Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

TUYÊN NGÔN PHẬT GIÁO VỀ THAY ĐỔI KHÍ HẬU

Bây giờ là lúc phải hành động! (The Time to Act is Now)
  • 22.05.2009 | Tổng hợp nhiều tác giả
    Phan Quân chuyển ngữ
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng, Hội Nghị của Liên Hiệp Quốc về Hiệp Ước Khí Hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng Mười Hai năm 2009, bản Tuyên Ngôn dưới đây sẽ là quan điểm tôn giáo duy nhất, dành cho phương tiện truyền thông thế giới, đề cập đến khí hậu đổi thay và trách nhiệm khẩn cấp của chúng ta để giải quyết vấn đề. Bản Tuyên Ngôn này đúc kết những tham luận của trên 20 giảng sư Phật Giáo thuộc mọi hệ phái, đóng góp vào quyển sách "Một Phản Ứng của Phật Giáo Trước Hiểm Họa về Khí Hậu". Tài liệu "Bây Giờ Là Lúc Phải Hành Động" được hình thành như là một tài liệu Phật Giáo tổng hợp của Thiền sư tiến sĩ David Tetsuun Loy và Trưởng giáo Theravada, Hòa thượng Bhikkhu Bodhi, với sự đóng góp khoa học của Tiến sĩ John Stanley.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật đầu tiên ký tên vào bản Tuyên Ngôn này. Chúng tôi xin mời mọi thành viên liên hệ của cộng đồng Phật Giáo quốc tế hãy nghiên cứu tài liệu này và đóng góp tiếng nói của mình bằng cách cùng ký tên vào Bản Tuyên Ngôn ở cuối trang này.

Bây giờ là lúc phải hành động!
TUYÊN NGÔN PHẬT GIÁO VỀ THAY ĐỔI KHÍ HẬU
Ngày nay, chúng ta sống trong một thời đại khủng hoảng to lớn, phải đương đầu với cuộc thách thức trầm trọng mà nhân loại chưa từng gặp bao giờ, đó là hậu quả sinh thái do cộng nghiệp của chúng ta tạo ra. Khoa học đã dứt khoát nhất trí rằng sinh hoạt của nhân loại đang phá hoại môi trường trên khắp hành tinh. Đặc biệt, sự nung nóng toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng hơn đã dự đoán trước đây, rõ ràng nhất là ở Bắc Cực. Hàng trăm nghìn năm nay, Bắc Băng Dương là một vùng biển băng giá to lớn cỡ bằng Úc Châu, nhưng ngày nay hải băng đó đang tan rã nhanh chóng. Năm 2007, Nhóm Hội Thảo Liên Chính Phủ về Thay Đổi Khí Hậu (IPCC) dự báo đến năm 2100, Bắc Cực sẽ không còn có cảnh biển đóng băng vào mùa hè. Ngày nay, dường như hiện tượng đó có thể xảy ra trong vòng một hoặc hai thập kỷ nữa. Dãy băng rộng lớn của Băng Đảo cũng tan rã nhanh chóng hơn người ta tưởng. Trong thế kỷ này, mực nước biển sẽ tăng lên ít lắm là một thước, đủ để làm ngập lụt nhiều thành phố duyên hải và những khu vực chuyên trồng lúa, như vùng Châu Thổ sông Cửu Long ở Việt Nam.
Thủy triều của băng hà ở khắp nơi trên thế giới đang rút xuống nhanh chóng. Nếu chính sách kinh tế hiện hành cứ tiếp tục thì những băng hà trên Cao Nguyên Tây Tạng, vốn là ngọn nguồn của nhiều con sông lớn từng cung cấp nước cho hàng tỷ nhân dân Châu Á, sẽ biến mất trong vòng ba mươi năm nữa. Nạn hạn hán trầm trọng và mùa màng thất bát đã ảnh hưởng đến Úc Đại Lợi và Hoa Bắc rồi. Nhóm Hội Thảo Liên Chính Phủ nói trên, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên đã nhất trí đề cao cảnh giác rằng nếu không cùng nhau thay đổi đường lối thì, theo cố vấn khoa học hàng đầu của Khối Liên Hiệp Anh, nạn suy giảm nước uống, lương thực và những tài nguyên khác có thể gây ra tình trạng thiếu đói, cảnh tranh giành tài nguyên và nạn di dân ồ ạt vào giữa thế kỷ này, có thể là vào năm 2030.
Trái đất bị nung nóng đóng một vai trò quan trọng trong những cuộc khủng hoảng sinh thái khác, kể cả nạn tuyệt chủng của nhiều loại cây cối và thú vật cùng chia sẻ quả đất này với chúng ta. Các chuyên viên hải dương học cho biết một nửa lượng thán khí, xuất phát từ nhiên liệu lấy ở lòng đất, đều được đại dương hấp thụ, do đó làm tăng độ axit lên khoảng ba mươi phần trăm. Tình trạng axit-hóa nước biển phá hỏng tiến trình hóa vôi của vỏ ngao sò ốc hến và của đá ngầm san hô, cũng như cản trở đà phát triển của những sinh vật trôi nổi trên biển, vốn là nguồn gốc tạo ra một lượng thực phẩm cho phần lớn các sinh vật sống dưới biển.
Những nhà sinh vật học nổi tiếng, cũng như các phúc trình Liên Hiệp Quốc, đều đồng ý rằng nếu người ta cứ hoạt động như trước nay thì sẽ làm cho một nửa sinh vật trên trái đất này tuyệt giống trong thế kỷ hiện nay. Cùng nhau, chúng ta đã vi phạm giới thứ nhất trên một quy mô khá rộng lớn. Giới đó là chớ nên sát sinh. Và chúng ta không thấy trước được hậu quả đối với đời sống con người về mặt sinh vật học khi mà quá nhiều chủng loại, có khả năng góp phần vào phúc lợi của chính chúng ta, tan biến khỏi hành tinh này.
Nhiều nhà khoa học đã cho rằng sự tồn vong của văn minh nhân loại đang lâm nguy. Chúng ta đã bước tới giai đoạn nguy cấp trong quá trình sinh động vật học và xã hội của chúng ta. Trong lịch sử, chưa từng có một thời điểm nào quan trọng hơn lúc này, khi người ta phải cầu viện đến những đức tính của Phật Giáo, để binh vực quyền lợi của tất cả sinh vật. Giáo pháp Tứ Diệu Đế cho ta một cái định lý để chẩn đoán tình cảnh hiện hữu của chúng ta và để tìm một công thức thích nghi, vì sự đe dọa và mối hiểm họa, mà chung cuộc chúng ta phải đương đầu, bắt nguồn từ tâm trí của con người, và vì vậy cho nên phải có sự thay đổi sâu đậm trong đầu óc chúng ta. Nếu những sự phiền não cá nhân là do thèm muốn và ngu dốt mà ra – hai trong ba độc tố "Tham, Sân, Si" – thì nỗi đau khổ mà chúng ta phải gánh chịu trên quy mô tập thể cũng vậy. Tình trạng nguy cập về sinh thái của chúng ta thuộc diện rộng lớn hơn trong nỗi khó khăn kinh niên của nhân loại. Với tư cách cá nhân cũng như về mặt chủng loại, chúng ta âm thầm đau khổ và cảm thấy bị tách rời, không phải chỉ với người khác mà còn với chính Địa Cầu nữa. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói:"Chúng ta sống trên đời này phải thức tỉnh để ra khỏi ảo giác của thân phận chia lìa." Chúng ta cần phải tỉnh trí và ý thức được rằng Trái Đất là mẹ của chúng ta và cũng là nhà của chúng ta, và trong trường hợp đó, cuống rún nối liền chúng ta với Trái Đất không thể nào bị cắt đứt được. Khi Trái Đất lâm bịnh thì chúng ta cũng bịnh theo, vì chúng ta là một bộ phận của Trái Đất.
Mối quan hệ hiện tại của chúng ta với những sinh động vật khác, trên bình diện kinh tế và kỹ thuật, không được bền vững. Muốn tồn tại qua những diễn biến gay go trong tương lai, cách sống và kỳ vọng của chúng ta phải thay đổi. Như vậy, phải có những thói quen mới, cũng như những phẩm chất mới. Theo Nhà Phật thì toàn bộ thể chất của cá nhân và của xã hội tùy thuộc vào phúc lợi nội tâm, chớ không phải chỉ thuần túy căn cứ trên những chỉ dấu kinh tế. Như vậy, chúng ta có thể quy định được cung cách để dựa theo đó mà thay đổi con người và xã hội.
Về mặt cá nhân, chúng ta phải có những phương thức để cải tiến mỗi ngày mối quan tâm đến sinh thái và để giảm thiểu những hành vi của chúng ta có khả năng gây ra thán khí. Những ai có điều kiện kinh tế tiến bộ cần phải cải tiến cơ cấu sinh sống và che chắn nhà ở và nơi làm việc, giảm bớt mức điều nhiệt vào mùa đông và tăng lên vào mùa hè, sử dụng bóng đèn và thiết bị điện có hiệu năng cao, tắt bớt những thiết bị điện không dùng tới, cố gắng lái những chiếc xe sử dụng xăng dầu tốt nhứt và giảm bớt mức tiêu thụ cá thịt để chú tâm tới chế độ ăn uống đặt trọng tâm vào những thức ăn thực vật, có lợi cho sinh thái.
Chỉ những hành động cá nhân này không thôi, chưa đủ để ngăn ngừa những tai ương tương lai. Chúng ta còn phải có những thay đổi về cơ chế, cả kỹ thuật lẫn kinh tế. Chúng ta phải sử dụng, càng sớm càng tốt, loại năng lượng ít thảy khí carbon bằng cách loại bỏ nhiên liệu lấy từ lòng đất và thay thế vào đó bằng năng lượng có thể tái tạo được, có nguồn gốc vô tận, không độc hại và hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, chúng ta cần phải ngưng xây dựng thêm nhà máy chạy bằng than đá, vì than rất ô nhiễm và là nguồn sản sinh ra khí carbon nguy hiểm nhất. Sử dụng khéo léo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển và năng lượng địa nhiệt có thể cung cấp mọi điện năng cần thiết mà không phá hại sinh động vật. Khi mà công cuộc phá rừng tạo ra một phần tư khí carbon thì chúng ta phải đảo ngược chuyện phá rừng, nhất là vòng đai rừng nhiệt đới, cần thiết cho sự sống của nhiều giống cây và thú rừng.
Hồi gần đây, người ta cũng thấy rõ rằng cần phải thay đổi đáng kể cung cách hình thành hệ thống kinh tế của chúng ta. Kỹ nghệ muốn cung cấp mức tiêu thụ như chúng ta đòi hỏi thì phải cần số năng lượng khổng lồ, do đó mức độ nung nóng toàn cầu cũng tăng theo. Theo nhận thức của Phật Giáo thì một nền kinh tế lành mạnh và có thể chấp nhận được nên thỏa mãn nhu cầu một cách vừa phải. Bí quyết của hạnh phúc là mãn nguyện chứ không phải cứ tăng lên thừa mứa hàng hóa tiêu dùng. Bắt buộc người ta phải tiêu thụ càng ngày càng nhiều là biểu hiện của lòng tham, chính là nguồn gốc của khổ đau như Phật đã dạy.
Thay vì một nền kinh tế coi trọng lợi nhuận và đòi hỏi tăng trưởng không ngừng để khỏi bị sụp đổ, chúng ta cần phải cùng nhau tiến tới một nền kinh tế thỏa mãn tiêu chuẩn sinh sống cho mọi người đồng thời cho phép chúng ta mở mang đầy đủ tiềm năng (kể cả tiềm năng trí tuệ) một cách hài hòa với sinh động vật mà ai ai cũng chấp nhận và nuôi dưỡng, kể cả những thế hệ mai sau. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị không thấy được cuộc khủng hoảng toàn cầu của chúng ta có tính cấp bách, hoặc giả không muốn đặt lợi ích lâu dài của nhân loại lên trên lợi nhuận ngắn hạn của các công ty xăng dầu, có lẽ chúng ta cần phải mở một chiến dịch quần chúng kiên trì để cảnh giác họ.
Hồi gần đây, tiến sĩ James Hansen thuộc NASA (Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia) của Mỹ, cùng với những chuyên viên thời tiết khác đã đưa ra những mục tiêu chính xác cần thiết để ngăn ngừa chuyện nung nóng toàn cầu lên đến đỉnh cao khủng khiếp. Nền văn minh nhân loại chỉ có thể thoải mái nếu như mức độ an toàn về chất carbon dioxide trong khí quyển không quá 350 ppm (350 phần trên một triệu). Mục tiêu này đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma tán thành, cũng như những người được giải Nobel khác và những nhà khoa học nổi tiếng. Tình hình hiện nay của chúng ta thật đáng ngại vì mức độ hiện thời đã lên đến 387 ppm, và mỗi năm đã tăng lên 2 ppm. Chúng ta đã được cảnh báo là không những phải giảm bớt chất carbon thải ra mà còn phải rút ra khá nhiều hơi khí carbon hiện nay đã nằm trong không khí.
Là những người đứng tên trong bản tuyên ngôn về những nguyên tắc của Phật Giáo, chúng ta công nhận cần có nhu cầu cấp bách về việc khí hậu thay đổi. Chúng ta tán đồng Đức Đạt Lai Lạt Ma về chuyện nên đạt mức 350 ppm. Thể theo tinh thần Phật Giáo, chúng ta thấy cá nhân cũng như tập thể phải đạt được mục tiêu này bằng mọi cách, kể cả (chớ không phải chỉ riêng) những đáp ứng của cá nhân và tập thể được liệt kê trên đây.
Chúng ta có rất ít điều kiện để hành động, để bảo vệ nhân loại tránh khỏi tai họa sắp xảy ra và để giúp cho nhiều dạng khác nhau và xinh đẹp của cuộc sống trên Trái Đất được tồn tại. Những thế hệ tương lai, và những loài giống khác, cũng là sinh động vật như chúng ta, không cần được chúng ta cảm thông, hiểu biết và lãnh đạo. Chúng ta phải hiểu được những gì họ không nói ra. Chúng ta cũng phải nói lên tiếng nói của họ và nhân danh họ mà hành động.
Nhấn vào đây để Tham khảo bản tiếng Anh và ký TUYÊN NGÔN
(chú ý: Khung ký tên nằm dưới chân bản tiếng Anh của tài liệu này)
       
Phan Quân chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét