Trong năm nầy, liên tục các trang mạng xã hội chuyên
đưa tin mang tính tiêu cực trong nội tình Phật giáo, nhắm vào các hành vi của
tu sĩ.
Là người phàm, không ai tránh khỏi những tệ nạn sai
phạm tầm thường, tuy nhiên cũng không hiếm những tu sĩ làm chủ được bản thân,
không để hành động đi ra ngoài luật nghi của nhà Phật. Và cũng rất may, kẻ phạm
giới hoặc tạo ra tai tiếng phần lớn là các tu sĩ trẻ.
Trong các tôn giáo dù lớn hay nhỏ, không một tôn
giáo nào tránh khỏi tình trạng ô tạp khi tôn giáo đó ở vào giai đoạn hưng thịnh.
Trong các nước mà trước đây là vùng đất màu mỡ của Kito giáo, trong quá khứ
cũng như hiện tại, không thiếu những chức sắc cao cấp phạm luật giáo hội. Phật
giáo cũng thế, ở Thái Lan, Myanmar, Trung quốc, Việt Nam vẫn có những tệ nạn do
một vài tu sĩ trẻ thiếu suy nghĩ, thiếu nhân cách tạo ra, đó là một sự thật,
nhưng thật sự tất cả những tai tiếng gần đây chỉa vào Phật giáo Việt Nam mà một
số báo lá cải chưa hẳn hoàn toàn đúng. Ví dụ chùa Bồ Bề, để câu độc giả, đưa lên
những tít giật gân: “Chùa Bồ Đề bán trẻ em”...
mà sự thật, cơ quan pháp luật vẫn không có bằng chứng nhà chùa phạm vào tội tầy
đình nầy. Giả dụ nếu có, là do nhà chùa thiếu kiểm soát để cho các bảo mẫu làm
sai; dĩ nhiên còn nhiều chuyện tai tiếng mà chư Tăng im lặng không muốn thanh
minh, một trong những điều “tâm niệm” của Phật dạy: “Oan ức không cần biện bạch”. Thế
thì bao điều mà các trang mạng xã hội loan tải chưa hẳn đúng sự thật. Tất cả
các tôn giáo, các tổ chức đều có những thành phần bất hảo, tại sao các phương
tiện truyền thông cứ phải hướng vào Phật giáo. Nếu có tinh thần xây dựng thì
nên trực tiếp gặp các chức sắc Phật giáo để góp ý và xác minh trước khi loan tải.
Chức năng truyền thông là để xây dựng xã hội chứ không phải truyền đạt những
chuyện giật gân chưa được kiểm chứng làm mất uy tín kẻ khác, bôi xấu bất cứ tôn
giáo nào.
Ngành truyền thông báo mạng hiện nay do tự phát, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu
nhận thức khách quan và không bị chế tài bởi hiến định nên tung tin vung vít
không cần biết đúng sai, không cần biết hậu quả đến đâu, làm tan nhà nát cửa,
không ít gia đình ly tán vì những thông tin thiếu chính xác, chưa kiểm chứng. Mong
quí vị truyền thông nhớ dùm một câu trong nhà Phật có dạy: "PHÀM LÀM VIỆC
GÌ PHẢI XÉT KỸ ĐẾN HẬU QUẢ CỦA NÓ". Mong lắm thay!
Đây là hiện tượng không đáng có khi một xã hội cần
xây dựng nếp sống văn hóa mà một số trang mạng truyền thông tác nghiệp thiếu
văn hóa. Truyền thông hướng độc giả vào chiều tiêu cực hơn là mang tính xây dựng.
Người Phật tử nên cẩn trọng những tin thất thiệt thiếu kiểm chứng để khỏi đánh
mất niềm tin với Tam Bảo hiện nay.
MINH
MẪN
14/12/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét