Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

* PHỤC VỤ VÔ NGÃ





Kinh Kim Cang dạy:
1... Ấy là không trụ nơi sắc mà bố thí, không trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải bố thí như thế, không nên trụ nơi tướng. Vì sao? Vì nếu Bồ Tát không trụ tướng bố thí, phước đức kia không thể nghĩ lường. Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ thế nào? Phương đông hư không, hư không, giữa thái hư không có mảy may cách ngại, trống rỗng bao la, tâm suy nghĩ không thể nào đo lường được, có thể nghĩ lường được không?
2.     Không thể nào nghĩ lường được, bạch Thế Tôn.
3.     Này Tu Bồ Đề! Phương nam, tây, bắc, bốn góc, thượng phương, hạ phương, hư không có thể nghĩ lường được không?
4.     Không thể được, bạch Thế Tôn.
5.     Tu Bồ Đề! Bồ Tát không trụ tướng bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ bàn. Tu Bồ Đề! Bồ Tát phải y như giáo pháp mà trụ...

Bố thí là một trong lục độ, lục độ là một trong những công hạnh phục vụ chúng sanh, mà “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Công hạnh phục vụ hay bố thí ba la mật là phương cách giải thoát tính tham và tiêu trừ bản ngã, vì vậy, theo tinh thần Kim Cang: “Bố thí không phải bố thí mới là bố thí”.

Bố thí không trụ chấp vào hình tướng và việc làm của người hành thí, người thọ thí và vật thí thì tâm rỗng rang. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, hành thí bám vào các tướng Nhân-ngã-chúng sanh-thọ giả thì việc hành thí như thế đều là hư vọng, phước hữu lậu cũng chỉ là phước hữu lậu không thật.

Theo tinh thần Bồ Tát đạo, phục vụ chúng sanh với tâm hồn vô tướng, vô ngại, đó là hạnh thí tối thượng và trọn vẹn nhất, làm mà không làm, làm với tinh thần vô cầu, vô vị lợi. Bố thí trụ vào các tướng trên, phước báo bị giới hạn bởi các tướng, phàm có tướng đều là hư vọng (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng), bố thí không bị cô đọng bởi bất cứ tướng nào, tâm vô cầu, vô chấp, rỗng rang, không mưu cầu tính toán thì phước báu không có giới hạn như đoạn kinh vừa nói. Bố thí như thế mới đúng nghĩa và có giá trị của sự bố thí, ngoài ra, bố thí có điều kiện (có chấp tướng) đều không đúng nghĩa của bố thí mà đó là sự trao đổi cầu phước Nhân Thiên, bị giới hạn bởi phước báu Nhân Thiên.

Tại sao thông thường hành thí bị vướng vào các tướng Nhân-ngã-chúng sanh-thọ giả? Chủ yếu trên còn đường giải thoát là thoát khỏi chấp ngã. Vì chấp ngã mà khởi sanh mọi phức tạp phiền não. Phần lớn quần chúng quy y, đi chùa, tu tập tại gia, ăn chay niệm Phật  mà vẫn còn tham lam, sân hận, si mê; tánh tình không thay đổi bao nhiêu so với người thường tục, bởi vì không biết cái ngã ở đâu mà diệt. Ai cũng nói cái ta là ngã, nhưng khi đụng việc thì bị cái ta làm khổ mình. Ai đó nói câu không vừa lòng, sân hận nổi lên, được câu khen tặng, lòng mừng phơi phới. Người chung quanh làm sái ý mình, tỏ ra bất mãn. Mưu tính bất thành lòng dạ chán nản. Ai đó gọi mình không đúng chức năng, địa vị thì phiền muộn, sân si thịnh nộ... Tại sao bắt buộc mọi người phải làm vừa lòng mình? Tại sao bắt buộc mọi việc phải theo ý mình? Phải chăng đó là cái ngã quá lớn của ta! Do cái ngã của mỗi người quá xem trọng mà sanh ra xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với tập thể... Trước mắt là tự mình phiền não, tự hại sức khỏe mình. Cuộc sống cứ bị tác động bởi ngoại cảnh nên buồn vui mừng giận thương ghét xoay ta như chong chóng, chứng tỏ ta không làm chủ được bản thân do bảo thủ cái ngã nhỏ nhen, làm sao để mọi người kính trọng được? Muốn được kính trọng ta phải có nhân cách, nhân cách không chỉ là đĩnh đạc qua phong cách ứng xử hay đạo mạo qua nghi tướng, mà phải biết khiêm nhường thật sự. Người biết khiêm nhường là người hạ mình trước mọi việc, không xem mình là quan trọng hơn ai, không hơn thua với bất cứ ai, sẵn sàng chấp nhận và lắng nghe; đó là một giai đoạn thu hẹp bản ngã để dần tiến đến vô ngã.

Người thu hẹp bản ngã thì luôn phục vụ mọi người với khả năng và điều kiện sẵn có mà không có điều kiện khi phục vụ và không phân biệt đối tượng để phục vụ. Người tự xem mình là mọi người và mọi người là mình, có nghĩa vạn vật đồng nhất thể thì phục vụ mọi người chính là phục vụ mình, phục vụ chúng sanh tức cúng dường chư Phật là vậy.

Tài thí - Pháp thí – Vô Úy thí, là cái thí thuộc sự tướng, nếu không kẹt vào chấp tướng, sẽ đi dần vào cái tánh thí của xả ly, tiến đến vô ngã. Vì thế, Bồ Tát độ vô số chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào để độ. Bố thí theo hạnh Ba La Mật là bố thí của Bồ Tát; không có người thí và kẻ thọ nhận, không có vật để thí và để nhận. Với một hành giả tu hạnh lục độ, “Tam luân không tịch” đối với ngoại tướng hành thí, ngay cả tự tánh cũng xả thí mọi công hạnh, không thấy có tham để diệt, không còn có sân để trừ thì làm gì có si để đoạn. Hành giả kiểm soát thường xuyên chúng sanh tánh của mình thì cái ngã cũng khó mà hiện diện, cái ngã nhỏ nhen không còn thì phiền não cũng tự nó tiêu diệt, tâm an lạc thì hỷ lạc phát sanh.

Phục vụ vô ngã đồng nghĩa phục vụ tự tánh, phục vụ chính mình. Phục vụ như thế không cầu phước báu mà công đức tự sanh, cũng đồng nghĩa vô sanh pháp nhẫn.

Vì thế, để thoát khỏi tánh chấp trước của hành giả, Đức Phật so sánh phước báu hạnh bố thí không trụ tướng như 10 phương hư không không bị giới hạn. Thế thì trên đạo lộ giải thoát để hiển thị Phật tánh mà còn bị giới hạn bởi âm thanh sắc tướng là lệch hướng tà giáo: Nhược dĩ sắc kiến ngã – dĩ âm thanh cầu ngã – thị nhân hành tà đạo – bất năng kiến Như Lai.

Phục vụ vô ngã là một trong những công hạnh tu tập giải thoát, thường xuyên kiểm soát phản ứng tự thân khi tiếp xúc ngoại cảnh, là công hạnh của Bồ Tát đạo.

MINH MẪN
23/5//2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét