Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

RỪNG ĐẠI THỤ DẦN KHÔ!!!


Tháng 11 năm 2012, HT Thích Giác Viên, Trưởng BTS PG Đà Nẵng viên tịch lúc Đại Hội Giáo Hội toàn quốc diễn ra tại Hà Nội. Sau đó, từ đầu năm 2013 đến nay, lần lượt các cao Tăng Thạc Đức ra đi, mỗi tháng đều có khấp báo, có lúc một vị, có khi 2 hoặc 3 vị, rải đều từ Bắc chí Nam.
Trong tháng nầy, thoạt viên tịch có ni Trưởng Hải Triều Âm ở Lâm Đồng, HT Diệu Tâm ở Đồng Nai, HT Thích Phổ Chiếu ở TP HCM và Tiền Giang có HT Nhuận Sanh, được Tăng Ni tín đồ lưu luyến thành kính cung tiễn chư tôn Đức đăng lâm Phật quốc. Ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam khô dần những bóng râm đại cổ thụ.

Sự ra đi của quý ngài, ít nhiều đều lưu lại trong tâm khảm của môn đồ pháp quyến một ân nghĩa thầy trò, một tâm tư tình cảm về đức độ một thời với nhiệm vụ: “Truyền đăng tục diệm”. Đó là một đạo đức cao quý của nhà Phật mà truyền thống đó vẫn còn lưu tồn.

Ở thế gian, người còn lại, luôn tôn trọng di chúc của người ra đi thì trong Thiền môn càng trân trọng di huấn của Thầy Tổ hoặc ân sư, giáo thọ... một đời. Ở đời lắm khi thiếu căn bản đạo đức gia phong nên con cháu tranh tụng xâu xé lúc quan tài chưa động thổ; nhưng trong Đạo thì việc đó, đôi khi cũng không tránh khỏi tranh chấp kế thừa, nhưng tranh chấp chỉ xẩy ra sau khi nhập tháp hoặc hỏa táng. Dẫu sao, vì còn tôn trọng giác linh của tổ thầy đang còn tại vị, không ai nỡ làm buồn lòng Thầy Tổ vừa thâu thần nhập diệt.

Trong buổi đại tang của cố Ni Trưởng Hải Triều Âm, cây đại thụ của Phật giáo Việt Nam nói chung và Ni bộ nói riêng được BTS Lâm Đồng trang trọng đứng ra tổ chức với sự tham gia chứng minh, chú nguyện của chư Đại lão Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, chư ni sư. Đặc biệt có đại lão HT Thích Trí Tịnh.

Trong tang lễ, Ban Tổ chức tuyên đọc quyết định phân bố y bát cho những chùa thừa kế mà đã từng được Ni trưởng khai sơn hoặc lưu trụ; TT. Thích Không Trú Phó BTS đọc quyết định của BTS, Ban tổ chức tang lễ về việc trao Pháp y của sư trưởng Hải Triều Âm cho Ni chúng Tổ Đình Linh Quang (ngôi thảo am đầu tiên, sư bà đến tịnh tu, hoằng dương và phát triển Phật pháp trên đất Lâm Đồng) và trao Bình Bát cho Ni viện Hương Sen thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng để phụng thờ. Đó là cách giải quyết đúng đắn để tôn kính một quá khứ của Ni Trưởng từng lưu dấu. Tuy nhiên, trong Ni chúng vẫn có người không đồng thuận, vì vậy phản ứng trước quyết định của BTS PG LĐ và của Ban tang lễ, sư cô Thích Nữ Nguyên Châu chùa Bát Nhã (Đức Trọng) tác bạch nêu ý kiến: "Đại tăng Yết Ma quyết định việc này là phi pháp, Yết Ma không thành, sai luật Phật! Tuy nhiên chúng con vẫn y giáo phụng hành". Quả là một phản ứng bồng bột của một ni trẻ làm cho chư Tôn đức và đại chúng hiện diện hết sức ngỡ ngàng. Tất cả mọi tâm huyết dành sự tôn kính trước giác linh của cố ni trưởng, không ai có quyền đi ngược lại quyết định của BTC lễ Tang tạo bất bình cho đại chúng và chư Tôn Đức.

Có thể quyết định của BTC chưa được sự đồng thuận của môn nhơn pháp quyến, nếu trước đây BTC làm Yết Ma để ra quyết định mà không có sự tham dự của chúng đệ tử Ni, đó là việc thiếu cẩn trọng của BTC. Nếu có sự tham dự và đồng thuận của đại diện pháp quyến, thì phản ứng của sư cô Thích nữ Nguyên Châu là điều hoàn toàn sai. Sai đối với tinh thần trang nghiêm, thành kính trong lễ tang của một đại thụ Phật giáo Việt Nam, mà đáng ra, mọi sự xong xuôi, ni Châu có quyền phản ảnh với BTS PG Lâm Đồng, như thế có muộn chăng? Vì biết là phản ứng để rồi vẫn "y giáo phụng hành" thì phản ứng như thế để làm gì trước đại Tăng và giác Linh tôn sư? Bảo Đại Tăng Yết Ma là phi pháp chẳng khác nào tạt gáo nước lạnh vào mặt BTC cũng như chư đại Tăng hiện diện mà không cần biết giác linh tôn sư có cảm nhận não phiền cho một đệ tử ngỗ nghịch? Một Ni chúng thâm niên hạ lạp không được phép có thái độ như thế, theo Bát Kỉnh Pháp điều thứ nhất. Huống nữa một học ni, có lẽ chưa học "Bát Kỉnh Pháp" nên mắng trước mặt chư Đại Tăng đã phạm vào điều thứ 7 và 8 của Bát Kỉnh:
7. Vị Ni không được phép chửi rủa hay sỉ vả vị Tăng trong bất cứ trường hợp nào.
8. Chư Ni không được phép quở trách chư Tăng, chư Tăng được quyền quở trách chư Ni.
Thế nào là Yết Ma phi pháp, sai luật Phật? Theo điều 7 và 8 trên đây, chính Ni Châu đã phi pháp và sai luật Phật.
Trước thái độ đó, khó dùng từ gì để gọi cho xứng với người đang khoác chiếc áo và khăn tang khi Tôn sư chưa nhập tháp? Nếu thế tục thì gọi là con ngỗ nghịch và không xem bà con thân thích ra gì trước người thân còn nằm đó!
Với tư cách là một luật sư của Phật giáo, đang dạy luật tạng tại Huệ Nghiêm TP HCM, và cũng đang là Tuyên luật sư Ban Tang lễ, buộc lòng HT Thích Huệ Thông phải lên tiếng:  “ Sống trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, đó là bản thể của tăng già. Lãnh đạo của BTS Phật giáo tỉnh Lâm Đồng là đoàn thể tăng già lớn nhất trong tỉnh, Ban Trị Sự đã có cuộc họp tại Ni viện Long Châu (Đức Trọng) để quyết định việc này. Khi còn tại thế, Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng lãnh đạo tăng già và hôm nay cũng với tinh thần đó, Đại tăng đem tinh thần hòa hợp nên đã Yết Ma quyết định việc này. Không ai có quyền khác hơn tinh thần Yết Ma của Tăng già đã chỉ dạy vì đó là tinh thần hòa hợp. Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban tang lễ thực hành theo tinh thần này”.

Lời răn dạy một cách từ tốn và nghiêm khắc như thế, liệu ni Châu có cảm nhận được sự sai trái của mình mà sám hối trước giác linh thầy tổ và chư Đại Tăng, cũng như tự hối với chính mình đã tạo một phần rối loạn tình cảm, tâm linh của Đại Tăng đang hòa hợp? Suy cho cùng, từ tinh thần Bát Kỉnh đến đạo đức luân thường thế tục đều không cho phép một tu sĩ phản ứng quá quắc như thế; lẽ nào trên ghế học đường từ sơ-trung cho đến cao đẳng Phật giáo, học ni Thích nữ Nguyên Châu chưa thuộc bài học nằm lòng của một Ni sinh về "Bát Kỉnh", thì làm sao tương lai là một giáo thọ Ni, một bậc thầy làm gương cho đàn hậu học???

Có xứng là đệ tử của một bậc thầy thạch trụ trong Thiền môn đang được nhiều thế hệ tôn kính về đạo đức sáng ngời của cố Ni Trưởng, một trong những cổ thụ đang dần thưa thớt của PGVN hiện nay?

Thiết nghĩ, Phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN căn cứ khoản c, Điều 2, và khoản c, Điều 7 Nội quy Phân ban Ni giới GHPGVN, ra văn bản chỉ đạo Phân ban Ni giới tỉnh Lâm Đồng nghiêm khắc giáo dục ni trẻ Thích nữ Nguyên Châu nhằm răn dạy thế hệ Ni trẻ hiện tại và mai sau.

                                 
                                                                    MINH MẪN
                                                                     08/8/2013



4 nhận xét:

  1. Cư Sĩ có nhận thấy là giới luật ngày nay thật lỏng lẻo, nên tạo ra nhiều tình huống bất ngờ. Chẳng phải chuyện ni cô Nguyên Châu thôi mà còn lắm việc khác đã xảy ra dở khóc dở cười. Cư Sĩ vui lòng cho biết, "Bát Kỉnh pháp" có được đem ra đọc, nhắc nhở trong chùa hay không? Nếu có thì bao lâu 1 lần?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. dạ thưa mỗi tháng bố tát tụng giới bên ni bộ đều tuyên đọc, phần lớn chưa thâm nha655p vào máu mà chỉ dính ớt phớt ngoài da thôi. khi đụng việc thì bay mất hết

      Xóa
  2. Thưa cư sĩ, đọc tựa đề đã cảm thấy ngậm ngùi, theo tôi nghĩ, chưa đến nổi nào. Trong thời đại nào cũng có nhân tài, trong đạo pháp tầng lớp nào cũng có Tăng tài. Giống như cổ nhân xưa có nói: "Tre tàn măng mọc". Ngày nay nhiều tăng ni phá hỏng hình bóng tu sĩ nhưng trong và ngoài nước vẫn còn rất nhiều vị Phật tương lai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy, ta ko bi quan trước những hiện tượng như vậy, nhưng cũng cần cảnh báo thôi. kính chúc quý quyến an lành, tinh tấn

      Xóa