Hàng ngày, trong cuộc sống luôn xảy ra những tranh chấp, những sát phạt…do tâm đố kỵ, ganh ghét dẫn đầu. Những hạt giống ngấm ngầm đó, người Phật tử không sớm nhận diện, chúng sẽ dẫn dắt ta hành động, ý nghĩ thiếu kiểm soát, đem đến khổ đau chung, riêng bản thân đạo đức suy giảm, thất đức xói mòn phước nghiệp của người tu.
Điều mà chúng ta cảm thấy bình thường, lại là bất thường
của người tu tập.Ví dụ, chúng ta đang hành một pháp, xem pháp mình là đúng, là
chánh đạo, tất nhiên xem cái gì không phải pháp hành của ta, đều là ngoại đạo,
tà giáo. Đó là khởi sự cho việc phân biệt đố kỵ. Tính phân biệt đố kỵ ganh ghét
thường xảy ra trong phạm vi đồng nghiệp, đồng đạo, phe nhóm.Người bạn đạo được
mọi người kính mến do tài năng, do đức hạnh, lòng tự ái của ta sẽ ngấm ngầm bộc
phát, soi mói, phê phán bất phục. Cũng có lúc tâm đố kỵ do uy tín và quần chúng
ngưỡng mộ ai đó mà bản thân tuy quyền uy sẵn có, vẫn không muốn kẻ khác được quần
chúng quý kính hơn mình.Ai có uy tín là nỗi lo sợ cần phải triệt hạ, bôi xấu, hãm
hại.Tình trạng này từ cổ chí kim luôn xuất hiện. Trong cơ chế nhà nước, trong
cung đình thời phong kiến, những ai đồng ngành xuất sắc hơn, được chiếu cố từ cấp
trên, là lo sợ mình bị thất sũng, sợ mất uy tín, luôn tìm cách triệt hạ đối phương.
Người khôn ngoan, khi có công trạng liền rút lui ẩn dật
để bảo toàn tánh mạng.Thế gian chỉ biết đối phó sự đố kỵ mà không biết nhìn lại
hạt giống đố kỵ trong tâm mình. Đố kỵ là
một trong những hạt giống xấu tiềm ẩn nơi mọi chúng sanh. Tâm đố kỵ ít khi hành
động vị tha vô điều kiện. Đố kỵ là bản chất tham lam, muốn mọi thứ tốt đẹp, lợi
lộc trong xã hội, kể cả quyền lực đều nằm trong tay mình, đã như vậy thì không
muốn ai hơn mình.Tâm đố kỵ làm chủ thì tính ngã mạn luôn dẫn đầu mọi ý nghĩ và
hành động.
Với một Phật tử muốn tiến tu đạo nghiệp, để không bị tâm
đố kỵ dẫn dắt, phải thường xuyến quán chiếu nội tâm, phát triển lòng từ bi đến
mọi loài mọi vật.Tùy thuận và tùy hỷ trước mọi việc làm tốt đẹp của người khác
cũng giúp làm tiêu mòn tâm đố kỵ, đồng thời phước báu thêm phát sanh.Khi xét thấy
tâm đố kỵ mạnh mẽ, thường xuyên phải sám hối tha thiết, hãy tự nhắc nhở và nguyện
dứt trừ tâm xấu ác đó. Đừng tự so sánh mình, gia đình mình hay cái gì của mình
với những ưu điểm của ngươi khác, mà phải sanh tâm hoan hỷ những gì người khác
có được.Luôn có tâm hào phóng rộng rãi, tùy khả năng khi bất cứ ai cần giúp.Dĩ
nhiên giao du với người nhỏ nhen thiếu rộng lượng cũng ảnh tưởng tâm tánh của
ta. Những ai chỉ biết hưởng thụ, lạm dụng người khác là biết đó không thể có tâm
hy sinh., mình không đủ khả năng cảm hóa họ thì nên tránh xa.
Không phải ai đến chùa, ai mang danh là phật tử đều có
tâm hoan hỷ, khiêm hạ, hy sinh vì mọi người. Một người có đời sống mẫu mực nhưng
luôn phê phán chỉ trích người khác cũng còn ẩn chứa lòng đố kỵ, người phật tử
không nên có. Thấy ai đưa ra một ý kiến trái nghịch với mình, liền chống đối chụp
mũ là kẻ phá đạo.Nếu có tâm từ bi, hoan hỷ thì không thể xem ý kiến của mình là
đúng; ai cũng có quyền nêu ý kiến riêng, không thể bắt người khác phải giống ý
của mình. Đó là nguyên nhân gây ra xung đột. Chúng sanh đa tính thì trình độ ắt
phải khác nhau.
Nói một cách rốt ráo, trong cuộc sống cái tốt cái xấu,
cái sai cái đúng chỉ có giá trị nhất thời tùy thời đại, tùy tập quán của mỗi chủng
tộc, vì thế, đức Phật bảo ngay cả chánh pháp còn bỏ huống thay phi pháp. Phật dạy
lấy Giới luật làm thầy, nhưng Phật cũng bảo những tiểu tiết không hợp thời cũng
phải bỏ đi. Như thế , không có giá trị nào tuyệt đối, chỉ có lòng từ và giới hạnh
luôn là yếu tố cần thiết cho người tiến tu đạo nghiệp.
Chúng ta nên chọn một pháp hành, và chuyên tâm miên mật
hành trì mới phát triển lòng từ và trí tuệ, có thế tâm đố kỵ bị triệt tiêu, tâm
hồn rộng mở, vui vẻ, hoan hỷ, và năng lượng tu tập sẽ giúp ta sáng hơn mọi người
bình thường. Đôi khi năng lượng phủ trùm làm cho người hành trì đỏ rực khác thường,
lúc đó ta biết tâm đố kỵ sẽ không còn có mặt đối với người tu
MINH MẪN 29/6/2021