Dr Homi B Dhalla, a representative of the Zorastrian faith,
interviewing His Holiness the Dalai Lama
in New Delhi, India on November 21, 2014.
Photo/Jeremy Russell/OHHDL
Trước khi tham dự vào chương trình chính, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp đại diện của một trong những truyền thống tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, là tín ngưỡng thờ thần lửa. Ngài và Tiến sĩ Homi B Dhalla lần đầu tiên gặp nhau khi cả hai là khách mời của Đức Giáo Hoàng John Paul II tại Assisi vào năm 1986. Các ngài đã gặp gỡ nhiều lần kể từ đó. Nhân dịp này, ngài Dhalla muốn đặt một số câu hỏi lên Đức Đạt Lai Lạt Ma cho một bộ phim tài liệu về hòa bình và nhân quyền mà ông đang đảm nhiệm.
Ông bắt đầu các câu hỏi bằng cách đặt vấn đề, bên cạnh việc tham gia vào đối thoại, chúng ta có thể chấm dứt bạo lực bằng những cách thức nào. Ngài trả lời rằng bạo lực có liên quan trực tiếp đến các phiền não tiêu cực của con người. Sân giận, sợ hãi, ghanh tị và tham lam là nguồn gốc của bạo lực. Nếu chúng ta không đối trị được các phiền não này thì bạo lực sẽ mãi mãi không ngừng. Rất cần thiết phải giáo dục mọi người hiểu rằng bạo lực gây ra nhiều tác hại cho xã hội, cũng như có hại cho sức khỏe mỗi người, phá hoại sự bình an tâm thức. Liên hệ với nạn bạo lực đối với phụ nữ, Ngài cho rằng đương nhiên bạo lực với phụ nữ là sai lầm. Mặc dù những ý niệm cố hữu cho rằng nam giới là ưu trội hơn, nhưng thực sự thì nam giới và nữ giới đều cần đến nhau. Thời gian gần đây, nền giáo dục đã giúp mang lại một ý thức to lớn hơn về sự bình đẳng giới.
Khi được đặt câu hỏi về mối quan hệ của giới trẻ với công nghệ, ngài đã thể hiện sự trân trọng:
"Bản thân công nghệ là tốt. Nó làm cho cuộc sống dễ dàng hơn và làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Nhưng chúng ta phải sử dụng công nghệ một cách xây dựng."
Những người trẻ có thể giúp tạo ra một nhận thức rộng mở hơn rằng, tất cả con người đều mong cầu một đời sống hạnh phúc. Chúng ta đều cần tình thương yêu. Vì vậy, sẽ rất hữu ích khi nhận ra được bản chất đồng nhất của nhân loại.
His Holiness the Dalai Lama and fellow guests light
a lamp to inaugurate The 1st World Hindu Congress
in New Delhi, India on November 21, 2014.
Photo/Tenzin Choejor/OHHDL
Tiếp sau đó, ngài đã được cung đón nồng hậu bởi các thành viên của ban tổ chức Hội nghị Ấn giáo Thế giới lần thứ nhất (WHC2014). Sau những nghi thức ban đầu như thắp đèn cầu nguyện, tổng thư ký của Hiệp hội Ấn giáo Thế giới (VHP), Swami Vigyananand đã giải thích lý do Hội nghị Ấn giáo Thế giới được tổ chức. Ông mong đợi sự hồi sinh, thịnh vượng và ảnh hưởng đối với cộng đồng Ấn giáo trên toàn thế giới:
"Những điều tốt đẹp không tự diễn ra theo cách riêng của mình mà chính chúng ta phải làm cho chúng diễn ra."
Sajjan Bhajanka, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức (WHC 2014) đã bày tỏ lời chào đón nồng nhiệt đến tất cả mọi người hiện diện, đến đức Đạt Lai Lạt ma, ngài Mohanrao Bhagwat và ngài Ashok Singhal, các quan khách và 1800 đại biểu đến từ 50 quốc gia. Ông nhắc tới mong nguyện của Hội nghị được vinh danh ba lãnh đạo tâm linh là đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài Pujya Swami Dayanand Sarasvati và ngài Ashok Singhal.
Ông nhắc tới đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Bồ tát quán Thế Âm, Bồ Tát của tâm từ bi, ngài đã được trao tặng giải Nobel Hòa bình và Giải thưởng Magaysay, ngài đã thành lập nhiều trường học, tự viện, các tổ chức như thư viện Works & Archives Tây tạng và đã hoằng dương rộng khắp giáo pháp của chân lý và lòng từ bi. Ngài Mohanrao Bhagwat và ngài Ashok Singhal đã lên để cúng dường ngài khăn cát tường và trao chứng nhận vinh danh.
His Holiness the Dalai Lama delivering the inaugural address
at the 1st World Hindu Congress in New Delhi, India
on November 21, 2014. Photo/Tenzin Choejor/OHHDL
Sức khỏe của ngài Swami Dayanand Saraswati đã không cho phép ngài tham dự nên đã cử các đệ tử nhận vinh danh thay mình, còn ngài Ashok Singhal xin được từ chối vinh danh.
Đáp lại lời thỉnh cầu ban những huấn từ trong diễn văn khai mạc Đại hội, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu:
"Kính thưa các quý bạn hữu tâm linh, thật là một vinh dự lớn lao cho bản thân tôi được tham gia Hội nghị Ấn giáo Thế giới này bởi vì tôi luôn coi bản thân mình chỉ là một con người trong số 7 tỷ con người. Tôi luôn luôn nhấn mạnh rằng chúng ta, trong số 7 tỷ con người trên trái đất này, đều giống như nhau, về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm. Cho dù trong chúng ta, có là vua hay nữ hoàng, người ăn xin hay lãnh đạo tâm linh, thì chúng ta đều được sinh ra theo cùng một cách. Chúng ta cũng sẽ khởi hành tới điểm đến tiếp theo của cuộc đời theo cùng một cách. Tuy nhiên, bởi vì chúng ta có xu hướng lãng quên sự giống nhau này, chúng ta luôn nhấn mạnh tới những khác biệt thứ yếu. Chúng ta nghĩ về nhau trong sự phân biệt ta-người. Chúng ta có thể để ý tới trong trường hợp nếu như khi đang thoát khỏi một thảm họa tự nhiên và gặp một người khác, chúng ta sẽ luôn sẵn sàng chào đón họ như một người đồng hương mà không quan tâm tới việc họ từ đâu đến hay đức tin của họ là gì. Chúng ta vẫn thấy trẻ em thường ôm lấy nhau như những bạn thân mà không cần quan tâm đến sự khác biệt giữa chúng."
Ngài chỉ ra rằng ngày nay chúng ta phải đối mặt với rất nhiều loại rắc rối do chính bản thân mình tạo ra, ví như, chiến tranh và bạo lực. Trong cố gắng để giải quyết những vấn đề như vậy, tốt hơn là hãy nhấn mạnh tới phương diện tất cả chúng ta đều là con người. Chúng ta đều muốn một đời sống hạnh phúc và coi trọng giá trị tình cảm của con người, tất cả mọi người đều như vậy. Khi đời sống của chúng ta bắt đầu và chúng ta tồn tại trong bầu không khí của tình cảm. Nếu chúng ta suy nghĩ ở phương diện bản chất đồng nhất của 7 tỷ con người, sẽ chẳng có gì có thể chia rẽ chúng ta cả.
Ngài nhận xét rằng, mặc dù có sự khác biệt nhất định giữa triết học của các truyền thống tôn giáo nhưng các truyền thống tôn giáo lớn đều coi trọng sự bình an của tâm thức. Ngài nhắc tới những trường phái tâm linh Ấn Độ cổ đại như: Samkhya-Yoga, Kì-na giáo (Jaina), Nyaya-Vaishesika, Mimamsa-Vedanta và Charvaka. Ngài cho rằng, thông qua các truyền thống tâm linh này, nếu so với những nền văn minh cổ đại của Ai Cập và Trung Quốc, thì nền văn minh lưu vực sông Ấn sản sinh ra một số lượng lớn hơn các nhà tư tưởng vĩ đại.
Some of the over 1800 delegates from 50 countries listening
to His Holiness the Dalai Lama delivering the inaugural address
at the 1st World Hindu Congress in New Delhi, India
on November 21, 2014. Photo/Tenzin Choejor/OHHDL
"Tôi là một đệ tử của truyền thống Nalanda và một tu sĩ Phật giáo. Tôi cũng đã giành nhiều tâm sức nghiên cứu về truyền thống tâm linh này mặc dù nhình chung vẫn là một người học lười biếng. Tôi luôn giành sự kính ngưỡng lớn đối với các học giả và hành giả tâm linh Ấn Độ cổ đại. Tôi đã đọc và kính ngưỡng trước tác của các ngài, trong đó cho thấy rằng các ngài đã có thể sử dụng tối đa năng lực bộ não con người. Trong các trước tác của các Đạo sư Thánh Thiên (Aryadeva), Thanh Biện (Bhavaviveka), Trần Na (Dignaga) và Pháp Xứng (Dharmakirti) có nhiều tranh biện và kiến giải về các truyền thống tâm linh khác nhau. Trước tác của ngài được viết rất rõ ràng và dễ hiểu. Rõ ràng là lượng tri thức Phật giáo đã tăng vượt trội để đáp ứng với những thách thức về mặt trí thức từ các trường phái khác và các trường phái ngoài Phật giáo cũng phát triển tương tự như vậy.
"Nhà vật lý nổi tiếng người Ấn Độ Raja Ramana đã từng chia sẻ với tôi niềm tự hào rằng, ông đã tìm thấy những luận giải trong trước tác của các học giả Ấn Độ cổ đại tương tự như các quan điểm của khoa học vật lý lượng tử ngày nay. Và điều khiến ông đặc biệt tự hào là những gì được coi là phát kiến và mới mẻ trong các ý tưởng của các nhà khoa học ngày nay thì đã được biết đến ở các nhà tư tưởng Ấn Độ từ rất lâu.”
"Tôi luôn cho rằng người Tạng chúng tôi coi người Ấn là những Bậc thầy của mình. Tất cả tri thức của chúng tôi đều đến từ Ấn Độ. Một học giả vĩ đại người Tạng thế kỷ 15 đã nói rằng, mặc dù màu trắng trải khắp vùng đất Tuyết, nhưng cho đến trước khi ánh sáng tri thức từ Ấn Độ tới, xứ Tạng vẫn còn chìm đắm trong bóng đêm đen. Đôi khi tôi hài ước rằng chính người Ấn Độ cổ đại mới là những người chúng tôi tôn kính là các bậc thầy chứ không phải người Ấn hiện đại nay đã bị phương Tây hóa khá nhiều. Tuy nhiên ngày nay quý vị hiện đang nỗ lực khôi phục và trì giữ các truyền thống cổ hàng thế kỷ và tôi rất trân trọng điều đó."
Ngài chia sẻ về các cuộc đối thoại mà chính ngài đã tổ chức cùng với các nhà khoa học hiện đại trong hơn 30 năm qua, tập trung vào lĩnh vực như: vũ trụ học, vật lý, sinh học thần kinh và tâm lý học. Các cuộc hội đàm cho thấy, so với nền tâm lý học phát triển cao của Ấn Độ cổ, tâm lý học hiện đại hầu như chưa đạt đến cấp độ “mẫu giáo”. Điều này cũng cho thấy, sẽ là không đủ nếu chỉ thực hành các nghi thức tâm linh hàng ngày. Bên cạnh việc thực hành ở các chính điện, rất cần thiết phải có những trung tâm nghiên cứu và thảo luận ở một mức độ sâu sắc hơn. Chúng ta cần hiểu biết nhiều hơn về tâm thức và các cảm xúc, bởi sự hiểu biết này sẽ giúp mang lại bình an nội tâm. Nếu chúng ta được học cách đối trị các phiền não của mình, chúng ta thực sự có thể bắt đầu tạo ra một thế giới nhiều tình thương yêu hơn.
"Người Tạng chúng tôi là các đệ tử nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi là các đệ tử đáng tin cậy. Chúng tôi đã trì giữ nguyên vẹn nguồn tri thức đó trong khi các thế hệ sau gần đây của các bậc thầy chúng tôi đã quên lãng. Tôi thỉnh cầu tới quý vị hãy quan tâm nhiều hơn đến nguồn tri thức cổ này ở bất cứ nơi nào quý vị thiết lập đền thờ và các trung tâm khác nhau. Đây là một đóng góp thực sự quý vị có thể mang lại cho toàn thế giới."
Ngài cho rằng Phật giáo và Ấn giáo giống như các huynh đệ tâm linh, lời chia sẻ này đã nhận được sự tán thán nồng nhiệt khắp hội trường. Ngài cho rằng hai truyền thống tâm linh cùng chia sẻ về Giới-định-tuệ (Shila, shamatha và prajna) tuy nhiên khác biệt nằm ở quan điểm atman hay anatman. Ngài nhớ lại buổi gặp gỡ với một lãnh đạo tâm linh ở Bangalore vài năm trước đây, vị lãnh đạo đó đã tổ chức phân phát thực phẩm cho rất nhiều người nghèo với quy mô rất lớn. Các ngài đã thảo luận về sự tương đồng giữa các truyền thống tâm linh cho đến khi ngài cho rằng, là một tu sĩ Phật giáo, quan điểm anatman là phù hợp hơn; tuy nhiên vị lãnh đạo tâm linh Ấn giáo lại cho rằng quan điểm atman phù hợp. Mặc dù có sự khác biệt, nhưng ngài cho rằng đó là quyết định cá nhân của riêng mỗi người.
Ngài nhắc nhở lại rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều răn dạy về tâm từ bi, sự tha thứ và kỷ luật tự thân. Đối với những tín đồ có niềm tin sâu sắc nơi một đấng sáng tạo, một đức tin chuyên nhất nơi Đức Chúa là một pháp thực hành đầy năng lực. Đối với những ai có niềm tin vào quan hệ nhân quả thì nếu làm điều thiện, sẽ nhận được lợi lạc và nếu làm điều ác thì sẽ dẫn tới khổ đau. Mục đích của tất cả những truyền thống này là mang lại lợi lạc cho nhân loại. Đó là lý do ngài đang nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Nhắc lại một dịp ở Úc, khi một đạo hữu Công giáo đã giới thiệu ngài là một người Công giáo thiện lành và đến lượt mình, ngài cũng coi đạo hữu Công giáo người Úc là một Phật tử thuần thành, và ở đây ngài xin nhận là một người Ấn giáo thành tâm.
Ngài cũng nhận xét rằng có rất nhiều điểm chung giữa Ấn giáo và Phật giáo Kim cương thừa (Tantra). Ngài chia sẻ về việc mình đã rất mong nguyện được thảo luận các kinh nghiệm với các hành giả đã dành nhiều năm ẩn tu trên các vùng núi cao. Khi Ashok Singhal mời ngài tham dự Mahakumbh Mela cuối cùng, ngài đã rất mong đợi nhưng bởi lý do thời tiết nên đã không cho phép.
"Những cơ hội như vậy cho phép phát triển sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, đó là cơ sở của sự hài hòa hợp. Luận điểm của tôi có rõ ràng với quý vị? Đó là tất cả những gì tôi muốn chia sẻ. Xin cảm ơn quý vị."
Trong thông điệp của mình đến Đại hội, ngài Swami Dayanand Sarasvati cho biết, bản thân rất vui khi biết các nhà lãnh đạo Ấn giáo đã hiện diện cùng nhau trong bối cảnh đang diễn ra những sự thay đổi thuận lợi trên thế giới Ấn giáo. Ashok Singhal đã có bài phát biểu nồng nhiệt bằng tiếng Hin-di về trọng tâm của Hiệp hội Ấn giáo Thế giới là làm nổi bật hình ảnh những người Ấn giáo vô úy. Một ấn phẩm mới mang tên Prabodhan đã được phát hành. C.V. Wigneswaran, Bộ trưởng tỉnh phía Bắc Sri Lanka, thông báo việc thu thập những kinh nghiệm của Ấn Độ giáo ở nước này. Tiến sĩ Mohanrao Bhagwat lập luận về việc đây có phải là thời điểm thuận lợi cho sự hồi sinh của Ấn giáo hay không. Ông thừa nhận quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản chất đồng nhất của con người và xác định một người Ấn giáo là một con người thấy được sự thống nhất trong đa dạng. Những gì người Ấn giáo cần đóng góp, theo ông, chính là các giá trị của họ.
Naresh Kumar, Phó Chủ tịch Ban Tổ chức bày tỏ thêm lời tri ân sâu sắc trước khi phiên họp thứ nhất Hội nghị Ấn giáo Thế giới kết thúc.
Nguồn: Dalailama.com
Người dịch: Phúc Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét