Cảm ơn cô Hoài Tố Hạnh,nhà thơ, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ không biết gì về nhạc lý, đã lên tiếng với một viên chức trong Ban Tôn giáo chính phủ, yêu cầu cứu xét giúp đỡ cho một người của Phật giáo không hề có một mãnh giấy lận lưng. Ba lần cô ta nhắc nhở mà không sợ người ta phiền lòng; cuối cùng họ cũng phải bộc toạc: - tôi biết rồi, tôi đã nói bên công an mà họ không thực hiện cũng chịu thôi.
Đôi lúc một việc tưởng chừng dễ nhưng lại khó.Muốn
chui đầu vào để nhà nước quản lý, thế nhưng, mình vẫn là con bạch tuột, con
lươn đồng nhởn nhơ trên ruộng hoang!
Đánh liều, một lần nữa ra công an huyện hỏi xin làm
căn cước công dân, họ trả lời, đem hộ khẩu đến/ dạ không có / sao lại không?
Lâu nay anh ở đâu?/ dạ Hốc Môn/ ở đó bao lâu rồi? / dạ trên 30 năm từ ngày ra
khỏi trại giam/ sao anh không làm hộ khẩu hay tạm trú? / dạ cũng muốn, nhưng về
địa phương họ không xác nhận vì không biết mình là ai. Năm 1975 đã bị bắt,
sau hơn 10 năm giam giữ, bao nhiêu cán bộ địa phương đổi thay, không có gì chứng
minh là người từng ở Nhà Bè, do đó họ không xác minh nguồn gốc tại đó / Thế giấy
tờ như sổ gia đình, căn cước trước 1975? / dạ không có/ sao lại thế, anh có đùa
không? / dạ đùa làm gì khi đến xin được mãnh giấy xác nhận quyền công dân để
khi chết còn làm khai tử./ anh qua phòng chứng thư hộ tịch hướng dẫn kê khai./Dạ.
Thêm một bế tắt, biết đâu kiên nhẫn đưa đến vinh
quang được làm một công dân nước Cọng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quang vinh
muôn năm! Thưa cán bộ, xin hướng dẫn thủ tục để làm hộ khẩu. Một cán bộ trẻ ăn nói nhã nhặn ngước nhìn người đối diện
như kẻ xa lạ từ cảnh giới khác. Anh ở đâu mà giờ xin làm hộ khẩu ?/ dạ tại Thị
trấn Hốc Môn / Thế sao cán bộ chúng tôi không hề biết, có gia đình vợ con ? dạ
vẫn bình thường như bao gia đình bình thường. /tại sao không khai báo tạm trú để
làm hộ khẩu? / dạ không có hộ khẩu sao khai tạm trú được! / anh đã trình bày
nguyên nhân cho cán bộ làm căn cước chưa? /dạ trình bày cặn kẽ không thể cặn kẽ
hơn./ anh có giấy kết hôn không? / dạ không có hộ khẩu làm gì có giấy kết hôn/
thế anh có giấy tờ gì? Dạ Hộ chiếu / anh cán bộ săm soi, nhìn hình trong hộ chiếu
rồi nhìn người như xác minh không phải hộ chiếu giả, lẫm nhẫm – kể cũng lạ,
chưa từng thấy ai từ ngày làm cán bộ kiểm kê hộ tịch, không có hộ khẩu sao lại
có hộ chiếu.trong hộ chiếu anh đi Mỹ nhiều lần để làm gì? / dạ, một lần tham dự
Pháp hội của đức Đạt Lai Lạt Ma do Ban tổ chức mời, một lần qua dự lễ tốt nghiệp
của con./ con anh làm gì bên đó? / Dạ kỷ sư không gian. Đây là trường hợp duy nhất trong số trăm triệu
dân tôi chưa từng gặp; người cán bộ chống hai tay ôm mặt nhìn vào hộ chiếu, lẩm
nhẩm thế này là thế nào nhỉ! Rồi ngước lên nhìn – nguyên quán anh ở đâu? / dạ
nguyên quán Quảng Nam, quảng Nam và Thừa Thiên Huế đều là sinh quán./ Thế là thế
nào?/ dạ tôi cũng chả hiểu thế nào./ anh đừng đùa nơi cơ quan làm việc/ dạ đâu
dám, thời chiến chống Pháp, cha mẹ sanh ra trong rừng, gửi tôi về Quảng Nam quê cha và Huế quê mẹ luân phiên nuôi dưỡng,
làm sao tôi biết nơi sinh tôi là đâu./ khó thật, rắc rối thế làm sao chúng tôi
có cơ sở để giải quyết hộ tịch cho anh. Thôi anh về, làm theo hướng dẫn của
tôi, về địa phương cũ xác minh, lên đây xin cấp tạm trú, khai sinh của con có
tên anh là cha…
Vâng, thủ tục là thế, không thể vượt khỏi thủ tục
như con tằm bị chiếc kén bao bọc. Thủ tục hành chánh là cách quản lý xã hội chặt
chẻ đi vào nề nếp, đôi khi trở thành những chướng ngại phát sinh ngoài ý muốn.
Cuộc sống bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra, nếu khư khư cố chấp là tự làm khó
mình; linh động thông thoáng thì mọi việc tiến triển tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn.
Sau năm 1996, việc đổi mới đã giúp xã hội càng phát triển, người dân cảm thấy
nhẹ nhàng hơn. Nếu 1975 như bây giờ chắc chắn không ai bỏ nước ra đi, ngược lai
giờ đây nhiều người muốn trở về quê hương sinh sống, nhất là những bất an thời
đại Covid 19. Mọi sự cũng phải thay đổi theo thời gian để thích nghi trình độ
dân trí. Các nước tiên tiến không dùng hộ khẩu mà vẫn kiểm soát an ninh xã hội
rất tốt. Đất nước ta đang tiến dần đến căn cước gắn chip hủy bỏ hộ khẩu, nhưng
người không hộ khẩu để được làm căn cước lại là một ách tắc của “hậu khổ”.
Ngẫm thân phận không hiểu từ đâu sinh ra, cha mẹ có
cũng như không, có nhà của cũng là kẻ ở trọ, có vợ con mỗi người mỗi nẽo, con
như thế mà cha là người sống ngoài vòng luật pháp,tay cầm bút cứ như người từng
ăn học, bạn bè tứ xứ mà vẫn cô đơn, không tiền của mà vẫn ngao du khắp chốn…cuộc
đời luôn tồn tại hai mặt tương phản, chưa bao giờ bị buộc ràng mà vẫn tồn tại với
cuộc sống đa phương.
Ôi thế gian là chốn tạm vì thế phải tạm chấp nhận những
rắc rối của thế gian. Đôi khi tự hỏi như một công án – mình là ai, từ đâu tới,
tới để lưu vong như kẻ sống thừa. Không gốc gác mà vẫn mang họ bách Việt.
Nền trời chiều đang vẽ áng mây trôi!
MINH MẪN 05/5/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét