PHẬT GIÁO TỈNH KONTUM
A. – PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC:
Qua 4000 năm Văn Hiến của dân tộc thì trên 2000 năm,
Phật giáo có mặt, đồng hành cùng dân tộc. Tính từ thời lập quốc họ Hồng Bàng – Kinh Dương Vương
lấy tên nước là Xích Quỷ (năm 2879 trước c.n) đến thời nhà Lý vào năm 1010-1225
đã là 4000 năm, đến nay cũng gần 5.000 năm.
Từ thời lập quốc ở Trường Giang, bị Hoa tộc lấn dần
cho đến Hùng Vương qua 18 đời, đất nước Văn Lang chỉ còn lại Bắc Việt và Bắc
Trung Việt ngày nay. Quê hương vốn ở Hồ Động Đình, do Lạc Long Quân và Âu Cơ
sinh 100 con lập quốc. Kinh Dương Vương là con của Đế Minh và Vụ Tiên, là cháu
ba đời của Thần Nông, mà Thần Nông là một trong Tam Hoàng thời thượng cổ.
Như thế, Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương,
Kinh Dương Vương là họ Hồng Bàng, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương
truyền ngôi cho Lạc Long Quân, Lạc Long Quân truyền cho Hùng Vương, lấy quốc
hiệu là Văn Lang. Từ thời kinh Dương Vương lập quốc đến nay, dân tộc trải qua
11 lần thay danh đổi hiệu:
1/ Kinh Dương
Vương- Âu Cơ, Lạc Long Quân (2879 trước c.n) tên Xích Quỷ.
2/ Đời Hùng
Vương ( 2809 trước c.n) lấy quốc hiệu là Văn Lang.
3/ An Dương Vương (257 trước c.n) quốc hiệu là Âu Lạc.
4/ Triệu Đà (207 trước c.n) quốc hiệu Nam Việt.
5/ Thời Hán thuộc (năm 111 trước c.n) gọi là Giao Chỉ.
6/ Đời Đường Trung Quốc, quốc hiệu là An Nam.
7/ Nhà Đinh và tiền Lê đổi quốc hiệu là Đại cồ Việt.
8/ Nhà Lý lấy quốc hiệu là Đại Việt.
9/ Nhà Nguyễn-Gia Long xưng tên là Việt Nam .
10/ Minh Mạng thì gọi là Đại Nam .
11/ Từ 1945 đến nay quốc hiệu là Việt Nam .
(Wikipedia)
Dân tộc ta trải qua nhiều cuộc chiến do các bộ tộc
phương Bắc lấn chiếm, mãi đến khi nhà Hán hình thành, chúng cũng biến đất nước
ta lệ thuộc suốt ngàn năm. Tuy nhiên, cha ông ta không vì thế mà đánh mất nét
văn hóa đặc thù của dân tộc. Nhờ thế mà các nhà khảo cổ đã phát hiện được các
di tích văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ, văn hóa
Đồng Đậu ở Hà Nội, văn hóa Cổ Loa, văn hóa Phù Nam, Cát Tiên, Óc Eo... để xác
định trình độ văn hóa của một dân tộc hình thành rất sớm không thua các nền văn
hóa nổi tiếng của nhân loại.
Phật giáo xuất hiện: Theo sử gia, Phật giáo có mặt tại Việt Nam
sớm hơn Trung quốc, vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, do các nhà sư Thiên
Trúc theo thương thuyền du nhập. Trong sự tích, nhà sư Phật Quang truyền pháp
cho Chữ Đồng Tử và Tiên Dung với chiếc nón và cây gậy. Theo sách Thiền Uyển tập
anh, quốc sư Thông Biện y cứ vào sự kiện của sư Đàm Thiên viết để tấu cho vua
Trung Hoa-Tùy Cao Tổ:
“Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật
pháp lúc mới tới thì Giang Đông chưa có mà Luy Lâu đã dựng hơn 20 ngôi chùa, độ
Tăng hơn 500 vị, dịch kinh hơn 15 bộ, vì nó có trước vậy. Lúc ấy đã có Khâu Ni
Danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó rồi. Nay
lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tông Tam tổ,
là người trong hàng Bồ Tát, đang ở chùa Chúng Thiện dạy học. Trong lớp không
dưới 300 người không khác Trung Quốc. Bệ hạ là cha lành thiên hạ, muốn bố thí
một cách bình đẵng, chỉ cần sai sứ đưa Xá lợi đến, nơi ấy không cần đưa người
đến dạy dỗ”.
Một dẫn chứng khác là trung tâm Phật giáo tại Luy Lâu
của Tỉnh Bắc Ninh, Giao Chỉ có mặt trước trung tâm Bành Thành và Lạc Dương.
Trong giai đoạn vua Asoka trị vì tại Ấn Độ (273-232 trước c.n) phát tâm truyền
bá phật giáo khắp các nơi, có những đoàn qua hướng Nam như Srilanka, Myanmar,
Thái; cũng có đoàn truyền lên phía Bắc như Mông Cổ, Tây Tạng, Triều Tiên...
nhưng vì thuận lợi giao thương đường thủy, một số nhà sư đã đặt chân lên đất
Giao Chỉ trước nên Phật giáo đã sanh sôi nẩy nở nhanh chóng, góp phần không nhỏ
nền văn hóa dân tộc. Cũng theo cổ sử tiền Hán thư, hậu Hán thư, Các di chỉ khảo
cổ Óc Eo, Sa Huỳnh, vùng biển phía Nam thuộc vương quốc Chăm Pa đã có cuộc giao
thương nhộn nhịp, không tránh khỏi nền văn hóa Ấn Độ đã du nhập nơi đây, lưu
lại các tháp cổ mang văn hóa Bà La Môn và bia Võ Cảnh bằng tiếng Phạn tại Nha
Trang có niên đại thứ hai công nguyên. Như Vậy nhà sư Phật Quang có thể là người
Ấn hoặc người Champa. Chữ Đồng Tử và Tiên Dung có thể là người Phật tử đầu tiên
của Việt Nam .
(Wikipedia)
Đến khi Trung Hoa thống thuộc đất nước ta gần ngàn
năm, Phật giáo vẫn phát triển mạnh, nhờ thế, tinh thần uy vũ bất năng khuất của
nhà phật đã thấm sâu trong từng lớp nhân dân. Hai Bà Trưng quật khởi vào năm 43
c.n và sau đó, nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Nguyên Mông mà từ vua đến dân
đồng một lòng, lúc bấy giờ, Phật giáo đã là mạch sống của dân tộc như thời
Đinh-Lê-Lý-Trần-Lê, giai đoạn nầy, trong triều đã có các nhà sư như Vạn Hạnh,
Khuông Việt, Mãn Giác, Thông Biện làm quốc sư, nhưng không tham gia chính
quyền. Có Thiền sư từng giúp vua về ngoại giao, có vị giúp vua về triều chính
và dĩ nhiên văn hóa không thể thiếu để giúp xã hội ổn định lâu dài mà có lúc
gần 400 năm đất nước hòa bình an lạc theo tinh thần nhà Phật.
Lúc bấy giờ, hầu như Thiền tông chủ đạo nên tinh thần
dân tộc, thư thái, thông thoáng, linh hoạt, tự tại, hy sinh, vô úy, vị tha vì
công ích. Qua những cuộc chiến cận đại, Phật giáo cũng đã có những tu sĩ và
Phật tử hy hiến đời sống riêng tư vì độc lập đất nước. Dù thời chiến hay lúc
bình, sự hiện diện của Phật giáo vẫn là mạch sống tất yếu mà người dân cho dù
thành phần nào, tín ngưỡng nào, ít nhiều cũng thấm vào máu thịt chất liệu của
đạo Phật.
Những năm gần đây, Phật giáo không những ổn định về tổ
chức, phát triển về cơ sở vật chất, còn có nhiều tu sĩ tài năng xuất hiện, có
học vị, có năng lực, có trình độ nhiều mặt từ giáo dục, hoằng pháp, kinh tế, tổ
chức... góp phần nâng mặt bằng xã hội gồm nhiều thành phần tôn giáo, tín
ngưỡng.
B. - CON NGƯỜI LÀ TRỌNG TÂM XÂY DỰNG CƠ BẢN
- Chủ trương đường lối nhà nước: Trên nguyên tắc và
văn bản pháp quy của nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là nhằm phát huy
quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy khả năng, trí tuệ, tính sáng tạo, huy động
sức lực của nông dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của
Đảng, chính quyền. Đó là nhân tố quan trọng góp phần ổn định chính trị và sự
phát triển kinh tế- xã hội. Thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Chủ trương là như thế, thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả
như mong muốn. Trong chiều hướng phát triển hiện nay, cơ sở hạ tầng được thực
hiện như đa phần nông thôn được lưới điện quốc gia phủ khắp, chỉ riêng một số
vùng cao và sâu giáp biên Lào còn gặp khó khăn về năng lượng điện nước. Đường lộ
giao thông phần lớn thông thoáng và tráng nhựa sạch; mặt bằng ổ gà, ổ voi nhan
nhãn khắp nơi như trước kia, nay cũng được thu hẹp. Một vài địa phương vẫn chưa
giải quyết xong con đường lầy lội trên trục giao thông chính của địa phương.
Về chương trình giáo dục cấp phổ thông còn đang dò
dẫm, cơ sở trường lớp phần lớn khang trang, một số địa phương vùng cao vẫn
thiếu trường ốc và nước sạch. Tuy nhiên vài nơi vùng xa ở đồng bằng cũng được
các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng trường học, cầu cống, đóng
giếng giúp người dân bớt khó khăn mà chính quyền địa phương chưa thực hiện
được.
Về sức khỏe cộng đồng, mạng lưới trạm y tế và y tế dự
phòng cũng phát triển nhưng cán bộ, nhân sự có tay nghề còn thiếu nhiều, chưa
đáp ứng đủ để tương xứng với số lượng bệnh nhân đang có.
Trước chủ trương: Điện-đường-trường-trạm
hiện nay phát triển khá đều, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiếm khuyết, do
vậy, cần có mặt của mạnh thường quân mà trong đó, không thể thiếu bàn tay tôn
giáo hỗ trợ vì tình thương, trách nhiệm và lợi tha của tôn giáo.
- Trước tình trạng xã hội còn nhiều bất cập về đời
sống của người dân, Phật giáo vốn là một tôn giáo từng đồng hành cùng dân tộc,
xưa kia, chỉ giúp vua về kế sách chính trị và ngoại giao, ngày nay, xã hội con
người phát triển nhiều mặt, đời sống người dân vì thế mà cần những nhu cầu mang
tính thời đại. Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, không chỉ lo phần tâm
linh, giáo huấn đạo đức cho con người mà cần có phương án thực tiễn để giúp xã
hội phần nào về cơm áo gạo tiền. Trách nhiệm tôn giáo ngày nay cần đi vào thực tiễn
để đặt nền móng vững chắc cho sự hiện diện và tồn tại của chính mình mà từ lâu
vẫn chỉ là lý thuyết trên giáo lý kinh điển. Ông bà ta rất thực tiễn khi nói: “Có
thực mới vực được đạo”.
Đạo Phật cũng từng bảo: “Phật pháp tại thế gian-bất ly thế gian
giác...” không thể xa rời thế gian tìm sự giác ngộ, vậy thế gian là
gì nếu không là những nhu cầu vật chất và tâm lý trong cuộc sống? Chư Tổ cũng
từng nói – “Thế
gian pháp tức Phật pháp”, như thế, giải quyết được những nhu cầu bức
thiết của hiện trạng xã hội, cho dù trong phạm vi hẹp của một khu vực, tức cũng
đã giải quyết được một phần mắc mứu thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng
đồng, thể hiện tâm từ với cuộc sống – đạo đời viên dung. Các đợt cứu trợ mỗi
phần quà vài trăm nghìn cách xa hàng trăm km cũng chỉ giải quyết cuộc sống của
người dân tại đó không quá một tuần, thời gian còn lại cuộc sống của họ sẽ ra làm sao? Chưa nói chi phí vận chuyển
hàng hóa và số người tháp tùng bằng với giá trị số quà đem đến, thật vô lý và
phí phạm. Và cứ như thế tập cho họ có tính đợi chờ sự giúp đỡ, sanh ra thụ động
trây lười. Thay vì cho con cá, hãy cho
cái cần câu để họ tự tạo cuộc sống. Từ thiện như thế không những thiếu hiệu
quả, mang tính trình diễn nhiều hơn là thực tế; phong trào làm từ thiện kiểu
nầy đang là phong trào khá phổ biến, ngoại trừ thiên tai hỏa hoạn cấp thời mang
tính chữa cháy thì được. Trong khi quanh ta, giữa cuộc sống phố thị còn nhiều
người bệnh hoạn không tiền chữa trị, trẻ con không có điều kiện đến trường, và
nhiều Phật tử buôn thúng bán bưng không đủ sống. Tín đồ Phật giáo Hoà Hảo thể
hiện lòng từ và trách nhiệm rất đúng chỗ khi đáp ứng hàng ngàn suất cơm hằng
ngày cho các bệnh viện khắp nơi, làm cầu, đóng giếng, xây trường cho vùng nông
thôn.
- Những chướng
duyên trong lúc thi hành Phật sự hoặc hoằng pháp, từ thành thị đến nông thôn,
từ đồng bằng đến miền cao không thể tránh khỏi. Ngoài yếu tố từ thiện, vấn đề
Hoằng pháp cũng đang là vấn đề mà không thể tách rời hoằng pháp trong phạm vi
truyền bá phổ thông. Ngày nay hoằng pháp còn mang ý nghĩa từ thiện thông qua
một số kế hoạch công ích cộng đồng. Ví dụ vùng cao, quần chúng sắc tộc không
cần biết đến giải thoát, từ bi, tu tập là gì; họ cần cơm áo gạo tiền để giải
quyết đời sống khủng hoảng bế tắt. Họ không còn đất du canh du cư như trước
kia. Định cư đã hạn chế sinh hoạt săn bắn canh tác, lượm hái. Đất khai hoang đã
bán cho người Kinh để lấy tiền không phải kinh doanh mà để uống rượu ăn thịt.
Có những vùng sau khi khai khẩn, bị tịch thu, đuổi vào sâu bên trong, nếu có
bồi thường thì cũng chỉ tượng trưng không đủ rượu thịt. Họ không có kế hoạch
phát triển kinh tế, thường thì thụ động, an phận.
Xưa kia đợi thu hoạch vụ mùa, họ săn bắn rồi vui chơi
trong bản làng, không phải bon chen như xã hội người kinh. Giờ đây, họ phải
sống định cư, cận kề với người Kinh, dĩ nhiên họ khó mà cạnh tranh với người ở
phố thị. Ruộng đất không còn hoặc còn không bao nhiêu, không vốn liếng, không
kiến thức, không kinh nghiệm mua bán cạnh tranh, vì vậy cuộc sống quanh năm vẫn
nghèo, cho dù nhiều đoàn hàng năm đến cứu trợ. Tin Lành cũng bỏ tiền cưu mang
trong giai đoạn đầu truyền bá, Phật giáo đem thực phẩm nuôi dưỡng để họ nghĩ
đến cám ơn Chúa đã khiến con Phật đến nuôi họ. Một số nơi, nhà nước cho máy
cày, trâu bò để tự túc canh tác, nhưng chẳng bao lâu, trâu bò gia súc đưa lên
bàn mổ để nhậu, máy cày bán để mua rượu lai rai. Do thiếu kế hoạch cầm tay chỉ
việc nên mọi sự đều giao trứng cho Ác.
Trong lĩnh vực Hoằng pháp của năm Tỉnh Tây nguyên,
Phật giáo vẫn chưa có kế hoạch mở đường thoát khỏi lề lối truyền thống đến với
người dân sắc tộc. Làm sao nói đến nhân quả luân hồi khi mà hũ gạo nhà họ khô
đáy. Làm sao cung cấp quanh năm cho cuộc sống hàng vạn đồng bào Tây nguyên ngay
nhà nước cũng không kham. Đáng ra, chính quyền địa phương nên hợp tác với tôn
giáo tìm kế hoạch dài lâu hiệu quả hơn là trao cho họ bát cơm hàng ngày. Đối
với cán bộ hoằng pháp của Phật giáo, ngoài nhiệm vụ truyền bá giáo lý, phải thể
hiện cách truyền bá thực tiễn hơn, đòi hỏi kinh nghiệm, can đảm, sáng tạo, kiên
trì, đó là tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của nhà Phật.
Người hoằng pháp ngoài nguyện lực, cần có sức mạnh nội
lực để hàm dưỡng lâu dài kế hoạch thực thi mới không bị chán nãn bỏ cuộc vì
chướng duyên, trong đó yếu tố tình thương vô điều kiện làm nồng cốt. Khi hiểu
hoàn cảnh và cuộc sống bế tắt của họ, khởi phát tình thương mới ra tay thực
hiện cứu khổ. Hạnh quán thế âm là công hạnh thực tiễn đối với đời sống hiện tại
của muôn loài. Chính vì thế, cần có một mô hình hoằng pháp thoát khỏi mô hình
truyền thống mới mong đẹp đạo lợi đời.
- Thử đề
nghị mô hình hoằng pháp đi sâu đi sát vào đời sống của đồng bào sắc tộc cao
nguyên nói chung và Tây nguyên hiện nay:
- Ban
Hoằng pháp Tỉnh họp và lắng nghe ý kiến, kế hoạch của thuộc cấp, mời cán bộ
chuyên môn về canh tác và kế hoạch các ngành nghề tham gia thảo luận, đưa đến
sáng kiến khả thi. Ban kinh tế tài chánh hiện nay của giáo hội chỉ giải quyết
tài chánh cho nội tình giáo hội; thực ra Ban KTTC cũng chỉ là nhờ sự hỗ trợ từ
các đại gia và tín đồ có điều kiện vật chất. BKTTC chưa có mô hình tự túc kinh
tế để đáp ứng mọi nhu cầu Phật sự của giáo hội... Giáo hội chưa có một ban
chuyên trách hỗ trợ cho đồng bào sắc tộc, vì thế, tạm thời Hoằng pháp mở đường
xông pha sang lĩnh vực phát triển kinh tế cho đồng bào sắc tộc để hoằng pháp có
thế đứng vững tại địa phương.
Lấy Kontum làm thí điểm. Kontum là vùng Tây nguyên của
Việt Nam .
Đây là tỉnh nằm về phía cực Bắc của Tây Nguyên, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba
Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn.
Diện tích: 9.689.6km2
Dân số: 473.300 người
Sắc tộc: Kinh, Xơ Đăng, Bana, Giê Triêng, Ra glai
Mật độ dân số: 49 người trên 1km2 (WikiPedia)
Với vị thế địa lý hiện nay của Kontum, đất rộng người
thưa, Kon Tum có điều kiện hình thành các cửa khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế về
phía Tây. Kon Tum có đường Quốc lộ 14 nối với các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam , đường 40
đi Atôpư Lào (Wikipedia)
Theo báo cáo khái quát thì Giai đoạn từ năm 2001 đến
năm 2010, cơ cấu kinh tế chuyển đổi cơ bản tiến bộ, công nghiệp xây dựng đạt
32%, nông, lâm nghiệp 25%, dịch vụ 43%, GDP bình quân đầu người đạt 507 USD,
nhu cầu vốn đầu tư cả thời kỳ 476,6 triệu USD. Tình hình xuất nhập khẩu đến năm
2010 đạt 70 triệu USD. Đồng thời năm 2010 có 50.000 lượt khách du lịch, trong
đó có 10.000 khách nước ngoài (Wikipedia)
Nhưng thực tế đời sống của đồng bào sắc tộc vẫn chưa
được cải thiện cho lắm. Tây nguyên có 1.800 buôn làng. Năm 1930, Tin Lành đã
sớm có mặt tại Tây nguyên, nhưng kể từ sau 1975 đến nay, tín đồ Tin Lành phát
triển khá nhanh so với các tôn giáo, nhất là Phật giáo có mặt trên Tây nguyên
từ lâu mà vẫn không thể nào phát triển vào các vùng sắc tộc. Sự lăn xả, chịu
khó của các mục sư Tin Lành kèm theo kế hoạch có thực mới vực được đạo đã chinh
phục được đồng bào sắc tộc có niềm tin đơn giản vì ông Chúa cũng là ông Giằng,
niềm tin truyền thống xưa nay của đồng bào sắc tộc vẫn là ông Giằng.
Thế thì Ban Hoằng pháp Tây nguyên nói chung và Kontum
nói riêng có kế hoạch gì để giúp đồng bào sắc tộc thoát khỏi đói nghèo (chưa
nói tới việc truyền đạo).
-Một mô hình kinh tế thu nhỏ: Giáo hội xin khoảnh đất
độ hai mẫu, có thể dung chứa vài gia đình sắc tộc, tạo điều kiện sống hàng ngày
cho họ, lập các tổ hợp kinh tế như làm nhang, xay xác đậu, tận dụng mạt cưa gỗ
để sản xuất nhang, trồng nấm và nhiều kế hoạch khác. Các kỹ thuật viên chuyên
ngành cầm tay chỉ việc để họ quen công việc; thành phẩm họ được hưởng phần trăm
sau khi khấu trừ mọi chi phí. Giáo hội ngoại giao để bao tiêu đầu ra về lâu về
dài. Trong khu vực kiểu mẫu đó, có cả trường học và bệnh xá. Cho dù thời gian
sản xuất chưa thu hoạch hoặc có lúc thất thu, ban Hoằng pháp Tỉnh bảo đảm đời
sống ổn định cho những gia đình đó. Nhu cầu thường ngày của người sắc tộc rất
đơn giản, không se sua chưng diện, không son phấn, không ăn chơi hưởng thụ như
phố thị. Trong phạm vi khu kiểu mẫu như thế, tập cho họ ăn chay và giải thích
đạo đức, nghiệp sát và nhân quả hiện thực cho họ hiểu, những giáo lý đơn giản
từ từ thấm sâu vào đời sống. Khu kiểu mẫu thành công, các gia đình khác muốn
tham gia, ban Hoằng pháp phát triển thêm khu vực khác, từ từ trở thành ngôi
làng kiểu mẫu, có đời sống ổn định, văn hóa được nâng cao, đức tin lúc bấy giờ
gắn liền với sinh hoạt đời sống kiểu mẫu như thế, phải chăng Phật giáo đã đồng
hành cùng dân tộc mà sắc tộc là điểm thiết yếu trong cộng đồng quốc gia. Mô
hình sinh hoạt và tổ chức được phối hợp bởi các chuyên gia nông ngiệp và sức
khỏe cộng đồng, sinh hoạt cộng đồng... Sau giờ lao động canh tác sản xuất, học
tập, còn tổ chức vui chơi văn nghệ cho trẻ em, thỉnh thoảng cho đồng bào trong
khu vực kiểu mẫu về tham quan phố thị, hướng dẫn thăm viếng các ngôi chùa danh
tiếng.
KẾT: mô hình tổng thể như thế, tùy đặc tính của từng
khu vực mà linh động. Nghe có vẻ quy mô và khó khăn, nhưng một cán bộ Hoằng
pháp năng động, chịu khó với cái tâm “Phụng
sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” thì không việc gì mà không làm được.
Các mục sư lặn lội vào các bản làng để tìm con dân cho Chúa, mình không cần tìm
thêm tín đồ, chỉ cần giúp dân thoát khỏi đói nghèo. Từ lâu, các giảng sư Hoằng
pháp nói quá nhiều về lý thuyết, giờ đây, thử bắt tay vào việc, đổi mới bộ mặt
và phương cách hoằng pháp tại vùng cao. Việc Phật giáo đồng hành cùng dân tộc
như thế cũng không có gì mới mẽ, thập niên 70 về trước, “Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội” do Thiền sư Nhất Hạnh khởi xướng cũng
đã thực hiện hạnh vị tha. Rất tiếc, trong thời chiến, việc thành lập đoàn thể
thanh niên, sinh viên xả thân cho đồng bào trong vùng sau cuộc chiến và trong
cuộc chiến, giúp đồng bào xây dựng lại cơ đồ đổ nát, cứu thương, hướng dẫn vệ
sinh cộng đồng, giáo dục trẻ em... đã gây ngộ nhận không ít từ hai phía. Cái
giá phải trả thật đau thương với nhiều sinh mạng tác viên vô tội, họ mang trái
tim phụng sự trong sáng và quá lý tưởng, nói lên tinh thần Bi-Trí-Dũng của
người con Phật trước mọi nghịch cảnh trong cuộc sống. Thế thì hiện nay, đất
nước yên bình, người con Phật lại không dám xả thân vì cộng đồng, để thể hiện
hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm?
Ban Hoằng pháp Phật giáo Tỉnh Kon Tum là một Tăng sĩ
trẻ, có năng lực và năng động, thử bắt tay vào mô hình mới tự mình xây dựng để
từ đó mô hình được nhân rộng trở thành ngôi làng kiểu mẫu của Phật giáo Việt Nam .
MINH MẪN
27/6/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét