Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

TỐNG BIỆT HÀNH

Tam Binh sưu tầm


Một bước đường thôi nhưng núi cao 
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
 
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
 
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi 
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
 
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
 
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trông bóng ma 
Tàn thu khói mộng trắng ngân hà
 
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
 

Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa


Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt liều tranh
Ta so phấn nhuỵ trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
Tuệ Sỹ
Ảnh : Thầy Tuệ Sỹ


Hãy bao dung nếu bố mẹ già đi


Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vun vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!
Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.
Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.
Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.
Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều… từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!
Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!… vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.
Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.
Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!… và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ “sinh tồn”.
Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.
Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…
Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.
Thương con thật nhiều…
Bố mẹ…
Pierre Antoine (Việt Kiều Pháp)

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

“ANH VỀ MÀ XEM.......Ừ, MẸ ANH PHIỀN THẬT..!”


  

(Nhân mùa VU LAN 2013)

- Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.
- Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.

Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế, ở bên kia cô nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó vào mình.

- Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. Cô vò đầu trong 1 trạng thái vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.

- Em vào đây – Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống 1 chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười.

- Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.

Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy ra 1 tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.

- Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra, Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi vậy mà mẹ vẫn cố cãi ” Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh”, mẹ anh phiền thật đó.

Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bỗng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua 1 bên, lấy 1 tấm khác cho cô xem.

- Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh bú sữa mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi, ở đó mà dưỡng sức, nhưng 1, 2 cứ khư khư giữ anh vào lòng ” Không, con con nhẹ cân, phải bú sữa mẹ mới tốt”. Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.

Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, 2 bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé.

Cô nhìn anh không nói gì cả.

- Còn nữa đây này – Anh lại lôi ra 1 tấm khác nhìn vào đó.

- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn 1 năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe ” Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó “. Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ?

Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.

- Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ là nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc ” Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin”, mẹ phiền quá đi mẹ à, anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.
- Đây nữa, đây nữa này – Anh lôi ra nguyên 1 xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi, đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, ” mẹ anh phiền nhỉ “?

Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm 1 tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, 1 tấm hình rất đẹp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng…
 - Em có thấy không? Tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ ? Còn áo quần nữa này, cũ mèm…
Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh. - Năm anh 15 tuổi, ba bỏ mẹ con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học…Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn 1 chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…
Giọng anh lạc hẳn – Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được 1 tí thôi, vậy đó…Em thấy mẹ anh khỏe không?
 ” Tách”, 1 giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, 1 bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.

- Anh à – Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.

- Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ. Khi 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên 1 thân thể rất quen…mẹ anh đó.
Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.
 - Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé.

- ”Anh“, cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, ”em xin lỗi“,
Anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.

” Choang “- Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.

- Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng…Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.
- Mẹ à – Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ – Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ:
Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?”


Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

* XIN GÓP Ý VỀ THẮC MẮC



Hổng biết sau khi đọc ý kiến của các chức sắc cao cấp của PG về vụ "ni cô thay áo nâu sồng mặc quân phục", GS.TS Trần Chung Ngọc nghĩ gì khi viết những dòng dưới đây bác MM nhỉ?
Xin trích:
Đạo Phật đi vào cuộc đời, tôi thấy chuyện các Ni Cô mặc quân phục hay áo tứ thân để trình diễn văn nghệ chẳng có gì đến nỗi làm cho dư luận ồn ào như BBC đưa tin, hay ‘phản cảm’ và ‘báng bổ Phật giáo’ như có người, vì thiếu hiểu biết về Phật Giáo, nên phê phán như vậy. 
Tất cả những nhận định tiêu cực về chuyện này mà BBC tiếng Việt đưa lên đều phản ánh những tình cảm vô trí của một số người thiếu hiểu biết. Họ hiểu biết rất hời hợt về Phật Giáo, chỉ nhìn thấy bề ngoài, không nắm được ý nghĩa đàng sau những màn trình diễn văn nghệ, không ý thức được triết lý Nhị Đế của Phật Giáo, họ cho rằng Phật giáo phải như thế này, thế nọ, theo quan điểm hẹp hòi của họ..  Đạo đức tôn giáo đâu có nằm trên mấy bộ quần áo. Tây phương cũng có câu “Bộ áo không làm nên thầy tu” (L’habit ne fait pas le moine), thầy tu đây là thầy tu Ca-tô. Cho nên, đừng có vội vàng đánh giá dựa trên bề ngoài.

Phật Giáo không nên thắc mắc và cảm thấy khó chịu trước những lời chỉ trích vô trí về cuộc trình diễn văn nghệ của các Ni Cô, và các Ni cô nên cảm thấy mình đã có vinh dự được đóng góp nghệ thuật trong những màn trình diễn có nhiều ý nghĩa về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Mong rằng Thượng tọa Thích Huệ Minh, phó Ban trị sự Phật giáo huyện Bình Chánh, hãy dũng cảm là theo lời nhận định của mình về những màn trình diễn văn nghệ:  ‘mô hình thật hay.. .cần phải mở rộng trong mùa An cư kiết hạ những năm sau’.
Và cũng mong rằng Ni trưởng Thích Nữ Huệ Ngọc, viện chủ Chùa Pháp Hải, sẽ tiếp tục ‘vô cùng hoan hỷ’ về ngày ‘Ngày hội nữ tu’ này, cũng như về những “Ngày hội nữ tu” trong tương lai, và bỏ đi sự phiền lòng trước những dư luận ngu si vô trí.si

Xin góp ý thắc mắc trên:vô trí..
Chuyện trên đây tạm lắng, nhưng khi các chức sắc GH nhận xét và đánh giá sai về phong cách tu sĩ cũng như sắc phục trên sân khấu của các tu sĩ, các ngài y cứ vào giới luật cũng như oai nghi của một vị xuất gia.

Hầu hết 99% nhận xét của quần chúng và các chức sắc Phật giáo đều bị Trần Chung Ngọc xem là: Họ hiểu biết rất hời hợt về Phật Giáo, chỉ nhìn thấy bề ngoài, không nắm được ý nghĩa đàng sau những màn trình diễn văn nghệ, không ý thức được triết lý Nhị Đế của Phật Giáo, họ cho rằng Phật giáo phải như thế này, thế nọ, theo quan điểm hẹp hòi của họ… Đạo đức tôn giáo đâu có nằm trên mấy bộ quần áo.  Tây phương cũng có câu “Bộ áo không làm nên thầy tu” (L’habit ne fait pas le moine), thầy tu đây là thầy tu Ca-tô.  Cho nên, đừng có vội vàng đánh giá dựa trên bề ngoài.”

Có nghĩa là chỉ có một mình TCN nhận xét việc làm của chư ni đúng và tinh thần Nhị Đế của PG phải là như vậy; cũng có nghĩa giới luật nhà Phật không ăn khớp với tính "nhị đế" của TCN!!!???

Qua sự kiện giải trình của HLHPN Bình Chánh, các chức sắc GH PG Bình Chánh, tất cả diễn ra ngoài dự tính mà không có sự kiểm soát.
Đây là bài học kinh nghiệm, không ai trách ai nữa, mà trách nhiệm của ni giới trường hạ và BTS PG Bình Chánh cần rút kinh nghiệm cho những sự việc khác sau này.

Chiếc áo không làm nên thầy tu như TCN, thì thầy tu cũng chẳng cần chiếc áo làm gì. Áo tứ thân, áo lính... miễn áo nào thích thì cứ mặc, đó là tính "nhị đế" của TCN. Chiếc áo đã không cần thiết thì hành động cũng đâu cần? Thích gì cứ làm đó.

Trong quá trình chống ngoại xâm, các Tu sĩ Phật giáo rất cân nhắc khi thay đổi màu áo và chọn nghiệp vụ đúng chức năng trong quân đội để thể hiện tinh thần trách nhiệm trước tiền đồ tổ quốc, chẳng lẽ trong thời bình lại thể hiện hành động thiếu cân nhắc sao? Tùy tiện như thế là đúng tinh thần "nhị đế"?

TCN: Mong rằng Thượng tọa Thích Huệ Minh, phó Ban trị sự Phật giáo huyện Bình Chánh, hãy dũng cảm là theo lời nhận định của mình về những màn trình diễn văn nghệ:  ‘mô hình thật hay... cần phải mở rộng trong mùa An cư kiết hạ những năm sau’.

Và cũng mong rằng Ni trưởng Thích Nữ Huệ Ngọc, viện chủ Chùa Pháp Hải, sẽ tiếp tục  ‘vô cùng hoan hỷ’ về ngày ‘Ngày hội nữ tu’ này, cũng như về những “Ngày hội nữ tu” trong tương lai, và bỏ đi sự phiền lòng trước những dư luận ngu si vô trí..

Thế thì lời nhận xét của HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM: “Việc các sư cô hóa trang lên sân khấu múa hát là sai”




Và Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, phụ trách Tiểu ban Thông tin-Truyền thông: “Các sư cô mặc đồ đời biểu diễn văn nghệ là hình ảnh phản cảm”




đều là những dư luận ngu si theo TCN???

MINH MẪN
28/8/2013



Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

* CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU 2557



Năm nay, tinh thần Vu Lan có vẻ sâu đậm hơn, phấn khởi hơn. Từ Nam đến Bắc, hầu hết, suốt tháng bảy, các chùa đều đông đảo quần chúng đến lễ bái, bất kể nắng mưa! Và đa phần các chùa đều tổ chức mừng Vu Lan, phát quà cho người nghèo, chẩn thí cho khiếm thị, đãi ăn cho bá tánh… Có nơi còn làm chương trình văn nghệ cài hoa để tưởng nhớ công ơn cha mẹ.

Năm nay, tại Bình Dương, Hội Từ Thiện Thiện Hòa do anh Trần Thanh Liêm kết hợp với Trung Tâm dịch vụ Khách Hàng KCN Mỹ Phước tổ chức: "LỄ HỘI VĂN HÓA ẨM THỰC CHAY" trong mùa Vu Lan Báo Hiếu.

Hội Từ Thiện Thiện Hòa đã xây dựng bếp ăn Từ Thiện trong bệnh viện Thuận An, Bình Dương giúp cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, đỡ một phần chi phí ẩm thực. Cung cấp thức ăn và nước nóng liên tục trong ngày.

Với khuynh hướng mở rộng mạng lưới "trai tịnh", hiện nay trong các thành phố lớn, chùa, quần chúng, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và một số mạnh thường quân giúp người dân tránh bệnh tật từ những độc hại của thực phẩm xuất phát từ chăn nuôi tăng trọng; đã mạnh dạn đứng ra tổ chức các quán chay mà một phần cơm đủ no với giá tiền chưa đủ chi phí mặt bằng thuê mướn. Đó là những tấm lòng vàng vị tha trong một xã hội kinh tế khó khăn hiện nay.

Trong khu đô thị mới Bình Dương, ngày 01/9/2013 (26/7/ ÂL) nhằm Chủ Nhật, sẽ diễn ra "Lễ Hội Văn Hóa Ẩm Thực Chay", trên 100 món thiết đãi miễn phí hoàn toàn cho 2.500 thực khách, tại Phố Thương Mại Hòa Lợi, đường Lê Lợi, P. Hòa Phú, TP. TDM Bình Dương. Chương trình có tiết mục múa "Thiên Thủ Thiên Nhãn", kết hợp với các mục ca cổ nhạc.

Để chào mừng lễ hội, mở đầu chương trình là buổi nói chuyện của sư cô THÍCH NỮ HƯƠNG NHŨ về: "Ý nghĩa Vu Lan Báo hiếu và lợi ích của việc ăn chay", lúc 16g10 đến 17g cùng ngày.

Sau đây là chương trình chính thức đính kèm.
                                                                                          MINH MẪN
                                                                                              25/8/2013


THƯ NGÕ
(V/v: Tài trợ chương trình LỄ HỘI VĂN HÓA ẨM THỰC CHAY TRONG MÙA VU LAN BÁO HIẾU)
                       
                        Kính gởi: Các công ty thực phẩm chay, nhà hàng chay, quán ăn chay, công ty bánh kẹo, nước giải khát, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm

                       
           Theo truyền thống Phật giáo, hằng năm vào tháng 07 Âm Lịch những người con Phật long trọng tổ chức" Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu". Đó là ngày thiêng liêng nhất của người con Phật hướng về công đức sanh thành dưỡng dục của các bậc tiền nhân hiện còn cũng như đã khuất.

           Nhằm nhắc nhở lòng tri ân của con cháu đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ Cha, Hi T Thin Thiện Hòa, Trung tâm dịch vụ khách hàng KCN Mỹ Phước phối hợp cùng Giáo hi Pht Giáo tnh Bình Dương sự tham dự của các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chc chương trình ẩm thực chay nhằm giới thiệu đến công chúng sự phong phú của các món chay cũng như lợi ích của việc ăn chay đối với sức khỏe và thiên nhiên với chủ đề “LỄ HỘI VĂN HÓA ẨM THỰC CHAY TRONG MÙA VU LAN BÁO HIẾU” vào lúc 15h30 – 20h00 ngày 01/9/2013 (nhằm 26/7 năm Quý Tỵ) tại Phố Thương Mại Hoà Lợi, đường Lê Lợi, p. Hoà Phú, thành phố Thủ Dầu Một

           Ngày hội có sự tham gia của hơn 60 đơn vị chuyên cung cấp thức ăn chay ở nhiều địa phương trong cả nước được trưng bày bắt mắt, có thể coi như "đại tiệc buffet chay" phục vụ miễn phí trên 100 món chay được chế biến theo kiểu cổ truyền lẫn hiện đại dành cho hơn 2500 thực khách. Ngày hội cũng diễn ra nhiều hoạt động: Hội thi sắc màu ẩm thực chay, Đêm văn nghệ tri ân các bậc sinh thành”. Đặc biệt là buổi nói chuyện chuyên đề "Ý nghĩa Lễ Vu lan báo hiếu và lợi ích của việc ăn chay" với sự tham gia của Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ Tiến sĩ Phật học. Giảng sư Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN - Giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trụ trì chùa Thiên Quang – BD.
          
           Ban tổ chức cần sự hỗ trợ của quí công ty, quí nhà hảo tâm giúp chúng tôi, mỗi đơn vị 1 gian hàng giới thiệu sản phẩm của mình. Hình ảnh và thương hiệu của quí vị làm cho buổi lễ tăng thêm phần long trọng.

           Rất mong nhận được sự hỗ trợ của công ty.
                       Mọi sự ủng hộ, vui lòng liên hệ:
                       TỪ THIỆN THIỆN HÒA
                       Bếp ăn tình thương bệnh viện Thuận An
                       Vui lòng liên hệ: 0932.025.025 (Mr Liêm)
                                       Email: tuthienthienhoa@gmail.com  
           

           Trân trọng!
                                                                                                             BAN TỔ CHỨC


                                                                                               

                                                                                                        Từ Thiện Thiện Hòa

                                                                                                Bếp ăn tình thương BV Thuận An

* CHÁNH GIÁO VÀ TÀ GIÁO


Đã có quá nhiều bài trên các trang mạng nói đến chánh giáo và tà giáo.
Đứng góc độ nào để phân biệt chánh và tà?

Trước khi đi vào vấn đề, cần có một điểm chung khi tham gia vào vấn đề phân tích. Nếu cứ mạnh ai nấy bảo lưu ý riêng, không đồng nhất điểm chung thì việc Chánh Tà chỉ là tiếng sét của vịt nghe sấm. Vậy vấn đề đầu tiên của những người đứng trong giáo lý nhà Phật mà nhận xét, tất cả những giáo lý trong và ngoài Phật giáo y cứ trên kinh tạng nhà Phật đó là Tam Pháp Ấn (VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ và NIẾT BÀN) và trên pháp hành: GIỚI (SILA), ĐỊNH (SAMADHI) và TUỆ (PANNA). Những giáo lý không đủ yếu tố trên, được coi là tà giáo, ngoại đạo.

Nhưng như thế vẫn chưa được xem là chuẩn. Những thế kỷ mà giữa Nam truyền và Bắc truyền chưa được giao lưu văn hóa của nhau, giáo lý "Nguyên Thủy" xem giáo lý "Phát Triển" là ngoại đạo. Thiền xem Tịnh là Bà La Môn giáo. Tịnh xem Mật của Kim Cang Thừa là tà đạo... mãi đến khi hành trạng được xóa nhòa ranh giới, mỗi tông môn thể hiện cách hành chứng của mình, mới đủ minh chứng tinh thần giải thoát của nhà Phật. Nghĩa là những phương tiện hành trì, do căn cơ khác nhau, chư tổ lập môn khác nhau, do tướng dị biệt, đã tạo một nhận xét bên kia giới tuyến hiểu lầm nhau.

Ví dụ Kim Cang Thừa, so với Thiền, lễ nghi và hành trạng quá ư phức tạp, để rồi, đứng trên tinh thần Kinh Kim Cang: "Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai", xem lối hành lễ của Mật là âm thanh sắc tướng, vội phủ nhận tính căn bản của tông phong Mật thừa. Có đi sâu vào Kim Cang Thừa mới thấy được tính uyên thâm đi từ sự đến lý, đi từ tướng vào tánh để rồi Tánh Tướng viên dung. Vũ Trụ Tướng được thể hiện qua Ngũ Phương Bát Thức, nhập vào Tỳ Lô Giá Na Tạng. Hành giả hành trì miên mật qua các công đoạn được tẩy rửa nghiệp thức để khai phát tuệ giác.

Cũng thế, theo tinh thần tự giác, Phật giáo phủ nhận một Thần Tượng, một tha lực làm cho hành giả ỷ lại; với tính chuyên cần của một hành giả, giáo lý nhà Phật luôn khích lệ sự nổ lực cá nhân, khác hẳn các tôn giáo Thần quyền. Do vậy, Tịnh tông bị nhìn dưới cái hiểu là Thần giáo, ỷ lại và van xin một đấng giáo chủ. Do tính câu chấp chưa tìm hiểu thấu đáo mà sự ngộ nhận chia rẽ các tông phái phát sinh. Với Tín-Hạnh-Nguyện, Phước Huệ song tu của Tịnh Tông thì không thể bảo là Bà La Môn giáo, vì nó đòi hỏi hành giả nổ lực, tinh cần hơn là van xin ỷ lại.

Nhìn hành tướng đánh giá dễ sai lệch, nhưng mấy ai, do tính bảo thủ pháp hành của mình, không chịu tìm hiểu thấu đáo bổn môn của Tông phong khác trong cùng một tín ngưỡng!

Rõ ràng, Thiền Tịnh Mật đều có đủ những yếu tố của Tam Pháp Ấn và Tam Vô Lậu Học, nhưng hành tướng có sự dị biệt đến độ tương phản nhau.

Chánh và Tà trong cùng một tín ngưỡng: Nếu y cứ Tam Pháp Ấn hoặc Tam Vô Lậu học để xác định là Chánh - Tà cũng chưa đủ. Ví dụ, kẻ tà tâm dùng kinh điển giáo lý nhà Phật để mưu lợi, lừa đảo… thì kinh điển được kẻ tà tâm sử dụng như thế không thể bảo là Chánh: Tà nhơn hành chánh pháp, chánh pháp thị tà Pháp!

Vì vậy, ngoài cốt tủy của tinh thần giáo lý, còn tùy phương tiện sử dụng và mục đích sử dụng. Ngày nay, Tàu và Việt Nam, phần lớn dùng kinh điển nhà Phật đi xa mục đích giải thoát, và hình tướng tu sĩ cũng bị một số lợi dụng làm hoen ố, đánh mất phẩm giá cao đẹp của hình tướng Như Lai. Thế thì, Chánh và Tà còn phải đứng ở một góc độ khác tinh tế hơn để thẩm định.

Một tu sĩ chân chánh, vì phương tiện độ kẻ sơ cơ, dùng ngoại pháp để độ người về với chánh pháp, thì không thể xem đó là tà pháp: Chánh nhơn hành tà pháp, tà pháp thị chánh pháp.

Dĩ nhiên phương tiện đôi khi đưa hành giả đi xa mục đích ban đầu, để gọi là dĩ huyễn độ chơn, nhưng rồi chơn đã bị huyễn độ trở thành mê tín như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã...

Chánh Tà không cùng tín ngưỡng: Thời Đức Thế Tôn hiện tiền cũng như ngày nay, bàng môn tả đạo đầy dẫy như cỏ hoang, người muốn đến với giải thoát khó mà phân biệt Chánh Tà. Được trang bị giáo lý qua Tam Pháp Ấn và Tam vô Lậu học cũng chưa chắc đã khỏi bị lầm lạc vào chốn vô minh.

Thí dụ, Ngoại giáo cũng lập cứ trên tinh thần cuộc sống là cõi tạm: "sống tạm thác về". Cõi nầy là khổ đau, không thật, hãy lập công trạng để vinh danh... để làm đẹp lòng giáo chủ, sau khi thác, được hưởng đời đời hạnh phúc an lạc trên cao...

Và cũng có Giới luật khắc khe riêng, có pháp hành riêng, có tuệ tri riêng…
Tam Pháp Ấn đó, Tam Vô Lậu Học đó của ngoại giáo làm sao tín đồ môn phái đó được biết Chánh hay Tà?

Những pháp thuộc tục đế như bùa thuật, Năm Ông, Ngũ hành, luyện tinh binh... dễ phân biệt tà thuật; riêng những pháp như Tiên gia, Yoga, đạo thuật... cũng giúp hành giả thoát khỏi trần tục, nhưng chưa hẳn đã giải thoát luân hồi.

Trong lục đạo, từ cõi Nhơn đến cõi Thiên, nếu hành giả không đủ năng lực tự giải thoát luân hồi, thì ngũ giới và thập thiện của nhà Phật cũng giúp tín đồ giải quyết, tránh xa con đường đi xuống cảnh giới thấp. Dĩ nhiên cõi Nhơn và chư Thiên có một phước báu nhất định và còn bị ràng buộc trong sanh tử luân hồi. Nếu đủ phước thì sẽ gặp Phật Pháp tiếp tục tiến tu. Nếu căn cơ sâu dày thì một đời gặp minh sư dứt hẳn sanh tử.

Quan điểm của ngoại giáo vẫn là thoát tục nhưng không nói đến giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi. Họ vẫn tránh xa ác pháp tội lỗi; không sát sanh và giới luật gần với đạo giải thoát. Vì thế, không thể bảo là Tà giáo, mặc dù chưa đúng chánh đạo hoàn toàn. Họ có khuynh hướng đi lên, nhưng khả năng giới hạn.

Một số hành giả đạt được tâm linh tương tự sự giải thoát của các hành giả Phật giáo. Trạng thái tâm thức lọt vào cảnh giới "không vô biên xứ" - "thức vô biên xứ" nhưng còn vi tế ngã vì chưa diệt sạch vi tế vô minh, có thần thông. Họ chưa nắm rõ biến trạng của ngũ ấm ma qua 50 trạng thái mà Lăng Nghiêm mô tả, vì thế bị ấm thức lạc dẫn, tự cảm nhận mình là một Phật sống, là chúa tể, là đấng sáng tạo có nhiều quyền năng... Giáo lý đúng là giáo lý giải thoát, nhưng hành trạng lại là vọng tưởng của ấm ma; chính vì thế mà bản thân đã bị lạc dẫn, những tín đồ nương tựa cũng không biết mình đang bị lưới vô minh bủa vây. Đây thật sự là Chánh Tà khó phân.

Tóm lại, vấn đề Chánh - Tà không thể ý cứ vào giáo lý, vào pháp hành mà còn nhiều yếu tố tinh tế khác, yếu tố quan trọng nhất vẫn là vi tế ngã trước quần chúng. Chư Phật, chư Tổ không tự nhận mình là một giáo chủ, chứng tỏ không còn vi tế ngã. Đời sống đạm bạc thanh thoát một phần thể hiện đức giải thoát; không tích trữ, không hưởng thụ. Lời dạy không lưu dấu tục đế như chim bay qua không gian không để lại bóng hình. Dù hành giả của Phật giáo hay ngoại giáo đạt đến vô ngã, vị tha...đều là chánh pháp, ngược lại, đều là Tà pháp.

Thời đại vàng thau lẫn lộn, người thiếu thiện căn khó mà phân biệt khi chỉ biết nghe và thấy những lời dạy thuận theo sở cầu, sở dục cá nhân. Thà chấp nhận pháp hành tiệm tiến Nhân đạo, Thiên đạo còn hơn là làm dân ma vĩnh viễn trầm luân.
                                                             MINH MẪN
                                                               26/8/2013