Nam Yết là một trong
dãy đảo Trường Sa, cách Sơn Ca độ một giờ tàu chạy. Cũng như Sơn Ca, tàu neo
khá xa vì biển cạn bờ nông. Sóng bạc đầu cố nuốt trọn những xuồng ca nô nhỏ bé
đưa từng thân xác mệt nhoài sau mấy ngày vượt trùng dương, nhưng tất cả đều lóe
lên niềm phấn chấn khi điểm xanh cây cối le lói tận chân trời.
Không ai bảo ai, tất cả
đều vui vì có mặt của cỏ cây giữa trùng dương bạt ngàn. Cây cỏ sống được thì
con người sống được. Bờ biển Nam Yết không gây khó cho anh em binh sĩ đồn trú
khi đón đoàn, tuy nhiên, từng đợt sóng đùa cợt ve vãn cũng đủ ướt ống chân khi
bước lên những tấm ván đơn sơ nằm dọc mé nước. Nước ngọt rất hiếm, nước là máu
để tồn tại sự sống, là vũ khí bảo vệ sự tồn tại, thế mà, khi lên bờ, từng thau
nước lưng đáy, với cái khăn sạch trên giá thau sẵn sàng đón chào khách quý. Tuy
được thông báo cặn kẽ trước khi đi, nhất là nước ngọt, thế mà vẫn có những người
vô ý với thói quen của dân thị thành, sử dụng vô tội vạ. Uống nước cũng vẫn chừa
1/3 đổ xuống mảnh cát khô khốc trước cái nhìn tiếc rẻ của anh em đồn trú. Nước
mưa được chứa vào bể xài quanh năm, dĩ nhiên không đủ.
Vào sâu bên trong, những
cây Bàng lá vuông phủ xanh một phần mặt đất mà cứ ngỡ như cỏ cây tươi tốt. Các
gốc dừa chưa đủ sức tồn tại, được bao quanh bởi những mảnh vải mỏng manh để
tránh cái gió khô cháy của đại dương và muối mặn biển cả. Tuy vậy, các đọt vẫn
bị cháy nắng; không một cây nào ngóc đầu khỏi mặt đất để chứng tỏ sức sống vượt
áp lực thiên nhiên ngoại trừ dương liễu và cây Bàng. Đáng ra, phải hỗ trợ biển
đảo phủ xanh thêm mặt đất, thì cũng có những người tận dụng cây con, nhánh ươm
của Bàng vuông đem về thành phố như một chứng tích Trường Sa. Sự khắc nghiệt là
thế mà vẫn có những con người xương thịt xác định được quyền sống trước bao khó
khăn của đất trời và ác nghiệp của con người với nhau.
Đoàn sinh hoạt với cấp
chỉ huy đảo tại hội trường, trao quà qua những lời chúc tụng của Thượng Tọa T.
Giác Hiệp trưởng đoàn. Chủ đảo báo cáo sinh hoạt của binh sĩ đồn trú, cuộc sống
và niềm khát vọng mà từ đất liền đem đến cho anh em. Cũng như Sơn Ca, nơi đây
chỉ có sĩ quan và lính quen nhẵn mặt nhau đến độ gặp nhau đã biết sẽ muốn nói với
nhau điều gì. Anh em thường đùa, vừa ra khỏi nhà ăn, gặp nhau đã hỏi:
"Ăn
chưa" khi trên tay còn cầm đồ đi rửa.
"Ôi!
Chưa ăn, chừng nào tới giờ cơm?"
"Hôm
qua bồ tau vừa hẹn chốc sẽ đi phố sắm đồ cưới"...
Cứ thế, những chuyện
không đâu như người lơ lững giữa từng không mà đùa như thật. Tuy đảo có sóng
Viettel, nhưng binh sĩ không sử dụng điện thoại cá nhân. Những hạn chế do thiếu
điều kiện mà biến người trên đảo cứ như không bình thường. Thật ra họ vẫn bình
thường nhưng tình cảm sinh hoạt giữa biển đảo và đất liền bị gián đoạn; cái gì
đó như khô hạn. Giống anh em tù cải tạo trong rừng sâu, lâu ngày thiếu vắng bóng
người dân, gặp ai cũng trân quý. Cũng vậy, cho dù một cô gái xấu tệ, khiếm khuyết,
dưới mắt của những người đơn độc cách ly với đất liền, cũng vẫn là người đẹp,
người mẫu của Thần đảo cô đơn.
Đoàn lên chùa, vẫn kiểu
dáng chùa Sơn Ca, vẫn nét cong mềm mại, mái ngói móc câu đỏ thẳm trên nền xanh
của trời, tường vôi màu khói lam cho dịu đất nóng biển khơi. Ban nghi lễ miền Bắc
an vị tôn tượng như giúp cho anh em đồn trú đa phần miền Bắc, sống lại những
ngày tháng của quê hương. Họ thành kính ngồi chấp tay lắng nghe như muốn nuốt
trọn từng câu kinh tiếng mõ. Hồi chuông ngân đã đánh động một góc đảo để tạo sự
sống tâm linh hòa cùng âm ba của sóng gào. Những giây phút nầy thật sự sung sướng,
hạnh phúc và ý nghĩa khi đất liền hòa hợp cùng biển đảo chan chứa trong tâm hồn
người con Việt tộc giữa chốn xa xôi. Tình cảm và lòng thương đang tồn tại sự cảm
thông không phân biệt chính kiến, tín ngưỡng hay giai cấp xã hội. Tất cả chỉ là
một khối thể hiện lòng yêu quê hương, bảo vệ giống nòi.
Có lẽ phần đông anh em
đồn trú đều là cư dân miền duyên hải nên việc đánh bắt hải sản để tự cung tự cấp
thêm chất đạm ngoài thịt hộp cũng không mấy khó. Cái khó là mảnh lưới, móc câu
không đủ ra xa khi chẳng một thuyền bè hay phương tiện nào khác. Vài con chó
không mấy tròn trịa ngơ ngác nhìn du khách. Vì là đoàn Phật giáo, nhiều vị tự hỏi,
những chú cẩu nầy là bạn của những người trên đảo hay là thực phẩm bất đắc dĩ
khi say mồi nhớ lại phố phường “liên hiệp xí nghiệp thịt cầy” ở phố Bắc? Ngoài
vài chú cẩu, không có sinh vật heo gà vịt ngang nào có mặt, có lẽ không đủ nước
ngọt cho chúng sống.
Sau vài giờ sinh hoạt
và làm lễ an vị tôn tượng, đoàn cũng phải chia tay với những gương mặt trẻ đen
nhẻm nắng biển, da thịt săn chắc, giọng nói nặng nề nhưng vẫn không dấu được một
tình cảm, một khao khát đời thường mà đáng ra sau khi đất nước thống nhất, tất
cả con dân có quyền được hưởng cuộc sống an lành ấm êm với thân nhân bè bạn
trong cảnh thái bình.
Cộng nghiệp của dân tộc
phải chung sống với tập thể vô minh luôn muốn nhấn chìm tổ quốc, biệt nghiệp của
từng con dân luôn gánh nặng trách nhiệm của cha ông để lại. Cho dù bão tố bất
thường trên đại dương cũng khó nhận chìm phần đất của quê hương nếu toàn dân đồng
lòng bảo vệ. Cho dù mây đen bao phủ bốn bề thì cũng phải có lúc ánh sáng le lói
từ bầu trời xuyên tầng không để soi sáng thế nhân.
Giọt nắng yêu thương của
con người đồng chủng tộc hay giọt nắng vô tình của đất trời bao la đều là ánh
sáng sưởi ấm đất tổ quê cha trước bạo tàn thâm độc. Đoàn thăm viếng là giọt ấm lòng người hướng về các biển đảo xa xăm của quê hương Hồng Lạc Việt Nam.
MINH
MẪN
01/7/2014
CÓ BÀI VIẾT NÀY CHÚNG TÔI MỚI RÕ CUỘC SỐNG TRÊN ĐẢO. MỌI THỨ ĐỀU THIẾU THỐN, TỪ VẬT CHẤT ĐẾN TINH THẦN. ẤY THẾ MÀ ĐẢM ĐANG CÔNG VIỆC TO TÁT "BẢO VỆ HẢI PHẬN". MONG NHÀ NƯỚC CHIẾU CỐ ĐẾN NHỮNG NGƯỜI ĐANG LÀM PHẬN SỰ THIÊNG LIÊNG NÀY.
Trả lờiXóaBao lâu mới có chuyến viếng thăm hải đảo??? Tội nghiệp quá những con người đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Trả lờiXóa