Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

TỈNH THỨC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA KHOA THẦN KINH HỌC

 PSN 26.5.2013 | David Rock - Đỗ Hoàng Tùng dịch
Theo Tạp chí 
Văn Hóa Phật Giáo số 124
Mới đây, Daniel Gilbert (tác giả quyển sách tuyệt vời có tựa là “Stumbling on Happiness”) và Matthew Killingsworth, học trò của ông, đã đưa ra một nghiên cứu khẳng định điều mà tất cả chúng ta vẫn hoài nghi, rằng về mặt tâm thần, hầu hết chúng ta đã làm lãng phí phần lớn thời gian của đời người.        
Hóa ra là có tới gần phân nửa thời gian, chính xác là 46,9%, người ta làm cái việc được gọi là “suy nghĩ vẩn vơ”. Họ không chú ý đến cuộc sống bên ngoài hay công việc đang làm, mà họ lại tìm hiểu chính những suy nghĩ của mình. Tiếc thay, việc nghiên cứu trên 2.250 người cho thấy đa phần các hoạt động này không làm cho con người cảm thấy hạnh phúc.          
Cuộc nghiên cứu đã được thiết kế với mục đích tìm hiểu xem người ta đã có những hoạt động như thế nào trong suốt một ngày, và hoạt động nào khiến họ hạnh phúc nhất. “Suy nghĩ vẩn vơ” chỉ là một trong số 22 hoạt động mà họ có thể liệt kê.
 
Các nhà nghiên cứu thấy rằng con người hạnh phúc nhất khi họ có quan hệ tình dục, tập thể dục, hoặc trò chuyện. Họ cảm thấy ít hạnh phúc khi nghỉ ngơi, làm việc, hay sử dụng một máy điện toán cá nhân.
 
Người ta cho biết rằng họ nghĩ ngợi vẩn vơ không dưới 30% thời gian, trong tất cả mọi việc trừ lúc đang có quan hệ tình dục. Nhưng điều oái oăm là người ta lại cho biết họ cảm thấy không hạnh phúc khi suy nghĩ vẩn vơ. Chúng ta tiêu tốn gần phân nửa thời gian cho cái việc không làm cho mình hạnh phúc! Chẳng trách có rất nhiều truyền thống tâm linh và tôn giáo cố khuyến dụ con người “sống trong hiện tại”.
 
Chẳng hiểu có phải việc người ta suy nghĩ vẩn vơ hóa ra lại là một dấu hiệu dự báo về hạnh phúc tốt hơn so với những hoạt động thực tế mà người ta can dự vào hay không. Cứ hãy chỉ nghĩ về một ngụ ý của khám phá này, rằng nó giải thích tại sao địa ngục trần gian với người này lại có thể là thiên đường với kẻ khác, nếu họ thấy mình tập trung vào công việc.
 
Tỉnh thức và não bộ 
Một cuộc nghiên cứu năm 2007 với chủ đề “Mindfulness meditation reveals distinct neural modes of self-reference” (tạm dịch: “Thiền tỉnh thức cho thấy các chế độ thần kinh khác biệt của sự tự tham chiếu”), do Norman Farb cùng với sáu nhà khoa học khác tiến hành tại Đại học Toronto, đã đặt nền móng cho sự hiểu biết của chúng ta về sự tỉnh thức từ quan điểm của khoa thần kinh học. Farb và các đồng nghiệp của ông đã tìm ra biện pháp nghiên cứu xem con người trải nghiệm từng khoảnh khắc của mình như thế nào. Họ phát hiện rằng con người tương tác với thế giới bên ngoài theo hai cách hoàn toàn khác nhau, bằng cách sử dụng hai hệ thống khác nhau. Một hệ thống nhằm trải nghiệm cuộc sống của chính mình liên quan đến điều được gọi là “hệ thống mặc định”, bao gồm phần giữa vỏ não trước trán (medial prefrontal cortex), cùng với các vùng trí nhớ như đồi hải mã (hippocampus). Gọi là mặc định vì hệ thống này hoạt động khi không có việc gì khác xảy ra và con người đang nghĩ về chính mình. Giả sử bạn đang ngồi trên mép cầu tàu vào một ngày hè, có một làn gió nhẹ thổi qua mái tóc và bạn đang cầm một ly nước chanh lạnh trong tay; thay vì đón nhận một ngày mới tươi đẹp, có thể bạn thấy mình đang nghĩ về việc sẽ nấu món gì cho bữa ăn tối nay, và liệu bạn có cần phải phí sức để làm vui lòng người bạn đời của mình hay không. Đấy là khi hệ thống mặc định của bạn đang hoạt động. Nó liên quan đến việc lập kế hoạch, mơ mộng và ngẫm nghĩ.
 
Hệ thống mặc định ấy cũng hoạt động khi bạn nghĩ về bản thân hoặc về người khác, nó kết hợp những suy nghĩ ấy thành một “mẩu chuyện”. Một mẩu chuyện là một dòng dữ kiện có các nhân vật tương tác với nhau theo thời gian. Não bộ lưu trữ những kho thông tin cực lớn về quá khứ của bạn và của những người khác. Khi hệ thống mặc định được kích hoạt, bạn sẽ suy nghĩ về cả quá khứ lẫn tương lai và tất cả những người bạn biết, bao gồm cả bản thân bạn, cũng như cái cách mà tấm thảm thông tin khổng lồ ấy đan kết lại với nhau. Vì thế, trong nghiên cứu của Farb, họ gọi hệ thống mặc định này là mạch “kể lể”.
 
Khi bạn trải nghiệm cuộc sống thông qua hệ thống kể lể này, bạn tiếp nhận thông tin từ cuộc sống bên ngoài, xử lý nó thông qua một bộ lọc để xem mọi thứ có ý nghĩa gì, và đưa thêm vào sự giải thích của bạn. Đang ngồi ở cầu tàu mà mạch kể lể hoạt động, thì làn gió mát không phải là một làn gió mát, mà là dấu hiệu cho thấy mùa hè sẽ đi sớm hơn; điều này khiến bạn bắt đầu suy nghĩ về nơi trượt tuyết, và liệu bộ đồ trượt tuyết của bạn có cần phải được lau khô hay không.
 
Hầu hết thời gian khi ta tỉnh thức, hệ thống mặc định hoạt động mà không cần nhiều nỗ lực để được vận hành. Thực ra hệ thống này không có gì sai trái cả, vấn đề ở đây là ta không muốn tự giới hạn vào việc chỉ trải nghiệm cuộc sống qua hệ thống này.
 
Nghiên cứu của Farb cho thấy có một cách hoàn toàn khác để trải nghiệm cuộc sống. Các nhà khoa học gọi nó là một dạng kinh nghiệm trực tiếp. Khi hệ thống kinh nghiệm trực tiếp hoạt động, một số vùng não khác nhau trở nên linh hoạt hơn. Các vùng này trước hết có thùy đảo (insula), khu vực liên quan đến việc nhận biết các cảm giác của cơ thể. Phần trước của vành đai vỏ não (anterior cingulate cortex), là trung khu điều chỉnh sự chú ý, cũng được kích hoạt. Khi hệ thống kinh nghiệm trực tiếp này hoạt động, bạn sẽ không suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, về người khác hoặc về chính mình; và bạn cũng không ngẫm nghĩ nhiều. Thay vào đó, bạn sẽ tiếp nhận thông tin dựa vào những cảm giác thực tại. Khi ngồi trên cầu tàu, bạn sẽ chú ý đến sự ấm áp của ánh nắng tác động trên làn da, cơn gió mát luồn qua mái tóc, và ly nước chanh lạnh đang nằm trong tay.
 
Một loạt các nghiên cứu khác đã cho thấy rằng hai mạch này, kể lể kinh nghiệm trực tiếp, có tương quan nghịch chiều. Nói cách khác, nếu bạn nghĩ về một cuộc họp sắp tới trong khi đang rửa bát đĩa, rất có khả năng bạn sẽ không để ý tới mảnh thủy tinh vỡ và sẽ bị đứt tay, vì khi hệ thống kể lể được kích hoạt thì trung khu thần kinh thị giác của bạn sẽ kém linh hoạt. Bạn sẽ không nhìn thấy, nghe thấy, hoặc cảm thấy bất cứ điều gì một cách rõ ràng khi bạn chìm trong suy nghĩ. Điều đáng buồn là trong trạng thái ấy, ngay cả hương vị của một ly nước chanh cũng trở nên nhạt nhẽo.
 
May mắn thay, kịch bản này tác động ở cả hai hướng. Khi bạn chú tâm vào các dữ kiện sắp xảy ra, chẳng hạn như cảm nhận được nước lan trên bàn tay trong khi rửa mặt, sự linh hoạt của mạch kể lể sẽ giảm. Điều này giải thích tại sao, ví dụ, nếu mạch kể lể của bạn đang làm bạn lo lắng phát điên về một sự kiện căng thẳng sắp tới, sẽ rất có ích nếu bạn hít thở một hơi thật sâu và tập trung vào thời điểm hiện tại. Lúc đó, mọi giác quan của bạn sẽ “trở nên sống động” hơn.
 
Nói tóm lại, bạn có thể trải nghiệm thế giới thông qua mạch kể lể, vốn hữu ích cho việc lập kế hoạch, ấn định mục tiêu, và hoạch định chiến lược. Bạn cũng có thể trải nghiệm thế giới một cách trực tiếp hơn, cho phép nhận biết nhiều thông tin cảm giác hơn. Trải nghiệm cuộc sống thông qua hệ thống kinh nghiệm trực tiếp cho phép bạn tiến gần hơn tới thực tại của mọi sự kiện. Bạn tiếp nhận được nhiều thông tin hơn về các sự kiện xảy ra quanh mình; cũng như các thông tin về những sự kiện ấy trở nên chính xác hơn. Việc chú ý nhiều hơn đến các thông tin thực tại khiến bạn linh hoạt hơn trong cách phản ứng với cuộc sống. Bạn cũng trở nên ít bị giam hãm hơn trong nhà tù của quá khứ, của các thói quen, của những mong đợi hoặc giả định; và khả năng ứng phó của bạn với các sự việc khi chúng xuất hiện cũng sẽ tốt hơn.
 
Trong thí nghiệm của Farb, những người thường xuyên thực tập việc chú tâm đến hai cách nhận thức, qua kinh nghiệm trực tiếp và qua hệ thốngkể lể, như những người hành thiền thường xuyên chẳng hạn, có sự phân biệt rõ rệt hơn giữa hai cách này. Vào bất kỳ lúc nào, họ cũng biết được mình đang sống theo cách nào, và có thể chuyển đổi giữa hai cách một cách dễ dàng… Trong khi đó, những người không thực hành việc chú tâm đến hai cách trải nghiệm này có khả năng tự động sống theo cách kể lểhơn. Điều này không chỉ là lý thuyết. Nghiên cứu của Kirk Brown cho thấy những người ở nấc thang cao hơn của sự tỉnh thức nhận biết rõ hơn về quá trình vô thức của họ. Hơn nữa, họ kiểm soát nhận thức tốt hơn và có nhiều khả năng hơn trong việc diễn đạt những gì họ làm và nói, so với những người ở các nấc thang thấp hơn của sự tỉnh thức. Nếu bạn đang ngồi trên cầu tàu lộng gió và bạn là người ở mức độ tỉnh thức cao, có thể bạn sẽ nhận ra mình đang bỏ lỡ một ngày tươi đẹp để lo lắng cho bữa tối; ngay đó, bạn sẽ chú tâm vào sự ấm áp của ánh mặt trời. Khi bạn thay đổi sự chú ý của mình, bạn thay đổi sự vận hành của bộ não, và điều này có thể tạo ra một ảnh hưởng lâu dài đến cách hoạt động của não bộ.
 
Tại sao chúng ta cần phải luôn nhớ tỉnh thức
John Teasdale là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về sự tỉnh thức. Ông giải thích, “Tỉnh thức là một thói quen, một thứ mà khi càng thực hành người ta càng đạt đến trạng thái đó mặc dù chẳng cần cố gắng nhiều… Đó là một kỹ năng có thể học hỏi được. Đó là việc tiếp cận một thứ mà ta có sẵn. Sự tỉnh thức không phải là việc khó. Cái khó là nhớ rằng phải tỉnh thức”.
 
Thực tập, nhưng bạn không cần phải ngồi xuống và hít thở.
Như vậy, việc thực tập sự tỉnh thức là điều quan trọng, đến nỗi từ nay có nhiều khả năng bạn sẽ nhớ đến việc ấy. Chìa khóa để thực hành sự tỉnh thức là chỉ thực hành tập trung sự chú ý của bạn đến một cảm giác trực tiếp, và hãy thường xuyên làm như vậy. Sẽ hữu ích hơn nếu bạn sử dụng một nguồn dữ kiện phong phú. Bạn có thể dễ dàng đặt sự chú ý vào cảm giác của bàn chân trên sàn nhà hơn là chú ý vào cảm giác của ngón út của bạn trên sàn nhà, vì với cả một bàn chân, bạn có nhiều dữ liệu hơn để khai thác so với chỉ một ngón út. Bạn có thể thực tập sự tỉnh thức trong khi bạn đang ăn, đang đi bộ, đang nói chuyện, hay đang làm những việc lặt vặt; ngoại trừ việc uống một ly nước chanh dưới ánh mặt trời ấm áp, vì khi ấy, sự tỉnh thức chỉ có tác động trong một khoảng thời gian hạn chế trước sự chú ý của bạn bị hòa tan vào hương vị của nước chanh.
 
Tạo dựng thói quen tỉnh thức không có nghĩa là bạn phải ngồi yên và dõi theo hơi thở. Bạn có thể tìm ra một cách thực tập phù hợp với lối sống của mình. Bất cứ điều gì bạn có thể tiến bộ thông qua rèn luyện, bạn hãy thực tập nó. Càng tỉnh thức hơn, bạn càng có những quyết định thích hợp hơn, và bạn sẽ càng thành tựu những mục tiêu của chính mình hơn, chứ không phải là những mục tiêu mà người khác đặt ra cho bạn. Và, càng tỉnh thức hơn, bạn càng ít suy nghĩ vẩn vơ hơn; đồng thời, bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
 
Nguồn: New study shows humans are on auto pilot nearly half the time, Psychology Today
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét