Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

MỨC ĐỘ DẤN THÂN

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma - Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn 
Trích từ cuốn sách: Ethics for the New Millennium


Qua sự phát triển một thái độ trách nhiệm đối với người khác, chúng ta có thể khởi đầu thiết lập một thế giới thân ái và từ bi hơn mà tất cả chúng ta hằng mơ ước. Độc giả có thể đồng ý hay không sự ủng hộ của tôi về trách nhiệm toàn cầu. Nhưng nếu các điều trên là đúng, về bản chất tuỳ thuộc rộng rãi của thực tế, và về thói quen phân biệt giữa ta và người khác, trong một ý nghĩa nào đó là quá phóng đại, và nếu trên nền tảng tôi nói đúng khi bày tỏ rằng mục đích của chúng ta là nên mở rộng lòng từ bi của mình đến với tất cả mọi người, chúng ta không khỏi kết luận rằng từ bi – đòi hỏi hành vi đạo đức - nằm ngay giữa mọi hành động của ta, kể cả cá nhân lẫn xã hội.
Hơn nữa, mặc dù những chi tiết còn mở ra cho các cuộc bàn thảo, tôi tin rằng trách nhiệm toàn cầu có nghĩa từ bi cũng liên quan nằm trong lãnh vực chính trị. Nó cho chúng ta biết điều quan trọng về phương cách chúng ta hành động trong cuộc sống hằng ngày nếu muốn có hạnh phúc theo ý nghĩa đặc biệt của hạnh phúc đã đề ra.
Nói lên điều này, rõ ràng là tôi không kêu gọi mọi người nên từ bỏ lối sống của họ hiện nay và tuân theo một luật lệ hay phương cách suy nghĩ mới nào khác. Đúng hơn, ý muốn của tôi là đề nghị các cá nhân trong khi vẫn giữ lối sống hằng ngày, có thể chuyển hoá và trở nên con người đạo đức, từ bi và hạnh phúc hơn. Và qua những cá nhân đạo đức và từ bi hơn, chúng ta có thể khởi đầu xúc tiến cuộc cách mạng nội tâm của mình.
Chẳng hạn, công tác của một nông dân trong việc làm khiêm nhường của mình cũng không kém phần hữu ích cho xã hội giống như một bác sĩ, một thầy giáo, một tăng sĩ, hay một nữ tu. Tất cả mọi đóng góp của con người đều lớn lao và cao quý. Khi chúng ta làm việc với thiện chí tốt, nghĩ rằng: “Việc làm của tôi là giúp cho người khác”, nó sẽ mang lại phúc lợi cho cộng đồng rộng lớn hơn.
Nhưng khi thiếu sự quan tâm đến tình cảm và hạnh phúc của kẻ khác, mọi hoạt động của chúng ta sẽ dẫn đến chỗ hư hỏng. Do sự thiếu vắng các tình cảm đạo đức nhân bản, tôn giáo, chính trị và kinh tế vân vân đều có thể biến thành điều dơ nhớp. Thay vì phục vụ cho nhân loại, chúng trở thành những tác nhân gây nên sự tàn phá.
Cho nên, ngoài sự phát triển một tinh thần trách nhiệm phổ biến toàn cầu, chúng ta thực sự cần những người có ý thức trách nhiệm. Chờ đến khi nào các nguyên tắc được đưa vào hành động còn không thì chúng vẫn chỉ là nguyên tắc.
Vì thế, chẳng hạn như là điều rất thích hợp cho một chính trị gia thành thực chịu trách nhiệm trong hành động của mình với sự thành thực và liêm chính. Rất thích đáng cho một thương gia hết sức quan tâm đến nhu cầu của khách hàng qua mọi nghiệp vụ của mình. Rất thích hợp cho một luật sư dùng kinh nghiệm chuyên môn của mình để biện hộ tranh đấu cho công lý.
Dĩ nhiên rất khó trình bày thực chính xác là bằng cách nào mà thái độ của chúng ta sẽ có thể hình thành qua sự uỷ thác, giao phó cho nguyên tắc của trách nhiệm toàn cầu. Bởi lý do đó, tôi không có một tiêu chuẩn đặc biệt nào trong tâm trí.
Mọi việc tôi hy vọng là nếu những điều gì tôi viết ra đây có lợi ích cho các độc giả, mong quý vị cố gắng phát triển tâm từ bi trong cuộc sống hằng ngày. Bằng tinh thần trách nhiệm đối với mọi người khác, các bạn hãy nỗ lực làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ cho họ.
Khi đi ngang qua một vòi nước đang chảy nhỏ giọt quý vị sẽ khoá chặt lại. Khi nhìn thấy một ngọn đèn cháy phí phạm một cách vô ích, bạn sẽ tắt đi. Nếu là một người đang hành đạo và ngày mai nếu gặp một tín đồ theo tôn giáo khác quý vị cũng sẽ bày tỏ sự tôn kính đối với họ tương tự như các bạn mong muốn họ kính trọng tín ngưỡng của mình.
Nếu là một khoa học gia, và nhận thấy chương trình nghiên cứu của mình đang thực hiện có thể gây tai hại cho người khác, vì tinh thần trách nhiệm, quý vị sẽ tự huỷ bỏ không làm. Tuỳ theo năng lực và giới hạn của hoàn cảnh, các bạn sẽ thực hiện được bất cứ điều gì có thể làm. Ngoài các việc trên, tôi không kêu gọi quý vị một sự dấn thân nào khác.
Và nếu một ngày kia, hành động của quý vị có thể trở nên từ bi hơn những kẻ khác – vâng, điều đó rất bình thường. Thêm nữa, nếu lời tôi nói có vẽ như không hữu ích gì mấy, cũng chẳng sao. Điều quan trọng là việc chúng ta làm cho người khác, và bất cứ sự hy sinh nào được thực hiện, đều phải do tự nguyện và phát sinh từ nhận thức hiểu rõ lợi ích của hành động ấy.
Trong chuyến viếng thăm gần đây tại Nửu Ước (New York), một người bạn cho tôi biết con số tỷ phú tại Hoa Kỳ đã tăng từ mười bảy người vài năm trước đây, ngày hôm nay đã lên đến nhiều trăm người. Nhưng đồng thời những người nghèo vẫn nghèo và lắm khi còn nghèo hơn nữa. Tôi xem điều này như hoàn toàn vô đạo đức. Đó cũng là nguồn gốc của những khó khăn của xã hội.
Trong khi nhiều triệu người không có được các nhu cầu tối thiểu cần thiết của đời sống như thực phẩm, chỗ ở, giáo dục và dịch vụ y tế - sự phân chia tài sản bất công thực là một điều xấu xa. Nếu đó là trong trường hợp mà mọi người đã có đầy đủ và dư thừa các nhu cầu thì một cuộc sống xa hoa như vậy, ta có thể chấp nhận được. Nhưng nếu đó chỉ là ý muốn của cá nhân, thực khó mà có thể khuyên họ nên kiềm chế bớt việc thực hiện quyền sống theo ý muốn của họ.
Hơn nữa, vấn đề lại không phải như vậy. Trên thế giới chúng ta đang sống hiện nay, có nhiều khu vực, người ta vứt bỏ các đồ ăn dư thừa đi trong khi những đồng loại ở sát bên cạnh - kể cả các trẻ em vô tội – quá thiếu thốn đến mức phải đào bới đống rác để kiếm thức ăn và nhiều người đã chết đói. Như vậy, mặc dù tôi không thể nói đời sống xa hoa của những kẻ giàu có, tự nó là sai lầm, bởi lẽ họ tiêu xài chính đồng tiền của họ làm ra, chứ không kiếm tiền bằng cách bất chánh, nhưng tôi phải nói rằng đó là điều không lương thiện, đã làm hư hỏng con người.
Thêm nữa, tôi bị kích động vì lối sống quá phức tạp vô lối của những người giàu. Một người bạn của tôi cùng ở chung với một gia đình rất giàu có, cho biết mỗi lần họ bơi lội lên, họ được trao cho một cái áo choàng tắm mới. Và cứ mỗi lần họ đến hồ bơi tắm đều phải thay một cái áo mới như vậy, cho dù họ tắm nhiều lần trong ngày. Thực lạ kỳ! Nếu không muốn nói là quái gỡ.
Tôi không thấy lối sống xa xỉ hoang phí đó có góp thêm được gì cho sự tiện nghi cá nhân. Là con người, chúng ta ai cũng chỉ có một cái bao tử với số lượng thức ăn hạn chế để nuốt vào. Tương tự, chúng ta chỉ có mười ngón tay, do vậy chúng ta không thể đeo cả trăm chiếc nhẫn. Dù lý luận thế nào trong cách chọn lựa, vào lúc chúng ta mang nhẫn, sự dư thừa chẳng có một ý nghĩa gì. Các chiếc còn lại vẫn chỉ vô dụng nằm trong hộp.
Sử dụng sự giàu có thích đáng nhất, như tôi đã từng trình bày với các thành viên trong một gia đình Ấn Độ rất giàu sang, là nên làm phước bố thí từ thiện. Trong trường hợp đặc biệt đó, khi họ hỏi, tôi đã đề nghị nếu có thể, nên dùng tiền vào sự phát triển giáo dục là tốt nhất.
Tương lai thế giới nằm trong tay của những con em chúng ta. Do đó, nếu muốn giúp cho xã hội có cuộc sống nhân đạo và từ bi hơn, điều quan trọng là nên giáo dục cho các trẻ em trở thành những người có trách nhiệm, và biết yêu thương đồng loại.
Khi một người may mắn được sinh trong một gia đình phú quý hay thành công đạt đến sự giàu sang bằng các phương tiện nào đó, họ có cơ hội giúp đỡ cho nhiều người khác một cách lớn lao. Thực là điều phí uổng khi quý vị đã tiêu dùng cơ hội đó trong hành động quá đoạ lạc bê tha.
Thực sự tôi cảm thấy lối sống xa hoa là không thích đáng. Tôi phải nhìn nhận rằng mỗi khi tôi ở trong một khách sạn đầy đủ tiện nghi và nhìn thấy những kẻ ăn uống quá đắc tiền trong lúc nhiều người ở bên ngoài không có chỗ ngủ qua đêm, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.
Điều ấy càng làm tăng cường cảm xúc rằng tôi không khác gì những người giàu lẫn nghèo đó. Chúng ta cùng giống nhau ở điểm muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau. Và chúng ta có quyền bình đẳng được hạnh phúc như nhau. Như một kết quả, khi nhìn thấy một cuộc biểu tình của công nhân đang xảy ra, chắc chắn tôi sẽ tham dự vào.
Và, dĩ nhiên, người đang nói những điều trên đây lại là người được thụ hưởng các tiện nghi trong khách sạn. Thực vậy, tôi phải tiến xa hơn nữa. Đúng là hiện nay tôi có nhiều đồng hồ tay đắc tiền. Và trong khi tôi cảm thấy nếu bán chúng đi, tôi có thể xây vài túp lều cho những người nghèo khổ nhưng mãi đến nay tôi vẫn chưa làm được.

Cùng lúc, tôi cảm thấy rằng, nếu tôi tuyệt đối ăn chay trường, không phải chỉ vì muốn nêu một tấm gương tốt, mà còn muốn cứu giúp mạng sống cho các con thú vô tội. Cho đến nay, tôi vẫn chưa hoàn toàn làm đúng và phải thừa nhận rằng có điều trái ngược, không nhất trí ở một vài phương diện, giữa lý thuyết và sự thực hành của tôi. Cùng lúc, tôi không tin là bất cứ ai cũng có thể và nên theo gương Thánh Gandhi của Ấn Độ, sống cuộc đời như một nông dân nghèo khổ. Sự hiến dâng đó thực cao cả và đáng được ngưỡng mộ. Nhưng câu châm ngôn của tôi là “cố gắng hết khả năng” mà không rơi vào cực đoan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét