Trong Phật giáo
cũng như bất cứ tôn giáo nào, một người bước vào ngưỡng cửa tín ngưỡng, cũng
phải tìm hiểu về tôn giáo mình đang theo, ít ra nắm vững giáo lý của một tôn
giáo do mình muốn chọn. Đó là nguyên tắc, nhưng phần lớn người đến với đạo
Phật, họ đến bằng lòng sùng tín hơn là học hỏi tìm hiểu, vì thế, không tránh
khỏi mê tín qua việc cầu khấn, đốt vàng mã, xin xăm bói quẻ và vô số hình thái
mà giáo lý nhà Phật không hề khuyến khích.
Ở đây, ta đề cập
đến những tâm hồn muốn đến với Phật giáo bằng trí tuệ để tiến hóa tâm linh chứ
không vì lợi dưỡng trong cuộc sống. Qua giai đoạn khá dài cho việc "bước
đầu học Phật" để nắm vững giáo lý (không phải là tín điều như các tôn giáo
khác). Những tín đồ bắt đầu bước vào lãnh vực tu tập, có nghĩa là chuẩn bị cho
một hành trình giải thoát tâm linh mà hệ quả kiếp người chập chùng khổ đau do
nghiệp nhân quá khứ đem đến một bài học trong cõi luân hồi.
Thật vậy, tôn giáo
không phải là vật trang trí cho tín đồ, mà tín đồ cũng không phải là nhân tố biểu
trưng tầm vóc cho một tôn giáo để xác định ưu thế tôn giáo trong xã hội. Ý thức
kiếp nhân sinh là Vô Thường, Giả Tạo, Khổ Đau, nên người đến với Phật giáo là
người tự tìm cho mình con đường thoát khổ, tự mình thoát khổ ngay kiếp sống
hiện tại mà không cậy vào ngoại lực Thần Linh để trốn trách nhiệm nhân quả tích
tụ trong nhiều đời do mình đã tạo.
Tứ Thánh Đế là
giáo lý căn bản của Phật giáo giúp cho hành giả tìm được mấu chốt của vấn đề,
sau khi nắm được mấu chốt, các pháp hành như Bát Chánh Đạo, Lục Độ, Tứ Nhiếp
Pháp..., là những nấc thang tự chỉnh đốn thân khẩu ý thường nhật. Tuy nhiên, đó
là những nấc thang tiệm tiến nếu tự thân không đi sâu vào pháp hành tâm linh
thì sự hoán chuyển xấu thành tốt, bất thiện thành thuần thiện chỉ là lộ đồ giáo
dục hành thiện.
Cố gắng bỏ xấu
chọn tốt là công đoạn gỡ rối cho một cuộn chỉ, cái rối của nghiệp lực bao phủ
kiếp nhân sinh mà ngồi gỡ từng manh mối thì e rằng trọn kiếp chưa đủ để giúp ta
giải thoát khổ đau mà chỉ có khả năng giúp ta thành con người hoàn thiện giữa
những cái bất thiện. Chính vì vậy, các tông phái Phật giáo đều có pháp hành
chuyên biệt. Phật giáo Nam Tông thông dụng pháp Vipassana, Phật giáo Kim Cang
thừa, tuy dùng nghi thức ngoại tướng để dẫn sâu vào tự tánh, Kim Cương thừa có
bốn thứ lớp Tantra: Kriya Tantra, Carya Tantra, Yoga Tantra và Annutarayoga
Tantra. Cũng không thiếu các chân sư lấy vô tướng, tịch tĩnh làm bạn song hành.
Ta nghe Lạt Ma Dilgo Khyentse Rinpoche nói:
AN TRÚ NƠI CÔ TỊCH
LÀ THỰC HÀNH CỦA MỘT BỒ TÁT
Khi từ bỏ những nơi chốn không thuận lợi, những cảm
xúc hỗn loạn dần dần phai nhạt;
Khi không có những phóng dật, các hoạt động tích cực
phát triển một cách tự nhiên;
Khi sự tỉnh giác trở nên trong trẻo hơn, niềm tin nơi
Giáo Pháp tăng trưởng –
An trú nơi cô tịch là thực hành của một Bồ Tát.
Khi bạn sống ở một nơi cô tịch, những cảm xúc tiêu cực
của bạn dần dần giảm bớt, sự tự chủ và tiết chế của bạn tăng trưởng.
Chính Gyalse
Thogme đã nói:
Ở một nơi cô tịch,
Không có kẻ thù để đánh bại,
Không có người thân để bảo
vệ,
Không có người trên để tôn
kính,
Không có thuộc hạ để chăm
nom.
Vì thế, ngoài việc điều phục
tâm mình,
Bạn sẽ phải làm điều gì khác
ở đó, hỡi những người trì tụng Mani?
Phật giáo Bắc
truyền còn nhiều pháp hành tùy mỗi thời đại, mỗi quốc độ căn cơ khác nhau mà
chư tổ chế tác ra pháp hành khác nhau, mỗi pháp hành là một phương tiện giúp
hành giả tiến sâu vào thế giới tâm linh, vì thế, pháp hành không phải là cứu
cánh tuyệt đối. Chính vì thế một pháp hành không thể thích ứng cho mọi đối
tượng, mỗi đối tượng tự mình tìm hiểu một pháp môn thích hợp với căn cơ của
mình mới đưa đến kết quả nhất định.
Bước đầu chọn
pháp, biết thế nào là một pháp thích hợp căn tánh của đương cơ? Cũng như dùng
thuốc, nếu thuốc Tây, trong ba ngày biết được hiệu quả của thuốc, thuốc Bắc từ
một tuần trở lên; pháp hành từ ba tháng mà cảm thấy có an lạc, có tiến bộ qua
nhân cách và trí tuệ thì đó là pháp tương thích với đương cơ. Một pháp kiên trì suốt thời gian dài mà không thấy
thay đổi thân tâm thì nên chuyển hướng. Đừng nên bắt chước số đông đang hành
một pháp mà hãy chọn một pháp để tâm hành được tiến bộ. Vô lượng pháp môn tu
tương thích với vô lượng căn cơ của hành giả.
Điều quan trọng là
tín giả phải có lòng khát khao cầu pháp và chí hướng giải thoát. Không chỉ có
một pháp môn thích hợp mà còn cần có một chân sư hoàn hảo, chỉ có chân sư hoàn
hảo mới nắm bắt được nghiệp căn của đệ tử mà truyền năng lượng tuệ giác trong
quá trình đệ tử hành trì. Năng lượng tâm linh của một vị minh sư giúp đỡ đệ tử
rất nhiều; thứ nhất là năng lượng dương sẽ bạt nghiệp âm của đệ tử để tín giả
đủ công năng hành trì đến khi đắc pháp, bấy giờ đệ tử mới đủ năng lực tự chuyển
hóa nghiệp lực. Dĩ nhiên tính miên mật cho việc hành trì là điều tối cần. Bạn
sẽ hỏi: làm sao tìm được một minh sư hoàn hảo, hay biết ai là minh sư hoàn hảo
và xác định thế nào về sự hoàn hảo của một chân sư?
Thực ra tín giả
khó mà tìm một chân sư hoàn hảo, chỉ có chân sư hoàn hảo tìm đến khi tâm thành
của tín giả đạt đến một mức độ cảm ứng vô hình. Như vậy điều kiện tiên quyết
cần phải có cho một tín giả đặt chân lên ngưỡng cửa tâm linh:
1/ Hiểu đúng giá
trị con đường tâm linh chứ không phải hình thức tôn giáo
2/ Lòng khát khao
chân thành tìm đường giải thoát
3/ Chọn một pháp
hành tương thích với căn cơ
4/ Tâm luôn trong
tình trạng xả ly và nuôi dưỡng tâm từ cao độ.
5/ Thể hiện tự
tánh Tam Bảo của tự thân.
6/ Hiểu và nắm
vững giáo lý Phật giáo để tránh sự lầm lạc trong quá trình hành trì.
Như gạo đun đủ
lửa, nước, thì tự khắc cơm sẽ chín, nghĩa là tự thân chuẩn bị đủ những tiêu chuẩn
tâm linh thì minh sư hoàn hảo là một năng lượng tuệ giác sẽ đến với tín giả một
cách tình cờ thông qua một hình thức nào đó.
Đó là bước sơ khởi
đi vào lãnh vực tu tập tâm linh. Trên con đường thẩm thấu tâm linh, hành giả
còn phải kinh qua lắm chướng duyên, bế tắt do nghiệp thức lạc dẫn, nhưng bên
cạnh hành giả, luôn có lực lượng minh sư bảo hộ như sự bảo hộ của chư Thần Kim
Cang dành cho các hành giả Kim Cang Thừa.
MINH MẪN
27/01/2014
Bài viết của cư sĩ hay quá! Xin phép được hỏi 1 câu trong bài "Năng lượng tâm linh của một vị minh sư giúp đỡ đệ tử rất nhiều", xin giải thích thêm về NĂNG LƯỢNG TÂM LINH. Rất cảm ơn! Và kính chúc gia đình cư sĩ một năm mới được thân tâm thường lạc.
Trả lờiXóaNĂNG LƯỢNG CÓ HAI LỌAI, MỘT LÀ NĂNG LƯỢNG VẬT CHẤT NUÔI CƠ THỂ, THỨ HAI LÀ NĂNG LƯỢNG TÂM LINH NUÔI DƯỠNG TUỆ GIÁC. NĂNG LƯỢNG TÂM LINH CỦA MỘT CHÂN SƯ LÀ SỨC MẠNH TÂM LINH HỖ TRỢ ĐỆ TỬ TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP
XóaCư sĩ viết rằng:"Thực ra tín giả khó mà tìm một chân sư hoàn hảo, chỉ có chân sư hoàn hảo tìm đến khi tâm thành của tín giả đạt đến một mức độ cảm ứng vô hình."
Trả lờiXóaThời này còn có vị thầy nào đi tìm đệ tử nữa cư sĩ? Điều này đã từng có rồi chứ?
DẠ THƯA, THỜI NÀO CŨNG CÓ CHÂN SƯ, NẾU THỜI HƯNG PHÁP, CHÂN SƯ XUẤT HIỆN CÔNG KHAI, THỜI MẠT PHÁP, CHÂN SƯ ẨN MẬT NHƯNG LUÔN TỎA NĂNG LƯỢNG TUỆ GIÁC ĐỂ CHIÊU CẢM NHỮNG TÂM NGUYỆN KHÁT KHAO CỦA TÍN GIẢ, ĐƯA TÍN GIẢ ĐẾN VỚI CON ĐƯỜNG TUỆ GIÁC
XóaTheo lời giải thích của cư sĩ về tâm linh quả là tuyệt! Nay được thêm hiểu biết.
Trả lờiXóa