* NHỮNG NẺO
ĐƯỜNG TÂM LINH
Tâm linh là sự khát khao của những tâm hồn hướng
thượng, vật dục là sự thèm khát của
những ai thích thụ hưởng cảm thọ vật thể.
Những dân tộc có nền văn hóa sâu đậm, thâm thúy, cho
dù dân tộc đó già cổi hay non trẻ, cũng đều có chiều kích tâm linh đáng kính.
Tùy trình độ của mỗi dân tộc, tùy căn cơ của tầng lớp tín ngưỡng mà có những
tầng bậc tâm linh cao thấp khác nhau. Tâm linh là cách nói chung về đức tin phi
vật thể, vì thế, tín ngưỡng tâm linh cũng có hai dạng: Tà tín và chánh đạo!
Tà tín là sự khao khát những nhu cầu tín ngưỡng tầm
thường liên quan đến vật thể và những nhu cầu lợi dưỡng trong đời sống vật thể,
vì thế đưa đến mong cầu, khấn nguyện.
Chánh đạo là con đường hướng đến thoát ly mọi ràng
buộc phiền não, vì thế, vô cầu, vô chứng, vô đắc. Chánh đạo cũng có nhiều nẻo
đi tùy theo căn cơ của tín giả. Như những nấc bậc của cây thang, tuy thấp cao
có khác, nhưng tựu chung vẫn hướng đến đỉnh như nhau.
Ấn Độ là một trong những nước có chiều kích tâm linh
sâu đậm. Trước Ấn giáo, Bà La Môn giáo cũng đã có vô số học thuyết triết lý về
nhân sinh vũ trụ, những triết luận như thế không phải để phục vụ lòng khao khát
về những vấn nạn của khoa học mà là chìa khóa áp dụng vào cuộc sống tâm linh.
Trước những triết luận siêu hình, các minh sư Thánh triết giúp cho hành giả tín
chúng thực hành hiện thực hơn là giải đáp viễn vông rơi vào nhị đế, kiến chấp
nhị biên.
Ví dụ kinh "Thanh Tịnh" trong Trường A Hàm,
thuật lại câu chuyện của một thầy Sa Di đến thỉnh Phật về những đúng sai trong
cộng đồng tu sĩ thuộc giáo đoàn ngoại giáo, khi mà vị thầy Bổn Sư của họ qua
đời:
"Một thời,
Phật ở tại nước Ca-duy-la-vệ, trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miến-kỳ, cùng với
chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.
Bấy giờ, có Sa-
di Châu-na, ở tại nước Ba-ba, sau an cư mùa hạ, cầm y bát, đi lần đến nước
Ca-duy-la-vệ, trong vườn Miến-kỳ; đến chỗ A-nan, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng
sang một bên, bạch A-nan rằng:
“Có Ni-kiền Tử
trong thành Ba-ba, chết chưa bao lâu, mà các đệ tử của ông đã chia làm hai phe.
Họ tranh chấp nhau, trực diện mắng chửi nhau, không còn phân biệt trên dưới;
tìm tòi khuyết điểm của nhau, ganh đua kiến thức với nhau rằng: Ta có thể biết
điều này; ngươi không thể biết điều này. Hành động của ta chân chính, còn ngươi
là tà kiến. Ngươi đặt cái trước ra sau; để cái sau ra trước; điên đảo, thác
loạn, không có phép tắc. Những điều ta làm thật là vi diệu. Những điều ngươi
nói thì sai lầm. Ngươi có điều gì nghi ngờ, cứ hỏi ta. Bạch Đại đức A-nan, bấy
giờ, những người thờ Ni-kiền Tử trong nước này nghe những tranh tụng như vậy
sinh lòng chán ghét”.
A-nan nói với Sa-di Châu-na:
“Ta có điều muốn bạch Thế Tôn. Ngươi hãy đi với ta, trình bày Thế Tôn về sự
việc này. Nếu Thế Tôn có răn dạy điều gì, chúng ta hãy cùng phụng hành”.
Rồi thì, Sa-di Châu-na sau khi nghe A-nan nói bèn cùng đi theo đến chỗ Thế
Tôn. Sau khi cúi lạy dưới chân Thế Tôn, bèn đứng sang một bên. Lúc bấy giờ,
A-nan bạch Thế Tôn rằng:
“Sa-di Châu-na này, sau an cư mùa hạ ở nước Ba-ba, cầm y bát, đi lần đến
đây. Sau khi đảnh lễ dưới chân con, nói với con rằng: Có Ni-kiền Tử trong thành
Ba-ba, chết chưa bao lâu, mà các đệ tử của ông đã chia làm hai phe. Họ tranh
chấp nhau, trực diện mắng chửi nhau, không còn phân biệt trên dưới; tìm tòi
khuyết điểm của nhau, ganh đua kiến thức với nhau rằng: Ta có thể biết điều
này; ngươi không thể biết điều này. Hành động của ta chân chính, còn ngươi là
tà kiến. Ngươi đặt cái trước ra sau; để cái sau ra trước; điên đảo, thác loạn,
không có phép tắc. Những điều ta làm thật là vi diệu. Những điều ngươi nói thì
sai lầm. Ngươi có điều gì nghi ngờ, cứ hỏi ta. Bấy giờ, những người thờ Ni-kiền
Tử trong nước này nghe những tranh tụng như vậy sinh lòng chán ghét.”
Thế Tôn nói với Châu-na: “Trong số các đệ tử của vị ấy có người không thuận
theo pháp ấy, dứt bỏ tà kiến ấy, đi theo chánh kiến. Châu-na, nếu có người đến
nói với các đệ tử ấy rằng: Này chư Hiền, pháp của thầy ông là chân chánh, nên
tu hành trong pháp ấy, sao lại bỏ đi? Nếu người đệ tử này mà tin lời ấy, thì cả
hai đều thất đạo, mắc tội vô lượng. Vì sao vậy? Kia tuy có pháp, nhưng không
chân chánh.
“Châu-na, nếu thầy không tà kiến và pháp ấy chân chánh, có thể khéo léo
nghe theo, có khả năng xuất yếu, là pháp được nói bởi Đấng Chánh Biến Tri. Cũng
như ngôi tháp mới có thể dễ dàng bôi màu. Nhưng nếu các đệ tử, ở trong pháp ấy,
không tinh cần tu tập, không thể thành tựu, bỏ con đường bình đẳng, đi vào tà
kiến. Nếu có người đến nói với các đệ tử ấy rằng: Này chư Hiền, pháp của thầy
các người là chân chánh, nên ở trong đó mà tu hành, sao lại bỏ đi mà đi vào tà
kiến? Các đệ tử ấy nếu tin lời ấy, thì cả hai đều thấy chân chánh, được phước
vô lượng. Vì sao vậy? Vì Pháp ấy chân chánh”.”
Phật bảo Châu-na:
“Kia tuy có thầy, nhưng ôm giữ tà kiến. Tuy cũng có pháp, nhưng thảy đều
không chân chánh, không có khả năng xuất yếu, không phải là pháp được thuyết
bởi Đấng Chánh Biến Tri. Cũng như ngôi tháp đổ nát không thể bôi màu. Các đệ tử
kia thành tựu pháp và tùy pháp, tùy thuận theo mà tu hành, nhưng lại khởi tà
kiến. Châu-na, nếu có người đến nói đệ tử ấy rằng: Pháp của thầy ngươi là chân
chánh. Điều ngươi làm là đúng. Nay ngươi tu hành cần khổ như vậy, có thể ở
trong đời này ngươi sẽ thành tựu đạo quả. Các đệ tử kia tin lời ấy, thì cả hai
đều thất đạo, mắc tội vô lượng. Vì sao vậy? Vì pháp không chân chánh vậy.
“Này Châu-na, nếu bậc thầy không tà kiến; Pháp của vị ấy chân chánh, có thể
khéo léo nghe theo, có khả năng xuất ly, là pháp được thuyết bởi Đấng Chánh
Biến Tri. Cũng như ngôi tháp mới thì dễ bôi màu. Nay đệ tử của vị ấy thành tựu
pháp và tùy pháp, tùy thuận tu hành mà sanh chánh kiến. Nếu có người đến nói
với các đệ tử ấy rằng: Pháp của thầy ngươi là chân chánh. Sở hành của ngươi là
đúng. Nay cần khổ tu hành như vậy, có thể ở trong đời này mà thành tựu đạo quả.
Các đệ tử kia tin lời ấy, cả hai đều chánh kiến, được phước vô lượng. Vì sao
vậy? Vì pháp ấy chân chánh...."
Như vậy, dưới nhãn quan của Phật giáo, chánh pháp
là pháp môn được truyền thừa từ bậc Chánh Biến Tri; Một bậc thầy chân chánh, một
pháp môn chân chánh, sẽ giúp hành giả tu tập chân chánh tiền đến giải thoát
thật sự.
76 luận thuyết ngoại giáo đương thời, ai cũng tự
nhận pháp mình là chân chánh, đức Bổn sư chúng ta đã trải qua nhiều pháp khổ
hạnh, đều đắc pháp của những vị thầy đó, nhưng với tuệ giác của Ngài, các pháp
đó chưa đủ công năng giúp cho hành giả giải thoát thật sự, mới chỉ là sơ khởi
của sự chối bỏ cảm thọ, thậm chí, có pháp rơi vào cực đoan vi tế ngã.
Một pháp hành, cho dù tín giả đắc pháp mà còn
vướng vi tế ngã, cũng sẽ lạc vào một trong 50 ngũ ấm ma của kinh Lăng Nghiêm
giải bày. Với sự khao khát tột đỉnh, nhiều hành giả như vớ được phao cứu sinh
khi gặp bất cứ pháp môn nào, nhất là những pháp dễ đưa đến thể nghiệm linh ảnh.
Bất cứ pháp môn chân chánh nào, hành giả miên mật, thể nhập vào đại trí Như
Lai, cũng đều trải qua những thể nghiệm tâm linh. Những linh ảnh phát xuất từ
hai trường hợp: Một, là do tưởng thức tiềm phục ngấm ngầm trổi dậy khi Mạt Na
tạm lắng trong Hàm Tàng Thức. Linh ảnh bấy giờ là chiếc bóng phản chiếu từ đáy
của Alaiya thức. Hai, là hiện thể chân tâm của tuệ giác từ một hành giả chứng
đắc. Chỉ có bậc thoát ly vi tế ngã thì linh ảnh mới thật sự là cái thấu suốt
chân thật; bằng không, chỉ là ảo giác đánh lừa đưa hành giả vào tà kiến mê
trận.
Một pháp môn chân chánh đều giúp hành giả phát
triển lòng từ, trí tuệ vô sư và tâm an lạc vô biên, nhưng đó chưa phải là đích
tối hậu mà chỉ là tín hiệu xác định hướng đi đúng để hành giả tiếp tục lộ trình
miên mật. Hành giả tự mãn với những tín hiệu như thế là tự mình dậm chân tại
chỗ, sơ suất sẽ lạc vào thọ lạc vi tế.
Nẻo về tâm linh có vạn lối đi cũng vạn lối lệch
lạc, ngay cả Thiền Vipassana, một pháp nội quán lâu đời của Phật giáo do đức
Phật truyền dạy, nhưng có một vài cá nhân tự tu một cách tinh cần, khi ánh sáng
tuệ giác sơ khởi lóe hiện giúp cho hành giả thấy được tiền kiếp hay biết được
tâm niệm của đối tượng, hành giả liền chấp vào sự ngộ chứng. Phương pháp thiền
Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự
cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một
tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ
truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ
như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn
giáo hay tông phái. Hoặc an trú chánh niệm, nhìn cái hoa đã thấy đủ các yếu tố
tạo thành cái hoa như ánh sáng, gió, nước... là một sự thật, nhưng cũng có tâm
ý hành giả bị vọng niệm lạc dẫn lan man sang nhiều yếu tố khác như cuộc rong
chơi an lạc với tâm hồn thanh thản.
Chủ đích là sự giải thoát mọi vướng bận cảm thọ,
mong cầu, dùng tuệ tri hành pháp, tùy mỗi pháp hành ngắn dài, đơn giản hay phức
tạp (mục đích cột cái vọng tưởng lan man) hành giả phải được hướng dẫn và kiểm
soát chặt chẽ bởi một vị thầy đạt đạo hay một bậc minh sư nếu không là bậc
Chánh Biến Tri.
Căn cơ chúng sanh vô cùng thì pháp môn cũng vô
lượng. Hành giả đi trên lộ trình tâm linh luôn cảnh giác chính mình qua những
người bạn ấm ma đồng hành cùng chúng ta từ vô thủy.
MINH MẪN
13/3/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét