Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

* GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TRUYỀN THỐNG VÀ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ



 (Bài 2)

Những khó khăn tồn tại: trước 1963-1975.
Như ta đã biết, GĐPT VN được khai sáng bởi bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám vào năm 1940, trải qua nhiều giai đoạn, đoàn thể Thanh thiếu niên nầy tùy thuộc vào từng tổ chức Phật giáo như:

Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt.

Giáo Hội Tăng Già Trung Việt.

Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt.

Hội Phật Giáo Trung Việt.

Sơ khởi là tổ chức ĐỒNG ẤU PHẬT GIÁO hình thành tại Huế và Hà Nội, dần dà phát triển tới các tỉnh. Ở Hà Nội trụ sở đoàn đặt tại chùa Quán Sứ. Miền Trung, trụ sở tại chùa Từ Đàm. Thời kỳ sơ khai Ban Đồng Ấu do cư sĩ Thiều Chữu hướng dẫn. Theo tinh thần chấn hưng Phật giáo trên thế giới, Phật giáo Việt Nam cũng nỗ lực vận động, song song đó Ban Đồng Ấu cũng đang trên đà phát triển, nhưng chưa được bao lâu thì bị gián đoạn trước biến cố lịch sử và chiến tranh chống Pháp bùng nổ tại Nam Kỳ (1945), Bắc và Trung Kỳ (1946).

Khi Phật giáo ba miền thành tựu việc chấn hưng thì Ban Đồng Ấu của GĐPT cũng thay đổi danh xưng là GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ vào năm 1948.

Ba năm sau đó – 1951 một lần nữa danh xưng được thay đổi là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, được canh tân cơ cấu điều hành và hình thức sinh hoạt đoàn thể cho thích hợp với thời đại mới, mãi cho đến ngày nay.

Sau 1948. Các anh: Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu, Lê Cao Phan, Hoàng Thị Kim Cúc, Võ Đình Cường, v.v... ưu tư với tiền đồ tuổi trẻ Phật giáo, đứng ra chấn hưng Ban ĐỒNG ẤU theo đường hướng cải cách mới và đổi danh xưng là GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ, có nội quy sinh hoạt, chương trình giáo dục và tu tập rõ ràng. Hai Gia đình thành hình đầu tiên là GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ GIA THIỆN và GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ HƯỚNG THIỆN sau cuộc họp tại chùa Từ Đàm sau năm 1948. Cũng từ đó, mô hình nầy lan rộng trong các chùa và khuôn hội tại Huế trước khi lan truyền ra các Tỉnh Thành miền trong. Những năm nầy, Ban Hướng dẫn được hình thành do các anh Lê Cao Phan- Võ Đình Cường - Lê Văn Dũng - Tráng Thông - Phan Xuân Sanh... đảm trách điều hành.

Năm 1951, Ban Hướng Dẫn được điều chỉnh lại khi các đơn vị phát triển rộng lớn. Anh Võ Đình Cường là trưởng với sự hợp tác của những thành viên như: Lê Cao Phan, Lê Mộng Đào, Nguyễn Xuân Quyền, Hoàng thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân v.v...

Khi ba miền thống nhất tổ chức giáo hội vào năm 1951 với danh xưng – Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thì Gia Đình Phật Hóa Phổ cũng được đổi thành GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM.

Trong lúc đó, miền Bắc cũng được thành hình Gia Đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh, tại chùa Quán Sứ, do anh Đặng văn Khuê điều hành. Dần dần lan rộng ra các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Yên. Tháng giêng 1953, các huynh trưởng phía Bắc cử vào tham dự đại hội Huynh Trưởng tại chùa Từ Đàm để thống nhất chương trình sinh hoạt tu tập, Các đơn vị phát triển rất nhanh thì 1954, trại họp bạn Vô Ưu là trại cuối cùng khi chiến tranh phân hóa hai miền Bắc Nam. Phía Bắc, Gia Đình Phật Tử hoàn toàn giải thể.

Trong Nam, sau khi thống nhất các hội đoàn Tăng già Phật giáo, GĐPT cũng được anh Nguyễn Hữu Huỳnh, pháp danh Pháp Huệ, năng động cổ súy thành lập đơn vị đầu tiên được bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ hỗ trợ trước sự chứng minh của chư Tăng và Ban quản trị Phật học hội. Sau đó, Tống Hồ Cầm, Nguyễn văn Thục và Viên Quang cộng tác phát triển đơn vị thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt tại chùa Ấn Quang. Xây dựng GĐPT Nam Việt thuộc hội Phật học Nam Việt.

Năm 1960, đại hội Huynh trưởng các đơn vị thuộc Hội Phật Học Nam Việt tổ chức tại Xá Lợi, anh Tống Hồ Cầm được bầu làm trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt.

Đại hội Gia Đình Phật tử toàn quốc diễn ra vào tháng 01/1953 tại Huế, gồm có 63 Đại Biểu Huynh Trưởng chính thức của 3 miền. Từ đó thống nhất điều lệ sinh hoạt cùa GĐPT toàn quốc sau khi thành lập Ban Hướng Dẫn trung ương GĐPTVN. Cũng nhờ vậy mà GĐPT sinh hoạt có quy củ, đào tạo huynh trưởng có bài bản, chương trình sinh hoạt thống nhất toàn diện.

Sau 1954 đất nước phân qua, một số Phật tử miền Bắc di cư vào Nam, thành lập các đơn vị họ Giác thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và họ Minh thuộc Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, thế là miền Nam có thêm một BHD GĐPT Bắc Việt trụ sở đặt tại chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản và BHD GĐPT Nam Việt trụ sở đặt tại chùa Phước Hòa- đường Phan Đình Phùng

Tuy nhiên, không vì thế mà thuận buồm xuôi gió. Tuy các nơi đều được thành lập các đơn vị của hai miền, tạo sự thiếu cảm thông trong vấn đề điều hành, mặc dù vẫn theo nội quy của GĐPTVN và tình lam con Phật vẫn làm nồng cốt. Chính vì thế, một lần nữa các huynh trưởng phải nhọc công vận động ngoại giao thành lập đoàn huynh trưởng A Dục nhằm hỗ trợ kiến thức và kinh nghiệm điều hành sinh hoạt chung để phụng sự đạo pháp.

Cuối cùng, TT T. Thiện Minh tạo sự đoàn kết và thông cảm theo tinh thần Tình Lam, dẫn đến đại hội Huynh Trưởng tại chùa Xá Lợi vào ngày 26-27-28 năm 1961 bầu BHD toàn quốc. Kể từ đây, GĐPT thống nhất một khối, tu học và trung kiên với Phật giáo, đóng góp không nhỏ trong công cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tự do Tôn giáo vào thời kỳ Ngô Đình Diệm.

Trong giai đoạn nầy một số huynh trưởng GĐPT miền Trung đã gặp nghiệt ngã và hy sinh khá nhiều do sự đố kỵ của một số cán bộ gia đình trị nhà Ngô mặc cảm Phật giáo. Sau 1963, GHPGVNTN ra đời, GĐPT nằm trong Tổng Vụ Thanh niên thuộc sự quản lý của Viện Hóa Đạo, vì thế, hệ thống tổ chức BHD cũng phải theo vùng miền của GHPGVNTN lúc bấy giờ.

Tuy ra đời không bao năm, các đơn vị được thay tên đổi họ theo từng thời kỳ, để rồi, cuối cùng trở thành một tổ chức có đường hướng, quy củ, học nghi rõ ràng, một tổ chức Thanh thiếu niên, vững mạnh nhất trong các tổ chức cư sĩ của Phật giáo từ năm 1930 đến 1975, có tinh thần đoàn kết, lòng từ bi và trách nhiệm hiện rõ trong từng đoàn sinh khi tham gia vào sinh hoạt xã hội. Xứng đáng là một đoàn thể nồng cốt của PGVN.


MINH MẪN
18/6/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét