Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

PHÓNG THÍCH NỖI KHỔ

Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ
(thuộc Chương 5: Bản chất hạnh phúc)
Nếu ai đó cố nén, không phóng thích cơn đau ra ngoài thì hãy đề phòng phản ứng tâm lý nguy hiểm hơn, đó là phản ứng hóa chất. Phản ứng hóa chất như chiếc bong bóng, khi sức căng phồng quá giới hạn, nó sẽ vỡ tung. Cậu bé 16 tuổi Hoài Văn Hầu, Trần Quốc Toản, khi đứng trước sự kiện giặc Nguyên Mông xâm chiếm nước Nam, Toản muốn khởi nghĩa nhưng điều kiện chưa đủ để được tham dự hội nghị Bình Than nêu cao ý chí đầu quân giết giặc. Sách sử mô tả, Toản bóp nát quả cam vua ban tặng đến độ không còn giọt nào. Đó là cách phóng thích cơn đau ra ngoài, nhưng trong trường hợp này sự phóng thích đã được nuôi dưỡng bởi lòng thù hận. Ta đau, ta ghét, ta thù mà không để ai biết theo kiểu “giận đắng tâm can, miệng mỉm cười” thì cấp độ tăng trưởng đổ dồn của tâm sẽ lớn đến một mức độ nào đó rồi vỡ tung. Khi đó cả người thù hận và người bị thù đều là nạn nhân, mà nạn nhân đầu tiên là người ôm mối thù hận ấy trong lòng. Đến lúc nào nỗi đau còn có mặt thì tâm còn bị thiêu đốt, bị trấn áp, làm mất hết cảm giác hạnh phúc thông thường lẽ ra cần phải có.
Một điều cần bàn thêm ở đây là câu nói thường được dẫn chứng một cách thiếu sót và sai lệch: “Nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp”. Câu này rất hay ở vế đầu tiên, nhưng vế thứ hai, nếu không đặt lại vấn đề thì rất nguy hiểm. Im lặng thế nào là “im lặng như chánh pháp”?!. Trong nguyên tác bản Pàli không có câu đó mà chỉ có câu “im lặng như thiền định”.
Trường hợp cần phát ngôn, trình bày, công bố thì người phát ngôn phải lấy “dũng” làm đầu. Cái “dũng” đó phải được nuôi lớn bằng thái độ vô ngã và tinh thần vô úy, nên lời nói lúc đó có trọng lượng thật sự, “uy vũ bất năng khuất”. Nhưng cũng có những trường hợp đức Phật khuyên: “Nếu lời nói không mang lại lợi ích thật sự cho mình và người khác, thì hãy giả vờ như không biết. Lúc đó hãy chọn giải pháp ‘im lặng như thiền định’ để hoá giải phản ứng thù hận và bực tức”.
Người Phật tử không nên chọn giải pháp im lặng trong sân hận như Trần Quốc Toản, dù sự im lặng của Toản là có lợi. Im lặng để hoá giải, nhìn vào bản chất của cuộc đời và tìm cách giải quyết vấn đề từ ngay gốc rễ của nó. “Chiến tranh là cách thức để bảo vệ hoà bình”, câu nói này nghe có vẻ khát máu, nhưng vẫn đúng trong một số trường hợp.
Nếu đất nước đó là nước nhược tiểu nằm giữa những nước hùng đại có tham vọng bành trướng bá quyền thì sự củng cố và chuẩn bị chiến tranh trong trường hợp này làm cho quân địch không dám tấn công trước theo kiểu “tiên hạ thủ vi cường”. Nhưng trong nhiều trường hợp sự chuẩn bị vũ khí sẽ không mang lại hạnh phúc thật sự.
Ấn Độ và Pakistan, từ một đất nước chia cắt làm hai rồi trở thành kẻ thù lẫn nhau chỉ vì tranh giành một mảnh đất gần như không có giá trị thương mại, tuyết rơi quanh năm, đôi lúc nhiệt độ chỉ còn - 300C. Ấy thế mà người ta vẫn chiến tranh với những ngụy biện rằng đó là “chủ nghĩa yêu nước”, “chủ nghĩa vì dân”,… Nhà Phật dạy “phải dùng thiền định để hóa giải nỗi đau của tâm”.
Bản chất của thiền định là buông xả, tha thứ, vô ngã, bất vị lợi và thong dong tự tại. Chính vì những chất liệu này, con người mới có thể tẩy rửa được những mối hận thù. Nuôi hận thù giống như “nuôi ong tay áo”, nó sẽ quay ngược lại cắn ta. Cho nên, người khôn, biết thương bản thân sẽ không bao giờ làm những việc có hại cho chính bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét