Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

NHỮNG SỢI TÓC

 

Thời gian gần đây, chùa Ba Vàng được cộng đồng mạng chiếu cố khá  chặt chẽ, từ vụ giải vong nhiều tai tiếng cho đến cung thỉnh xá lợi tóc của đức Phật từ Myanmar về.

Phật giáo Bắc tông, khi du nhập vào Trung Hoa, suốt thời gian xã hội hóa, ít nhiều hòa chung văn hóa bản địa, trong đó có tín ngưỡng và tập quán đương thời.

Du nhập vào Việt Nam, có Phật giáo tín ngưỡng dân gian và Phật giáo xuất thế gian, có nghĩa Phật giáo thuần túy không bị pha tạp, chuyên tu giải thoát bằng Thiền định, nặng về hành trì hơn mang tính Tôn giáo.

Giải vong không có trong Phật giáo nguyên thủy, nhưng để cho quần chúng quen với tập tục cổ xưa gần với Phật giáo, Phật giáo Bắc tông phương tiện áp dụng ma chay cúng kiến của Thần giáo, cúng Thai nhi và nhiều hình thức khác, trong đó có cúng “giải oan”. Tuy kinh điển nguyên thủy không đề cập đến oan gia trái chủ, nhưng luật nhân quả trong cuộc sống không tránh khỏi ân oán với nhau, mang theo nghiệp thức giữa thế giới vô hình với thế giới hữu hình.

Dưới nhãn quan thế gian pháp vẫn chịu tác động của luật nhân quả, nhưng xuất thế gian pháp, chư Phật Bồ Tát, La Hán xem chúng là mộng, không thực. Chừng nào chứng đắc toàn giác, nghiệp thức không còn, gọi là Bạch tịnh thức thì nhân quả là giấc mộng. Vì thế, việc giải oan trở thành nghi thức trong Phật giáo Bắc tông (cầu siêu là một hình thức đơn giản), nhưng việc giải oan bạt độ chỉ xuất hiện trong các đàn chẩn tế, thông thường các chùa ít thực hiện ngoài việc cầu siêu.Những năm trước, khi Làng Mai về Việt Nam, Thiền sư T.Nhất Hạnh đã tổ chức cầu siêu bạt độ cho ba miền; giải oan là một phần ý nghĩa trong cầu siêu bạt độ.

Sợi tóc Xá lợi, có nguồn gốc từ thời Phật còn tại thế. Khi chùa Ba Vàng cung thỉnh Xá lợi tóc từ Myanmar về, rộ lên nhiều phản bác mang tính tiêu cực.

“Theo lịch sử ngôi chùa, công trình kiến trúc tôn giáo này ban đầu được người dân tộc Mon xây dựng cách đây 2.500 năm. Truyền thuyết kể rằng, hai anh em Tapussa và Bhalika đã gặp Đức Phật Thích ca Mâu ni vừa mới giác ngộ và đã cúng dường Ngài.

Đáp lại, Đức Phật đã tặng cho hai anh em 8 sợi tóc của Ngài để họ dâng lên Vua Yangon Okkalapa. Nhà vua ra lệnh xây chùa để cất giữ một số sợi tóc trong khi những sợi tóc khác được cất giữ tại chùa Shwedagon. Do có nhiều thánh tích của Đức Phật nên cả hai ngôi chùa đều trở thành trung tâm hành hương của các Phật tử.” Theo nguồn   Description: VOV.VN trên Google News

Thế thì nguồn gốc sợi tóc của Phật là có thật.Nhiều dư luận không nắm rõ nguồn gốc nên suy luận không đúng: - Phật hỏa thiêu làm gì còn tóc,Phật cạo đầu ai ở đó nhặt tóc để dành…Khi Phật ra khỏi hoàng thành vượt qua dòng sông Anoma, dùng kiếm cắt tóc, đưa áo và kiếm cho Sa Nặc đem về hoàng cung, như vậy Phật chỉ cắt tóc chứ không cạo tóc.Do công năng nội lực của Phật, tóc xoắn ốc trên đỉnh nhục kế ( một trong 32 tướng tốt) là hình tượng tôn thờ ngày nay cả Bắc và Nam tông Phật giáo.

Miền Tây Nam bộ, thỉnh thoảng xuất hiện vài ông Đạo đầu tóc đanh cứng vấn cao như tổ tò vò không có gì lạ

Có một truyền thuyết  mang tính xuyên tạc là khi Phật thiền định giữa trời nắng, ốc bưu bò lên che đầu đức Phật, sau khi ốc chết rơi xuống đếm được 108 con, từ đó xâu chuổi có 108 hạt ( chuyện xâu chuổi sẽ nói vào dịp khác). Trong giáo sử, Phật ở dưới gốc cây hoặc trong hương thất, làm gì ở ngoài nắng mà có ốc bưu che đầu. Ngay khi chưa chứng quả, ngài ngồi vẫn có rắn bảy đầu che nắng che mưa gần sông Ni Liên Thuyền, thì quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác cần gì đến ốc bưu! Nguồn tâm tiêu cực thời nào cũng có do đố kỵ mà ra.

Trở lại vấn đề Xá lợi tóc, ai bảo đó là loại cỏ pilli, chả lẽ trên 2500 năm được xem là quốc bảo, Myanmar lừa dối các nhà khoa học được sao? Do trình độ hiểu biết hạn chế về khoa học và Phật giáo, nên suy luận, lạc dẫn quần chúng theo hướng tiêu cực. chẳng những thế chính quyền Quảng Ninh do cộng đồng mạng tác động muốn vào cuộc, để làm gì trước những tâm linh huyền bí? Trước đây chính quyền cũng vào cuộc khi những tai tiếng rộ nở tại Ba Vàng, rồi chẳng khai thác được gì, đâu lại vào đấy.Cũng đừng có những ngôn từ xúc phạm đức Phật như một vài comment trên cộng đồng mạng, các Thánh nhân không xúc phạm đến chúng ta.

Không phải dư luận báo chí tất cả đều đúng. Quần chúng luôn tin cộng đồng mạng,căn cứ một chiều sẽ bị lạc dẫn đưa đến hiểu sai, sanh tâm phẩn nộ, bài xích đúng với mưu đồ của những ai ganh ăn ghét ở. Kinh nghiệm cho ta thấy những gì mắt thấy tai nghe chưa chắc là đúng.

Mùa nông nghiệp thất thu xưa kia tại Trung Hoa, thầy trò đức Khổng Tử được dân cho ít gạo, đệ tử nấu cơm, Khổng Tử nằm trên võng từ xa nhìn thấy đệ tử mở nắp vung bốc cơm cho vào miệng, ngài than – đói quá mới thấy được tấm lòng của đệ tử như thế nào; lúc cơm lên mâm, người đệ tử không ăn, nhường cho thầy và các huynh đệ, nói: lúc nảy cơm sôi bị màng nhện rơi vào, con hớt phần trên, không dám bỏ sợ tội, nên con phải ăn.Khổng Tử tự trách – sao mình vội phán xét, thấy vậy mà không phải vậy!

Trong cuộc sống giác quan hay bị đánh lừa bởi vọng tưởng, nhìn bề ngoài vội đánh giá chưa chắc đã đúng nếu không tìm hiểu thực chất của vấn đề. Hiện tượng và bản chất là hai mặt của một sự kiện, nhìn hiện tượng để phán đoán, đánh giá khó mà chính xác. Tâm hồ nghi, tâm đố kỵ thường ít xít cho nhiều làm quan trọng hóa vấn đề đưa quần chúng vào đường  lầm tưởng.

Khởi đầu chùa Ba Vàng được quan tâm do nội bộ Phật giáo hiềm khích lẫn nhau, lấy việc giải oan chiêu mộ bá tánh quá đông, cách nhận tiền công khai giữa rừng tín đồ là hình ảnh thiếu tế nhị để có cớ đối thủ bài xích.Tiền bá tánh cúng là do hỷ tâm, quan trọng là đồng tiền được sử dụng như thế nào.Từ những đố kỵ vụn vặt đưa đến tàn hại lẫn nhau. Youtuber thường câu view, hoặc do ai đó khích động biến thành một cao trào mỗi khi Ba Vàng diễn ra sự kiện.

Chùa Ba Vàng luôn tạo ra những sự kiện bị tai tiếng, có lẽ thầy Thích Trúc Thái Minh  nghĩ rằng việc làm công khai trong sáng tại sao phải che dấu, đó là sơ suất cho những tầm nhìn soi móc. Thiết nghĩ, những sinh hoạt thuộc phạm vi Tôn giáo, muốn phán xét cần phải hiểu rõ giáo lý, giáo điều của Tôn giáo mới đánh giá, nhìn sự việc mới chính xác.

Cuộc sống cần bao dung, giúp nhau xây đựng tốt hơn, đó là tình người, là nhân cách sống, vì không ai là hoàn hảo. Thánh kinh Thiên Chúa từng dạy – “các ngươi đừng đoán xét ai,để mình khỏi bị đoán xét”( Ma thi ơ 7:1). Lục tổ Huệ Năng đã nói : “hãy nhìn lỗi mình, đừng thấy lỗi người”.

MINH MẪN

30/12/2023

 

 

 

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

NĂNG LỰỢNG VÀ NĂNG LỰC

 

Đạo gia bảo con người là tiểu vũ trụ, đúng vậy!

Những gì trong vũ trụ có, con người đều có. Phần vật chất thô được cấu thành từ ngũ hành (kim mộc thủy hỏa thổ) cho đến những năng lượng hạt,sóng và tia vẫn ẩn tàng trong cơ thể vật chất nếu được tâm linh khai phát.

Các pháp hành tuy khác nhau, nhưng triệu chứng nội tại vận hành luân lưu sinh lý, hỗ trợ tiến trình tâm linh không khác. Có pháp hành trì đưa đến hiển lộ mà hành giả có cảm ứng, có pháp hành tĩnh mặc ẩn tàng đưa đến chứng đắc.

Hai nền văn minh tâm linh uyên áo, sâu xa khởi nguồn từ Ấn độ và Trung Hoa giúp hành giả tiến đến giải thoát đa dạng; tuy mức độ giải thoát cao thấp khác nhau, thoát khỏi cõi ngũ trược ác thế, có thể là cảnh giới Thần Tiên,tản Thần, tản Tiên, chư Thiên, Bồ Tát, La Hán, Phật…

Quá trình hành thiền, do định lực sâu, nhiệt lượng phát ra, thay đổi hồng cầu; trong nhiệt lựợng, dưới lăng kính phân loại của khoa học vật lý, tổng họp các tia, được máy quang phổ phân tích chùm sáng thành những đơn sắc khác nhau. Những đơn sắc tổng hợp thành tia sáng quang hợp, kích hoạt năng lượng nội thể, nuôi dưỡng hồng cầu,mỗi đơn sắc có tác dụng đối với một cơ phận nội thể, tạo khí lực và khí sắc cho một hành giả khỏe mạnh, hồng hào dẫn Nhiệt lượng nội thể nâng lên tầm “lửa tam muội”  cao hơn áp suất vật lý,  đưa đến phát quang tuệ giác và phóng quang.

Khi một vùng nào đó áp suất không khí giữa sức nóng mặt trời và hơi nước chuẩn bị làm mưa, chân trời thường xuất hiện ráng nhiều màu do những đơn sắc tạo thành; thế thì nhiệt lượng nội thể được kích hoạt lúc thiền định, các đơn sắc cũng hỗ trợ cho các nội tạng tương thích để tịnh hóa và nâng tầm thanh khiết, đánh thông các đại huyệt.

Trong một vài pháp hành của Yoga và Đạo gia, năng lượng dẫn chuyển qua mạch nhâm đến mạch đốc và ngược lại làm tựu thành thánh thai (anh nhi) dưới đơn điền, rồi như một Kundalini tiến dần lên các đốt xương sống, đốt thông các trược khí nơi đại huyệt, bùng vỡ tiếng nổ như sấm sét mà chỉ có hành giả Yogi mới cảm nhận được, quá trình hình thành “Tam hoa tụ đỉnh” rất lâu, phải đốt sạch các trược khí trên các đại huyệt mới chứng đắc toàn triệt. Khai thông huyệt nào thì trí tuệ thông phần đó.Lúc này hành giả thay đổi tâm tánh, trí tuệ và nhân cách thấy rõ.

Trên lý thuyết là thế, nhưng không đơn giản, đòi hỏi hành giả kiên trì và thời gian miên mật. Ấn độ có nhiều trường phái đi đến pháp hành cũng khác nhau; ngay cả Yoga xuất phát từ Ấn giáo, khởi nguyên có 10 loại cơ bản, nhưng về sau, hậu bối sáng tạo thêm vô số chi nhánh, nhưng tựu chung vẫn là:

KARMA YOGA  là hướng dẫn hành thiện, hội nhập cuộc sống

BHAKTI YOGA là con đường nghi tắc đức tin Tôn giáo

JNANA YOGA   là con đường hành trì, quán niệm, thiền định hướng đến trí tuệ thăng hoa tâm linh. Từ con đường này lại phát sanh nhiều pháp hành khác nhau, thoát ly khỏi Yoga, mang một tên mới cho một trường phái mới,rồi đến đạo Sihk vào thế kỷ  15, sản sanh dòng Sant Mat; Vừa ảnh hưởng Thần giáo Kito,Hindu, vừa giao kết với các Thánh Hồi Giáo, chủ trương chiêm niệm Thiền định.

Còn lưu một số ít trường phái tư tưởng Yoga. Những hành giả Yogi có khuynh hướng giải thoát, thực hiện một số động tác thân kết hợp tâm, làm chủ thân tâm một cách đặc dị phát triển thần thông.

RẬ YOGA  là chuyên ngành về khoa học vật lý, khoa học tâm linh.

Yoga là kết quả từ Bà La Môn giáo, Bà La Môn xuất hiện trước Phật giáo. Bà La Môn là một hệ thống mang tính giai cấp tạo trật tự trong xã hội; chia làm năm giai cấp:

Giáo sĩ,triết gia,học giả, là giai cấp cao nhất được trọng vọng nhất

Sát đế Lợi là hàng vua chúa, quý tộc, võ tướng, quan lại nắm quyền thống trị

Vệ xá là hạng bình dân, thương gia, nông dân có trách nhiệm tạo kinh tế

Thủ Đà La là hàng tiện dân

Chiên đà La là giai cấp ngoài lề xã hội làm những nghề ti tiện như giết mổ, dọn vệ sinh….

Sinh ra từ giai cấp nào suốt đời thủ phận giai cấp đó, không được va chạm, lẫn lộn các giai cấp với nhau trong cuộc sống.

Tuy tồn tại nhiều thế kỷ, khi đạo Phật ra đời, đức Phật có quan niệm làm đảo lộn trật tự giai cấp bấy giờ. Đức Phật nói không phải cứ sinh ra từ giai cấp Bà La Môn sẽ trở thành Bà La Môn. Giai cấp tùy thuộc nhân phẩm, ý tưởng và hành động.Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Do vậy trong Tăng đoàn của Phật có cả mọi giai cấp và bình đẳng mọi giai cấp.Từ hoàng tộc đến tiện dân đều có thể gia nhập vào giáo đoàn của Phật. Giáo đoàn chú trọng vào sự thành tựu hành trì.Chính vì thế mà sau khi Phật nhập diệt Bà La Môn mới được hồi phục trở lại.

Từ sự khắc khe giữa những giai cấp trong xã hội, bắt đầu có sự cải biến tư tưởng từ giới học giả, hành giả, đạo đức Tôn giáo,  Yoga ra đời, buổi sơ khai chỉ là bộ môn thể dục, thể trí, về sau sản sanh ra những nhánh thuộc về Tôn giáo, học thuật, khoa học, nghệ thuật, thiền định…

Trong giới Yogi có vị đạt đến nội lực không tưởng, thần thông tự tại, làm chủ sanh tử.Chôn sống nhiều ngày vẫn không chết. ngồi trong nước ngập sâu nhiều giờ vẫn không cần thở, có thể bay bổng, ngồi trong tuyết không cần y áo; y phục nhúng nước ướt sủng đắp lên người liền bốc hơi, tàng hình…

Tại Ấn độ có hai trường phái rõ nét, Thần giáo tôn thờ khuynh hướng tín ngưỡng, một trường phái có khuynh hướng tâm linh và phụng sự tha nhân. Về tâm linh không có nghi lễ, không cầu nguyện, chuyên tâm thay đổi tánh tình và nâng cao trí giác , đưa đến nội lực thần bí.

                                                             ***

Trong khi đó. Mặc dù địa lý hai chủng tộc cách nhau dãy núi Hy mã, đều có khuynh hướng Tôn giáo và tâm linh khác nhau.

Trung Hoa cổ đại không phân biệt giai cấp khắc nghiệt như Ấn giáo, nhưng vẫn có lối giáo dục để xã hội được tôn ti trật tự của Nho gia như “Tam cang ngũ thường, Tam tùng tứ đức” Đạo đức vua tôi, đạo đức phu thê, phụ tử, nhân cách quân tử…

Song song giáo dục xã hội, còn có trường phái chuyên về tâm linh của Lão Trang, xem nhẹ sinh hoạt ngoại tại, chú hướng tu luyện âm dương ngũ hành.Luyện đan, luyện tiểu châu  thiên tương  ứng với đại châu thiên của vũ trụ, vì con người là một phần của vũ trụ, do đó có câu: “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, sống không những thuận với đạo trời  mà còn hành trì tương thích sự vận hành vũ trụ.

Quan niệm con người là tiểu vụ trụ, là một phần của vũ trụ, tu luyện để hòa cùng vũ trụ, giống như Ấn độ bảo con người là tiểu ngã phải hòa cùng đại ngã Brahman.

                                                     ***

Trong một đất nước rộng lớn, sơn thủy kỳ tú,địa linh luôn sanh nhân kiệt, cả về văn minh thuần vật cho đến văn minh tâm thể.

Văn minh Ấn giáo sanh ra bao tín giáo đa thần. Trong tu luyện Yoga có những nhà Yogi cực kỳ khổ tu hành xác, đứng một chân, phơi sương, ngâm mình trong tuyết giá, treo thân lộn ngược…chỉ vì mục đích tiêu nghiệp quá khứ, ngăn nghiệp mới phát sanh.Do biên kiến quá đáng, thời kỳ đầu học đạo, đức Phật cũng làm hạnh đầu đà, tiết chế ăn uống đến suy cùng lực kiệt, từ đó Phật ý thức được rằng khổ hạnh ép xã không đưa đến giải thoát, mà là con đường suy vong ngắn nhất.

Cũng có một nhánh JNANA YOGA   khám phá tâm thức bằng con đường tu luyện khai mở luân xa (chakra), có thần thông, tuệ giác phát triển.Dẫn khí, đưa năng lượng châu biến nội thể.

Tại Trung Hoa, Lão Trang đã phát huy tư tưởng ảnh hưởng nhiều đến xã hội thời bấy giờ. Trường phái Lão Trang quan niệm vũ trụ vận hành một cách hài hòa, đơn giản nên gọi là Đạo. Khuynh hướng Đạo của Lão Trang sau này ảnh hưởng cà Khổng giáo về lối sống dẫn Đạo cho cá nhân, cho nguyên tắc quản trị, cho người cầm quyền.

Lão Trang có khuynh hướng thuận tự nhiên, sống vô vi: “vô vi nhi vô bất vi” tu luyện nội thân.Người thuận đất, đất thuận trời, Trời thuận đạo,Đạo thuận tự nhiên

Đạo gia là một triết thuyết dẫn đạo cho cuộc sống thanh thản, không tranh chấp, không nặng về hình thái. Gần với tư tưởng Phật giáo nên Đạo gia chủ trương “Vô”, Phật giáo thuyết về “Không”

Đạo sinh nhất, nhất sanh nhị, nhị sanh tam, tam sinh vạn vật. Có nghĩa “nhất bản tán vạn thù, tu dưỡng để vạn thù quy nhất bản” trở về với bản nhiên

Do quan niệm đó, Lão tử xa rời xã hội, tìm về bản nguyên bằng cách tu Tiên, luyện đạo.Một nhánh của Đạo gia luyện “Thủy hỏa ký tế”: đưa ánh sáng từ đỉnh Côn lôn chiếu rọi xuống khí hải, do ánh sáng từ khí hải phản quang lên lại Côn lôn lâu dần phát quang sanh tuệ giác. Thoát khỏi quy luật thường tình.Năng lực tu luyện biến năng lượng hòa hợp vũ trụ, không cần động thủ mà đạt thành mọi việc, gọi là “vô vi nhi vô bất vi”.

Từ ngàn xưa ngoài Tiên đạo, Thần đạo, còn một pháp hành đã thông huyệt đạo, tính mệnh song tu, tâm không vướng mắc, diệt trừ tập khí tham chấp… thuận theo vũ trụ,nương theo vận hành để thoát khỏi Tam giới, vận pháp vòng xoay theo định luật vũ trụ gọi “Pháp luân đại pháp”. Không dẫn khí, không vận trường năng lượng trong nội thể, không lệ thuộc phong thủy phương hướng thời gian.Ngoài không vướng, trong không chấp hợp với tinh thần Đại đạo và Phật đạo

Cũng từ một gốc âm dương ngũ hành đã sanh ra nhiều pháp hành, nguyên lý đó ảnh hưởng cả võ đạo, y học, nghệ thuật, Hiệp khí đạo … khí công võ đạo ra đời, lần lượt khí công nghệ thuật, khí công thư pháp, khí công trị liệu…

,

                                                        ***

Pháp hành trong nhà Phật, không dụng khí, không luyện công, chú trọng hoán chuyển các tập khí thông qua “thất tình lục dục” giữ tâm thanh lặng tự khắc nội thể được tịnh hóa, mạch lạc giai thông, định lực đầy đủ phát sanh trí giác, thiền gia gọi là chánh niệm, chánh định.

Hành giả luyện công, hành thiền đến mức độ thâm uyên, không những trẻ hóa cơ thể, tâm tính điềm đạm, trí tuệ phát huy, có một bản lãnh hơn bình thường. Tâm tịnh sanh hỷ lạc. Do định lực có thể làm an lành người kế cận; những thắc mắc ưu tư gần người có định lực tự nhiên được giải tỏa. Người có tiềm năng nào đó, gần bậc chân tu tự nhiên tiềm năng được phát tiết đột xuất hoặc được nâng cấp…Ngày xưa có một người luôn uẩn ức không rõ việc gì, tâm luôn nghĩ một vấn đề nào đó mà không nghĩ ra, muốn thực hiện việc gì đó cứ cảm nhận có một lực che chắn cản trở, muốn thực hiện một sở thích mà không rõ thích điều gì, tình cờ một hôm ngao du, lạc vào hang núi, xuất hiện một sơn Tăng đang tọa thiền, anh ta lẳng lặng ngồi gần, tâm trầm lắng, cảm nhận một nguồn an tĩnh vi diệu phủ khắp châu thân, bổng nhiên phát tiết vẽ trên vách đá một tuyệt tác mà bản thân không ngờ mình làm được. Tinh thần sản khoái,anh ta lưu lại một thời gian trong hang động, giữa hai người ít trao đổi nhau vấn đề gì, hàng ngày vẫn tĩnh lặng in bóng hai người trong không gian cô tịch, sau khi xuống núi, anh ta trở thành một họa sư nổi tiếng sống với tâm thái mãn nguyện.Từ đó mọi ưu tư trước kia không còn trĩu nặng hồn anh.Có nghĩa tiềm năng vốn có nhưng chưa được khai thông, gặp năng lượng và năng lực mạnh giúp phát tiết dễ dàng

Tóm lại, bất cứ pháp hành nào, chuyên tâm miên mật, định lực đầy đủ ắt sanh trí tuệ.Bởi tâm ở đâu thì ý ở đó,ý ở đâu thì khí ở đó, khí ở đâu thì huyết ở đó. Tâm sanh ý, ý sanh khí, khí sanh huyết, huyết nuôi dưỡng tế bào  sẽ chuyển hóa cơ thể.

Phân tâm hướng ngoại nhiều thì thần khí hao tổn, trí lực suy thì nội tạng bị ảnh hưởng.Tâm định thì trí sáng là lẽ tự nhiên. Chính vì thế , hành giả chuyên chính sức khỏe dồi dào, nội tạng tươi nhuận.

“Nội kinh” đã nhận định : kinh hỷ thương tâm;nộ thương can,tư thương tỳ, bi ưu thương phế,khủng thương thận.

Nghĩa là kinh hải và quá vui dễ tổn thương tạng Tâm,tức giận tổn thương tạng Can, tư lự suy nghĩ quá tổn thương tạng Tỳ,bi thương âu sầu quá ảnh hưởng tạng Phế,sợ hải tổn thương tạng Thận.

Hành giả các trường phái chuyên tu Thiền định không vướng bận vào nghi lễ Tôn giáo, không lo nghĩ, không nói nhiều dễ hao thần tổn khí

Người tu phải quân bình mọi cảm xúc, tâm thái bình lặng như sự bình lặng của vũ trụ đang vận hành, vì con người là tiểu vũ trụ, là tiểu ngã, là một phần tương ứng với định luật vô biên. Biết phục hồi năng lượng thì năng lực tự phát, không những nâng sức sống tự thân còn cảm ứng cho những người chung quanh.

MINH MẪN

13/12/2023

 

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

HIỂU VỀ XÁ LỢI

 

Từ lâu chúng ta nghe nói nhiều về  xá lợi, trong đó xá lợi Phật và chư thánh Tăng với lòng sùng tín. Tuy nhiên vấn đề hiểu không đúng khi thấy một số rất ít người thường khi hỏa thiêu cũng có xá lợi, từ đó sanh hòai nghi và mất niềm tin.

Trước nhất nói về xá lợi của Phật và chư thánh Tăng, ta thường nói là ngọc xá lợi.Xá lợi phiên âm từ Hán ngữ là xá lị, nguồn gốc từ chữ sarira, có nghĩa là những hạt cứng sau khi hỏa thiêu.

Đặc tính của ngọc xá lợi, sau khi trà tỳ, đức Phật có 84 ngàn viên ngọc xá lợi nhiều màu sắc rực rỡ, chia làm 8 nước để thờ, ngoài ra dòng tộc hoàng đế Tịnh Phạn cũng có một phần, lưu giữ đến các thế hệ nhiều đời hiện nay.

Theo truyền thuyết, sau  Phật nhập diệt một ngàn năm đầu thời kỳ chánh pháp tồn tại, ngọc xá lợi lưu truyền khắp thế gian xem như Phật hiện tiền, hỗ trợ  năng lực cho các thánh Tăng thuận lợi hành đạo. Qua một ngàn năm thứ hai là thời kỳ tượng pháp, phật giáo giảm suy về đạo lực, ngọc xá lợi vẫn tồn tại nhưng ít được lưu bố.Thời kỳ thứ ba, một ngàn năm sau trở đi, gọi là mạt pháp, phật giáo chỉ còn về hình thức, những chân Tăng rất ít và thường ẩn tu, quần chúng chỉ còn niềm tin Tam bảo vào hình thức biểu tượng , từ đây về sau, ngọc Phật sẽ ẩn tàng dần dần.

Một số ngọc xá lợi lưu xuất là một hiện tượng để làm điểm tựa niềm tin khi Phật và thánh Tăng không còn trụ thế. Ngọc lưu xuất hiện nay không phải là ngọc xá lợi nguyên thủy, nhưng vẫn mầu nhiệm khi đức tin chuyên nhất.Ngọc xá lợi lưu xuất nhiều nhất tại Myanma, Thái, Srilanka, Singapore, Trung Quốc..mới đây năm 2023 đại sư Tinh Vân ở Trung Hoa sau khi trà tỳ để lại vô số xá lọi đủ màu sáng đẹp.Người tôn thờ phải tinh tấn, hành trì miên mật, tâm thanh tịnh, từ bi, thân khẩu không ra ngoài đạo đức…

Xá lợi không chỉ là những hạt cứng nhiều màu sắc mà còn những phần khác của thân thể sau khi trà tỳ vẫn không cháy được.Ví dụ quả tim của bồ tát Quảng Đức, lưỡi của một vị chuyên trì tụng Pháp Hoa, sọ của cố HT thượng Trí hạ Quang, và còn nhiều vị không tiện nêu tên. Trên thế giới, nhất là các sư Nam tông, sư Tây Tạng…sau khi hỏa táng luôn lưu xá lợi.Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có nhiều vị lưu lại xá lợi, gần đây nhất là HT Tuệ Sỹ.

Vậy xá lợi đó nguyên do đâu mà có? Khoa học chưa giải thích được, một số cho là bị bệnh chích thuốc hoặc do ăn uống:“ Những nhà sư hay nhà tu hành trong sinh hoạt hàng ngày sử dụng đồ chay, chứa nhiều chất xơ và chất khoáng. Điều này đã khiến quá trình tiêu hóa dễ dàng hấp thụ các muối phốt phát và cacbonat tích lũy dần trong cơ thể tạo thành xá lợi. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn không hoàn toàn thuyết phục vì có rất nhiều người trong đời sống là người ăn thuần chay, nhưng cơ thể họ vẫn không thể tạo thành xá lợi sau khi hỏa táng. Một giả thuyết khác được một số nhà khoa học đưa ra thì việc xá lợi hình thành là dấu hiệu của bệnh lý, sỏi thận sỏi mật… Tuy nhiên, giả thiết này lại hoàn toàn không thuyết phục khi có rất nhiều người mắc bệnh nhưng không một ai có xá lị, ngược lại những vị cao tăng tu hành có xá lị thì lại không hề mắc phải những bệnh lý trên”.

Cảm nhận bằng trực giác khi chiêm bái xá lợi:Trong lần đầu tiên tham quan xá lợi Phật giáo ở chùa Gyuto tại Minneapolis, Hoa Kỳ. Tiến sĩ y khoa Hoa Kỳ – bà Nisha J. Manek cho biết cảm nhận của mình về năng lượng của những viên xá lợi có ở đây. Mặc dù bà không phải là một tín đồ của Phật giáo.

Khi vào ngôi chùa, tôi lập tức cảm thấy một trạng thái nhận thức mãnh liệt; hay sự Hiện diện. Như thể chính Đức Phật đang có mặt. Trạng thái đó là không thể diễn tả bằng ngôn ngữ; [nó] rộng lớn và sâu sắc; nó yên bình một cách kỳ lạ, giống như một tảng đá. 

Có một sự tĩnh lặng và một trạng thái bình hòa dường như vô hạn. Với tôi [khi đó], bản chất của thời gian không còn tồn tại. Tâm trí tôi trở nên yên tĩnh hơn… Tôi cảm thấy một nguồn năng lượng tinh tế rất rõ ràng tỏa ra từ di vật này hướng đến trung tâm trái tim tôi… Không có thứ gì tương tự như vậy trong các trải nghiệm thông thường”.

Ngọc xá lợi Phật có một năng lượng đặc biệt tạo nên sóng từ đối với ai có duyên khi chiêm bái. Ngọc Phật có thể biến dạng, thay đổi sắc màu,phát quang,tồn tại hoặc biến mất đối với tâm người đến xem.

Riêng những vị chân Tăng, và một số  ít những  người bình thường xá lợi không có những đặc tính như vậy.Một số tín đồ vẫn có xá lợi. Bác Sỹ Trần Đoàn ở chùa Hoa Nghiêm Vỉrgina Washington D.C viên tịch đã lưu lại xá lợi.

Như vậy lưu lại xá lợi không biểu trưng cho sự chứng đắc tâm linh, nhưng các bậc tâm linh thanh tịnh luôn có xá lợi.Dù một cư sỹ với đức tin dũng mãnh, có đời sống thanh tịnh từ thân đến tâm, tánh tình thuần hậu, nhất là tinh tủy không để thất thoát, với nguồn nhiệt hàng ngàn độ khi hỏa táng, tinh tủy kết tinh thành xá lợi.Có những vị chỉ chôn, nhập tháp vẫn lưu xá lợi toàn thân, đó là HT Minh Đức , Nghĩa Hành, Quảng Ngãi sau 26 năm an táng thân vẫn còn nguyên. Nhiều thế kỷ trước, chùa Đậu ngoài Bắc vẫn còn lưu lại nhục thân của 2 vị thiền sư. Lục tổ Huệ Năng trên sáu thế kỷcũng tồn tại nhục thân. Thế giới có nhiều vị thiền sư sau khi viên tịch thân thể không tan rã, hôi thối, để vào lồng kính cho tín đồ chiêm bái.Tất cả đều gọi là xá lợi toàn thân.Lưu lại xá lợi toàn thân do công năng tu tập, dùng lửa tam muội đốt khô nội tạng, xử lý mọi vi khuẩn. Lửa tam muội cũng làm khô thân xác để không con trùng nào xâm hại.

Tóm lại, xá lợi là phần còn lại sau khi viên tịch hoặc hỏa táng hoặc địa táng hoặc thiền táng. Công năng đặc dị khổ luyện tạo một từ trường cảm ứng khi người chiêm bái có nhân duyên chiêm bái.Có niềm tin thì có linh ứng, nếu không thì chỉ là vật chất bình thường. Khi hiểu như vậy thì không có gì phải mất niềm tin đối với những người cư sỹ hỏa táng vẫn có xá lợi.

MINH MẪN

02/3/2023

 

 

 

 

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

PHƯỚC HOA – PHƯỚC LẠC (chi phái Trúc Lâm Thường Chiếu)

 

Năm thứ 8 húy nhật của cố Hòa Thượng thượng Thông hạ Quả vừa được tổ chức tại tu viện Phước Hoa, Long Thành, Đồng Nai.Tăng ni trong và ngoài hệ phái về tham dự, kể cả tín đồ các tỉnh thành có mặt khá nhộn nhịp.

Những năm khoai mì, bo bo đánh lừa bao tử, thầy trò dắt díu nhau như chim làm tổ nơi vùng đất xa lạ.Giả từ miền Trung xa xôi nằm giữa hai đầu tổ quốc, chọn vùng đất nghèo màu mỡ, phía Nam, nơi mà trước 1975 còn hoang vu, chấp nhận đổ mồ hôi làm phân bón cho củ sắn củ khoai thế mà ấm cúng lạ.

Những thời khắc phơi lưng cho nắng, cắm mặt cho đất như nông dân chuyên nghiệp. quý thầy vẫn an nhiên trên từng luống khoai vuông sắn; chân trời ửng hồng tạo cây rừng thành khối đen, tiếng bảng báo hiệu cháo khoai bốc khói trên quả đường, chư Tăng lót dạ để ra đồng đón bình minh;cứ thế, thời gian chỉ có ngày và đêm, đến khi chim rừng đoàn tụ trên các tán cây kéo nhau về tổ, chư Tăng cũng gác cuốc, không quên quay lại nhìn công đoạn vừa xong trong ngày. Rửa tay, lau mặt nơi vại nước bên chái lá. Mồ hôi thấm áo tẩm tưới cho những nụ cười thêm tươi – Bạch thầy, ngày mai xuống giống được rồi, quý thầy đoán từng ánh mắt đón nhận ý của thầy Tổ, nụ cười từ bi trên dung nhan điềm đạm của thầy xua tan bao nhọc nhằn trong ngày.

Thời mà chế độ hộ khẩu khắc khe, chư Tăng –ni khó tập trung cộng trụ. Từ Thiền viện Chơn Không lưng chừng núi Lớn Vũng Tàu phải di dời về Long Thành lập Thường Chiếu mái tole vách nứa, uy đức của Hòa Thượng thượng Thanh hạ Từ đã nuôi dưỡng hàng trăm chư Tăng an trú trong thanh quy đạo lực; trên mãnh đất khô khốc phải nuôi sống một cộng đoàn thanh tịnh,”càn huệ địa” áp dụng rất đúng trong hoàng cảnh này, để rồi từ đó, sản sanh ra nhiều Tăng tài vững bước bốn phương.Có những vị tạo dựng cơ ngơi nơi đất khách, không thiếu những danh Tăng gieo hạt giống đạo đức trên xứ người.

Để phát triển hệ phái, HT .T.Thông Quả lúc bấy giờ ngoài 40, tuổi đủ chính chắn tạo lập cơ ngơi biệt lập, được HT tôn sư thuận ý, chọn vùng đất không xa Thường Chiếu, cưu mang Tăng trẻ tạo dựng già lam, đồ chúng Tăng - Ni đến ngày Ngài viên tịch cũng trên ngàn vị.

Theo phả hệ truyền thừa từ lúc thành lập tu viện Phước Hoa gồm có 5 giòng:

1/ dòng Chiếu bắt đầu từ 1986 đến năm 1994

2/ dòng Định từ năm 1994 đến năm 1997

3/dòng Huyền Quang từ năm 1997 đến năm 1999

4/ dòng Chí Giác từ năm 1999 đến năm 2004

5/ dòng Chí từ năm 2004 cho đến ngày Ngài Viên tịch là năm 2015…

Những thầy lớn, đủ lông đủ cánh, đủ năng lực,lần lượt xin thầy tìm đất lành tự lập.Ngày nay, không những khắp ba miền trong nước, hải ngoại cũng có dấu chân xuất thân từ tông phong Phước Hoa làm nên Đạo nghiệp.

Có những quý thầy xuất thân từ Phước Hoa, được truyền thừa giòng máu nghệ thuật, làm văn hóa, kiến trúc, xây dựng, hội họa, nhiếp ảnh, văn nghệ, thi ca… cứ như một dòng Thiền nghệ thuật lấy Phước Hoa làm tổ đình, để rồi, 4 phương trời quay về hội tụ mỗi khi húy nhựt thầy Tổ.

Tại Tổ đình, cũng lập thành nhóm “nhiếp ảnh Nhất chi Mai, nhóm Bông hồng cài áo” để hiệp cùng bản đồng ca với anh chị em văn nghệ sĩ mỗi khi tổ chức sự kiện.

Lúc còn sanh tiền, HT Thông Bửu chùa Quán Thế Âm đường Thích Quảng Đức Phú Nhuận cũng quy tụ một số văn nghệ sĩ nhưng thiếu dưỡng chất tổ chức.

Văn học nghệ thuật là một trong những chất xám tạo sinh lực cho một tổ chức, một Tôn giáo. Nó vừa là hơi thở vừa là sắc màu tươi nhuận thăng hoa cuộc sống. Xa xưa, chư Tổ cũng đã sử dụng nghệ thuật để quảng bá, để giáo dục qua nhiều hình thức. Ngay cả dùng nghệ thuật để đo lường sở đắc của đệ tử. Phải chăng, hình ảnh đức Đạt Ma tổ sư qua sông bằng cây lao và  quảy một chiếc giày là một nghệ thuật nói lên “vạn thù quy nhất” của Thiền tông?

Thiền và nghệ thuật luôn song hành qua nhiều hình thức khác nhau, hoặc đa dạng hoặc đơn điệu ẩn tàng. Dưới cặp mắt thiền, trong cuộc sống đâu cũng mang dáng  dấp nghệ thuật, vì đời sống không thể khô khốc như một cây thiếu nước.

Từ ruộng nương khô cằn nơi vùng hoang vu, khoai sắn đã nuôi dưỡng tổ đình cưu mang bao tuổi trẻ thành đạt, làm nên dòng máu nghệ thuật châu biến tứ phương xuất thân từ tu viện Phước Hoa - Phước Lạc ngày nay.

Mỗi ngày một đa dạng qua tổ chức, 10 năm trước Phước Hoa đã khác với hiện tại, thì 10 năm sau, húy nhật tổ khai sơn có một hứa hẹn phong phú hơn về nghệ thuật, đa dạng hơn về nội chất tâm linh để từ đó nở hoa qua mọi khía cạnh; ngày ấy, hàng ngàn pháp đồ qua 5 dòng pháp phái như chim quay về tổ, pháp quyến nhìn nhau như hạt mưa ngâu chưa đủ ướtt áo mà đã thấm lòng., có lẽ vậy mà  nên!

MINH MẪN                                                                                      

 8/11/2023

(KỶ NIỆM NĂM THỨ 8 HÚY NHẬT TỔ KHAI SƠN TU VIỆN PHƯỚC HOA-PHƯỚC LẠC)

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

HIỂU VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ.

 

Nói đến pháp môn Tịnh độ, ta hiểu ngay trì niệm danh hiệu Đức Phật A DI ĐÀ. Đây là pháp tối thắng mà thường bị lầm tưởng chỉ dành cho quần chúng căn cơ thấp.

 Tổ Huệ Viễn (334-416) đời nhà Tấn, khai sáng pháp môn Tịnh độ, lần lược truyền qua các cao Tăng duy trì và phát triển, không những tại Trung Quốc, mà lan sang Hàn quốc, Nhật Bản và Việt Nam.(Truyền thuyết đời Đường ngài Phong Can là hóa thân của Phật A Di Đà). Ở Nhật gọi là Liên Tông, riêng Việt Nam có Liên tông Tịnh độ Non bồng do H.T Thiện Phước khai sáng vào thập niên 1960 thế kỷ hai mươi tại Biên Hòa; Tịnh Độ cư sĩ Phật hội Việt Nam do đức Tông sư Minh Trí sáng lập năm 1934. Và sau này, từ gốc Tịnh độ đã sản sanh ra nhiều chi nhánh tùy căn cơ quần cúng mà hướng dẫn những khóa tu hoặc ngắn ngày hoặc dài ngày. Hằng năm ở Bình Dương vẫn có khóa tu bách nhật trì danh tại Nhất Nguyên Bửu tự, liên tục 100 ngày, người tham dự không phải đóng bất cứ chi phí nào.Hầu như phần lớn các chùa đều áp dụng pháp môn niệm Phật, cũng hướng dẫn cho tín đồ, vì xem đây là pháp tu thích hợp với trình độ quần chúng.Chùa Hoằng Pháp cũng thường tổ chức khóa tu một ngày như vậy.

Pháp môn Tịnh độ y cứ vào ba bộ kinh: “Vô lượng thọ,A Di Đà và Quán Vô lượng thọ kinh”; Tại Nhật được ngàì Pháp Nhiên triển khai rộng rãi, gọi là Liên tông.Một số Thiền sư Trung Hoa cuối đời cũng chấp nhận pháp môn Tịnh độ. Việt Nam có Sư Giác Khang từng tu Thiền mà vẫn đề cao Tịnh độ; cố Hòa thượng Thiền Tâm và một số hành giả vẫn xem Thiền-Tịnh song tu là đôi cánh trên con đường hành trì.

Hành giả trì danh hiệu Phật A Di Đà là do 48  lời nguyện của Ngài hỗ trợ cho chúng sanh tin tưởng nhưng không đủ khả năng tự mình giải thoát; nương vào tha lực giúp cho tự lực được công viên quả mãn. Tuy nhiên, không chỉ miệng niệm là được, hành giả phải hội đủ ba đức là Tín- hành- nguyện; Đức tin sâu dày, thực hành chuyên cần ( lợi hành cho tha nhân nữa) và tâm nguyện tha thiết.

Các phương cách khi thực hiện:

Giúp hành giả chế ngự tâm bằng cách lần tràng hạt và và đếm số lượng.

Thật tướng niệm Phật (niệm tự tánh Di Đà của mình)

Quán tưởng niệm phật là quán tưởng y báo chánh báo nơi cõi tịnh độ

Quán tượng niệm phật nhìn vào hảo tướng của Phật mà quán xét

Trì danh niệm Phật ( H.T Thiền Tâm trình bày 10 phương cách :phản văn trì danh,sổ châu trì danh,tùy tức,truy đảnh, giác chiếu,lễ bái,ký thập,liên hoa).

Ngoài những phương cách trên, Kinh Phật còn dạy “tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo”.

Như vậy không chỉ niệm danh mà tự thân cũng phải chuyển hóa mọi tập khí, mọi hạt giống tiêu cực, đâu ỷ lại tha lực của đức Phật là đủ.

Lâu nay trì danh phải đủ 6 chữ gọi là lục tự Di Đà. Khởi đầu là Nam Mô ( có nghĩa quay về, nương tựa, kính lễ…) NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT có nghĩa con xin kính lễ hay con xin quay về nương tựa đức Phật A Di Đà; sau này có một trường phái bỏ hai chữ Nam Mô, chỉ niệm A Di Đà Phật, vậy là dấy lên cao trào chống đối.

Người ta nghĩ là bỏ hai chữ “Nam Mô” mà chỉ kêu tên Di Đà là vô lễ.Cũng như gọi tên người lớn mà không có dạ thưa.Ở đây, vấn đề hiện rõ tâm đối ứng – người niệm là chủ thể, Đức Phật là đối tượng khách thể. Có chủ có khách là còn đối đãi, còn sự tướng. Xem đức Phật là điểm để nương tựa trong tha lực, rất cần cho căn cơ phổ thông.Đây là pháp hành thuộc thể tướng.

Bỏ hai chữ “Nam Mô” không phải bất kính mà tự quay về nội thể: “tự tánh Di Đà” trong mỗi người. Vô lượng thọ, vô lượng quang là thể tánh trong mỗi chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nghĩa là tánh giác trí tuệ; vì thế nhà Phật thường nói:”duy tuệ thị nghiệp”. Tự tánh Di Đà biểu thị ánh sáng tuệ giác, hành giả tâm niệm A Di Đà Phật là luôn thể nhập tuệ giác chính mình.Bấy giờ không còn chủ thể và khách thể. An trú trong ánh sáng tâm thức để nhập định,biến “A lại da thức” thành bạch tịnh thức, từ năng lượng sinh thức chuyển qua năng lượng siêu thức mà không phải thông qua bất cứ pháp hành phức tạp nào. Đây là nhập vào thể tánh.Phải chăng pháp môn niệm Phật vừa thích hợp cho mọi căn cơ, không thể xem là pháp tầm thường dành cho căn cơ thấp.

Tánh tướng viên dung

MINH MẪN

26/10/2023  (12/9/QUÝ MÃO)

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

THIỀN PHÁP QUÁN ÂM

 Quán Âm là một thiền pháp xuất xứ từ sơ tổ Nanak vào thế kỷ thứ 15. Đúng ra thế kỷ 15 chỉ mới bắt đầu khai sáng đạo Sikh. Gia đình Ngài theo Ấn giáo (Hinhdu). Qua giao dịch trong xã hội, Ngài tìm hiểu đạo Hồi, đạo Chúa và đạo Phật.

Nhận thấy sự phức tạp về giáo luật và nghi lễ của một số Tôn giáo đương thời, Ngài chỉ tôn thờ một Thượng đế duy nhất gọi là đơn Thần giáo; thiên về cầu nguyện và thực hiện tình thương, thiên hướng hòa bình và bình đẳng giới tính. Trong một buổi cầu nguyện, chiêm niệm và tĩnh tâm, Ngài được mặc khải như nhà Tiên tri. Những năm sau, càng đắm sâu vào thế giới tâm linh, Ngài ngộ chứng con đường đến với Thượng đế bằng cảm nghiệm Âm thanh và Ánh sáng.

Trãi qua 10 đời kế thừa giòng Sikh, bốn đời đầu là những guru đầy đủ phẩm chất và đạo đức, những vị sau là kế thừa bởi dòng tộc huyết thống. Từ đó, đạo Sikh chia làm 2 ngả rõ rệt, một thiên hướng như một Tôn giáo, một sang hẳn chiều sâu tâm linh về thiền quán. Thiền pháp Quán Âm âm thầm phát triển hạn chế, không chủ trương truyền bá, sẵn sàng hoan nghinh những ai đến với Sant Mat. Do tính thụ động tùy duyên mà khó phát triển và phát triển hạn chế so với Tôn giáo, mãi  đạo sư thứ 11 trở đi ,đến các Guru như : Gobind Singh,Kirpal Singh, Thakar singh, Baljit Singh dần dần Sant Mat được phục hồi.

Chủ trương của San Mat giống đạo Phật là trong con người đều có khả năng tính giác, hướng nội nhiều hơn. Giống đạo gia của Trung Hoa, con người là tiểu vũ trụ, có đủ đặc tính của thiên hà vũ trụ, biết vận dụng, khuếch trương năng lượng tự thân, sẽ hòa nhập làm một với vũ trụ.

Tuyệt đối trường trai, giữ 5 giới như đạo Phật, không sử dụng vật thể liên quan đến động vật. Tu hành nghiêm túc.

Thể nghiệm từ năng lượng bên trong: Ánh sáng và Âm thanh là dạng sóng năng lượng có nguồn gốc từ năng lượng vũ trụ, trong ánh sáng có tích điện sóng âm, trong sóng âm chiết xuất vẫn có nguồn sáng. Khi phát tán vào không gian, sóng quang đi nhanh hơn sóng âm. Chính nguồn năng lượng này là nền tảng cơ bản cấu thành vạn thể. “nhất bản tán vạn thù” từ đó xa nguồn nguyên thủy, càng đi xa càng ô trược, càng trụy lạc, càng nặng vật lý, tâm linh càng mờ nhạt, từ đó các trường phái tâm linh đều hướng về nguyên thể, thanh lọc mọi ô trược phàm tục từ thực phẩm nuôi sinh lý đến mọi tập khí trong tâm thức, bong bóng khí nhẹ tất sẽ bay lên.

Các trường phái  tu luyện Yoga, Đạo gia, Phật gia đều có điểm tương đồng tuy hành trì dị biệt. Sant Mat hướng nội là kết hợp hướng tâm đến Ánh sáng và Âm thanh. Loại trừ tạp âm và nhiễu quang bên ngoài. Người khiếm thị không sử dụng được nguồn sáng từ ngoài, nhưng họ vẫn có một nguồn sáng năng lượng tâm thức nên sinh hoạt thường nhật tuy chậm mà vẫn tốt. Bịt hai lỗ tai, không nghe tạp âm từ ngoài nhưng vẫn nghe ù ù, do đâu? Hai cái ly úp vào lỗ tai vẫn phát ra âm thanh lạ. Người câu thông âm lưu nội tại với sóng âm vũ trụ sẽ thường xuyên tiếp nhận vang rền bên tai thường nhật. Ngồi thiền nhắm mắt vẫn thấy luồng sáng từ giữa hai chân mày nhích lên hai phân chiếu ra…Người chết lâm sàng thường thấy đi trong ánh sáng…

Một loại sóng từ tích tụ tổng hợp các loại tia Alpha, beta, gamma, neutron…Thiền sư đạt đỉnh định lực tuyệt đối, qua máy đo, kim hoạt động chỉ số tối đa, chứng tỏ năng lượng tự thân đã khai thác đúng mức, báo thân đã đồng nhất thể với vũ trụ, Pháp thân  sẽ là dụng thể của báo thân, thay báo thân  điều hóa và hỗ trợ cho pháp tử.

Tùy mỗi pháp hành và tùy công hạnh của từng minh sư có những phương tiện giúp cho hành giả. Từ thời chánh pháp đến tượng pháp, hành giả nỗ lực hành trì 24/24 trong ngày. Xã hội chưa phát triển nhiều, chưa xuất hiện nhiều chướng duyên cản trở, sang thời mạt pháp, ma đạo quấy nhiễu lạc dẫn nhân sinh; xã hội càng phát triển càng phát sanh nhiều vấn đề làm con người dễ phân tâm cũng từ đó, các minh sư, Bồ Tát xuất hiện giúp cho những ai có duyên từng trồng thiện căn, nương pháp thoát khỏi cõi mê.

Mỗi pháp hành của các minh sư, tuy khác nhau về dụng công, đường đi có khác, như các đường lên đỉnh núi, không đến đỉnh như căn cơ cao thì có pháp hợp với căn cơ thấp, ít ra đứng ở chân núi còn hơn lọt xuống hố sâu. Làm sao biết pháp nào đúng pháp nào sai? Pháp nào hoạt dụng theo danh lợi thế gian đó chưa phải pháp giải thoát. Pháp nào tạo cho ta xem nhẹ của cải, tâm hồn thư thái, không bị ràng buộc bất cứ thứ gì, tùy duyên nhưng không tùy tiện trong đời sống. Pháp nào hành có kết quả thay đổi thân tâm, an nhiên, thánh thiện thiên về khuynh hướng đạo đức đó là pháp đã giải thoát ràng buộc hiện tại làm nền móng giải thoát cho tương lai.

Thiền pháp Quán Âm không phát xuất từ Phật giáo, nhưng lấy giới luật Phật giáo làm cơ bản. Ánh sáng là phẩm chất của”Tự tánh Di Đà”, Âm thanh là phẩm hạnh của “Quán Âm”. Dùng ánh sáng trí tuệ quán chiếu, dùng năng lượng âm lưu để lắng nghe.Quán chiếu ngoại cảnh, lắng nghe chúng sanh hay quán chiếu nội tâm, lắng nghe nội âm đều là công hạnh của một hành giả. Tương ưng với góc độ nào đó pháp thiền Phật giáo nhưng có đường đi cách biệt.

Guru Gobind Singh Ji, đạo sư thứ XI  của dòng Sant Mat,là người chứng đắc nội tâm pháp hành nên đã phục hồi Sant Mat cho đến nay.

MINH MÂN                                                                                       17/10/2023         

THIỀN VÀ TẬP KHÍ

 - [ ] Hành giả khổ tâm trong thời gian đầu khi ngồi thiền. Tập khí tuôn trào như dòng suối từ mạch nước ngầm.Càng cố ngăn nó càng phát tán;nhất là chọn nơi yên tĩnh.Tâm chọn một đề mục để quán tưởng, song song lúc quán thì mạch ngầm tập khí cùng liên tục khởi hiện. Không chỉ trong các chủng tử quá khứ xuất hiện mà đôi khi vọng tưởng có ý thức cũng xen vào, nghĩa là tâm đang bị duyên nào đó đưa ta suy nghĩ viễn vông mãi đến khi tỉnh giác mới quay lại đề mục đang quán.

- [ ] Hành giả chọn phương án bỏ mặc vọng khởi. Cứ chú tâm vào đề mục, một thời gian nó sẽ lặng mất nếu định lực mạnh.Định lực mạnh lâu dài sẽ đưa đến trạng thái tiên cảm và tuệ tri, nhưng tập khí cũng không thể triệt tiêu. Với các giác giả toàn triệt thì tập khí là vọng, không thật, nhưng hành giả vẫn còn phàm tính thì tập khí vẫn là có thật, vẫn còn chướng ngại cho việc giải thoát. Vậy giải quyết thế nào?

- [ ] Vọng tưởng có ý thức và tập khí do chủng tử tiềm ẩn trong tàng thức cứ đua nhau xuất hiện.

- [ ] Vọng tưởng có ý thức là do tập tánh tiêm nhiễm thường xuyên trong cuộc sống kết hợp với chủng tử quá khứ làm thành thói quen. Ví dụ người nặng tánh sân là bản chất có sẵn hạt giống trong tiềm thức, gặp chướng duyên là sân nổi lên. Các hạt giống khác cũng thế.mặt nổi có ý thức, mặt chìm thuộc vô thức; mặt chìm vô thức xuất hiện tự phát;hạt giống của ý thức do duyên nào đó bắt nhịp cho nó phát khởi. Ví dụ bị muỗi chích, liền nghĩ đến thuốc xịt, liên tưởng đến cách chống muỗi, rồi nghĩ đến vết chích… nghĩa là từ cái này liên tưởng tiếp cái khác không ngưng. Cứ thế mà tâm lăng xăn đủ thứ.

- [ ] Tâm lăng xăn có điều kiện thì sử dụng các điều kiện để chấm dứt. Theo cách “tri vọng chỉ vọng” thì hết vọng này đến vọng khác cứ theo đó để ngưng thì vọng kéo theo vọng.

- [ ] Nhổ cỏ chứ không thể phát cỏ mà hết cỏ. Phải nhổ tận gốc, trốc tận rễ thì hạt giống sẽ bị triệt tiêu.

- [ ] Các tập khí do huân tập mà có, không chỉ triệt tiêu mà không tạo duyên mới để phát sanh huân tập vào tàng thức.

Chỉ và quán luân phiên giúp hành giả khỏi đi vào lối mòn quen thuộc đến độ nhàm chán để vọng tưởng phát khởi.

Tỉnh giác trong lúc thiền là thiền có ý thức, tâm lơ mơ hôn trầm là thiền trong vô thức không mang lại kết quả như mong muốn. Có những thiền pháp cho hành giả ngủ thoải mái thì đó là tiếp nhận năng lượng chứ không phải thiền tỉnh giác.

Tóm lại hiện nay có rất nhiều loại thiền, thiền nào cũng đòi hỏi phải tỉnh giác mới kết quả. Thiếu tỉnh giác, cứ buông thả vọng thức chu du theo mộng mị vô thức sẽ sanh nhiều ảo giác cứ lầm tưởng thể nghiệm.

Đâu là thể nghiệm đâu là vọng tưởng sẽ phân tích ở phần khác

Minh mẫn

13/10/2023 ( trên đường lên Đaklak dự 25 năm kỷ niệm báo Vô Ưu)

 

CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA – CHẶNG ĐƯỜNG SẼ ĐẾN

 

Sáng nay vừa kết thúc chương trình kỷ niệm 25 năm ra đời của báo Vô Ưu tại Đaklak.

Hơn 100 vị cộng tác viên, đọc giả,khách mời trong và ngoài Tỉnh đã có mặt.

Sáng thứ bảy, ngày đầu tiên của chương trình, BTC đưa đoàn đến thăm vườn Thiền Ngọc Dũng của TT T. Giác Phổ và du lịch sông nước trên hồ Lăk. Thọ trai tại chỗ. Đầu giờ chiều cùng ngày, mở đầu bằng cuộc tọa đàm. Dĩ nhiên BBT và BTC muốn lắng nghe những ý kiến làm thế nào để phát triển báo và kinh phí được ổn định chứ không thể “ giựt gấu vá vai” như thời gian qua; phải nói TT Huyền Lan và Cty Hán Linh góp phần không nhỏ cho sự tồn tại suốt 25 năm qua.Thầy và cô Tâm Tuệ vừa hỗ trợ tiếp sức, vừa là nơi tiêu thụ số lớn mỗi lần báo ra lò.

Cái ưu điểm ai cũng biết nhưng cần bổ sung cái khuyết để đổi mới cho Vô Ưu chưa thấy bổ sung.

Buổi sáng ngày thứ hai trao bằng khen thưởng ghi công cho BBT, cộng tác viên, mạnh thường quân và những người có công cho sự tồn tại của Vô Ưu.

Kể từ khi TT Giác Phổ lãnh sứ mạng đứng mũi chịu sào cho tập thể Vô Ưu, BBT như được tiếp sức để Vô Ưu có thêm khí lực.Tuy sư vừa đảm nhiệm Phật sự cho Giáo hội, vừa trông nom cơ sở thừa kế của sư phụ, còn gánh vác báo Vô Ưu mà vẫn trông cứ như người thong dong đang “thỏng tay vào chợ”. Có trách nhiệm, có óc tổ chức, có trình độ chuyên môn, nhanh nhẹn nhưng tánh nóng.

Chỉ có vài báo của Phật giáo tồn tại lâu như Vô Ưu (đứng sau Giác Ngộ), chưa có BBT nào có số nhân sự tuổi đời trên dưới 80 mà vẫn nhiệt tình như Vô Ưu.

Một anh họ Tạ ( gia tộc đủ Tứ đại đồng đường giữa sự tôn ti đoàn kết ấm êm) tuổi trên 80 mà vẫn nhiệt tình lãnh đạo cũng là linh hồn của Vô Ưu qua một phần tư thế kỷ.Ai bảo trách nhiệm đó dễ như việc ăn cơm hẩm với muối ớt?

Dzạ Lữ Kiều, bê bánh mì bán cho học sinh, việc nhà như một ô sin chuyên nghiệp, lụ khụ thời gian đè nặng trên lưng còm , vẫn đảm trách chuyên mục thơ, sau cái vỏ củi mục dễ thương kia là một tâm hồn nhiễm nặng thơ Haiku từng được lãnh giải, cứ như chưa bao giờ biết yêu, nhưng đã yêu từng con chữ như lần đầu đã yêu ai đó…. và lão ria bạc, Sa Đà họ Lê kia, gần 20km từ DAKNONG về Buôn mê để soi từng con chữ của các cộng tác viên gửi về; thế mà đèo bòng làm lão nông cho một Tiên nữ “không tóc” ở lưng chừng non xanh. Lời thơ của lão chắc nịch như củ khoai trúng mùa trong lòng đất.lão nói chuyện như một thuyết khách nhưng chả có khách nào được lão thuyết.Thay vì làm “thị giả”, thì dùng thơ văn ca tụng “mẹ nó lên mây xanh.”

Một Phan Bá Sĩ luôn xuất hiện trên face book với phu nhân như đang trong “tuần trăng mật” trêu ghẹo anh em đang bù đầu tổ chức 25 năm, ngỡ chừng “đào ngũ “, đã xuất hiện đúng giờ khai mạc.

Tiến Thảo ư? Đồn rằng đã thất nghiệp làm thị giả cho nội tưởng nhưng còn đam mê với Vô Ưu.

Không riêng một chàng từng kinh qua thời gian làm thị giả cho nội tướng, hầu như các bạn già điều coi việc trong BBT thích thú hơn việc hầu hạ cơm nước cho lệnh bà.

Nói để cho các ông nở mày nở mặt, thật ra, một việc cũng vất vả không kém đó là đi “đòi nợ” của Trịnh Dung. Suốt 25 năm những cung đường mòn nhẵn bánh xe lăn qua với gói xôi củ sắn lót dạ đi đường,thế mà người phụ nữ cũng hầu hạ phu quân, trong nhà ngoài ngõ tươm tất không thua việc tươm tất cho công ăn việc làm! Đừng tưởng người ấy tươm tất lúc gặp con nợ khó đòi khi mua báo Vô Ưu. “Mua lạy bán dạ” phải chăng là sự kiên nhẫn lúc làm ăn không công như ai đó.

Cũng là phụ nữ phục vụ Vô Ưu, nhưng giọng hát líu lo như chim họa mi của nữ lưu xứ Huế Thu Cúc Ban mê cứ như kẻ vô sự, một “vô sự “ ẩn tàng khối sầu miên viễn lại là trang điểm cho Vô Ưu có trang nhạc sâu lắng.

Chưa đủ nếu chỉ nói có bấy nhiêu nhân vật và bấy nhiêu đặc tính của những nhân sự dường như không chuyên mà thật ra chuyên nghiệp đã trãi gần hết một cuộc đời .

Trở lại vấn đề kinh phí, phương cách tiêu thụ, phổ biến và cải cách sau 25 năm. Đó là chuyện đường dài khó trình bày qua vài giòng nơi đây. Dẫu sao, qua cuộc lễ đã nói lên niềm thao thức của những nhân sự trong BBT rất dễ thương, tuổi đời rất mệt mỏi nhưng nhiệt tâm không mỏi mệt.

Trang trí hội trường , sân khấu văn nghệ, trình bày tư liệu ảnh và sách báo, tiếp đón sắp xếp nơi ăn chốn ở… cho cả trăm khách Tăng, bấy nhiêu đủ thấy tuổi thọ của Vô Ưu về lâu về dài cũng sẽ tươi sáng đầy triển vọng.

Gặp nhau lúc bộn bề công việc nhưng không tiếc cho nhau cái huých cùi chỏ , cái khóe mắt biết cười và những câu trách móc nặng mùi tình cảm.

Bữa cơm thịnh soạn để mọi người chia tay, món quà tình nghĩa lưu dấu chặng vừa bước; để lại cho Ban tổ chức bao bề bộn bàn ghế chén dĩa rác rưỡi báo hiệu cho bao bộn bề con đường đang đi và sắp tới của những con người dám gánh vác linh hồn văn hóa Phật giáo ngày nay nơi miền cao

 

MINH MẪN

15/10/2023

Mồng 1/9/Quý Mão ( trên đường về lại TP . Vừa qua Gia Nghĩa)

 

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

ĐẮC PHÁP VÀ ĐẮC ĐẠO


Trong cuộc hành trình đi tìm pháp hành, cầu pháp do tâm nhiệt thành tầm cầu giải thoát,Thiền sinh không tránh khỏi nhiều chướng duyên, thậm chí bị lạc dẫn vào con đường tà giáo, bàng môn tả đạo, đến một lúc hiểu ra đó không phải là pháp cần tu, lại buông bỏ, tiếp cuộc hành trình đánh đổi thời gian khi tuổi đời chồng chất.(bài này chú trong đến các hành giả Bắc Tông, vì Nam Tông ngoài Vipassana, Tứ niệm xứ, sổ tức quán…không có nhiều lối thiền chỉ quán như Bắc truyền).

Do duyên phước sâu dày, hành giả gặp được minh sư, nếu thiếu  phước duyên, tà sư dễ tiếp cận.Ở đây ta chỉ đề cập đến việc tu tập đúng chánh pháp.

Thuở xưa, khi Phật giáo Ấn truyền về phương Bắc, trãi qua các quốc độ như Tây Tạng,Mông Cổ, Trung Quốc…nơi đó đã có những huyền pháp của các chủng tộc, nặng về chú thuật.Bất cứ bộ lạc, chủng tộc nào cũng có một phép  thuật để đương đầu với muôn thú, thiên tai và các bộ tộc xâm lăng. Trình độ chủng tộc càng sơ khai, pháp thuật càng bí hiểm.

Khi Phật giáo truyền đến các nước, để dung thông với văn hóa, tập quán bản địa, chư Tăng biết vận dụng tùy duyên hòa hợp văn hóa tập quán bản địa  để phát triển, mục đích dẫn quần chúng vào đạo, phải đem giáo lý nhân thừa cho hợp với căn cơ xã hội hầu Phật giáo hóa xã hội chứ không phải xã hội hóa Phật giáo.Từ đó, Phật giáo Bắc tông có pha nhiễm một số pháp thuật mà nguyên sơ không có trong Phật giáo.

Đó là phương diện nhập thế trong một bộ phận Phật giáo, ứng sanh có nghi lễ, ma chay, đám cúng, đàn chẩn và hình thức nghi lễ rườm rà của một Tôn giáo.

Song song đó, thuộc tầng lớp thượng căn, chư Tổ có cuộc sống biệt lập, tách hẳn những ràng buộc xã hội, chuyên tu nơi am thất, non cao núi thẳm để đạt mục đích giải thoát. Những hành giả truy cầu chân đạo, thường nương vào một bậc chứng đắc để cầu pháp.

Bắc tông sản sanh ra nhiều pháp hành tùy theo căn cơ của hành giả, vì thế, Thiền sinh khi cầu pháp một vị nào, dù là cao Tăng hay minh sư, hành trì lâu dài không thấy tiến bộ, phải xin thầy ra đi để cầu pháp một vị khác do không thích hợp với pháp đó.

Pháp hành ví như thuốc trị bệnh, thuốc Tây uống một tuần, thuốc Bắc uống một tháng mà không có triệu chứng thuyên giảm, phải đổi thuốc. Đừng thấy người khác theo số đông, hoặc vị thầy có danh tiếng mà cứ bám vào mất thời giờ uổng phí. Không phải thuốc dở nhưng do không hạp cơ địa, cũng vậy, pháp hành không tương ứng căn cơ với hành giả, nên phải tha phương cầu pháp.

Thế nào là đắc pháp? Đắc là được, được pháp không có nghĩa được thầy truyền cho pháp hành dù có hạp với căn cơ hay không! Trong thời gian hành trì một pháp, tâm tánh thay đổi, cơ địa nhẹ nhàng; càng ngày càng nếm được “pháp vị” làm cho hành giả đam mê, rơi vào trạng thái tỉnh giác,lặng lẽ, không mê mờ, không loạn tưởng. Ít ngủ, ít ăn, thậm chí không ăn không ngủ vẫn thư thái nhẹ nhàng.Bấy giờ nuôi sống cơ thể không tùy thuộc về “năng lượng sinh học”, tâm thức loại trừ mọi vọng tưởng, không còn tiêu hao năng lượng, thân an định không mất nhiệt lượng; các huyệt đạo (luân xa –chakra) trong thân không còn bị trược thức che ám, tiếp thu năng lượng vũ trụ nuôi cơ thể, tâm thức dần dần nhẹ thanh, tạo một “năng lượng sinh thức” hỗ trợ cho hành giả tiến tu Đạo nghiệp. Được như thế gọi là “Đắc pháp”.

Đắc pháp là nền tảng căn bản tiến đến giải thoát. Trong quá trình đạt đích, trãi qua nhiều cấp độ tâm thức. Từ khi bắt đầu hành trì đến giải thoát, còn vô số chướng ngại dễ lạc dẫn hành giả vào đường bế tắt, lệch hướng do nội ma ngoại chướng dẫn dụ.Có lúc như bị “treo máy”, không tiến không lùi, như chơi vơi không biết mình đang ở đâu, thậm chí không cảm nhận được thân thể, hoặc đứng trước ngả ba đường…

Đến một mức độ nhất định của định lực, tâm thức có triển hiện quyền năng, lúc này vi tế ngã trổi dậy, cảm nhận mình là chúa tể, là bá chủ vạn vật, triển hiện thần thông…thế là lạc sang tà đạo. Nhưng, hành giả có căn bản giáo lý nhà Phật, sẽ tránh được những tập khí như “tam độc”, “thập kiết sử”…Nằm lòng 37 phẩm trợ đạo và hiểu rõ hiện tướng của vọng tưởng, sẽ tránh những hầm hố để tiến thẳng đến giải thoát.

Gian nan nhất là từ tiềm thức khởi hiện các tập khí, hoặc tán tâm loạn tưởng xen lẫn trong lúc Thiền định. Chỉ và Quán cũng là cách giúp cho tâm không rơi vào thói quen nhàm chán

ĐẮC ĐẠO là gì? Khác nhau giữa Đắc pháp và Đắc Đạo chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc do tập khí nhiều đời được hóa giải hay không.Người Đắc pháp có thể phát sanh tuệ tri, có huệ nhãn, thậm chí có Thiên nhãn,có tha tâm thông, nhưng vi tế ngã vẫn còn, cho dù đạt đại định.Vi tế ngã phát triển khi định lực phát triển dễ biến thành Thiên ma ngoại đạo mà bản thân hành giả không biết; cái biết của hành giả như cặp mắt con ngựa bị che chắn chỉ thấy một hướng nhất định.

Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi chứng quả toàn giác, cũng từng bị ngũ ấm ma xuất hiện cám dỗ, đe dọa, nghĩa là tính chất thất tình lục dục sâu dày ẩn tàng trong tâm thức, trỗi dậy như các loại bệnh trong cơ địa xuất ra trước khi lành bệnh, cũng thế, từ sơ thiền đến tứ thiền, Đức Phật đã thẩm định nhiều lần tới lui cho nghiệp thức tẩy sạch như tẩy sạch một tấm vải chiếu sáng trước ánh quang minh. Đức Phật đã hoát nhiên đại ngộ trước ánh bình minh.

Những hành giả đạt được tuệ tri mà chưa dọn sạch tập khí chỉ là Đắc pháp, nghĩa là có định và có huệ ở tầng thấp như hàng dự lưu chưa sạch thập kiết sử, cần phải tiếp tục ngũ hạ phần kiết sử để tiến lên ngũ thượng phần kiết sử mới thoát khỏi Tam giới gọi là bậc Đại giác, tức Đắc đạo hoàn toàn.

 

MINH MẪN                                                                                       11/10/2023

 

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

HUYỀN THỌAI MỘT ĐỜI VUA


Ly cà phê còn vươn các sợi khói nóng, chiếc filter như cố cầm từng giọt nước đen quánh đừng vội rơi xuống chiếc tách men sứ màu cẩm thạch, để khách có thời gian ngồi ngắm giòng người xuôi ngược dưới phố. Nước Pháp cuối mùa Xuân cũng phủ lớp sương mờ.

Trên tầng ba của La Rotonde, Champ, Elysé Bl, thủ đô Paris, nơi dành cho giới thượng lưu, đa phần là doanh nhân, ngôi sao điện ảnh và chính khách có tầm cở, hoặc các công tước, thường quây quần vào hai buổi sáng, tối, không chỉ đến để điểm tâm, ngắm nhìn thành phố bình minh, còn cố khoe những bộ cánh đắt tiền, bộ nữ trang quý hiếm, hoặc những chiếc xe hơi lộng lẫy, thời trang. André Lam, một sinh viên vừa xong luận án ở Sorbonne, đã có ngay một chân trong một công ty tư nhân danh tiếng, chẳng những thề, anh còn được thỉnh giảng tại trường Đại học anh đã tốt nghiệp; Những đồng lương do cái số đỏ đó, André Lam có điều kiện hoà nhập vào đời sống vương giả tại kinh đô ánh sáng Âu châu, vào mỗi buổi sáng và tối như những nơi nầy.

*
* *

Người đàn ông mặc âu phục khá chỉnh chu, nhưng không dấu được nét khác thường, ra khỏi thang máy, bước vào phòng, dáo dác nhìn quanh, rồi tiến thẳng đến André Lam, phủ phục quỳ một chân, chống một tay , dập đầu xuống chân chàng, giây lát, ngẩng lên, chắp tay trước ngực: Muôn tâu Hoàng Thượng, thần dân của Hoàng Thượng từ lâu chờ đợi Hoàng Thượng, nay sứ thần vâng lệnh Vương Triều đến bái kiến, thỉnh cầu Hoàng Thượng hồi cung!

Khách trong phòng đổ mắt về người đàn ông lạ. André Lam sửng sốt, ngượng đỏ mặt. Bối rối, chưa biết xử trí thế nào trước tình hình đột ngột như thế. Chàng tự hỏi, phải chăng đây là thằng điên! Sau đệ nhị thế chiến, xã hội Pháp không thiếu những kẻ tâm thần. Thực khách gặp nhau hằng ngày, quen đến độ chỗ ngồi của từng người họ đều nhớ. André Lam là chàng trai khá trẻ trong số khách có mặt, họ biết chàng rất nghiêm túc, có trình độ và có địa vị, không thể là người thiếu bình thường;

Cúi xuống, Lam cầm tay người lạ ra dấu đứng lên: Anh là ai, từ đâu đến, nói gì tôi không hiểu? qua cách trang phục và âm điệu, tóc rẽ ngôi chải mượt, ánh mắt trong sáng và định tỉnh, chàng biết người nầy không thuộc loai bất bình thường.

- Bẩm Hoàng Thượng…
- Đừng, anh đừng gọi thế thiên hạ họ cười, anh nhầm người rồi, tôi không quen biêt anh và không là Hoàng Thượng của ai hết. André Lam vội ngăn người đàn ông sắp nói tiếp.

Chàng gọi một ly cà phê sữa mời người đàn ông. Xin lỗi, ông tên chi? Chàng hỏi
Bẩm, hạ thần là Siwichai
Lại cứ Hạ thần, Hoàng Thượng…chàng lẩm bẩm phiền trách! Hai người im lặng ngồi nhìn phố thị chi chit nhà lầu. Gần 9 giờ, khách giảm dần, Lam kéo Siwichai lại chiếc bàn gần cửa sổ, ngăn cách hành lang bởi tấm kính dầy. Chàng hỏi:
Tại sao anh lại xưng hô với tôi như thế?
Bẩm Hoàng Thượng, hạ Thần được lệnh của Sithouy phải tìm và gặp cho được Hoàng Thượng. Triều thần tìm Hoàng Thượng đã lâu lắm. Quan bốc phệ cho biết hiện giờ Hoàng Thượng đang ở Pháp, ngồi tại quán cà phê nầy, hạ Thần đi theo sự điều khiển của người bên kia đầu giây..

Nói xong, Siwichai móc điện thoại nói một tràng tiếng Thái với giọng phấn khởi. Bên kia đầu giây, giọng người phụ nữ oang oang, Siwichai mở loa cho Lam cùng nghe. Cố bấm vào da thịt để biết mình không phải trong cơn mơ, André Lam cầm cell phone do Siwichai trao: Hello, our Majesty….! Bên kia đầu giây, người đàn bà xổ một tràng tiếng Anh giọng Thái pha trộn tiếng Thái giọng sắc tộc.
Thưa bà, tôi không phải là người mà bà cần tìm, bà nhầm rồi. 
No, no, I can’t confuse. I am Sithouy! Bà ta vẫn cố xác định
Thôi được, tôi sẽ nói chuyện với người của bà, Siwichai. 
Ok! Bà ta hý hửng như vớ được của.

André mời Siwichai về nhà riêng. Căn nhà nhỏ, có vườn hoa leo phủ mát một góc sân; xe vào garage, con Berge chạy ra vẫy đuôi mừng rỡ. Siwichai ngồi vào chiếc ghế dưới dàn Thiên lý, quan sát mấy con chích choè vui đùa trên cây. André Lam mang ra 2 côc nước, để cạnh cuốn sổ tay và cây viết 
Anh có gia đình chưa? Hiện làm nghề gì? Những điều anh nói sáng nay, tôi chả hiểu gì hết.
Bẩm Hoàng Thượng, ngài quên rồi, cách đây hơn 6 thế kỷ, ngài là vua của một vương quốc chúng thần. Tên vương quốc chúng thần không còn nhớ, nhưng lãnh thổ hiện giờ nằm trong khu Tam giác vàng, một phần thuộc của Thái, một của Miến. Vương quốc của chúng ta một thời hoang phế do những cuộc chiến giữa các bộ tộc. Sau khi Thái và Miến thống nhất đất nước, thần dân của ta sáp nhập vào đất nước của họ; kinh thành của ta hiện giờ biến thành rừng hoang. Một số cận Thần tứ trụ do bà Sithouy truy tầm, hội tụ được 4 vị, chỉ còn thiếu Hoàng Thượng…

André Lam mơ hồ về cõi xa xăm, một khu rừng nguyên sinh xuất hiện trong đầu; thời gian xa hơn nữa, như cuộn film quay chậm, Hoàng cung, lâu đài hiện rõ; cung phi mỹ nữ vây quanh bệ ngọc. Ngoài cung thành, nhân dân bán buôn tấp nập; đường sá sạch sẽ; hoa cỏ xanh tươi; ngựa xe dập dìu. Chàng tự hỏi, có phải đây là cơn mơ? Không, chàng đang ngồi tại nhà mình, con chó giống Đức cũng nằm bên cạnh; ly cà phê vừa uống sáng nay cũng tại quán thường ngày. Xã hội Pháp vẫn diễn ra như mọi lúc. Trong tâm như có một biến cải khác thường. Ngồi cạnh Siwichai mà tưởng chừng đang ngồi đối diện một nhà thôi miên. Siwichai không dám ngồi trước mặt chàng, hắn kéo ghế qua một bên. Bổng hắn sụp lạy André Lam. Chàng đang toát ra một nét uy quyền khó tả. Cặp mắt sáng đầy nghị lực.Thân hình nho nhã của một thanh niên ngoài ba mươi bổng chốc như oai phong lẫm liệt, đường bệ. Bên tai chàng, loáng thoáng tiếng tung hô vạn tuế…

Thôi được, anh hãy về nói lại với thủ lãnh của anh, book vé the first class cho tôi, tôi sẽ đến theo yêu cầu. André Lam ra lịnh.

Siwichai liền bấm điện thoại báo cáo sự việc, đầu dây bên kia OK rối rít. Vừa tiễn khách ra, đóng cánh cổng, chàng chợt nhớ điều gì chưa ổn. Xoè bàn tay, chàng vỗ vào trán thầm nhủ: Ồ, biết đâu là một sự mờ ám của bọn xã hội đen! Tại sao nó không trả lời về thân thế, gia đình, sự nghiệp của hắn mà mình vừa hỏi! không thể tin được. Những linh ảnh mình vừa cảm nghiệm phải chăng là một ảo giác do tên phù thủy lúc nảy thực hiện?cuốn sổ tay và cây viết để đó mà không ghi được điều gì!

Chàng miên man nghĩ ngợi, chuông điện thoại reo, André Lam giựt mình, văn phòng kinh doanh cần gặp anh, sự việc đột ngột xẩy ra sáng nay làm chàng quên cả công sở; suốt ngày hôm đó và tiếp những ngày sau, trong đầu chàng cứ lảng vảng về một vùng đất xa lạ.
Hai tuần sau, hãng Thái Airlines mang đến cho chàng một first class ticket, kèm cả địa chỉ khách sạn tại trung tâm Bangkok.

*
* *

Chàng sắp xếp mọi việc, giao cho thư ký phòng kinh doanh, lấy xe ra sân bay. Bầu trời Paris sáng nay nắng đẹp và ấm. Chiếc Boeing nhấc thân mình khổng lồ, đưa hàng trăm hành khách lên khỏi mặt đất; tiếng gầm rú động cơ như muốn xé tan bầu khí quyển..Chàng ngã lưng ghế, tháo giây an toàn, nhắm mắt tìm một giấc ngủ ngon. 

Tiếp viên hàng không mời nước, chàng giật mình nhìn đồng hồ, đã hơn mười giờ bay, phía ngoài bầu trời đen thẳm, bên trên vài vì sao lẻ loi nhấp nháy. Ký ức mơ hồ lại hiện về. André không phân biệt được đâu là mộng đâu là thực trong cõi sống. Cuộc đời miên viễn như không gian vô tận, nhưng thân thiết như vài mét vuông trong căn nhà nhỏ. Tiếng ù ù đều đặn của máy bay xé gió, cái thâm u không giới hạn của màn đêm đã đánh mất ý niệm thời gian và không gian. Cũng không biết mình đang vui hay buồn. Một chuyến đi không rõ mục đích. Đem sinh mạng cá cược với chuyện mơ hồ vu vơ. Chàng luôn chơi trò mạo hiểm với đời mình. Vói tay vặn đèn trần, vớ lấy tờ báo phía lưng ghế trước cố tìm đọc cái gì đó để kéo ý thức của chàng về với hiện thực, nhưng vô ích; Người đàn ông châu Á bên cạnh cũng câm như hến, không thể bắt chuyện; bổng chốc chàng cảm nhận sự lẻ loi tột cùng.

Xe đưa khách ra khỏi phi đạo, nhà ga Thái thuộc loại quốc tế, kẻ đi người lại như trẩy hội. André Lam qua cổng kiểm soát hải quan dễ dàng, hành lý gọn nhẹ. Chiếc ba lô vài bộ đồ không có gì phải kê khai; chàng lách đám người lao nhao, ra cửa; Phiá ngoài, kẻ đón cũng như người đưa, tấp nập; một tấm carton viết chữ thật lớn: SITHOUY –SIWICHAI – SISARDHA.Người đàn ông châu Á “câm như hến” ngồi kế chàng trên phi cơ, nắm tay Lam đưa thẳng đến những người cầm tấm bản chờ sẳn, Sithouy, người đàn bà có thân hình cân đối, nét mặt đầy đặn dễ nhìn, ánh mắt khôn lanh đầy bản lãnh, tiến đến chắp tay xá chàng, xổ một tràng tiếng Anh pha lẫn Thái, đưa chàng ra xe. 

Chàng ngã lưng trên giường nệm, cảm giác thoải mái chạy khắp cơ thể, sau một cuộc hành trình khá dài. Giường nệm drap trắng, tường màu da trời, màn cửa màu xanh cẩm thạch, ánh sáng mát dịu; sau khi tắm nước nóng, giấc ngủ đến với chàng như chưa từng được ngủ ngon như thế…

 

..Hoàng hậu, cận thần, quan văn tướng võ hãy yết triều.Cung tần phi nữ hãy lui về hậu cung. Trẩm đang cần bàn về quốc sự….
Trong bao năm qua, các khanh cũng đã nhọc công với đất nước để mở mang bờ cõi bảo vệ tiên đế.Khi đất nước thái bình, nhân dân thịnh vượng cũng là lúc giặc dòm ngó chúng ta.Nhân dân sống các vùng biên luôn bị quấy nhiễu. Khoáng sản, lâm sản, thú quý cũng bị chúng cướp trộm. Dân chúng đông, quân chúng mạnh, đất nước chúng rộng lớn. Từ lâu binh sĩ chúng ta quen sống trong thái bình, người dân ta thiếu cảnh giác. Chắc chắn chúng ta khó tránh khỏi cuộc xâm lăng từ mọi phiá. Trẩm cần các khanh góp ý để bảo vệ cương thổ giang sơn…
Sao các khanh im lặng vậy? thường ngày các khanh vẫn tỏ ra thao lược lập công, đến lúc tổ quốc lâm nguy, tài năng lại biến mất, ôi nhục quốc thể, ta có tội với tiên đế, với thần dân!
Tạm thời, ta ra lịnh các khanh, quan văn hãy chôn dấu các thư tịch văn khố, quan vỏ trui rèn binh khí và quân lực, trang bị khí giới cho nhân dân, quan giữ gìn quốc bảo đánh dấu những nơi chôn cất ngân khố… các khanh không được chậm trễ. Ai tiết lộ cơ mật sẽ bị xử trảm. Bãi triều.

Chuông phòng reo, chàng tỉnh giấc, cố định thần xem mình đang ở đâu. Không phải Paris, không phải các nhà hàng thượng lưu mỗi ngày chàng lui tới. Một phòng sang trọng, một cuộc Triều kiến nhập nhằng trong giây lát, chàng nghĩ – cuộc đời là cuộn film mộng ảo! chuông lại tiếp tục reo, chàng xỏ chân vào đôi dép Lào, lê đến mở cửa.

Bẩm Hòang thượng, ngài khỏe chứ? Sau giờ điểm tâm, xin được nghinh đón Hòang Thượng về lãnh địa. – Siwichai lễ phép kính báo.

*
* *

Chiếc xe đời mới 7 chỗ đậu sẳn trước khách sạn, Siwichai và chàng Châu Á “câm như hến “ đưa chàng ra xe. Hướng về phía Bắc, ra khỏi ngọai ô độ 20km, xe quẹo sang Đông Bắc. André không rõ vai trò của anh chàng châu Á nầy, hắn ta không nói, chỉ trả lời qua loa những gì Siwichai hỏi. Tại sao hắn ta ngồi cùng chỗ, bay cùng chuyến với chàng, điều nầy mang vẻ bí mật, tạo nhiều thắc mắc cho chàng. Trên đường đi, độ 8 giờ xe chạy, không ai nói với ai một lời. Hai bên đường đồng ruộng bao la; càng đi xa, dân cư càng thưa thớt. Cái nắng của Thái hầm hập như Campuchea, chàng hạ cửa kính để không khí thiên nhiên lọt vào, hơi nóng táp vào mặt khô rát. Một dãy xanh mờ hiện dần trước mặt, Siwichai quay lại chỉ cho André và giải thích: Sắp đến lãnh thổ của chúng ta, thưa Ngài! Chàng miên man suy nghĩ, không để ý đến câu nói. Siwichai nói gì với chàng châu Á bằng tiếng Thái, hắn rút sổ tay ghi chép rồi mở phone gọi.
4 giờ chiều, mặt trời ngã bóng, thỉnh thỏang vài luồng gió mát xua đi cái nóng, các đọt cây cũng ngả ngớn sau một ngày nắng bỏng. Chim chóc hai bên đường cũng reo ca. Qua khỏi cánh đồng lúa mì, xe rẽ vào bìa rừng, chạy hơn 3km, đến một khu làng kiến trúc như nhà sắc tộc; hai bên đường, dân chúng đứng sắp hàng chào đón. Qua khỏi một đọan, xe đến thẳng nhà D’rong, các thiếu nữ xiêm y lòe loẹt đợi sẳn. Bà Sithouy đích thân ra mở cửa xe, kính cẩn đưa tay lên ngực, nghiêng mình phía trước chào chàng. Siwichai và chàng châu Á đi kèm hai bên.
Chàng bước lên nhà sàn, một căn phòng dọn sẳn và một chiếc ghế trang trọng, có hoa lọng, đèn màu. Một vương miện và bộ vương phục ( long bào) để trên bàn. Các mỹ nữ bắt đầu múa hát theo điệu trống và kèn do các thanh niên gõ nhịp. Bà Sithouy, Siwichai, Siboullend, Sisukha quỳ xuống chầu lễ, gọi André Lam là Sisardha, họ tung hô nhiệt liệt. Chàng từ chối mặc Long bào: 
Trời nóng thế nầy mà mặc làm gì, ta chỉ thích mặc quần xà lỏn thôi, như dân các người đang mặc khố vậy.
Mọi người bối rối, bà Sithouy che miệng cười, đành chào thua! Quanh chàng, cả ngày lẫn đêm đều có 5 nàng hầu phe phẩy quạt. Sisardha hỏi: Có điện sao không dùng quạt điện mà phải dùng tay?
Muôn tâu Hòang Thượng, chúng thần muốn thần dân đích thân phục vụ Ngài. – Sithouy đáp.
Ngày nóng thế nào thì đêm lạnh cũng như thế. Cái lạnh của núi rừng có khác cái lạnh của Paris. Chàng chưa quen để người khác phục vụ. Trời lạnh phải đắp mền mà các nàng hầu cứ đứng phe phẩy quạt như cái máy, chàng cố chợp mắt !

*
* *
Bên song cửa, từ rừng cây bắn lên những tia sáng đầu ngày; gà gáy, chim hót. Khí trời dễ chịu; lâu lắm André Lam mới có một giấc ngủ với khí trời trong lành như thế. Các tỳ nữ chuẩn bị buổi ăn sáng trong khi chàng bách bộ quanh vườn. Thịt rừng nướng, đu đủ vườn, rượu cần và nhiều món lạ mà chàng chưa từng thấy ở Paris. Siwichai chấp hai tay đưa ngang trán: Bẩm Hòang thượng về ngự triêu thực, chúng thần sẽ đưa Hòang thượng đi xem phong thổ của chúng ta.
Chàng ngồi ngay bàn giữa, bốn người ngồi bàn hai bên; các cung nữ tiếp tục múa bụng hát điệu nhạc dân tộc. Bà Sithouy vừa ăn vừa nói: Bẩm Hòang thượng, Bây giờ ngài là vua của chúng thần cũng như từng là vua của thần dân xa xưa. Ngài có thể quyết định bất cứ điều gì và muốn bất cứ thứ gì. Thần dân có bổn phận phụng mệnh.
Nói đến đây, chàng nhớ lại đêm qua, mệt mỏi ngủ say, một nàng hầu nằm cạnh, bóp tay chân cho chàng, sáng, nàng ra khỏi phòng rất sớm, còn để lại mùi hương phấn bên gối và mùi da cháy nắng của người sắc tộc, lợm giọng.

*
* *

Xe ra khỏi làng, chạy lên hướng Bắc hơn chục km, bổng chàng ra lệnh dừng lại, một con mễnh chạy qua, Sithouy nhanh nhẩu: Bẩm Hòang thượng, ngài muốn săn thú? 
 Không!
Vậy chưa đến ranh giới lãnh thổ chúng ta đâu 
Chàng im lặng bước xuống, nhìn quanh khu rừng nguyên sinh bao la đúng như linh ảnh chàng vừa thấy tại Paris. Chàng nhìn thấy đâu cũng là vàng, nằm ngổn ngang trong các lùm bụi. chỉ cho bốn cận thần đi theo, Sisardha hỏi: Các người thấy gì không?
Bẩm, chúng thần có thấy gì đâu!
Đây là vàng, lãnh thổ chúng ta tòan là vàng. Sisardha chỉ những cục đá rãi rác khắp nơi.
Các cận thần nửa ngờ vực, nửa nghĩ là Hòang thượng vui tính. Chàng nhặt một cục đất sắp hóa đá, gói cẩn thận, cho vào túi xách bên cạnh.Tiếp tục đi dạo một cách quen thuộc như từng đi trong vườn nhà mình. Chàng không chịu lên xe đi tiếp, tìm một tảng đá dưới bóng râm, nằm nhìn trời đất bao la. Bốn người ngồi đàm luận, chờ đợi; Bên tai chàng văn vẳn âm thanh lạ, mí mắt nặng, đầu óc mờ dần…khu rừng lại hiện ra trong đầu chàng, binh lính ăn mặc theo xưa đào lấp rất ư vội vả; Một cận thần tâu: Bẩm Hòang thượng, chúng thần đã hòan thành nhiệm vụ. Đây là bản đồ chôn cất các bảo vật; một viên tướng vào bẩm tấu, bọn xâm lăng đang đóng quân ở biên cương…cứ thế mà các cận thần luân phiên trình tấu. Hòang cung xôn xao; dân chúng chạy loạn; hòang thượng ra lịnh quan Thái giám di dời Hòang hậu, phi tần;Riêng ngài cải dạng thường dân, cùng một cận thần lên ngựa băng rừng chạy về phương Đông.

*
* *

Trên nhà d’rong, Sithouy, Siwichai, Siboulend,Sisukha ngồi vây quanh nghe Sisardha trình bày kế họach phục hồi sản vật và thiết lập thị tứ
…Sithouy chịu trách nhiệm xin phép chính phủ Thái khai phá khu rừng, lập thị trấn, đó là lý do để chúng ta khai quật mỏ vàng hợp pháp.
SiBoulend tuyển nhân sự trong sóc để khai quật. Siwichai mời kiến trúc sư vẻ đồ án, gồm có trường học, bệnh viện, khu hành chánh, kinh tế, hoa viên và phi trường…Sisukha chịu trách nhiệm ổn định đời sống của cư dân…
Bẩm Hòang thượng, Sithouy nhanh nhẩu thưa: tiền đâu mà chúng ta tiến hành? André Lam cười : Việc nầy để trẩm lo, nếu quý vị tôn ta là vua thì mọi sự do ta quyết định. Trước tiên Sithouy lập dự án trình lên Thủ Tướng, khi được chấp nhận thì xin họ tài trợ bước đầu. Trong thời gian nầy, ta sẽ về Pháp nhờ phân tích mẫu đất, phân kim vàng để xác định độ tuổi…Tuyệt đối không ai tiết lộ bên ngòai về một vương quốc đã từng tồn tại, và các vị đừng tự nhận mình là những cận thần trong vương triều.

Mọi người cảm nhận như vương quốc đang nằm trong tầm tay.André thắc mắc về chàng châu Á không thấy xuất hiện trong những ngày này.

Một tuần trôi qua thật nhanh, Sithouy và các cận thần tiễn chàng ra sân bay. Không khí oi bức, vào phòng chờ, máy điều hòa phả từng hơi lạnh, chàng cảm thấy dễ chịu. Cầm bản đồ Thái, chàng tìm vùng đất vừa rồi, lấy bút chì chấm tọa độ. Người phụ nữ ngồi phía sau cầm cell phone mở camera quay chàng và hình ảnh chung quanh trong nhà ga.Loa phát thanh của nhân viên mời khách đáp chuyến bay đi Paris ra cổng, chàng đeo ba lô bước ra cửa số 9.
Sithouy suy nghĩ mông lung về dự án, về tương lai một vùng đất gần như biệt lập; nhất là mỏ vàng, nếu thật là mỏ vàng thì vương quốc và sự giàu có sẽ về tay nàng.
Tuần lễ trôi qua, Sithouy nóng lòng chờ tin từ Pháp, không thấy người của nàng báo tin, cũng không thấy Sisardha nói gì về thỏi vàng mà chàng cầm về. Quan bốc phệ mà nàng đặt trọn niềm tin về khả năng của hắn, từng giúp nàng tìm ra Sisardha, cũng không thấy tăm hơi. Điện thọai reo, giọng một phụ nữ bên kia đầu giây báo cáo: Bẩm bà, mấy ngày qua Sisardha bận việc công sở, Ngài có gửi đi kiểm nghiệm báu vật, Ngài chưa đến nhận kết quả, nhưng con đã được biết do nhân viên kiểm nghiệm xác định có 80% chất vàng trong đó.
Sithouy vội hỏi: thế quan bốc phệ đâu?
Bẩm bà, ông ta đang theo dỏi hành tung Hòang Thượng và bảo vệ ngài.

Sithouy bèn đưa thân nhân con cháu vào cuộc khai quật; lọai hết cận thần ra khỏi dự án.
*
* *
Nhân viên kiểm nghiệm vừa trao kết quả cho André, an ninh Pháp hỏi: Đất nầy ở đâu mà trử lượng vàng cao thế?
Tôi không rõ, một người nhờ tôi khảo nghiệm.
André vừa ra khỏi cửa tòa nhà phân kim, Sithouy đã gọi chàng: Bẩm Hòang Thượng, kết quả tốt chứ, hạ thần nghĩ có đến 80% trong đó là vàng. Chừng nào Ngài về lại Thái?
André mơ hồ đến một nguy cơ cho sinh mạng, nếu chàng lao vào cuộc chơi. Chính phủ Thái không chấp nhận một vương quốc và một vị vua như chàng nếu họ biết được. Đám cận thần của chàng sẽ không để mất kho báu nếu chàng đứng ra lãnh đạo, trong đó Sithouy cầm đầu.
Mấy hôm sau, người phụ nữ theo chỉ dẫn của chàng châu Á, đến tận nhà André: …Bẩm ngài, bà Sithouy mời Ngài về lại Thái ngay.
Không, ta không thể đi được, ta nhường ngôi vị hòang thượng cho các người, đưa giấy ra ta sẽ ký nhận thóai vị. Ta quen sống nơi đô thị sầm uất như Paris, ta không muốn về với núi rừng.

Đây là may hay rủi, vinh hiển hay hiểm nguy? Chàng quá chán ngán cảnh bon chen, tranh danh đoạt lợi; chàng lợm giọng với cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu. Chàng xin nghĩ việc nơi công ty, giữ chân thỉnh giảng các đại học; Bán cả sản nghiệp và du thuyền, gửi tiền vào ngân hàng. Nửa năm sau, André qua Án Độ xuất gia với một Guru đức độ.Thỉnh thỏang Sithouy vẫn cho người đến thỉnh cầu chàng về Thái để tiến hành dự án. Chàng ký giấy chuyển quyền cho Sithouy, chấp nhận đời sống thanh bần; chàng nghĩ, cuộc đời vốn là mộng ảo, vương quyền mơ hồ nơi vùng đất xa lạ kia càng là mộng ảo. Chàng cảm thấy an lạc từng bước chân khi dạo quanh Bảo tháp của Bồ Đề Đạo tràng. Đời tu sĩ giúp chàng an ổn sinh mệnh và có lý tưởng trong cuộc sống, giúp được nhhiều việc hữu ích cho mọi người mà không bị lợi danh vây phủ, khống chế.
*
* *
Kể đến đây, Mok. Sophal cầm tách cà phê hòa tan đưa lên miệng; cặp mắt của một tiến sĩ vang danh một thời tại New Delhi, nay nhem nhuốc bởi tuổi 80, nhìn thế sự như mây trôi, nói về một người bạn vong niên cùng chung một mái chùa. Khách viễn du xin ghi lại tâm sự về HUYỀN THOẠI MỘT ĐỜI VUA. Hòa Thượng Mok Sophal nói: Anh thấy đấy, Ấn độ là vùng đất đầy dẫy những huyền thọai, nhưng có thật. Tôi sẽ tiếp tục kể cho anh nghe những mầu nhiệm trên đất Phật mà gần 50 năm tôi đã sống. Tôi không phải là người Ấn, cha là Việt, mẹ Camphuchea. Tôi chọn đất Phật làm quê hương cho những ngày cuối đời mình.



MINH MẪN
14/02/09