Ta thường nghe nói - "Có thân có bệnh", hoặc thi hào
Nguyễn Du bảo - "Có thân phải khổ vì thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời
xa!". Vì thế, hầu hết 98% con người đều khốn đốn vì mang thân bệnh.
"Khổ vì thân" có
hai loại chính: bệnh khổ và nạn tai khổ,
còn vô số cái khổ phụ mà tóm gọn trong "TỨ
ĐẾ". Bệnh khổ cũng ẩn tàng vô số tướng trạng, từ chuyện nhức đầu, đau
răng, cảm mạo cho đến những bệnh nan y. Nạn tai khổ cũng có lắm trường hợp mà
do tập nghiệp chiêu cảm; tập nghiệp do câu hữu chủng tử bất thiện trong quá khứ
và câu hữu túc duyên trong hiện tại kết thành.
Như vậy, cái khổ vì thân hay
bệnh khổ là điều tất yếu trong "ngũ thú tạp cư địa" nầy. Nhưng
cái khổ đó chưa quan trọng bằng cái khổ bởi vô minh. Ví dụ, một bệnh nhân
nan y, thay vì phải kiêng cử một số món ăn tác hại cho cơ thể, lại ăn uống
thoải mái theo khẩu dục, tiếp tục sát sanh hại vật tạo thêm nghiệp mới trong
khi nghiệp cũ đang trả chưa xong. Người lao phổi mà cứ tiếp tục hút thuốc.
Người nhiễm bệnh xã hội mà cứ tiếp tục quan hệ lung tung... đó là vô minh; vì
mình không thương mình thì ai giúp mình chữa khỏi bệnh. Do vô minh luôn tạo
thêm chủng nghiệp khổ đau nên bệnh khổ chưa bằng cái khổ vì vô minh.
Sở dĩ mình biết bệnh là khổ,
hay biết khổ vì bệnh, là do cảm thọ. Cảm thọ có vui, buồn thương ghét... là cảm
thọ của tâm lý. Cảm thọ bệnh khổ là cảm thọ về thân vật lý. Cùng một sự kiện,
phàm phu cảm thọ khổ đau, nhưng Thánh nhân lìa vọng nên không thấy buồn vui
sướng khổ. Vào thời đại "cách mạng văn hóa tại Trung quốc", Hòa
Thượng Hư Vân chịu nhiều tai ương khổ đau về thân xác, đối với thường tình, có
lẽ sẽ vô cùng thống khổ đau thương, nhưng Đại Lão Hòa Thượng an nhiên vì Ngài
đã lìa cảm thọ thường tình trong trạng thái an định.
Như thế, cái mà thế gian cảm
nhận là khổ đau, vì tập khí về cảm thọ còn tồn tại, thì Thánh nhân không còn
tập khí đó, các Ngài làm chủ mọi cảm thọ. Ngay cả những hành giả nhập đại định,
những xúc tác trên nhục thân như trơn nhám, đau rát, nóng lạnh... không còn
hiện hữu. Vậy cái gọi là bệnh khổ, cái khổ về bệnh, có thể được chuyển hóa trên
hai cơ bản: Một là hóa giải bệnh ngoài việc dùng phương tiện y dược (cầu may vì
không chắc chắn hết bệnh như các bệnh nan y), bệnh nhân cần hành thiện tạo
phước với một lực lượng tương đương hoặc lớn hơn cái bệnh đang có. Hai là đối
diện trực tiếp với bệnh thân và tâm để thấy được thực chất cái cảm giác khổ đau
đó. Trực diện, quán sát và lắng nghe là hạnh của Quán Âm về một thực tại. Hạnh
nguyện chữa trị là hạnh nguyện của Dược Vương, tuy Bồ Tát đa hạnh nhưng tựu
trung một hạnh đã bao hàm tất cả: "Nhất
đa tương dung" là vậy. Cảm thọ là một trạng thái tâm lý kết hợp sinh
lý. Chính vì thế, phẩm Phổ Môn bảo: do sức niệm Quán Âm mà vào lửa
đốt không cháy. Khi lửa sân bộc phát thiêu đốt mọi công đức thì hành giả tự
quán sát tâm ý đương khởi, lửa sân liền tan làm sao hành giả bị đốt cháy được?
Mọi cái khổ cũng thế, đó là trạng thái tâm lý được phát khởi bởi tác duyên vật
lý, khi tâm sinh lý kết hợp thì nạn tai duyên chướng bùng khởi.
Một người bình thường nhìn thấy người khiếm thị hoặc tật nguyền,
họ nghĩ rằng nạn nhân chắc là thống khổ lắm, nếu nạn nhân đó bị bẩm sinh thì họ
cũng có cảm giác bình thường như bao người bình thường khác về thân thể. Nếu
người mù được cho cặp mắt sáng thì họ có cảm giác sung sướng hơn người đang
sáng mắt. Vậy một người đang sáng mắt và một bệnh nhân được chữa lành mắt sáng,
cảm thọ của hai người khác nhau, phải chăng đó là cảm thọ do tâm lý mà có. Nếu
thân vật lý không bị tác động bởi trạng thái tâm lý thì cái gọi là khổ của thân
vật lý chưa hẳn là khổ thật.
Vậy cái khổ theo cảm nhận
của thế nhân khác với cái thấy khổ của các bậc xuất ly tam giới, hoặc ít nữa
cũng khác với những hành giả làm chủ mọi cảm thọ.
Tóm lại, bệnh khổ là loại
bệnh phổ thông của mọi chúng sanh đang mang trong tâm cái mầm mống tham muốn.
Tham muốn khỏi bệnh không được là khổ; triệu chứng thân thể đi ngược lại mong
muốn là khổ. Như vậy khổ là một loại bệnh chứ không chỉ có bệnh mới khổ, đó là
bệnh thuộc tâm lý hơn là vật thể sinh lý; đã là tâm lý thì bệnh khổ là loại cảm
thọ như huyễn.
Ta thử hỏi: Thật sự là BỆNH
KHỔ HAY LÀ BỆNH HUYỄN mới nắm căn nguyên để giải thoát mọi bệnh tình. Lúc bấy
giờ, mỗi người chúng ta là một lương y, ta có thương mình mới nói đến thương
mọi loài, vì lương y như từ mẫu là vậy.
MINH MẪN
15/7/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét