Đứng góc độ nào để phân biệt chánh và tà?
Trước khi đi vào vấn
đề, cần có một điểm chung khi tham gia vào vấn đề phân tích. Nếu cứ mạnh ai nấy
bảo lưu ý riêng, không đồng nhất điểm chung thì việc Chánh Tà chỉ là tiếng sét của
vịt nghe sấm. Vậy vấn đề đầu tiên của những người đứng trong giáo lý nhà Phật
mà nhận xét, tất cả những giáo lý trong và ngoài Phật giáo y cứ trên kinh tạng
nhà Phật đó là Tam Pháp Ấn (VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ và
NIẾT BÀN) và trên pháp hành: GIỚI (SILA), ĐỊNH (SAMADHI) và TUỆ (PANNA). Những giáo lý không
đủ yếu tố trên, được coi là tà giáo, ngoại đạo.
Nhưng như thế vẫn chưa
được xem là chuẩn. Những thế kỷ mà giữa Nam truyền và Bắc truyền chưa được
giao lưu văn hóa của nhau, giáo lý "Nguyên Thủy" xem giáo lý
"Phát Triển" là ngoại đạo. Thiền xem Tịnh là Bà La Môn giáo. Tịnh xem
Mật của Kim Cang Thừa là tà đạo... mãi đến khi hành trạng được xóa nhòa ranh
giới, mỗi tông môn thể hiện cách hành chứng của mình, mới đủ minh chứng tinh
thần giải thoát của nhà Phật. Nghĩa là những phương tiện hành trì, do căn cơ
khác nhau, chư tổ lập môn khác nhau, do tướng dị biệt, đã tạo một nhận xét bên
kia giới tuyến hiểu lầm nhau.
Ví dụ Kim Cang Thừa, so
với Thiền, lễ nghi và hành trạng quá ư phức tạp, để rồi, đứng trên tinh thần
Kinh Kim Cang: "Nhược
dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như
Lai", xem lối hành lễ của Mật là âm thanh sắc tướng, vội phủ
nhận tính căn bản của tông phong Mật thừa. Có đi sâu vào Kim Cang Thừa mới thấy
được tính uyên thâm đi từ sự đến lý, đi từ tướng vào tánh để rồi Tánh Tướng
viên dung. Vũ Trụ Tướng được thể hiện qua Ngũ Phương Bát Thức, nhập vào Tỳ Lô Giá
Na Tạng. Hành giả hành trì miên mật qua các công đoạn được tẩy rửa nghiệp thức
để khai phát tuệ giác.
Cũng thế, theo tinh
thần tự giác, Phật giáo phủ nhận một Thần Tượng, một tha lực làm cho hành giả ỷ
lại; với tính chuyên cần của một hành giả, giáo lý nhà Phật luôn khích lệ sự nổ
lực cá nhân, khác hẳn các tôn giáo Thần quyền. Do vậy, Tịnh tông bị nhìn dưới
cái hiểu là Thần giáo, ỷ lại và van xin một đấng giáo chủ. Do tính câu chấp
chưa tìm hiểu thấu đáo mà sự ngộ nhận chia rẽ các tông phái phát sinh. Với Tín-Hạnh-Nguyện,
Phước Huệ song tu của Tịnh Tông thì không thể bảo là Bà La Môn giáo, vì nó đòi
hỏi hành giả nổ lực, tinh cần hơn là van xin ỷ lại.
Nhìn hành tướng đánh
giá dễ sai lệch, nhưng mấy ai, do tính bảo thủ pháp hành của mình, không chịu
tìm hiểu thấu đáo bổn môn của Tông phong khác trong cùng một tín ngưỡng!
Rõ ràng, Thiền Tịnh Mật
đều có đủ những yếu tố của Tam Pháp Ấn và Tam Vô Lậu Học, nhưng hành tướng có
sự dị biệt đến độ tương phản nhau.
Chánh
và Tà trong cùng một tín ngưỡng: Nếu y cứ Tam Pháp Ấn
hoặc Tam Vô Lậu học để xác định là Chánh - Tà cũng chưa đủ. Ví dụ, kẻ tà tâm
dùng kinh điển giáo lý nhà Phật để mưu lợi, lừa đảo… thì kinh điển được kẻ tà
tâm sử dụng như thế không thể bảo là Chánh: Tà nhơn hành chánh pháp, chánh pháp thị tà
Pháp!
Vì vậy, ngoài cốt tủy
của tinh thần giáo lý, còn tùy phương tiện sử dụng và mục đích sử dụng. Ngày
nay, Tàu và Việt Nam, phần lớn dùng kinh điển nhà Phật đi xa mục đích giải
thoát, và hình tướng tu sĩ cũng bị một số lợi dụng làm hoen ố, đánh mất phẩm
giá cao đẹp của hình tướng Như Lai. Thế thì, Chánh và Tà còn phải đứng ở một
góc độ khác tinh tế hơn để thẩm định.
Một tu sĩ chân chánh,
vì phương tiện độ kẻ sơ cơ, dùng ngoại pháp để độ người về với chánh pháp, thì
không thể xem đó là tà pháp: Chánh nhơn hành tà pháp, tà pháp thị chánh pháp.
Dĩ nhiên phương tiện
đôi khi đưa hành giả đi xa mục đích ban đầu, để gọi là dĩ huyễn độ chơn, nhưng
rồi chơn đã bị huyễn độ trở thành mê tín như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã...
Chánh
Tà không cùng tín ngưỡng: Thời Đức Thế Tôn hiện tiền cũng
như ngày nay, bàng môn tả đạo đầy dẫy như cỏ hoang, người muốn đến với giải
thoát khó mà phân biệt Chánh Tà. Được trang bị giáo lý qua Tam Pháp Ấn và Tam
vô Lậu học cũng chưa chắc đã khỏi bị lầm lạc vào chốn vô minh.
Thí dụ, Ngoại giáo cũng
lập cứ trên tinh thần cuộc sống là cõi tạm: "sống tạm thác về". Cõi
nầy là khổ đau, không thật, hãy lập công trạng để vinh danh... để làm đẹp lòng
giáo chủ, sau khi thác, được hưởng đời đời hạnh phúc an lạc trên cao...
Và cũng có Giới luật
khắc khe riêng, có pháp hành riêng, có tuệ tri riêng…
Tam Pháp Ấn đó, Tam Vô
Lậu Học đó của ngoại giáo làm sao tín đồ môn phái đó được biết Chánh hay Tà?
Những pháp thuộc tục đế
như bùa thuật, Năm Ông, Ngũ hành, luyện tinh binh... dễ phân biệt tà thuật;
riêng những pháp như Tiên gia, Yoga, đạo thuật... cũng giúp hành giả thoát khỏi
trần tục, nhưng chưa hẳn đã giải thoát luân hồi.
Trong lục đạo, từ cõi
Nhơn đến cõi Thiên, nếu hành giả không đủ năng lực tự giải thoát luân hồi, thì
ngũ giới và thập thiện của nhà Phật cũng giúp tín đồ giải quyết, tránh xa con
đường đi xuống cảnh giới thấp. Dĩ nhiên cõi Nhơn và chư Thiên có một phước báu
nhất định và còn bị ràng buộc trong sanh tử luân hồi. Nếu đủ phước thì sẽ gặp
Phật Pháp tiếp tục tiến tu. Nếu căn cơ sâu dày thì một đời gặp minh sư dứt hẳn
sanh tử.
Quan điểm của ngoại
giáo vẫn là thoát tục nhưng không nói đến giải thoát, chấm dứt sanh tử luân
hồi. Họ vẫn tránh xa ác pháp tội lỗi; không sát sanh và giới luật gần với đạo
giải thoát. Vì thế, không thể bảo là Tà giáo, mặc dù chưa đúng chánh đạo hoàn
toàn. Họ có khuynh hướng đi lên, nhưng khả năng giới hạn.
Một số hành giả đạt
được tâm linh tương tự sự giải thoát của các hành giả Phật giáo. Trạng thái tâm
thức lọt vào cảnh giới "không vô biên xứ" - "thức vô
biên xứ" nhưng còn vi tế ngã vì chưa diệt sạch vi tế vô minh,
có thần thông. Họ chưa nắm rõ biến trạng của ngũ ấm ma qua 50 trạng thái mà
Lăng Nghiêm mô tả, vì thế bị ấm thức lạc dẫn, tự cảm nhận mình là một Phật
sống, là chúa tể, là đấng sáng tạo có nhiều quyền năng... Giáo lý đúng là giáo
lý giải thoát, nhưng hành trạng lại là vọng tưởng của ấm ma; chính vì thế mà
bản thân đã bị lạc dẫn, những tín đồ nương tựa cũng không biết mình đang bị
lưới vô minh bủa vây. Đây thật sự là Chánh Tà khó phân.
Tóm lại, vấn đề Chánh -
Tà không thể ý cứ vào giáo lý, vào pháp hành mà còn nhiều yếu tố tinh tế khác,
yếu tố quan trọng nhất vẫn là vi tế ngã trước quần chúng. Chư Phật, chư Tổ
không tự nhận mình là một giáo chủ, chứng tỏ không còn vi tế ngã. Đời sống đạm
bạc thanh thoát một phần thể hiện đức giải thoát; không tích trữ, không hưởng
thụ. Lời dạy không lưu dấu tục đế như chim bay qua không gian không để lại bóng
hình. Dù hành giả của Phật giáo hay ngoại giáo đạt đến vô ngã, vị tha...đều là
chánh pháp, ngược lại, đều là Tà pháp.
Thời đại vàng thau lẫn
lộn, người thiếu thiện căn khó mà phân biệt khi chỉ biết nghe và thấy những lời
dạy thuận theo sở cầu, sở dục cá nhân. Thà chấp nhận pháp hành tiệm tiến Nhân
đạo, Thiên đạo còn hơn là làm dân ma vĩnh viễn trầm luân.
MINH MẪN
26/8/2013
Kính gửi cư sĩ, tôi cũng chỉ mới đọc chút sách Phật gần đây, tâm hơi tối, dạ cũng hơi rối mà đọc quyển Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp, cũng không biết có hiểu được bao nhiêu, chỉ thấy rất hay, nhưng học lậu thô thiển, chắc cái hiểu của mình cũng như gió thoảng qua, tay nắm hư không. Tôi cũng đọc qua sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, chỉ cảm thấy đoạn đầu rất sáng, nhưng càng đọc, càng tối, có lẽ cái duyên Phật pháp còn sơ lậu nên không thể cảm thụ. Rất mong cư sĩ có thể giới thiệu vài quyển sách hay đơn giản để người mới bắt đầu tìm hiểu đạo Phật như tôi có thể tham khảo.
Trả lờiXóaCảm ơn cư sĩ rất nhiều