bia của HQ VNCH
Sáng 26/6/2014, sau khi hoàn tất an vị ba pho tượng Phật ngọc tại ba
chùa: Linh Sơn đảo Sơn Ca, chùa Nam Thiên đảo Nam Yết và chùa Vĩnh Phúc đảo
Phan Vinh. Trường Sa lớn là đảo cuối cho chuyến hải hành. Đảo này có tên gọi
chính thức là Trường Sa nhưng nhiều nguồn báo chí và quân-dân Việt Nam tại Trường
Sa thường gọi đảo bằng biệt danh Trường Sa Lớn. Trường Sa là đảo san hô đứng thứ
tư về diện tích trong quần đảo (0,15 km2) và là trung tâm của thị trấn Trường
Sa. Đảo có nguồn nước với độ ngọt cao, có đường băng, cảng cá, trạm khí tượng,
trường học, trạm xá...
Đoàn cập cảng lúc 7 giờ sáng, được hải quân đảo đón chào theo quân cách,
có cả duyệt binh. Đây là đảo lớn hàng thứ tư sau đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm.
Ba Bình là đảo san hô đứng đầu về diện tích trong quần đảo (0,4896 km2). Trên đảo
có rất nhiều nước ngọt, đất đai màu mỡ và có nhiều cây cối xanh tươi. Trong chiến
tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chiếm đảo này làm căn cứ tàu ngầm. Tháng 12
năm 1946, Trung Hoa Dân Quốc cho quân đổ bộ lên Ba Bình nhưng rồi rút đi vào
năm 1950. Đến năm 1956 họ mới quay lại và kiểm soát đảo cho đến tận ngày nay.
Hai đảo nhỏ hơn Ba Bình đã bị Trung Quốc, Malaysia
chiếm đóng.
9.30g máy bay trực thăng của Không Quân đưa giáo phẩm Trung ương đến, có
sự hộ tống của cặp Su – chiến đấu cơ của Liên Sô sản xuất. Miền Nam có HT Như
Niệm – HT Thiện Tánh – TT Nhật Từ - TT Quang Thạnh. Miền Bắc có HT Gia Quang –
TT Thanh Điện – TT Thọ Lạc – TT Thanh Phụng – TT Thanh Dũng – TT Minh Quang.
Ban chỉ huy đảo Trường Sa cùng chư tôn đức quang lâm hội trường. Giới thiệu
thành phần tham dự, báo cáo sinh hoạt, trao quà lưu niệm, thăm viếng đảo... Sau
đó, làm lễ cầu an tại tượng đài Quán Âm.
Cơm trưa tại đảo do tàu HQ 571 chuyển lên bờ, giao lưu văn nghệ do anh
em thanh niên trên tàu và vài tu sĩ đảm trách. Thầy Tánh Khả chủ động chương
trình khá sôi nổi. Sinh hoạt đã thu hút một số anh em binh sĩ tại đảo tham dự để
quên đi những tháng ngày buồn tẻ.
Bóng mát chiều tà làm dịu cơn nóng của biển và đảo, đoàn lần lượt ra bến
cảng, lên tàu nghỉ ngơi, ăn chiều. Tàu rời xa cảng hơn km, thả neo giữa sóng biển
giạt dào. Trường Sa chỉ còn là điểm xanh chạy dài trên góc biển bao la. Và rồi,
chỉ còn ánh đèn chập chờn giữa màn đêm. Tàu và đảo như đôi nhân tình đến rồi
đi, chia tay giữa sự vô tình thầm lặng của mùa giông tố. Người trên đảo an thân
thủ phận kiếp truân chuyên, kẻ trên tàu tâm luôn hướng về miền đất nhiều hò hẹn.
Giữa đêm đen, sóng gió lắc lư làm con tàu mệt nhoài. Sáng hôm sau, hồi còi từ
giã biển khơi như báo cho người trên đảo biết đã đến giờ từ biệt. Chả mấy chốc,
Trường Sa lặng chìm giữa mênh mông trời biển, sóng gió càng to như giận dữ con
tàu bạc tình đến rồi đi tạo thêm khoảng trống vắng giữa đôi đường. Càng về đêm,
con tàu càng bị những cơn sóng giận hờn va đập vào lườn cứ như chém phải đá ngầm.
Nhờ đôi cánh giảm sốc nên ít bị lắc lư, từng đợt vượt sóng nhồi làm cho một số
lữ khách nôn thốc nằm la liệt. Trên đường về ngược gió Tây Nam vào mùa
giông bão. Qua một ngày đêm bị hành hạ bởi thủy thần, vào gần bờ, sóng càng giảm,
biển càng lặng, những gương mặt hốc hác phờ phạc bắt đầu có chút thần sắc mà ai
cũng nghĩ sẽ khó qua nếu tàu cứ tiếp tục thác ghềnh.
Sáng hôm sau, năm chú bé cá heo lượn theo mũi tàu để tiễn đoàn vào đất
liền. Một chú nhí nhảnh va vào lườn tàu đau quá nên rút lui về nhà dưỡng
thương, bốn chú còn lại bơi đua với tàu một cách dễ thương như con trẻ. Mỗi chú
lớn bằng bắp vế con người, các chú càng hăng khi những người trên tàu la hét
khích lệ. Có lẽ bơi quá xa, gần hai tiếng bơi
Đêm 28/6, trên boong tàu tổ chức tổng kết, giao lưu và tặng kỷ niệm
chương do đại tá Nguyễn Bá Ngọc, chỉ huy phó vùng 4 Hải quân và TT Giác Hiệp,
trưởng đoàn chứng minh. Phóng viên báo chí, đoàn khảo cổ, thanh niên thành đoàn
và một số Tăng sĩ được truy tặng huy hiệu chiến sĩ Trường Sa.
Lúc khởi hành, ai cũng nôn nao khi tàu ra khỏi cửa sông lớn. Lúc trở về,
ai cũng muốn vội lên nếu tàu cập cảng Vũng Tàu. Biết tâm lý như thế, đoàn được
thông báo, không ai tự ý ra về khi lên cảng Cát Lái, phải đợi xe đưa về bộ Tư lệnh
dự bữa cơm thân mật trước lúc chia tay. Mọi người bước lên đất liền cứ như các
phi hành gia lâu ngày giam chân trên vũ trụ, được đặt chân lên mặt đất cảm thấy
hạnh phúc tràn trề. Cũng mặt đất này cũng đôi chân nầy hàng ngày dẫm đạp nát lối
quê hương, nhưng hạnh phúc không hiện diện, chỉ cần 9 ngày xa rời đất liền, trở
lại như trở lại mầm sống hiếm hoi. Hạnh phúc luôn quanh ta, khi xa rời mới thấy
quý hiếm. Tóm lại, hạnh phúc không đâu xa, luôn tồn tại từng giây phút trong cuộc
sống, vì hướng ngoại nên không cảm nhận đấy thôi. Khi rời đất liền ra biển đảo,
hạnh phúc sung sướng đang tràn trề nơi chân trời mới, rồi mong từng bữa cơm
canh rau với gia đình trên mâm ăn hằng bữa, lại trông chờ hạnh phúc khi cập bến
yêu thương. Cũng thế, những phần đất quê hương vẫn tồn tại từ thời cha ông tiên
tổ có công mở mang bờ cõi, đến khi mất vào tay giặc mới thấy quý tiếc, tìm cách
bảo vệ cũng đã muộn màng.
Trên đảo Trường Sa, trụ tháp xác định chủ quyền của Việt Nam do anh em Hải
Quân Việt Nam Cộng Hòa xây dựng vẫn còn được giữ gìn như một chứng tích bảo vệ
di sản tổ tiên, chưa từng để mất một tấc đất tấc biển dù trong thời chiến. Mãi
đến khi đồng minh vì quyền lợi quốc tế nên mặc nhiên để 74 chiến sĩ anh dũng đối
đầu với bọn bành trướng mà lực lượng gấp chục lần, họ đã anh dũng giáng trả,
gây tổn thất không nhỏ cho địch trước khi gửi xác cho đại dương. Năm 1988 cũng
thế, lực lượng bộ đội 64 vị cũng đã hy sinh khi tình đồng chí trở mặt tham tàn
tại đảo Gạc Ma. Mặc dù chúng ta nghèo và yếu thế, nhưng mưu trí và lòng dũng cảm
yêu nước không nhỏ. Khí tài chiến tranh ta kém so với lân quốc, nhưng chiến
tranh không chỉ dựa vào vật chất mà còn chiến lược, chiến thuật, mưu trí quyết
định sự thắng bại, lịch sử đã chứng minh điều đó với đại Hán bao lần xâm lược
quê hương. Chúng đến như cọp sói, chúng đi như mèo cụt tai, như gà mắc nước. Dù
Hoàng Sa đã mất, tương lai rình rập Trường Sa hay bất cứ nơi nào của quê hương,
chúng đến để rồi đi một cách nhục nhã trước sự cương quyết của dân tộc. Ai dám
bảo con cháu ta không đủ mưu trí thu hồi những gì đã mất. Cha lú còn chú khôn,
vững tin như thế. Cái gì quyết định cho lòng dũng cảm ngoài vật chất? Tinh thần
được nuôi dưỡng bởi tính “vô úy” và “đại bi”, đó là tâm linh hồn thiêng sông
núi không thể thiếu. Phật giáo là linh hồn của dân tộc bao đời, linh hồn không
chỉ nuôi dưỡng bởi nghi lễ tôn giáo mà cần thẩm thấu tâm linh qua tuệ tri sâu sắc,
qua công phu tu tập nội dưỡng, đấy là sinh khí, là chất sống cho một dân tộc.
Qua những ngày đến với đảo của giáo đoàn tâm linh nhưng vẫn chưa thực hiện hết
chức năng tâm linh cho biển đảo. Hy vọng nếu có những chuyến kế tiếp, Giáo Hội,
Ban hoằng pháp nên chuẩn bị thời khóa tu tập miên mật cho những vị chủ chốt hướng
dẫn đoàn. Những vị tháp tùng cũng không nên xem chuyến đi là dịp du lịch mà hướng
tâm cầu nguyện như một trách nhiệm xây dựng tâm linh vùng biển đảo. Có như thế
đến để rồi đi mới trọn nghĩa tình, chứ không chỉ nôn cho đến rồi lại nóng khi
đi như những lữ khách vô tình để lại bao tiếc nuối cho biển đảo diệu vợi.
Chúng ta đến với cuộc đời rồi ra đi khỏi cuộc sống cũng thế, cần một
hành trang có ý nghĩa để khỏi vô bổ kiếp người, thì đến và đi ở bất cứ nơi đâu
cũng phải có một giá trị đích thực, cho dù kẻ xâm lược quê hương, đến với tham
vọng rồi đi với nhục nhã cũng là một bài học đáng giá cho việc làm của tả đạo
bàng môn.
Cuộc đời chỉ là Đến và Đi.
MINH MẪN
03/7/2014
ĐỌC XONG CÓ CHÚT NGẬM NGÙI, ĐẾN RỒI ĐI, GẶP RỒI TAN, KIẾP NHÂN SINH LÀ THẾ ẤY. CƯ XỬ THẾ NÀO ĐỂ LƯU LẠI TRONG LÒNG NGƯỜI ẤN TƯỢNG TỐT.
Trả lờiXóaChuyến đi của phái đoàn thăm viếng chưa tới 10 ngày mà đã nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ phố phường quen thuộc đến như thế; nói chi các anh em binh sĩ phải làm nghĩa vụ lại càng đáng thương hơn.
Trả lờiXóa