Pháp ngữ:
“108 perles de sagesse du Dalai-Lama
pour parvenir à la sérénité”
Nhà xuất bản:
Presse de la Renaissance, Paris 2006.
Do nữ ký giả Phật tử:
Cathérine Barry tuyển chọn
Chuyển ngữ Pháp-Việt:
Hoang Phong
1- Khi cảm thấy hoang mang, mất tự tin, hãy nghĩ ngay đến tiềm năng tuyệt vời được sinh làm thân con người, tấm thân ấy chỉ ước mong được nẩy nở.
Vì thế, hãy nhìn vào kho tàng quý giá đó đang được cất giữ trong ta để tìm lấy nguồn hạnh phúc: Hân hoan là một sức mạnh, hãy khơi động và chăm lo cho xúc cảm ấy.
2- Những gì cốt yếu có thể đem đến hạnh phúc chính là biết: Hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự hoan hỷ nội tâm sẽ biến cải cảm quan của ta khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và ta sẽ tìm được sự anh bình cho tâm thức.
3- Khi có kẻ nào làm ta tổn thương, đừng do dự một chút nào cả, Hãy tha thứ cho họ. Vì khi biết nghĩ đến những gì đang kích động họ và đưa họ đến những hành vi ấy, ta sẽ hiểu chính đấy là những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, không phải họ quyết tâm và cố tình làm ta thương tổn và gây thiệt hại cho ta. Tha thứ là một một phương cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, không phải là một hành động bỏ qua. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận hiện trạng thực tế của những cảnh huống xảy ra cho ta.
4- Hãy bố thí cho kẻ khác, không mong đợi sự hồi đáp và cũng không tính toán gì hết; Bố thí để tìm lấy sự sung sướng và để yêu thương, chính đấy là cách tạo ra những phúc hạnh lớn lao nhất. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có khả năng gom tất cả chúng sinh có giác cảm lại gần với nhau chính là Tình thương.
5- Hãy cám ơn kẻ thù của ta, họ là những vị thầy lớn nhất cho ta. Họ tập ta đương đầu với khổ đau và giúp ta phát huy sự nhẫn nhục, lòng rộng lượng và từ bi, nhưng không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào.
6- Những trang sức đẹp nhất mà ta có sẳn chính là: Tình thương và lòng từ bi. Nếu ta tìm hiểu những điều kiện nào có thể giúp ta đạt được hạnh phúc và tạo được an vui, ta sẽ nhận thấy những điều kiện ấy nằm trong khả năng con người và sự vận hành của tâm thức, và ta hoàn toàn có đủ khả năng để tạo ra những điều kiện ấy.
7- Không thể thực hiện sự giải trừ vũ khí bên ngoài, nếu không có sự giải trừ vũ khí trong nội tâm. Bạo lực làm phát sinh bạo lực. Chỉ có an bình trong tâm thức mới có thể tạo ra một sự sống trong sáng, không hàm chứa những xung năng đối nghịch. Sự giải binh toàn cầu là một trong những giấc mơ tha thiết nhất của tôi. Chỉ là một giấc mơ thôi...
8- Khổ đau tinh thần và tình cảm ta đang gánh chịu chính là người hướng dẫn vạch cho ta thấy thái độ của ta đúng hay sai. Tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống mà ta đang sống có thể làm nhẹ bớt hoặc vượt hẳn lên trên những khổ đau mà ta đang phải chịu đựng, điều ấy có nghĩa là ta cần phải biến cải sự vận hành của chính tâm thức ta.
9- Hãy biết: Hân hoan với hạnh phúc của kẻ khác, vì mỗi một dịp may như thế đồng thời cũng là một phút giây vui sướng cho riêng ta. Hãy hân hoan khi ta được hạnh phúc, bởi vì yêu thương kẻ khác khó có thể thực hiện được nếu ta quên yêu thương lấy chính ta, và sự hân hoan đó sẽ giúp ta tin tưởng và vững tâm hơn. Tùy vào cách cảm nhận trước những cảnh huống xảy ra trong sự hiện hữu, mà các thể dạng như trung hòa, hạnh phúc hay khổ đau sẽ phát sinh trong cuộc sống của chính mình.
10- Yêu thương và từ bi sẽ xoá bỏ mọi sợ hãi khi phải sống, Vì khi nào những xúc cảm tich cực ấy hiển lộ trong ta, sự vững tin sẽ hiển hiện trong nội tâm và sự sợ hãi sẽ tan biến. Chính tâm thức ta tạo ra cái thế giới mà ta đang sống.
11- Tập khắc phục tâm thức; chẳng những sẽ giúp ta sống trong an bình với chính ta mà đối với kẻ khác nữa, điều ấy cũng giúp ta tìm thấy sự hoan hỷ cho nội tâm trong bất cứ trạng huống nào mà ta vấp phải. Không có một điều gì hay bất cứ ai có thể làm cho một người khác cảm thấy bất hạnh, nếu người này có một tâm thức tinh khiết đã loại bỏ được những xúc cảm phát sinh từ những xung năng đối nghịch.
12-
Chúng ta không thể nào tìm thấy hạnh phúc nếu chỉ biết ham thích ảo giác và không nhìn thẳng vào hiện thực. Hiện thực không tốt đẹp cũng chẳng xấu xa. Vạn vật là như thế, không thể nào bắt buộc chúng phải hiển hiện đúng với ý muốn của riêng ta. Thấu hiểu và chấp nhận điều ấy chính là một trong những chìa khóa của hạnh phúc.
13- Phật giáo giảng rằng: Giây phút trước khi chết thật hệ trọng, bởi vì những giây phút đó là dịp may cuối cùng giúp ta hiện hữu trong giai đoạn trung ấm (bardo) – tức thế giới chuyển tiếp giữa cái chết và sự tái sinh – xảy ra sau khi đã trút hơi thở cuối cùng. Để có thể sống với một tâm thức an bình trong những giây phút cuối cùng phải chuẩn bị suốt một cuộc đời tu tập, và trong những giây phút ấy cần phải tập trung tâm thức hướng vào những xúc cảm nhân từ thật sâu xa, hoặc hướng vào mối giây tình cảm buộc chặt thầy và môn đệ, hoặc hướng vào Tánh không và Vô thường, làm được như thế ta sẽ tái sinh trong một hoàn cảnh tốt đẹp. Những giây phút trước khi lâm chung thật quan trọng vì đó là lúc ta nắm giữ trong tay phần số của ta trong kiếp tái sinh.
Khi đã hiểu được cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào sẽ giúp ta sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại và nằm xuống trong an bình.
14- Giận dữ và hận thù cần có một đối tượng để bộc phát, giống như lửa cần có củi khô để cháy. Khi phải đối đầu với những hoàn cảnh hận thù, chẳng hạn có kẻ muốn khiêu khích hay tìm cách ám hại, ta hãy dùng sức mạnh của nhẫn nhục để chận đứng ngay sự chi phối của những xúc cảm tiêu cực có thể xảy ra. Nhẫn nhục phát sinh từ khả năng chịu đựng, đừng để bất cứ gì làm cho ta dao động, dù trong tình huống nào cũng thế. Nếu biết dựa vào nhẫn nhục, sẽ không có một kẻ nào đủ sức khuấy động được tâm thức ta.
15- Hãy tổ chức sự sống của ta nhắm vào những gì: hàm chứa một giá trị đích thực có thể đem đến một ý nghĩa cho sự sống của ta, nhưng không nên hướng vào lạc thú và cuộc sống phù phiếm, cuốc sống ấy chỉ đẩy ta xa thêm, ra bên ngoài sự sống của chính ta. Hãy xây dựng một cuộc sống dựa vào một trách nhiệm quan trong nhất, đó là trách nhiệm mà ta phải phục vụ kẻ khác.
16- Không có một hành vi đạo hạnh nào gọi là nhỏ hay lớn, bởi vì mỗi hành vi đạo hạnh đều góp phần vào sự xây dựng hoà bình trên thế giới này. Điều đáng kể duy nhất là hiến dâng tất cả cho kẻ khác và lấy đó làm niềm hạnh phúc. Phẩm tính lớn nhất của khả năng con người là lòng vị tha.
17- Đừng đánh mất thì giờ vì ganh tị và cải vả.Hãy suy tư về vô thường để ý thức được giá trị của sự sống. Nếu muốn thực hiện an bình trong tâm thức và trong tim, cần phải thay đổi những thói quen suy nghĩ có sẵn trong đầu. Nếu không muốn hóa điên vào lúc bắt buộc phải rời bỏ thế giới này, thì ta phải tu tập ngay từ bây giờ để hiểu rằng:
Không nên bám víu vào mọi sự vật và đừng mơ tưởng đó là những thứ mà rồi đây ta có thể mang theo khi chết.
18- Đừng bỏ mặc tấm thân này, cũng đừng quan tâm đến nó một cách quá đáng, nhưngphải kính trọng nó và chăm sóc cho nó như một thứ dụng cụ quý giá và cần thiết có thể góp phần giúp cho tâm thức đạt được Giác ngộ.
19- Hành vi mà ta thực thi phản ảnh từ tư duy và xúc cảm của chính ta. Tự nơi chúng, những hành vi ấy không mang tích cách tích cực hay tiêu cực, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào những ý đồ tiềm ẩn đã thúc đẩy ta. Ý đồ sẽ giữ vai trò quyết định cho nghiệp, tức quy luật về nguyên nhân và hậu quả, nghiệp sẽ tạo ra cho ta một cuộc sống và trong cuộc sống ấy ta sẽ có cảm giác như là đang hạnh phúc hay đang khổ đau.
20- Bố thí trước hết phải tập thế nào để đừng va chạm đến tự ái và làm tổn thương kẻ khác.Làm được như thế có nghĩa là tránh không làm hại đến chính ta, vì làm tổn thương kẻ khác chính là tự làm tổn thương đến ta trước đã.
21- Không thể nào nắm bắt được hiện tại. Không có gì tồn tại trong thế giới này, không có gì tự nơi chúng có thể hiện hữu được. Vậy thì, cố gắng nắm bắt và chiếm giữ những đối tượng của các giác quan mà ta cảm nhận được trong hiện tại để làm gì? Chúng không mang một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của trùng trùng điệp điệp những nguyên nhân và điều kiện khác đã tác tạo ra chúng. Chúng không sinh ra để tồn tại bởi vì chúng biến đổi từng giây phút một. Do đó, chớ nắm bắt gì cả.
22- Tham vọng không kềm giữ được sẽ biến tâm thức con người thành nô lệ và sẽ không bao giờ để cho tâm thức được yên, khi nào ham muốn lạc thú vẫn còn thúc đẩy tâm thức để tạo ra vô số cảnh huống khác nhau trong mục đích giúp thoả mãn những tham vọng trong sinh hoạt hằng ngày, thì khi đó tâm thức vẫn còn nô lệ và bất an. Tham vọng khi đã được kềm chế và khắc phục sẽ giải thoát con người ra khỏi mọi hoàn cảnh, dù là hoàn cảnh hạnh phúc hay khổ đau cũng thế, và sẽ đem đến an bình trong tim và trong tâm thức.
23- Trau dồi nhẫn nhục là tập phát huy lòng từ bi hướng vào những kẻ đã đem đến thương tổn cho ta, nhưng không phải vì thế mà chấp nhận cho họ tàn phá ta. Lòng từ bi là vị lương y tốt nhất để chữa chạy cho tâm thức. Từ bi sẽ giải thoát cho ta trước những bám víu và những xung năng đối nghịch.
24- Chỉ vì vô minh và thiếu nhận xét minh bạch, nên ta tiếp tục tạo ra những điều bất hạnh cho chính ta. Tâm thức luôn luôn bị giằng co giữa những gì ta ưa thích và ghét bỏ. Ta hành động giống như có thể lẩn tránh được những cảnh huống đang hiện ra với ta. Ta quên mất là tất cả không có gì tồn tại và tự nó hiện hữu. Ta cũng quên là ta có thể chết bất cứ lúc nào.
25- Bám víu vào những đối tượng của giác cảm sẽ làm cho tâm thức thèm thuồng và bịnh hoạn. Tom góp được nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho đến hết cuộc đời, nhưng họ vẫn sống trong buồn bực, lo âu, bất toại nguyện và khép kín. Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ đem đến niềm hân hoan to lớn nhất. Họ không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười để giúp cho kẻ khác được sung sướng. Những điều kiện vật chất của họ thật đầy đủ, nhưng không đem đến cho họ một mảy may hạnh phúc, vì chưng chỉ có một thứ duy nhất có thể cải thiện được cuộc sống nội tâm trong bất cứ hoàn cảnh vật chất nào, ấy chính là sự tu sửa tâm linh.
26- Tôi ước nguyện sẽ xử dụng không dám phí phạm một giây phút nào trong sự hiện hữu của tôi để góp phần vào việc giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ đau và giúp chúng sinh tìm thấy hạnh phúc cũng như nhìn thấy những nguyên nhân nào sẽ đem đến hạnh phúc. Tôi xin phát nguyện để ghi nhớ rằng phát lộ lòng từ bi đối với chúng sinh khởi sự bằng từ bi đối với chính mình, nhưng không hàm chứa một chút bóng dáng nào của sự ích kỷ, vì mỗi người trong chúng ta đều là thành phần của cộng đồng chúng sinh.
27- Phương pháp thiền định phân tích đem đến sự vững tin giúp ta biến cải tâm thức. Sự biến cải đó đòi hỏi nhiều thời gian, và cách tập luyện cũng rất gần với các phương pháp khoa học. Những xúc cảm làm đảo điên và kích động ta là những đối tượng giúp cho cho ta quan sát, để từ đó chọn lấy những liều thuốc hóa giải hiệu nghiệm nhất khả dĩ giúp đạt được mục đích mong muốn, tức giải thoát ta ra khỏi ảnh hưởng của những xúc cảm bấn loạn để đạt được Giác ngộ. Nên ghi nhớ rằng hai thể dạng xung khắc nhau không thể nào hội nhập chung với nhau cùng một lúc trong tâm thức. Vì thế, thí dụ nếu ta đang nổi giận với một người nào đó, hãy nghĩ ngay đến việc phát lộ tình thương đối với người ấy. Nếu ta phát lộ được yêu thương, giận dữ sẽ biến mất trong tâm thức. Tình thương là liều thuốc hoá giải sự giận dữ.
28- Tất cả đều mang tính cách vô thường, nhờ đó ta có thể biến cải được tâm thức và những xúc cảm bấn loạn làm dấy động tâm thức. Chẳng hạn như hận thù hay giận dữ, chúng phải tùy thuộc vào bối cảnh để hiển hiện. Tự nơi chúng, chúng không phải là những hiện thực, chúng không hiện hữu một cách thường xuyên trong tâm thức ta, vì thế ta có thể khắc phục, biến cải và loại trừ chúng được. Để giúp thực hiện việc ấy, cần nhất là phải tái tạo chúng trong bối cảnh mà chúng đã phát sinh, phân tích bối cảnh nào đã làm cho chúng bộc phát và tìm hiểu nguyên do của sự bộc phát ấy. Thực hiện được một thể dạng phúc hạnh lâu bền có nghĩa là loại trừ ra khỏi tâm thức những xúc cảm tiêu cực.
29- Khổ đau không phải phi lý nhưng cũng không phải vô ích, chẳng qua chỉ vì nghiệp mà chúng phát sinh, nghiệp ở đây có nghĩa là quy luật nguyên nhân và hậu quả chi phối chu kỳ của mọi hiện hữu. Chu kỳ hiện hữu có thể sẽ khó hiểu nếu không tin vào hiện tượng tái sinh. Tư tưởng và hành vi của ta trong nhiều kiếp sống liên tiếp từ trước sẽ tạo ra hậu quả tích cực hay tiêu cực tùy theo ý đồ thúc đẩy làm phát sinh ra tư tưởng và hành vi. Nguyên tắc ấy cũng xảy ra chung cho cả một dân tộc hay một quốc gia. Những gì xảy ra cho dân tộc Tây tạng là hậu quả của nghiệp. Nhưng điều ấy cũng không cấm cản đi tìm một giải pháp làm thế nào để nhân quyền ở Tây tạng được tôn trọng, kể cả nền văn hóa ngàn năm, tư tưởng triết học và tôn giáo đặc thù của nền văn minh chúng tôi. Không nên hiểu lầm nghiệp với định mệnh, nhưng phải rút tỉa kinh nghiệm từ những bài học mà ta gặp phải trong sự sống để hành động trong chiều hướng tích cực và ý thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét