Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

THUẬN VÀ NGHỊCH

 

Thuận và nghịch là  hai thể trạng đối lập; trong cuộc sống luôn luôn có hai mặt đối lập: tốt- xấu, trắng-đen, sạch- bẩn, thương-ghét, vui-buồn…

Trong một nhận thức nào đó, xem đối lập là quy luật tiến hóa.Ví dụ triết học Mac-Lê bảo: “trong một hợp thể luôn có hai mặt đối lập lẫn nhau, giải quyết mâu thuẩn này thì mâu thuẩn khác phát sanh”. Như vậy luôn có mâu thuẩn thì luôn có giải quyết, luôn giải quyết thì trạng thái mới phát sanh; theo duy vật chủ nghĩa cần phải đấu tranh, do vậy trong cuộc sống luôn xung động, tranh đấu.

Một người bình thường, luôn thích thuận trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc, không ai thích gặp nghịch cảnh. Người hiểu đạo thì thuận hay nghịch, phải tùy duyên ứng phó. Thuận hay nghịch, suôn sẻ hay chướng ngại do ngoại cảnh tác động vào nhận thức của mỗi người. Có thể thuận với người này lại nghịch với người khác. Số 9 bên này lại là số 6 bên kia; Cũng có người biến nguy thành an.Có những Bồ tát nghịch hạnh, luôn hành sử nghịch đời để khuyến giáo mọi người, xem việc thuận nghịch đều là công hạnh, không có gì phải bận tâm.Đó là một khía cạnh tạo an lạc cho cuộc sống.

Một hành giả hành trì hạnh quán chiếu, luôn đưa thể trạng thuận và nghịch thành đề mục tìm thực chất của việc đối đãi. Trong  luận Trung Quán nói: “Chư Pháp vô tự tính / cố vô hữu hữu tướng / Thuyết hữu thị sự cố / Thị sự hữu tất nhiên” có nghĩa các hiện tượng bản chất không có tự tính, nên không thực có tướng, cho nên nói  các pháp là có tướng thật, là chẳng đúng. Nhờ quán chiếu như thế, tương thích với Pháp cú kinh – “tâm dẫn đầu các pháp” hay Duy thức gọi là: “Nhất thiết duy tâm tạo”.

Hành giả nắm được yếu tố cơ bản đó, nhiếp tâm theo dõi dòng lưu chuyển của tâm mà Duy Thức gọi là “Hữu chủng chủng tướng chuyển. Hằng chuyển như bộc lưu” vì  “Do giả thuyết ngã pháp”, cứ nghĩ rằng các hiện tượng đều thực có nên mới có  chướng ngại và thuận duyên, đến quả vị A La Hán mới chấm dứt mọi vọng tưởng điên đảo. Tuy nhiên, một hành giả lão thông quán xét, thâm nhập vào pháp giới tánh một cách nhuần nhuyễn, dưới mắt hành giả, mọi cảnh vật như cuộn phim mà tâm không hề giao động phán xét.Sống trong đời như người “thỏng tay vào chợ”, không bị thuận nghich chi phối; tâm luôn hoan hỷ vô tư lự, tâm hồn thư thái nhẹ nhàng, luôn có óc hài hước dí dỏm, an lạc.

Trên gương mặt người tu không thể hiện được nét từ bi, lòng hoan hỷ, ra vẻ nghiêm nghị hay chau mày, cau có, đi đứng, hành động vụt chạc nói lên mức độ an định của tâm.

Như thế, tính nhị nguyên vốn là hiện tướng của tâm thức; thế gian khổ đau, phiền muộn, hối hả, buồn vui…do không nắm vững nguyên lý từ tâm sanh, không chuyển hóa tính tương duyên, thể hiện ra bên ngoài mà cổ nhân bảo: “tướng tự tâm sinh”.

Người Phật tử không đấu tranh theo kiểu thế gian, vì “giải quyết mâu thuẩn này thì mâu thuẩn khác phát sanh”suốt đời bị ngoại cảnh chi phối, cả cuộc sống đấu tranh không ngừng nghỉ để được gì, nếu không chuốc thêm phiền não?

Có người sẽ nghĩ như thế là thụ động, xã hội không phát triển, quên rằng chúng ta không trốn chạy hoàn cảnh, trực diện với mọi việc nhưng không bị “thuận-nghịch” chi phối, ngược lại hành giả chi phối lại thuận duyên, nghịch cảnh để “thỏng tay vào chợ”, nhập pháp giới mà không còn thấy pháp giới nào để nhập, thì làm gì bị chi phối phiền não khổ đau! Làm gì trốn chạy, vô cảm đối với nhân sinh xã hội.

MINH MẪN                                                                                                           22/5/2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét