Bài 1 và 2 viết về PHẬT GIÁO QUẢNG BÌNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ... được đưa lên, đã có một số phản ứng dữ dội về nhân vật chính của Phật giáo Quảng Bình.
- Anh biết rõ về nhân thân của thầy Tánh Nhiếp?
- Dạ chưa, nhưng để làm gì? Tôi đáp
- Chưa biết rõ mà ca ngợi tán thán lên trời xanh như thế là thiếu khách quan!
- Xin thưa, nơi đây không ca ngợi tán thán nhân thân của một người mà chỉ nêu lên việc làm nổi bậc trong công việc phát triển Phật giáo Quảng Bình. Tôi phân trần.
- Nếu bảo là phát triển Phật giáo thì anh chỉ thấy mặt nổi ở một khía cạnh quá nhỏ, nếu thật tâm muốn phát triển Phật giáo thì thầy Tánh Nhiếp phải tạo mọi dễ dàng cho chư Tăng các nơi về hoằng pháp ngoài những nhân sự của thầy. Thầy không nên làm khó dễ những vị không phải người của thầy như thế.
- Vâng, tôi có hỏi thầy việc nầy, thầy trả lời, ai về làm đúng pháp thì thầy đâu có cản trở. Tôi đáp
- Thế nào là đúng pháp? Chả lẽ tất cả chư Tăng đều không đúng pháp mà hiện nay ở Quảng Bình ngoài đệ tử của thầy và nhân sự thầy thỉnh, không một ai được sinh hoạt trên đất Quảng Bình đúng pháp?
Một người khác hỏi: - Anh có biết lý do tại sao thầy Tánh Nhiếp phải di trú sang Lào gần 10 năm? Tôi xin chịu thua!
Vâng, còn nhiều vấn đề và nhiều phản bác của một số vị biết quá rõ về nhân thân, cá tánh nóng nẩy cũng như việc làm trong quá khứ của thầy, xem "hạ mục vô nhơn" tôi đành im lặng. Từ đây, mới hiểu tại sao ngày khánh thành chùa Hoằng Phúc không mời thầy phát biểu mà đáng ra với vị thế của một vị Trưởng BTS PG Tỉnh là chuyện đương nhiên.
Thầy trách là chính quyền và ông chủ tịch ngân hàng BIDV khi cúng chùa Hoằng Phúc trong địa bàn của thầy cho trung ương không thông qua BTSPG Tỉnh. Khi nhận văn thư của văn phòng một bổ cử TT T. Đức Thiện về đảm nhiệm cơ sở, cũng không bàn bạc với thầy mà ra lịnh thực hiện theo tinh thần văn thư tống đạt. Đó là nguyên tắc. Nhiều người cũng không hiểu tại sao chính quyền và ông giám đốc ngân hàng Bidv chả lẽ không biết nguyên tắc hành chánh? Đây là chuyện nội bộ chỉ có nội bộ Phật giáo Quảng Bình và quần chúng Quảng Bình mới hiểu rõ, và văn phòng Phật giáo Trung ương cũng như TT Tổng thư ký mới biết hành xử thế nào cho đúng lẽ.
Có điều đáng nói là chuyện triển lãm Phật Ngọc vừa rồi tại chùa Hoằng Phúc sau khi tượng Phật thỉnh từ chùa Pháp Vân, huyện Tân Phú- Sài gòn về. Từ trong nước đến nước ngoài, triển lãm Phật ngọc là việc làm của nhà chùa, thế nhưng, riêng Quảng Bình, đây lại là nhiệm vụ của nhà nước.
Giấy mời "Lễ khai mạc" đón Phật ngọc Hòa Bình Thế giới tại chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy- huyện Lệ Thủy-Tỉnh Quảng Bình, do đích thân bà phó chủ tịch UBND huyện đứng tên Ninh Thị Hòa. Vậy thầy trụ trì chùa Hoằng Phúc cũng là bà phó chủ tịch? Nếu chùa chưa có trụ trì thì mời BTS PG Tỉnh thay mặt đứng tên, sao chính quyền lại làm việc thay tôn giáo? Trong khi đã có văn thư bổ cử TT T. Đức Thiện trên danh nghĩa là trụ trì.
Quảng Bình có những việc làm khá bất ngờ, và bất ngờ hơn nữa, ông giám đốc ngân hàng BIDV phát tâm xây dựng chùa Hoằng Phúc, di tích lịch sử cấp quốc gia bằng tiền lương của công nhân viên chức ngân hàng. Cho dù hàng ngàn nhân viên đều là tín đồ Phật giáo thì chưa chắc tất cả đều phát tâm đóng góp, huống nữa có những người thuộc tôn giáo khác bắt buộc trích lương làm chuyện ngoài ý muốn của họ, liệu có vi phạm luật lao động? Xây dựng chùa là phúc nhưng với điều kiện phải tùy hỷ, ngược lại xây dựng trên sự bất mãn thì đó là tội.
Ngược lại, cũng tại Quảng Bình, một đại gia Phan Hải tự động bỏ tiền túi xây dựng ngôi chùa làng ở Bố Trạch với phong cách thoáng đãng, thờ phượng giản dị không kém phần trang nghiêm. Ông ta cũng tài trợ chi phí công trình "Điện-đường-trường-trạm" mọi công ích mà người dân không ai mà không biết. Chùa xây xong, tuy chưa có trụ trì, ông ta giao lại làng xã chăm sóc.
Quảng Bình là vùng đất khắc nghiệt về khí hậu không thua Quảng Trị, có lẽ do phong thủy địa dư như thế mà sản sanh lắm anh tài cũng nhiều điều khó hiểu, luôn có những cái đối nghịch nhau để là một Quảng Bình đặc thù ngày nay.
Riêng Phật giáo Quảng Bình, quần chúng tín đồ rất thành tâm, ngày sóc vọng hàng ngàn ngưởi lũ lượt kéo nhau về lễ Phật, theo thầy Tánh Nhiếp: - "ngồi nhìn họ mà mình cảm thấy sung sướng việc đóng góp của mình cho Phật pháp".
Vâng, đó là cái tâm, nhưng thêm cái tính điềm tĩnh, trầm lắng, độ lượng bao dung của một bậc chân tu đã có tuổi về chiều nữa thì mọi chướng duyên sẽ giảm thiểu và lòng tôn kính của quần chúng cũng như chính quyền sẽ gia tăng. Tâm và tính của một người tu không thể thiếu trên con đường hoằng pháp lợi sinh. Một người lãnh đạo dù đời hay đạo cũng phải dẹp bỏ cá tính để thich ứng với cộng đồng khi hành sự. Những vị lãnh đạo hay các bậc tôn túc được lòng tôn kính của mọi người do họ biết sống vì mọi người chứ không phải bảo lưu cá tánh dị biệt của cá nhân mình.
Hy vọng Phật giáo Quảng Bình sẽ tránh những vết xe lệch của một số địa phương mà vị trưởng BTS tự đặt cho mình cái quyền trên mọi quyền lợi của Phật giáo. Có như thế Phật giáo mới phát triển song hành với tôn giáo bạn đang cận kề.
Vì quyền lợi của Phật giáo và quyền lợi của tín đồ hay vì quyền lợi và quyền lực cá nhân, đó là điều trưởng tử Như Lai đang đặt trước mọi hành xử cũng như tu tập nhân thân.
- Hết -
MI NH MẪN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét