Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

ĐÓNG CỔNG CHÙA

 Việt tỏ ra bồn chồn, đã hai hôm rồi gọi điện, máy reo mà thầy không nghe. Giờ thì tổng đài báo: “số điện thoại quý vị vừa gọi hiện không liên lạc được, xin vui lòng gọi lại sau”.

                                              ***

Dẹp hồ sơ sổ sách vào ngăn kéo, đồng hồ  điểm 17.30giờ, Việt vội vã ra bãi đổ xe.Trời rắc vài hạt nước chưa đủ ướt mặt kính, Việt vặn cần gạt xoa cho mặt kính sạch, đánh tay lái quẹo ra đường, tiến thẳng về ngoại ô, cách nhà hơn 50km; ngôi chùa mà Việt và bạn bè từng có nhiều kỷ niệm buồn vui thuở còn sinh viên; ngày xa xưa ấy, cuối tuần thường rũ nhau đi dã ngoại, tình cờ phát hiện ngôi chùa nghèo ẩn mình trong vườn tre, cách biệt hẳn thế giới nhộn nhịp của xã hội bên ngoài.Trong lòng nôn nóng, đầu óc vẫn vơ, Việt Không biết mình muốn gì, nghĩ gì trong lúc nầy. Nếu sự cố bất thường cho chùa, Việt hay ai sẽ có lỗi?

Là một tín đồ thuần thành, có tâm nhưng chưa hiểu nhiều về giáo lý, Việt thỉnh thoảng đến chùa, vừa như một phật tử, vừa như khách bàng quan, ngoài việc đến lễ Phật, cúng dường, ít khi Việt xen vào nội bộ của chùa. Sinh hoạt chính là những thời khóa của chùa, ngoài ra Việt không để tâm đến việc gì; chỉ trừ khi thầy nhờ vả hoặc tâm sự. Nếu giúp chùa thì giúp những việc hệ trọng, như năm ngoái thầy nhờ Việt lo thủ tục  xin tái thiết,hợp thức hóa chủ quyền sử dụng đất, tổ chức đón thỉnh chư Tăng về dự lễ ra mắt bổ nhiệm trụ trì.Tuy chỉ vài việc, nhưng Việt cảm thấy mình có cái gì gắn bó mật thiết với chùa. Gần đây, trong chúng có vài vấn đề thiếu đoàn kết, đưa đến bất hòa, phật tử cũng chia phe nhóm. Thầy không tiết lộ, nhưng Việt được điệu Khánh nói, và vài phật tử thân với thầy, họ tâm sự. Nhân cách và uy tín của Việt, nội tình được giải quyết ổn thỏa. Thật ra trong thâm tâm, Việt cảm thấy mình trở thành nhân vật quan trọng của chùa, của thầy, đã được thầy tin tưởng, đạo tràng quý trọng, thời gian gần đây, tự dưng Việt vô tình sai khiến đại chúng, bắt lỗi mọi người, tỏ ra không hài lòng những việc nội bộ của chúng.Có người thầm nghĩ – có lẽ ông Việt là phó trụ trì, thầy giao trách nhiệm xử lý nội tình cho ông ta, trước kia tính tình ông ta đâu có thế.

Con đường ra ngoại ô trời bắt đầu nhá nhem, đèn đường mờ đục. Nhờ dãi phân cách nên xe chạy một chiều khá nhanh.Hình ảnh thầy lởn vở trong đầu Việt; một nhà sư tuổi trung niên nhưng gương mặt hằn nét sương gió. Hai vết chân chim kéo dài hai bên khóe mắt; đôi tay đen sạm như một nông dân, nhưng thầy nông dân thật. Hình ảnh nhà sư trong bộ áo bạc màu, chiếc nón lá sờn vành, đôi chân cáu bẩn xỏ vào quai dép bện bằng vải; khách lần đầu đến chùa, không ai nhận ra đó là vị trụ trì chân tu được dân làng quý trọng.Trong chùa có hai thầy hai chú, Tăng chúng ngoài các thời khóa và nhiệm vụ được giao, không ai tự nguyện phụ giúp thầy chăm sóc vườn kiểng và mấy luống rau. Thầy cũng chẳng bao giờ rầy la lớn tiếng với ai; ăn nói nhỏ nhẹ cứ như mật rót vào lòng người, có lẽ vì thế mà ai cũng muốn giành tình cảm riêng cho thầy, muốn thầy quan tâm mình hơn các huynh đệ bạn đạo khác.Việt cũng không rõ mình bị thầy chinh phục tình cảm từ lúc nào. Từ ngày nhận nhiệm sở, Việt ít có thờỉ gian đến viếng, nhưng  không tuần nào Việt không gọi điện hầu thăm thầy.

-         Bạch thầy, giờ nầy khuya khoắc thầy định đi đâu? Đây là lần đầu tiên điệu Khánh dám hỏi thầy, cũng vì, lần đầu tiên thầy ra khỏi chùa giữa đêm khuya. Điệu Khánh vừa xếp y hậu và vài món cần thiết cho thầy, vừa thắc mắc lo sợ một cái gì đó không bình thường đang xẩy đến cho chùa hay cho thầy đây.

-         Con đừng lo- thầy an ủi điệu Khánh- mọi sự đều do duyên, duyên đến rồi duyên đi là lẽ thường con à.Không có thầy nầy thì có thầy khác tiếp nối.Phật tử họ thích thầy nào thì họ thỉnh thầy đó về trụ trì.

Điệu Khánh tuy còn nhỏ, chưa đủ 15 tuổi, điệu biết khá nhiều về những bất ổn trong nội bộ của chùa; chuyện bất hòa nội bộ đã êm xuôi, nhưng cái khó là quần chúng.Làm sao vừa lòng tất cả! năm người mười ý, đúng là làm dâu trăm họ.Điệu Khánh ngán ngẫm suy tư;- rồi đây, lớn lên mình là trụ trỉ cũng phải đối phó bao khó khăn thế sao?

-Bạch thầy, mọi người vẫn quý kính thầy mà? Điệu Khánh ngây thơ hỏi.

- Con à, tình cảm ích kỷ, bảo thủ theo thế tục , người tu làm sao đáp ứng hả con!Tâm người tu  xem oán-thân đều bình đẵng; một người cúng bạc tỷ cho chùa và người ăn xin vào lễ Phật, lòng từ bi bình đẵng của nhà Phật xem như nhau, khác chăng là niềm tri ân, cảm niệm công đức trong tâm thôi.Nếu người tu thể hiện sự sai biệt giữa thân và thù, giữa ân và oán thì không phải người tu của Phật giáo. Bên trọng bên khinh là điều tối kỵ của người con Phật. Tinh thần bình đẵng chỗ nào hả con. Thầy giải thích, nhưng biết rằng Khánh chưa đủ trình độ hiểu được sự phức tạp của tình cảm thế tục.

- Bạch thầy, thầy đi rồi ai sẽ dạy dỗ chúng con? Điệu Khánh vừa hỏi vừa mếu

- Chừng nào có chỗ ở ổn định, thầy sẽ đón hai con về với thầy. Đưa tay vuốt chòm tóc trên đầu điệu Khánh,thầy nhìn điệu Khánh thật triều mến.

Hai hôm nay, phật tử lao xao, đến chùa không ai muốn tụng kinh, hai điệu và thầy phó duy trỉ thời khóa cho có lệ. Mọi khi, sau thời Tịnh độ, ai cũng trà nước vui vẽ một lúc mới ra về, thỉnh thoảng thầy giải đáp những thắc mắc cho tín đồ. Những phe nhóm chia rẽ trước đây cũng đã hòa thuận; mọi người cứ hỏi nhau tại sao thầy bỏ chùa ra đi, thầy đi đâu?. Thầy phó và hai điệu cũng không hiểu. Trong chùa cứ như bị hụt hẩng, không khí ngột ngạt hẳn. Chỉ vắng bóng thầy mà chùa trống trãi tẻ nhạt.

                                                        ***

Việt vừa đến, chùa đóng cổng, đèn tắt, cảnh vật chìm vào tăm tối, ngoài vườn ruộng, ểnh ương trổi nhạc thê lương!

Việt suy nghĩ - Nếu tâm ta đều đóng kín mọi ô tạp thị phi như thế, việc gì sẽ xảy ra?

 MINHMẪN                                                                                                                                          14/6/1999


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét