Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA – CHẶNG ĐƯỜNG SẼ ĐẾN

 

Sáng nay vừa kết thúc chương trình kỷ niệm 25 năm ra đời của báo Vô Ưu tại Đaklak.

Hơn 100 vị cộng tác viên, đọc giả,khách mời trong và ngoài Tỉnh đã có mặt.

Sáng thứ bảy, ngày đầu tiên của chương trình, BTC đưa đoàn đến thăm vườn Thiền Ngọc Dũng của TT T. Giác Phổ và du lịch sông nước trên hồ Lăk. Thọ trai tại chỗ. Đầu giờ chiều cùng ngày, mở đầu bằng cuộc tọa đàm. Dĩ nhiên BBT và BTC muốn lắng nghe những ý kiến làm thế nào để phát triển báo và kinh phí được ổn định chứ không thể “ giựt gấu vá vai” như thời gian qua; phải nói TT Huyền Lan và Cty Hán Linh góp phần không nhỏ cho sự tồn tại suốt 25 năm qua.Thầy và cô Tâm Tuệ vừa hỗ trợ tiếp sức, vừa là nơi tiêu thụ số lớn mỗi lần báo ra lò.

Cái ưu điểm ai cũng biết nhưng cần bổ sung cái khuyết để đổi mới cho Vô Ưu chưa thấy bổ sung.

Buổi sáng ngày thứ hai trao bằng khen thưởng ghi công cho BBT, cộng tác viên, mạnh thường quân và những người có công cho sự tồn tại của Vô Ưu.

Kể từ khi TT Giác Phổ lãnh sứ mạng đứng mũi chịu sào cho tập thể Vô Ưu, BBT như được tiếp sức để Vô Ưu có thêm khí lực.Tuy sư vừa đảm nhiệm Phật sự cho Giáo hội, vừa trông nom cơ sở thừa kế của sư phụ, còn gánh vác báo Vô Ưu mà vẫn trông cứ như người thong dong đang “thỏng tay vào chợ”. Có trách nhiệm, có óc tổ chức, có trình độ chuyên môn, nhanh nhẹn nhưng tánh nóng.

Chỉ có vài báo của Phật giáo tồn tại lâu như Vô Ưu (đứng sau Giác Ngộ), chưa có BBT nào có số nhân sự tuổi đời trên dưới 80 mà vẫn nhiệt tình như Vô Ưu.

Một anh họ Tạ ( gia tộc đủ Tứ đại đồng đường giữa sự tôn ti đoàn kết ấm êm) tuổi trên 80 mà vẫn nhiệt tình lãnh đạo cũng là linh hồn của Vô Ưu qua một phần tư thế kỷ.Ai bảo trách nhiệm đó dễ như việc ăn cơm hẩm với muối ớt?

Dzạ Lữ Kiều, bê bánh mì bán cho học sinh, việc nhà như một ô sin chuyên nghiệp, lụ khụ thời gian đè nặng trên lưng còm , vẫn đảm trách chuyên mục thơ, sau cái vỏ củi mục dễ thương kia là một tâm hồn nhiễm nặng thơ Haiku từng được lãnh giải, cứ như chưa bao giờ biết yêu, nhưng đã yêu từng con chữ như lần đầu đã yêu ai đó…. và lão ria bạc, Sa Đà họ Lê kia, gần 20km từ DAKNONG về Buôn mê để soi từng con chữ của các cộng tác viên gửi về; thế mà đèo bòng làm lão nông cho một Tiên nữ “không tóc” ở lưng chừng non xanh. Lời thơ của lão chắc nịch như củ khoai trúng mùa trong lòng đất.lão nói chuyện như một thuyết khách nhưng chả có khách nào được lão thuyết.Thay vì làm “thị giả”, thì dùng thơ văn ca tụng “mẹ nó lên mây xanh.”

Một Phan Bá Sĩ luôn xuất hiện trên face book với phu nhân như đang trong “tuần trăng mật” trêu ghẹo anh em đang bù đầu tổ chức 25 năm, ngỡ chừng “đào ngũ “, đã xuất hiện đúng giờ khai mạc.

Tiến Thảo ư? Đồn rằng đã thất nghiệp làm thị giả cho nội tưởng nhưng còn đam mê với Vô Ưu.

Không riêng một chàng từng kinh qua thời gian làm thị giả cho nội tướng, hầu như các bạn già điều coi việc trong BBT thích thú hơn việc hầu hạ cơm nước cho lệnh bà.

Nói để cho các ông nở mày nở mặt, thật ra, một việc cũng vất vả không kém đó là đi “đòi nợ” của Trịnh Dung. Suốt 25 năm những cung đường mòn nhẵn bánh xe lăn qua với gói xôi củ sắn lót dạ đi đường,thế mà người phụ nữ cũng hầu hạ phu quân, trong nhà ngoài ngõ tươm tất không thua việc tươm tất cho công ăn việc làm! Đừng tưởng người ấy tươm tất lúc gặp con nợ khó đòi khi mua báo Vô Ưu. “Mua lạy bán dạ” phải chăng là sự kiên nhẫn lúc làm ăn không công như ai đó.

Cũng là phụ nữ phục vụ Vô Ưu, nhưng giọng hát líu lo như chim họa mi của nữ lưu xứ Huế Thu Cúc Ban mê cứ như kẻ vô sự, một “vô sự “ ẩn tàng khối sầu miên viễn lại là trang điểm cho Vô Ưu có trang nhạc sâu lắng.

Chưa đủ nếu chỉ nói có bấy nhiêu nhân vật và bấy nhiêu đặc tính của những nhân sự dường như không chuyên mà thật ra chuyên nghiệp đã trãi gần hết một cuộc đời .

Trở lại vấn đề kinh phí, phương cách tiêu thụ, phổ biến và cải cách sau 25 năm. Đó là chuyện đường dài khó trình bày qua vài giòng nơi đây. Dẫu sao, qua cuộc lễ đã nói lên niềm thao thức của những nhân sự trong BBT rất dễ thương, tuổi đời rất mệt mỏi nhưng nhiệt tâm không mỏi mệt.

Trang trí hội trường , sân khấu văn nghệ, trình bày tư liệu ảnh và sách báo, tiếp đón sắp xếp nơi ăn chốn ở… cho cả trăm khách Tăng, bấy nhiêu đủ thấy tuổi thọ của Vô Ưu về lâu về dài cũng sẽ tươi sáng đầy triển vọng.

Gặp nhau lúc bộn bề công việc nhưng không tiếc cho nhau cái huých cùi chỏ , cái khóe mắt biết cười và những câu trách móc nặng mùi tình cảm.

Bữa cơm thịnh soạn để mọi người chia tay, món quà tình nghĩa lưu dấu chặng vừa bước; để lại cho Ban tổ chức bao bề bộn bàn ghế chén dĩa rác rưỡi báo hiệu cho bao bộn bề con đường đang đi và sắp tới của những con người dám gánh vác linh hồn văn hóa Phật giáo ngày nay nơi miền cao

 

MINH MẪN

15/10/2023

Mồng 1/9/Quý Mão ( trên đường về lại TP . Vừa qua Gia Nghĩa)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét