kỷ 18, Goethe, đem lòng thương Charlote Buphe, vợ của bạn ông. Mặc dù vậy, sự si tình vẫn làm ông theo đuổi ước mơ được lấy Charlote làm vợ. Đã nhiều lần ông tìm cách tiếp cận Charlote và tìm cách bày tỏ rằng: “Nếu không lấy được em anh sẽ tự tử để chứng minh tình yêu chung thủy và duy nhất”. Điều đó đã làm cho Charlote vô cùng hoảng sợ, bà đem điều đó chia sẻ với chồng mình.

Một hôm, chồng bà đến gặp Goethe và nói một cách tế nhị rằng: “Tôi nghe người ta nói Goethe đem lòng thương vợ tôi. Tôi nghĩ nếu Goethe thương vợ tôi thì Goethe không còn là Goethe nữa”. Goethe đã rất nhanh trí trả lời: “Rất tiếc tôi không phải là Goethe như anh nói, nếu là Goethe tôi sẽ cho anh chồng biết tay, có nghĩa là tôi sẽ tự tử thật”. Nói như vậy, Goethe phủ định việc ông đem lòng yêu thương Charlote.

Thế nhưng ông vẫn hun đúc ngọn lửa tình yêu cháy bỏng và cho ra đời tác phẩm mang tên “Nỗi đau của chàng Werther”. Tác phẩm phản ánh chuyện tình của Werther và Lohtéa, tương tự chuyện tình của ông và Charlote ngoài đời, nhưng cuối tác phẩm ông cho phép Werther tự tử chết, vì tấm lòng chung thủy trong tình yêu một chiều mà người kia không biết, không bao giờ đáp lại, và không thể nào đáp lại được.

Trong tác phẩm này, nhân vật Werther được nhà văn Goethe mô tả đạt được hạnh phúc tối đa trong tình yêu ảo mộng của mình. Cái chết chứng minh lòng thương yêu của ông là duy nhất, không gì thay đổi, chuyển hóa được, và quan niệm của ông cho đó là hạnh phúc. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã chết theo Werther, vì tìm thấy sự đồng cảm trong tác phẩm. Đó là sai lầm với khuynh hướng bắt chước mà không suy nghĩ tại sao lại làm điều đó. Nhưng có một điều rất khôi hài là bản thân Goethe thì không chết, thậm chí sống đến gần trăm tuổi, trong khi rất nhiều thanh niên trẻ sau khi đọc tác phẩm đều bỏ mạng.

Các nhà văn khác đã thốt lên lời phát biểu: “Chưa bao giờ có một nhân vật nữ nào đẹp, quyến rũ, tuyệt vời như nhân vật Lohtéa, đã làm say mê biết bao con tim của các chàng trai và dẫn đến cái chết của họ nhưng tác giả của nó thì sống nhăn răng”. Ước muốn của Goethe là chết để chứng tỏ tình yêu duy nhất dành cho Charlote. Ông không thỏa mãn được trong thực tế thì thỏa mãn qua tác phẩm.

Đó là lý do tại sao kinh Phật khẳng định “tác ý, tự do ý chí, biểu hiện về đời sống nội tâm chính là một hành động, nếu đó là hành động tốt sẽ có phước báu, nếu là hành động xấu thì mang lại hậu quả tương ứng trong cuộc đời”. Theo nhân quả, Goethe đã tạo nghiệp xúi giục biết bao chàng trai trẻ hồn nhiên, vô tư, nhưng thiếu sáng suốt lao vào cái chết thoả mãn tình yêu không được đáp lại.

Như vậy, có thể khẳng định: “Hạnh phúc không nằm ở chỗ ước nguyện được hoàn tất có thể mang lại niềm vui, mà hạnh phúc là điều gì đó vượt lên trên niềm vui thông thường”.

Dù hạnh phúc của phàm tục, nó liên hệ đến các giác quan khi các giác quan được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ như mắt quan sát các hình thái sắc tướng, tai nghe âm thanh thích hợp... đều có thể tạo phản ứng hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc là sự hưởng thụ, khoái cảm của các giác quan đối với các đối tượng mà chúng tiếp xúc. Nhưng sự thỏa mãn ước muốn trong trường hợp này chưa phản ánh được bản chất của hạnh phúc đích thực. Có những sự thoả mãn chỉ đem lại khổ đau cho con người. Do đó, người Phật tử phải sáng suốt, dứt khoát, buông bỏ không tiếc nuối. Vì sự theo đuổi và đạt mục tiêu không chân chính chẳng những đánh mất giá trị hạnh phúc thật sự mà còn mang lại khổ đau cho người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét