Trên đây là quan điểm của Krishnamurti về Thiền.Nói đến đây, trong các trường phái tu Thiền của Phật giáo, chia làm hai nhóm: “nhiếp tâm và xã tâm”. Phần lớn, hết 90% là phương pháp giúp hành giả trụ tâm. “Giới sanh định, định sanh Huệ”tiêu chuẩn Giới-Định Huệ là trợ thủ để hành giả khép mình vào khuôn khổ. Kính hội tụ gom ánh sáng mặt trời đốt cháy vật bên dưới, cũng thế, Giới là chiếc kính hội tụ để nhiếp tâm đưa đến định sanh tuệ giác.
Vipassana là:
- Phương pháp diệt trừ đau khổ.
- Phương cách thanh lọc tâm để giúp ta đối phó với những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống một cách bình tĩnh, quân bình.
- Một nghệ thuật sống mà ta có thể sử dụng để đóng góp tích cực cho xã hội.
Đây là kinh nghiệm của những thiền giả đã áp dụng thông qua : thân-thọ-tâm-pháp. Không riêng Vipassana, còn nhiều pháp hành cũng giúp thiền giả thanh lọc tâm thức vượt qua mọi cảm thọ.Thế gian pháp tức Phật pháp với điều kiện hành giả đã trang bị cho mình một ý thức vô thường, khổ vô ngã, có thế mới không bị lạc dẫn bởi tà tâm vọng tưởng.
Pháp xã tâm là một thiền pháp ít được phổ biến.Khi hành giả đối trước mọi ngoại cảnh, không khởi tâm nhận xét, phán đoán, phân biệt; thiền giả hành trì pháp xã tâm không bao giờ quan tâm phê phán kẻ khác, luôn tự xét lỗi mình. Đức Lục Tổ đã dạy” không nhìn lỗi người, hãy xét lỗi mình”. Không quan tâm ngoại vật không có nghĩa vô tâm, vô thức.Người cởi ngựa xem hoa là người không trụ tâm vào bất cứ cảnh vật nào, không bị vướng mắc vào một nơi chốn. Tâm thanh thản nhưng không bị vọng tưởng lôi kéo theo tưởng tri; trụ mà không có điểm để trụ.
Pháp xã tâm là pháp không bị vướng mắc vào một khuôn khổ.
Không chỉ là các tu sĩ, ngay cả cư sĩ tại gia biết vượt qua mọi cảm thọ lo âu sợ sệt, phiền não…khi chuyên tâm hành trì một “pháp”. Những thiền pháp của Phật giáo không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp, trình độ…vì chính nó không phải là một tôn giáo, một tín điều của tôn giáo, một quy luật của tổ chức xã hội; mục đích giúp chúng ta có sự an lạc, hướng thiện trên con đương đưa đến giải thoát; trước khi giải thoát khỏi luân hồi sanh tử thì đã giải thoát ngay mọi ràng buộc do tâm bị vướng mắc vào một khuôn khổ . Phải chăng, đây là quan điểm thiền của Krishnamurti -
“Tham thiền là tự “làm trống rỗng” tâm thức mình, chứ ta không thể tự cưỡng bách làm trống rỗng tâm thức mình bằng cách thực hành một phương pháp, theo một trường phái hay hệ thống.”
Cuộc sống chúng ta thường theo nếp kinh nghiệm học hỏi trong thực tại, xây dựng trên nền tảng quá khứ mà chủng tử đã huân tập từ vô lượng kiếp. Để thoát khỏi những hạt giống tiềm ẩn khổ đau, lo âu đó, một pháp hành tạm tạo một khuôn khổ giả định như chiếc gậy, tạm nương đến khi đôi chân vững bước, chiếc gậy không còn giá trị. Qua sông còn vướng bận tàu bè thì không thể nói đến giải thoát. Tâm chúng ta vốn bồi đắp bởi những hạt giống tử sanh,muốn bước lên bờ giải thoát mà không cần những định chế giả tạm, mấy ai đủ bản lãnh như một Krishnamurti?
Hành trì không phải mục đích truy cầu một thể nghiệm của hiện tượng tâm linh; đương nhiên trên quá trình tiến tu đều phải trãi qua nhiều biến tướng của tâm thức. Tùy mức độ tu tập mà trí tuệ phát sinh, tánh tình thay đổi; truy cầu những thể nghiệm khác nào bị hấp lực ma túy làm sao nói đến mục đich giải thoát!
Người hành trì giải thoát thì không để vướng bận vào nghi lễ tôn giáo, vào âm thanh sắc tướng; Kinh Kim Cang dạy: “nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, bởi vì :”nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyển bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán”. Mãn nguyện sung sướng vào nghi lễ qua âm thinh sắc tướng là tự đánh lừa mình giữa khổ đau tục lụy, mong cầu một đấng mà tin rằng đủ khả năng ban phúc giáng họa trong khi bản chất tự thân chiêu cảm nghiệp sát, hoang dâm,tạo khổ đau cho sinh loại.Chính cuống tín như thế nên nhiều tín ngưỡng sát hại vô số sinhvật để hiến dâng, giết người để làm đẹp lòng đấng thờ phượng. Vô số nghiệp chướng đã tạo thành cộng nghiệp nên nhân loại đã trả giá quá đắc vì cộng nghiệp ác chướng.Krishnamurti gọi những dức tin và sự hành trì như thế là dạng “loạn thần”
Thiền giả hành trì không có một thần tượng trong tâm thức, không có một Thần lực ngự trị trong niềm tin; tuyệt nhiên “tịch lặng” mà không cần truy cầu tìm kiếm mời gọi.Sự tịch lặng đã tiềm ẩn tuệ giác trong tương lai, là tự do tuyệt đối của một bản thể, không còn bị ràng buộc bởi giới điều, mà không hề vi phạm bất cứ giới điều nào làm nhân tố thánh thiện.
MINH MẪN 01/6/2021