Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

ĐẠT-LAI LẠT-MA

CÕI TA-BÀ: SỐNG, CHẾT VÀ TÁI SINH

Chương VI
Cõi Ta-bà: Sống, Chết và Tái sinh

Ba cấp bậc tri thức
Tri thức được phân chia thành ba cấp bậc tinh tế khác nhau : thể dạng đang trong lúc thức (hay thể dạng thô thiển của tri thức), thể dạng chiêm bao (tinh tế hơn) và thể dạng ngủ thật say (tinh tế hơn hết, hoàn toàn không còn chiêm bao).
Người ta có thể so sánh ba thể dạng ấy với ba giai đoạn sinh, chết trên phương diện vật chất và thể dạng trung gian gọi là bardo [trung ấm hay trung hữu] trước khi xảy ra sự tái sinh [thụ thai]. Ba giai đoạn vừa kể [sinh, chết và trung gian] được phân biệt thành ba cấp bậc khác nhau, căn cứ vào ba cấp bậc tri thức tinh tế của chúng. Trong khi xảy ra quá trình của cái chết, người đang chết lắng thật sâu vào tri thức tinh tế. Thế nhưng sau khi đã chết, và sau giai đoạn trung gian hay bardo, cá thể ấy lại bị chi phối trở lại bởi sự tái sinh, theo đó tri thức cũng dần dần trở nên thô thiển hơn. Tri thức càng lúc càng trở nên dầy đặc trong quá trình diễn tiến của sự tái sinh và đầu thai.
Rất nhiều tập sách thuật lại trường hợp nhiều người nhớ lại kiếp trước của mình. Nghiên cứu thêm về các hiện tượng trên đây sẽ mang lại nhiều lợi ích và mở rộng thêm kiến thức cho nhân loại.
Phép luyện tập du-già
Đối với một số người phép luyện tập du già quá khó, tạo ra đau đớn và chẳng giúp ích được gì cho tâm thức. Đối với một số người khác đó là một phương pháp đơn giản và tự nhiên, giúp mang lại sự thoải mái trên phương diện tổng quát. Tuy nhiên phương tiện dùng để tinh khiết hóa tâm thức vẫn chính là tâm thức. Nếu cảnh giác cẩn thận, theo dõi các quá trình vận hành của tâm thức, ta sẽ vô cùng ngạc nhiên nhận thấy tầm quan trọng vô song của nó. Tâm thức chính là trung tâm của tất cả [từ các biến cố và hiện tượng cho đến sự giải thoát và giác ngộ].
Con đường trí tuệ
Trí tuệ cần thiết cho việc tìm hiểu sự thật sâu xa hay tối thượng, tức là tánh không - trí tuệ dùng để cảm nhận sự vắng mặt của cái ngã - nó có thể mang tính cách trực tiếp hay gián tiếp. Trí tuệ dựa vào sức mạnh duy nhất của nó và được bổ khuyết thêm một số khả năng khác - sự tin tưởng, sự tập trung và cố gắng - có thể phá tan được sức mạnh của ảo giác.
Sự tiếp cận hợp lý (lôgic) đối với hiện thực
Những người tu tập Phật giáo luôn chú tâm vào chủ đích tìm kiếm sự thật hay hiện thực. Thế nhưng đồng thời họ cũng khẳng định không nên hoàn toàn tin tưởng vào sự cảm nhận của mình đối với hiện thực, bởi vì có một sự cách biệt giữa các thể dạng hiển hiện của các sự vật và phương cách hiện hữu của chúng. Tuy nhiên sau đây là các phương pháp tốt nhất có thể sử dụng để tiếp cận và tìm hiểu hiện thực : phương pháp suy luận căn cứ trên sự hợp lý (lôgic), phương pháp suy diễn (phân tích), tam đoạn luận mang lại sự hiển nhiên, đấy là ba thứ khí cụ chính yếu được sử dụng để chứng minh sự hợp lý (lôgic). Đấy là các modus operandi [tiếng La-tinh, tạm dịch là các "phương thức hành động"] giúp chuyển một sự quán nhận sai lầm trở thành một sự cảm nhận vững chắc, [Phật giáo xem các hiện tượng chỉ là ảo giác không phải hiện thực, bản chất của hiện thực là tánh không, muốn quán nhận được tánh không rất khó, phải dựa vào nhiều phương pháp khác nhau].
Sự hợp lý (lôgic) và trí tuệ tự tại
Trí tuệ dùng để quán nhận sự vắng mặt của cái ngã. Sự quán nhận đó được căn cứ vào sự hợp lý (lôgic) thật vững chắc và khi ta đã quen với quá trình phân tích sự vững chắc của nó [tức sự vắng mặt của cái ngã] trí tuệ tự tại sẽ phát hiện để loại bỏ vô minh. Không những trí tuệ có thể tự hiển hiện mà còn có thể tỏa rộng đến vô biên nếu ta biết phát huy nó. Khi trí tuệ nẩy nở sẽ khiến các ý nghĩ về sự hiện hữu tự tại suy yếu dần và sau cùng sẽ hoàn toàn biến mất. Mọi sự khổ nhọc và lầm lẫn sẽ tan biến khi tiếp xúc với hiện thực. Chúng không còn lưu lại một dấu vết nào trong bầu không gian của hiện thực tinh khiết, kết quả thực tiễn là trong trường hợp đó ta không còn tạo nghiệp [phát huy được trí tuệ, quán nhận được tánh không, loại bỏ được vô minh, nhìn thấy được bản chất vô ngã của mọi hiện tượng, ta không còn tạo nghiệp nữa và đấy cũng là thể dạng giải thoát].
Tu tập Đạo Pháp mang lại sự an bình
Đạo Pháp giải thích tại sao lại có nhiều cấp bậc khổ đau khác nhau. Theo thuyết nhân quả nghiệp chi phối hành động và hậu quả của nó, dựa vào đó chúng ta tin có kiếp sau [nếu không có kiếp sau không thể giải thích sự bất hạnh quá ư khác biệt giữa các cá thể con người]. Sự tin tưởng đó góp phần mang lại cho chúng ta một sự an bình trong cuộc sống và giúp chúng ta chấp nhận các biến cố tiếp nối nhau xảy ra trong cuộc đời mình. Chúng ta hiểu rằng mọi sự lo âu và toan tính đều hoàn toàn vô ích, không nên quá âu sầu về những nỗi khổ đau của mình, [vì đó là hậu quả do chính mình tạo ra].
Dù quán nhận được bản chất khổ đau có tính cách tạm thời thế nhưng không nên khinh thường hoặc nghĩ rằng : "chẳng có gì quan trọng". Khả năng ý thức được sự khổ đau đúng với bản chất của nó [vì đôi khi ta hiểu lầm khổ đau là hạnh phúc, chẳng hạn như sự thích thú do giác cảm mang lại] là một phẩm tính giúp khơi động niềm khát vọng loại bỏ nó, [vì khổ đau mang tính cách tạm thời không phải tự tại và vĩnh viễn, vì thế phải ý thức được điều đó để loại bỏ nó].
Bốn sự thực cao quý
Đức Phật dạy rằng : "Đây là khổ đau đích thực, đây là nguyên nhân đích thực, đây là con đường đích thực". Ngài nói thêm : "Hãy ý thức khổ đau, loại bỏ những nguyên nhân của nó, đạt được sự chấm dứt khổ đau, bước theo con đường đúng đắn" [tức là bát chánh đạo]. Đức Phật lại giảng thêm : "Hãy ý thức được khổ đau, mặc dù chẳng có gì để ý thức, hãy từ bỏ các nguyên nhân mang lại khổ đau, mặc dù chẳng có gì để từ bỏ, hãy xa lánh thế tục một cách nghiêm túc, mặc dù chẳng có gì để xa lánh" [có nghĩa tất cả đều là tánh không, nắm vững tánh không của mọi hiện tượng mới có thể đạt được giác ngộ tối thượng, loại bỏ khổ đau chỉ là sự giải thoát]. Đấy là ba thể dạng của bản thể tự tại, của hành động và kết quả tối thượng của Tứ Diệu Đế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét