Hầu hết những tín đồ
ngoan đạo và chân thành, đều ít nhiều thẩm thấu tinh thần nhân hậu, từ ái của
một tôn giáo mình đang theo. Chính vì thế, không ít các tu sĩ, tín đồ của Phật
Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hòa Hảo... có mặt trong xã hội ta hiện nay, đã từng
chung tay góp sức xoa dịu niềm đau của đồng bào sau những thiên tai, hoạn nạn.
Bên cạnh một số những tấm lòng tuy không tôn giáo, cũng rung động trước mọi
cảnh trạng thương tâm của con người.
Trong một số Thành thị
lớn ở miền Nam Việt Nam, hàng ngày đều có bếp ăn từ thiện giúp các bệnh nhân và
thân nhân người bệnh tại các bệnh viện, với lượng suất ăn không nhỏ. Chẳng
những thế, những ngày sóc vọng trai kỳ, cũng không thiếu những điểm chẩn phát
những phần cơm miễn phí cho học sinh, sinh viên và người lao động, kẻ nghèo
khó. Ngay tại Bình Dương, bệnh viện Tỉnh và cả bệnh viện huyện cũng có bếp ăn
tình thương, nước nóng cung ứng 24/24 cho người bệnh do đồng đạo địa phương chủ
trương, đảm nhiệm.
Những việc như thế, trở
thành "chuyện bình thường ở huyện", nhưng ở một huyện nhỏ và nghèo
như huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai, thật không bình thường khi một nữ Đồng Đạo
tuổi ngoài 40, được sự đồng thuận của chồng con, cũng đã lập bếp ăn từ thiện
mỗi ngày hai bữa, cung ứng mỗi lần trên 600 suất ăn cho bệnh nhân, 400 phần cơm
cho học sinh nghèo vùng sâu học thông tầm. Rồi những ngày trai kỳ đều phát cơm
miễn phí cho dân nghèo không hạn định. Chẳng những thế, vuông đất độ 3000 m trở
thành điểm thu nhận nuôi dưỡng bệnh nhân cao tuổi không thân nhân.
Có những bệnh nhân
"quái gỡ", hung dữ, tiểu tiện tùy thích, vung vải thức ăn, đánh đập
người chung quanh; cũng có bệnh nhân sống theo vô thức, sống đời thực vật... thế
mà phòng ốc, tuy bằng lá nền gạch bông lại rất sạch sẽ. Mỗi phòng hai giường,
có tủ đựng vật dụng cá nhân... 30 bệnh nhân là 30 cá tánh khác nhau, nên đòi
hỏi những đồng đạo từ tâm phục dịch phải kiên nhẫn và xem việc phục vụ bệnh
nhân là một nghĩa vụ cao cả mà tôn chỉ giáo lý đã dạy. Phần lớn bệnh nhân trước
khi vào đây đều nghiện một vài tật như hút thuốc, uống cà phê, ăn nhậu, cờ
bạc... nhưng không ai ngăn cấm, tự động quên hết mọi tánh xấu, kể cả những bệnh
tâm thần, từ từ cũng ổn định.
Cô Hồng, chủ cơ sở từ
thiện, tâm hồn chất phát, bình dị, điềm đạm, từ tốn tỏa ra nét thánh thiện,
bình an trên khuôn mặt và dáng đi. Đối với bệnh nhân cũng như tình nguyện viên
phục vụ, cô luôn nhã nhặn, nhỏ nhẹ. Trong tổ từ thiện, nhân viên và bệnh nhân trên
dưới 50 người. Một số mặt thực phẩm như đậu hủ, đều tự túc sản xuất. Khi chưa
có nước ngọt, phải đổi 45.000 đồng một khối, giờ đây tiền nước sinh hoạt chỉ
còn 6.000đ; một số tiền không nhỏ cho việc sinh hoạt hằng ngày với lượng người
và suất ăn như thế.
Cô Hồng tâm sự khi được
hỏi chi phí như thế do ai tài trợ? Cô trả lời, thỉnh thoảng phải bán đất để đắp
vào; cô là người địa phương, đất gia tộc để lại khá nhiều. Mạnh thường quân ít
ai biết, vì từ Sài gòn vào đó cũng trên dưới 30km, đường đất đỏ bụi mịt mù; từ
bến phà Cát Lái vào hơn 7 km nắng bụi mưa lầy. Khu dân cư thưa thớt, nếu không
có tấm bảng nằm khiêm tốn cách lộ đỏ hơn 10 m thì ít ai biết đây là mái ấm cho
hàng chục cụ già cơ nhỡ, bệnh tật, neo đơn. Ngoài chái nhà chính nấu ăn, tiếp
khách bằng lá dừa nước, 10 căn nhà chia nhiều phòng cũng bằng lá dành cho các
cụ.
Ngày 03/01/2014 cơ sở từ
thiện tiếp nhận một cụ ông 68 tuổi, vừa câm, vừa điếc vừa mù. Ông từ Campuchea
về năm 1970, sống với bà cụ lớn hơn ông 7 tuổi trên 50 năm. Hai ông bà hẩm hiu
trong căn nhà tình thương nằm lọt thỏm giữa các cao ốc tại thị xã Vũng Tàu, phường
8, tổ 07, khu phố 12. Bà con chung quanh hàng ngày giúp làm vệ sinh, nấu ăn cho
hai ông bà từ khi bà suy sụp sức khỏe, không tự lo cho bản thân và giúp cho ông
như trước đây.
Mỗi tháng hai ông bà được trợ cấp theo chính sách mỗi người
600.000đ, quan chức địa phương cho biết, ông sẽ không được lãnh trợ cấp nữa nếu
rời khỏi địa phương. Theo bà cụ Táng (vợ của ông cụ Tiêu) cho hay, tính khí ông
cũng không dễ chịu, liệu vào nhà dưỡng lão ai sẽ chiều ý ông! Đó là cái lo của
thân nhân, nhưng khi sống trong tập thể với từ trường nhân ái thì mọi khó khăn
sẽ được chuyển hóa, sự biểu hiện trên 30 bệnh nhân đã cho thấy điều đó.
Sau buổi sáng làm việc
và có sự ký nhận của chính quyền Vũng Tàu, cụ ông được xe từ thiện Bảo Hòa đưa
về tổ Từ Thiện Cát Lái với sự tiếp đón nhiệt tình của các tình nguyện viên cũng
như cô Hồng chủ cơ sở lúc 15g cùng ngày.
Tổ
Từ Thiện nuôi người già neo đơn, tật nguyền, cấp cơm cháo miễn phí cho bệnh
nhân và học sinh nghèo:
Ấp
Rạch Bảy, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai
ĐT:
0908 161 492 - 01675 313 198
Trong khi đó, tại cơ sở
cũng chuẩn bị làm lễ cầu siêu và hỏa táng cho một bệnh nhân như nhiều bệnh nhân
đã ra đi trước đây, mỗi vong linh đều được thiết lập hương án để cúng kiến chu
đáo mỗi ngày.
Trong cuộc sống kinh tế
khó khăn hiện nay, có không ít những tấm lòng vị tha đã hy sinh cá nhân lo cho
tha nhân là một việc đáng kính và cần sự hỗ trợ của những ai có điều kiện vật
chất dồi dào. Không những có Việt kiều về xây trường, đào giếng, làm cầu, ủy
lạo, mổ mắt cho dân nghèo... mà ngay trong nước, cuộc sống người dân miền Tây
Nam bộ cũng chỉ đủ ăn, biết chung tay góp sức giúp đỡ bao nghiệt cảnh hiện nay-
lá rách đùm lá nát, đúng với câu: -"Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người
trong một nước phải thương nhau cùng".
Đó là công hạnh của
những Bồ Tát, và cũng là Bồ Tát hạnh của những tín đồ ngoan đạo noi theo gương
Thánh Thiện của các đấng giáo chủ.
MINH
MẪN
04/1/2014
Quả là những bậc Bồ Tát hiện thân. Mong sao có nhiều vị hảo tâm cùng góp vào 1 bàn tay.
Trả lờiXóa