An cư là truyền thống lưu tồn của Bà La Môn giáo,
trước thời Phật còn tại thế.
Theo Tứ Phần Luật San Bổ Tuỳ Cơ Yết Ma số 4, giải
thích nghĩa AN CƯ như sau: thân tâm đều tĩnh lặng gọi là AN, qui định thời gian ở một chỗ gọi là CƯ.
NGUYÊN NHÂN CHO VIỆC AN CƯ:
Theo Tứ phần luật 37, An cư ký đệ (Đại 22, tr.630b)
nhân duyên Phật chế định An Cư là do có một số Tỳ Kheo, nhất là nhóm 6 tỳ kheo
du hành trong mùa mưa, khiến dân chúng than phiền: “Các sa môn Thích tử du hành
trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hằng
năm vẫn có 3 tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên
ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử lại du hành
trong mùa mưa, các vị ấy đã giẫm đạp lên cỏ xanh, đang làm hại mạng sống của
các loài côn trùng”.
Do sự than phiền của quần chúng, Đức Phật khuyến giáo
cho chư Tăng phải có ba tháng an cư vào mùa mưa. Ngoài vấn đề tránh dẫm đạp côn
trùng sanh sôi nẩy nở, thể hiện lòng từ, còn có ý nghĩa các tỳ kheo phải giáo
giới lẫn nhau, chỉ điểm và sách tấn nhau.
Tăng đoàn thanh tịnh hoà hợp là mạng mạch Phật pháp,
là linh hồn, là sức sống của chính pháp. Vì vậy, ngoài sự tu học Tam Vô Lậu
học, tinh thần Lục Hòa Cộng Trụ phải được xây dựng, củng cố và phát huy trong 3
tháng an cư.
Chư Tăng nhờ ở
yên một chỗ thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới-Định-Tuệ nên sau 3 tháng an cư
nhiều vị chứng đắc thánh quả từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến quả vị A-La-Hán, và cư sĩ
tại gia cũng có người chứng đến quả vị A-Na-Hàm.
CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN CƯ:
Theo luật Thập Tụng 28: năm chúng xuất gia là: Tỳ Kheo,
Tỳ Kheo Ni, Thức-xoa-ma-ni, Sa Di, Sa Di Ni đều phải an cư. Theo Luật thì Tỳ
Kheo và Sa Di an cư cùng một chỗ, Tỳ Kheo Ni, Thức-xoa-ma-ni, và Sa Di Ni an cư
tu hành cùng một chỗ. Và Đại phẩm Nhập Vũ An Cư Kiền độ trong luật tạng Pali
qui định: Tỳ Kheo không an cư thì phạm tội ác tác (Đột kiết la –Pali: Dukkata
còn dịch phá an cư).
Theo Kiền độ An cư, trong luật tứ phần 37 qui định về
những nơi có thể an cư như sau: an cư dưới cội cây, trong thất nhỏ, trong hang
núi, bọng cây, trên thuyền, nơi xóm làng, hoặc có thể nương theo người chăn
trâu, người đốn củi... Trong Luật Ngũ Phần nói về Pháp An cư đã qui định những
nơi bị cấm: an cư ở nơi không có người cứu hộ, giữa gò mã, nơi cây không có tàng,
nhà lợp bằng da thú, chỗ đất trống.
Thời gian an cư kiết hạ: Bắc Tông từ 16 tháng tư
đến 15 tháng 7 âm lịch. Nam Tông từ ngày
16 tháng 6 âm lịch, cho đến ngày 15 tháng 9 âm lịch. Khất sĩ an cư theo lịch
Bắc truyền.Chư Tăng an cư mới được tính một tuổi đạo.
Truyền thống an cư và ý nghĩa an cư như thế, Việt Nam
đã duy trì từ xưa nay, nhưng có một số vấn đề tùy thuộc về xã hội và thời thế,
việc an cư chưa đạt được hiệu quả như thời Phật tại thế, việc thúc liễm thân
tâm và sở đắc cũng còn giới hạn. Vùng Cao nguyên và miền Trung, chư Tăng an cư
khá nghiêm túc, nề nếp và thanh tịnh. Ở Việt Nam ngoài an cư Kiết hạ còn có một
vài nơi Kiết Đông. Nước ngoài kiết Đông có truyền thống Làng Mai và một vài nơi
cá biệt.
Đoàn Phật tử
cúng dường trường hạ do chùa Phước Thành-Bình Thạnh tổ chức, Đại Đức Nhuận Hạnh
hướng dẫn, lên Lâm Đồng cúng dường các trường hạ Tăng và Ni trong ba ngày:
19,20,21 tháng 6 năm 2015, nhằm ngày mồng 4, 5 và 6 tháng 5 âm lịch. Ngoài Phật
tử của chùa Phước Thành, còn có sự tham dự một số ở các quận huyện khác, tổng
cộng 75 vị. Đoàn đến chùa Phước Huệ-Bảo Lộc đầu tiên, cúng dường và thọ trai
tại đó. 14 giờ, cúng dường chùa Vĩnh
Minh Đại Ninh, ĐĐ Nguyên Hiền thừa kế cố HT T. Tâm Thanh trụ trì. Nơi đây,
tượng Di Đà cao 32m, giữa núi rừng tĩnh lặng; 16 giờ đến TP Đà Lạt nhận phòng.
Ngày hôm sau, cúng dường và dùng sáng tại chùa Lộc
Uyển của sư cô Minh Liên, thăm viếng Thiền viện Trúc Lâm, chùa Linh Phước, độ
ngọ và cúng dường tại chùa Phước Huệ của Ni sư Như Phú (thầy sc Minh Liên).
Ngày thứ ba, đoàn được thầy trưởng đoàn thiết đãi ăn sáng tại vườn hoa Đàlạt
nằm cạnh hồ Xuân Hương, khá thơ mộng. Trên đường về cúng dường chùa Linh Thắng
ở Di Linh, do HT.T. Toàn Đức, trưởng BTS PG Lâm Đồng tọa chủ; đoàn dùng trưa và
cúng dường chùa Đại Giác ở Đại Lào.
Trong ba ngày, khí hậu Đà Lạt mát lạnh và mưa phùn,
thích hợp cho khách lãng du, cũng là điều kiện cho đại chúng trong mùa an cư
được mát mẽ. Không khí thiền môn an tịnh, trang nghiêm của các đạo tràng tỏa
nét thiền vị truyền thống an cư. Đa phần các chùa đều cách biệt khu dân cư nên
giữ được sự thanh tịnh cần có.
Mặc dù, theo thầy trưởng đoàn, đây là chuyến tổ chức
hành hương và cúng dường trường hạ đầu tiên chưa có kinh nghiệm, nhưng trong ba
ngày chung sống, mọi người đều mãn nguyện và quý phục tính hòa đồng, vui vẻ của
thầy, mọi sự đều chu đáo. Thành phố Đà Lạt có ba điểm an cư cho Tăng và ba điểm
cho chư Ni, ngoài ra một số chùa tùng hạ hoặc cấm túc tại chỗ. Sinh hoạt và
kiến trúc thiền môn tại Lâm Đồng giữ được nét truyền thống của Miền Trung. Cao
Nguyên là xứ sở của dân miền Trung lưu lạc trước và trong thời nhà Ngô trị vì,
phần lớn là người Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam . Niềm tin Phật giáo ăn sâu vào
máu thịt. Người miền Trung đi đến đâu là lập chùa, niệm Phật đường, khuôn hội
đến đó. Các chùa trên cao nguyên vừa giữ được nét kiến trúc truyền thống, vừa
giữ được nếp sinh hoạt thiền vị, an hòa, trầm lắng. Vì thế, an cư tại cao
nguyên có lẽ dễ chịu nhờ khí hậu và tính truyền thừa môn phong còn lưu lại.
Tuy là thành phố du lịch, Đà Lạt không xô bồ ồn ào;
nét đẹp núi rừng vẫn còn dáng dấp thơ mộng, chùa chiền góp phần không nhỏ tô vẽ
nếp văn hóa của cư dân địa phương. AN CƯ
KIẾT HẠ là một trong những nếp văn hóa góp phần không nhỏ trong đời sống
tâm linh của Thành phố u uẩn và mộng mơ.
MINH MẪN
23/6/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét