Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

LỜI KHUYÊN CHO NHỮNG LỨA TUỔI TRONG CUỘC ĐỜI

NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
Thực hiện với sự hợp tác của MATTHIEU RICARD
Chuyển ngữ từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Pháp: CHRISTIAN BRUYAT
Chuyển ngữ Pháp Việt: Hoang Phong

NHỮNG LỨA TUỔI TRONG CUỘC ĐỜI 
Lời khuyên cho tuổi trẻ 
Bất cứ nơi nào, trong các trường học cho trẻ em tị nạn trên đất Ấn, hoặc tại các quốc gia khác, tôi cũng đều vui mừng khi được tiếp xúc với những người trẻ. Tuổi trẻ rất bộc trực và ngay thật, tâm hồn cởi mở và mềm dẻo hơn những người đã trưởng thành. Khi tôi nhìn thấy một đứa bé, cảm nghĩ trước tiên phát xuất từ đáy lòng tôi là đứa bé ấy chính là con tôi hay đấy là một người bạn thân thiết từ lâu của tôi mà tôi có bổn phận phải chăm lo và yêu mến.
Những gì quan trọng hơn hết đối với các em là sự giáo dục, và giáo dục ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng – tức là hấp thụ sự hiểu biết và đồng thời phải phát triển cả những phẩm tính căn bản của con người – nghĩa là phải toàn diện cả hai. Chính tuổi trẻ sẽ làm nền móng cho sự sống. Phương cách suy tư mà ta học hỏi được lúc còn trẻ sẽ ảnh hưởng sâu đậm trong suốt sự hiện hữu sau này, cũng giống như thức ăn và vệ sinh thân thể sẽ ảnh hưởng đến thân xác trong tương lai.
Nếu tuổi trẻ không dồn hết nỗ lực vào việc học hành thì sau này sẽ khó lòng mà bù đắp vào khiếm khuyết đó. Tôi từng nhận thấy những kinh nghiệm đối với chính tôi. Khi còn trẻ đôi khi tôi có phần lơ là, không quan tâm đến những điều học hỏi. Sau đó tôi hối hận vô cùng. Tôi nhận thấy trong khoảng thời gian ấy tôi đã đánh mất đi một cái gì đó. Dựa vào những kinh nghiệm trên đây, tôi khuyên tuổi trẻ nên ý thức giai đoạn còn được học hỏi là giai đoạn then chốt nhất trong sự hiện hữu của chính mình.
Ngay khi còn trẻ, cũng phải tập sống thuận thảo và tương trợ lẫn nhau. Những chuyện cãi vã và xung đột nhỏ nhặt không sao tránh khỏi được, nhưng điều quan trọng hơn là phải biết xoá bỏ những chuyện ấy, không nên giữ lại bất cứ một chút oán hận nào trong lòng.
Người ta vẫn nghĩ rằng tuổi trẻ không quan tâm đến những vấn đề hệ trọng chẳng hạn như cái chết. Tuy nhiên khi nghe những câu hỏi mà họ nêu lên, tôi mới thấy họ suy tư rất nhiều về những chủ đề thật nghiêm trọng, nhất là những gì xảy ra phía sau sự sống này.
Khi còn trẻ trí thông minh đang phát triển, tâm trí tràn ngập những điều thắc mắc. Lòng thiết tha mong mỏi được hiểu biết là căn bản của sự nẩy nở. Khi ta quan tâm đến thế giới này và càng tìm hiểu tại sao mọi sự vật lại như thế, thì khi đó tâm thức ta sẽ càng trở nên trong sáng hơn và tinh thần sáng tạo sẽ phát triển hơn.
Theo tôi còn một điều nữa rất thiết yếu. Trong xã hội tân tiến ngày nay, người ta có chiều hướng không quan tâm nhiều đến những gì mà tôi thường gọi là phẩm tính tự nhiên của con người : ấy là sự tốt bụng, lòng từ bi, sự hợp tác và khả năng tha thứ. Khi còn trẻ người ta hòa hợp với nhau một cách dễ dàng. Chỉ cần một lần gặp nhau và cùng nhau vui cười là cũng có thể trở thành bạn hữu với nhau. Không cần biết người bạn của mình làm nghề gì và thuộc giống dân nào. Điều quan trọng là người bạn mình cũng là một con người như chính mình  , và cũng chỉ cần như thế là đủ để kết bạn với nhau. 
Khi càng lớn lên, người ta càng lơ là với lòng yêu thương, với tình bạn hữu hay sự tương trợ. Những gì trở nên hệ trọng và đáng quan tâm hơn cho họ là chủng tộc, tín ngưỡng  , và cái xứ sở đã sinh ra họ. Họ quên mất những gì hệ trọng và chỉ chú tâm đến những gì hời hợt mà thôi.
Vì thế tôi muốn khuyên những ai đang bước vào cái tuổi mười lăm, mười sáu hãy chớ nên đánh mất cái tươi mát của tâm hồn tuổi trẻ mà phải cố gắng quan tâm và duy trì lấy nó. Hãy thường xuyên suy tư về những gì sâu xa nơi con người, để từ đó sẽ tìm thấy sự tin tưởng vững chắc nơi bản chất đích thực của chính mình và củng cố niềm tin ấy trong lòng mình.
Thật quan trọng đối với những người trẻ là phải sớm ý thức được rằng đời sống của con người không phải là một chuyện dễ dàng. Muốn thực hiện sự sống ấy một cách tốt đẹp thì không được nản chí khi gặp khó khăn, và nhất là phải có một sức mạnh nội tâm từ bên trong. 
Ngày nay người ta xem trọng chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng quyền suy nghĩ riêng tư của mỗi người, không nhất thiết phải phù hợp với giá trị xã hội hay truyền thống sẵn có. Đấy cũng là một điều hay. Tuy nhiên, trên một bình diện khác, con người chỉ biết hấp thụ những thông tin từ bên ngoài, qua trung gian các cơ quan truyền thông, nhất là mạng lưới truyền hình. Những loại thông tin ấy trở thành những dẫn chứng duy nhất để cho ta dựa vào và chúng là cái nguồn duy nhất mang đến cảm ứng cho ta. Sự lệ thuộc quá đáng này khiến ta trở thành bất lực và không còn đủ sức để đứng vững một mình.  Chúng ngăn không cho ta dựa vào những phẩm tính đích thực của mình, để rồi đánh mất cả sự vững tin nơi bản thể của chính mình. 
Theo tôi thì sự tự tin và khả năng đứng vững một mình là những gì thật thiết yếu để thành công trong đời. Tôi không có ý đề cập đến sự tự tin thiếu suy nghĩ, mà chỉ muốn nói đến sự kiện phải ý thức được tiềm năng sẵn có từ bên trong của mỗi người, một niềm tin vững chắc là chúng ta luôn luôn có khả năng tự sửa chữa, tự cải thiện để giúp mình trở nên phong phú hơn, và nhất là phải hiểu rằng không có gì bị đánh mất một cách vĩnh viễn cả.
Các chủ đề ưa chuộng của mạng lưới truyền thông là cướp bóc, tội phạm, những hành vi thúc đẩy bởi sự tham lợi hay hận thù. Tuy thế, ta không thể nào bảo rằng trong thế giới này tuyệt nhiên không có một hành động cao cả nào xảy ra, không có hành động nào thoát ra từ phẩm tính căn bản của con người. Chẳng lẽ không có ai chăm lo cho những người bệnh tật, trẻ mồ côi, người già yếu và những kẻ tật nguyền với tấm lòng bất vụ lợi ; chẳng có một ai đứng lên vì tình thương yêu kẻ khác hay sao ? Những hành động như thế xảy ra rất nhiều, nhưng ta lại xem những hành vi ấy là bình thường.
Tôi tin chắc rằng từ bản chất và từ nơi sâu kín của lòng ta, chẳng có ai muốn sát sinh, hãm hiếp, cướp bóc, nói dối hay phạm vào những hành động tiêu cực khác, trái lại tất cả chúng ta đều hàm chứa khả năng yêu thương và từ bi. Hãy nhìn vào tầm ảnh hưởng của sự trìu mến phát sinh một cách tự nhiên nơi người mẹ khi ta chào đời. Thiếu sự trìu mến đó, ta đâu còn sống đến ngày hôm nay. Hãy tự nhìn xem chúng ta đang cảm thấy an lành như thế nào khi được che chở bởi tình thương yêu của những người chung quanh, kể cả lúc chính ta tự biểu lộ được tình thương yêu đó, trong trường hợp ngược lại ta sẽ cảm thấy khổ sở ra sao khi đang bị giận dữ và hận thù xâm chiếm. Tư duy và hành động phát sinh từ yêu thương ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể xác một cách rõ rệt. Chúng phù hợp với bản tính đích thực của ta. Trái lại những hành động hung bạo, độc ác, hận thù sẽ chi phối và khống chế ta để rồi ta cảm thấy thích thú khi nghe nhắc đến những chuyện như thế và cũng chính vì thế mà chúng xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Vấn đề nguy hiểm là dần dần ta bị lừa phỉnh và cứ ngỡ rằng bản chất con người là xấu xa. Biết đâu một ngày nào đó chúng ta sẽ thốt lên rằng không còn một hy vọng nào nữa cho loài người.
Tôi nghĩ rằng thật cần thiết phải nói với tuổi trẻ như sau : Các em hãy cố gắng nhận thấy những phẩm tính con người đang hiện hữu một cách tự nhiên trong các em. Các em hãy xây dựng trong lòng một niềm tự tin vững chắc và tập cho mình biết đứng vững trên đôi chân của chính mình!
Một số bạn trẻ khởi sự bước vào đời nhưng không hiểu mình muốn gì. Các bạn ấy chọn một nghề nào đó nhưng lại cảm thấy không thích hợp với mình, bèn bỏ nghề và chọn một nghề khác rồi lại tiếp tục bỏ nữa, để rồi sau cùng thì buông trôi tất cả và nghĩ rằng chẳng có gì cho mình tha thiết cả.
Nếu người bạn trẻ của tôi rơi vào trường hợp như thế thì cũng nên hiểu rằng không có một sự sống nào mà không gặp khó khăn. Đừng nên hy vọng tất cả sẽ bỗng nhiên tự động thành công và những khó khăn sẽ tan biến như một phép lạ.
Khi các bạn học xong và tìm việc làm thì hãy chọn lựa một nghề nghiệp phù hợp với bản chất của mình, sự hiểu biết của mình, khả năng của mình, quyền lợi của mình và có thể của gia đình mình, kể cả bạn hữu hay thân thuộc của mình nữa. Cũng có thể cho là hợp lý khi ta biết chọn một ngành nghề mà những người chung quanh đang làm. Như thế ta có thể nhận được những lời chỉ dẫn và thừa hưởng những kinh nghiệm của họ.
Hãy quán xét tất cả mọi yếu tố, chú ý đến những khả năng nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình để lựa chọn. Sau khi đã chọn thì phải cố gắng duy trì. Dù có gặp khó khăn mấy đi nữa cũng phải quyết tâm để vượt qua. Hãy tự tin nơi chính mình và huy động mọi năng lực sẵn có.
Nếu bạn nghĩ rằng nhiều nghề nghiệp sẽ chờ đợi bạn như những món ăn để cho bạn tự do nếm thử, hết món này đến món khác, thì quả thật bạn sẽ có rất ít may mắn để thành công. Hãy tự nhủ rằng một ngày nào đó rồi bạn cũng phải chọn lấy một quyết định và trong thế giới này tuyệt đối không có bất cứ một thứ gì lại không hàm chứa những bất lợi.
Tôi nghĩ rằng chúng ta thường cư xử như những đứa trẻ được nuông chiều quá đáng. Khi còn bé, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Đến tuổi đi học, chúng ta được giáo dục, có cơm ăn áo mặc, tất cả gánh nặng và khó khăn đều đè lên vai người khác. Đến lúc ta đủ sức lo toan cho chính sự hiện hữu của mình, tự vác lên vai gánh nặng của chính mình, thì ta lại nghĩ rằng tất cả đều sẽ dễ dàng ! Thái độ ấy trái ngược với thực tế. Trong thế giới này, không có một ngoại lệ nào cả, tất cả mọi chúng sinh đều phải gặp những khó khăn.  
Lời khuyên người đã trưởng thành
Những lời khuyên cho tuổi trẻ cũng có thể áp dụng cho những người đang bước vào tuổi trưởng thành, bắt đầu đi làm và tạo lập gia đình.
Nghề nghiệp là phương tiện giúp cho ta sinh sống, nhưng đồng thời cũng là một sự đóng góp của ta vào xã hội. Thêm vào đó lại cũng có một sự tương tác nhất định giữa xã hội và bản thân ta. Nếu xã hội phát đạt ta cũng thừa hưởng được sự phồn vinh chung, nhưng nếu xã hội gặp khó khăn ta cũng phải gánh chịu sự nhọc nhằn. Tập thể xã hội mà chúng ta đang sống lại tiếp tục ảnh hưởng rộng lớn hơn ra chung quanh và sau cùng là cả nhân loại nữa. Nếu tập thể dân cư trong vùng mà ta đang sinh sống phát triển được một nền kinh tế phồn thịnh thì cả nước cũng được hưởng lây. Kinh tế nước Pháp liên hệ đến kinh tế của cả Âu châu, và kinh tế Âu châu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của toàn thế giới. Các xã hội tân tiến ngày nay lệ thuộc vào nhau một cách chặt chẽ, sinh hoạt của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Tôi nghĩ rằng ý thức được sự kiện đó là một điều hết sức cần thiết.
Khi nói rằng tình trạng phồn vinh của xã hội tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta, tôi không hề có ý ám chỉ là ta phải hy sinh sự an vui cá nhân của chính mình cho tập thể. Tôi chỉ muốn nói một cách đơn giản là cả hai bên, cá nhân và tập thể, không thể tách rời nhau. Thế nhưng ngày nay, người ta thường nghĩ rằng vận mệnh của xã hội và của từng cá nhân hoàn toàn khác biệt, cá nhân quan trọng hơn, còn tập thể thì không cần màng đến. Tuy nhiên nếu biết mở rộng tầm nhìn, ta sẽ thấy thái độ đó trên bình diện lâu dài không mang một ý nghĩa gì cả.
Hơn nữa như chúng ta đã biết, hạnh phúc và khổ đau của con người không phải chỉ căn cứ trên sự thoả mãn duy nhất của cơ quan giác cảm. Hạnh phúc và khổ đau còn nhất thiết dựa vào những yếu tố mang tính cách tinh thần. Xin đừng quên điều ấy nhé. Đừng nên xem đấy chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt. Nếu ta có một ngôi nhà tuyệt đẹp, một chiếc xe sang trọng, tiền của trong ngân hàng, một địa vị cao sang trong xã hội và sự ngưỡng mộ của kẻ khác, thì cũng không hề có nghĩa là ta đang sống trong hạnh phúc. Kể cả trường hợp đột nhiên ta trở thành tỉ phú, cũng không có nghĩa là hạnh phúc sẽ tự động đến với ta. Sự tương quan ấy còn cần phải xem xét lại.
Những khoái cảm sâu xa khi thưởng thức một tác phẩm hội họa hay nghe một khúc nhạc hoà tấu đã chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng của sự thoả mãn nội tâm nơi con người, khác với những thỏa mãn thô thiển phát sinh từ các cơ quan giác cảm hay là việc thu đạt của cải vật chất.
Tuy vậy, sự thoả mãn như vừa kể trên đây vẫn còn dựa vào thính giác và thị giác, do đó chỉ mang đến sự thích thú tạm bợ, trên nguyên tắc cũng chẳng khác gì sự thích thú do ma túy tạo ra. Khi bước ra khỏi bảo tàng viện hay phòng hòa nhạc, sự thích thú do nghệ thuật mang đến cũng chấm dứt theo, nhường chỗ cho sự thèm khát nổi lên. Người ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn nội tâm đích thực.
Điều thiết yếu là những suy tư trong nội tâm của mình. Điều ấy không có nghĩa là bắt buộc ta phải chối bỏ những nhu cầu sơ đẳng nhất trong cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta đều có quyền được hưởng những gì tối thiếu. Chúng ta có cái quyền đó và chúng ta phải bảo vệ cái quyền đó. Nếu cần tranh đấu để bảo đảm cho cái quyền đó, thì ta phải sẵn sàng để tranh đấu. Nếu cần phải đình công thì ta đình công. Tuy nhiên đừng bao giờ để rơi vào một vị thế cực đoan. Nếu từ trong thâm tâm, không bao giờ ta thỏa mãn và cứ tiếp tục muốn nhiều hơn nữa, thì ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc mà sẽ vẫn luôn luôn cảm thấy còn thiếu thốn một cái gì đó.
Hạnh phúc trong nội tâm không lệ thuộc vào những tình huống vật chất hay là sự thỏa mãn của các giác quan. Hạnh phúc đích thực bắt nguồn từ trong tâm thức của chính mình. Nhìn thấy được tầm quan trọng của hạnh phúc, ấy là một điều vô cùng hệ trọng. 
Lời khuyên người lớn tuổi
Khi trở về già và nếu như ta không có một tín ngưỡng tôn giáo nào cả, thì cũng nên hiểu rằng những khổ đau cơ bản nhất – sự sinh, bệnh tật, già nua, cái chết – là những thành phần bất khả phân của sự sống. Ngay từ lúc sinh ra đời, ta không thể nào tránh khỏi già nua và cái chết. Nó là như thế. Nếu oán thán rằng đấy là bất công, rồi ước muốn phải khác hơn thế, thì quả thật là vô ích.
Theo Phật giáo, việc được sống lâu hay không là nhờ vào những phẩm hạnh của chính mình trong quá khứ. Kể cả trường hợp ta không phải là người Phật giáo đi nữa thì cũng nên nhìn vào những người đã chết khi họ còn trẻ để cảm thấy hân hoan khi mình có một cuộc sống kéo dài hơn họ.
Nếu trước đây trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, ta đã có một cuộc sống phong phú, thì hãy cố nhớ lại trong cái khoảng thời gian đó ta từng đóng góp những gì cho xã hội, và đã từng thực hiện được những công trình ích lợi nào với chủ tâm chân thành. Nếu đã làm được những điều ấy thì giờ đây ta sẽ không có gì để hối tiếc nữa.
Nếu ta mang một tín ngưỡng tôn giáo thì hãy cứ cầu khẩn hay suy tư tùy theo đức tin của mình. Nếu tinh thần còn trong sáng, ta hãy suy nghĩ rằng sự sinh, bệnh tật, già nua và cái chết là những thành phần thuộc vào sự sống của con người mà ta không thể nào tránh được những thứ ấy. Hiểu được như thế và hoàn toàn chấp nhận sự thật đó sẽ giúp ta bước vào tuổi già một cách bình thản hơn.
Điều đó cũng đang đến với tôi, vì tôi cũng đang bước vào cái tuổi sáu mươi bảy (1). Nếu như đôi khi tôi không chấp nhận từ trong thâm tâm là thân xác vật chất của mình đã già, xuyên qua cái con số năm tháng như vừa kể trên đây, thì tôi sẽ khổ sở lắm khi phải chấp nhận cái tình trạng hiện nay của tôi. Khi đã già, tuy rằng không phải là một cách tự lừa phỉnh lấy mình, nhưng ta cũng nên ý thức ý nghĩa thật sự của cái già là gì và từ đó rút ra những gì tốt đẹp nhất.
Hãy nên tự hỏi ta còn có thể cống hiến được gì cho cái xã hội này hay không, trong khi ta vẫn còn nhờ vả vào nó. Với những hiểu biết mà ta từng thu đạt được, nhất định là ta phải có ích lợi hơn nhiều so với những người không được sống lâu như ta. Hãy kể lại cuộc đời ta cho gia đình, cho những người thân thuộc chung quanh, chia sẻ với họ những kinh nghiệm của chính mình. Nếu ta thích gần gũi với con cháu thì trong khi chăm sóc chúng, ta hãy truyền đạt cho chúng những hiểu biết của ta và góp phần vào việc giáo dục chúng. 
Nhất định là ta không nên bắt chước những người già cả suốt ngày chỉ ta thán và gây sự. Chớ nên phung phí năng lực của ta bằng cách đó. Chẳng những ta không làm cho bất cứ ai khác vui lòng mà lại còn mang tuổi già của ta để thách đố với khó khăn.
Ghi chú:
 1- Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thuyết giảng những lời này vào năm 2000. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét