PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Người khai sáng ra Phật Giáo là thái tử Siddharta Gautama (563-483 trước Tây Lịch). Đó là năm sinh và năm viên tịch được nhiều người chấp nhận hiện nay. Đạo Phật có ba nhánh chính:
– Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana Buddhism): Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, Việt Nam.
– Phật Giáo Tiểu Thừa (Hinayana hay Theravada Buddhism): Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Lào.
– Hoàng Giáo Tây Tạng (Vajrayana hay Tantrayana): Tây Tạng, Mông Cổ.
Căn cứ vào những tiểu sử của đức Phật, hoàng hậu Mahamaya nằm chiêm bao thấy một con voi trắng sáu ngà, dùng ngà có hoa sen húc vào hông bà. Sau đó hoàng hậu mang thai. Hoàng hậu lâm bồn trong vườn Lumbini, Nepal, dưới tàn cây Shala (cây vô ưu). Vừa chào đời hài nhi biết đi và biết nói. Người nhảy bảy bước. Mỗi bước nhảy có một hoa sen nở ra. Đó là thái tử Siddharta Gautama. Năm 29 tuổi thái tử từ giã vợ con và chức quyền sắp có trên một vương quốc nằm dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn để đi tìm chân lý. Sau nhiều năm theo phái khắc khổ, Người vẫn không tìm ra chân lý, trái lại thân xác gầy gò và suýt chết. Một hôm ngồi dưới gốc cây bồ đề, Người được một phụ nữ dâng một chén cơm và một ly sữa để bồi dưỡng thân thể. Sau khi uống xong ly sữa, Người đắc đạo dưới gốc cây bồ đề. Người được gọi là Sakya Muni (Thích Ca Mâu Ni) tức nhà hiền triết tộc Sakya hay Buddha (đấng Giác Ngộ) tức Phật. Đức Phật thu nhận đệ tử, đi khắp nơi để truyền giảng đạo và viên tịch năm 80 tuổi.
Tôi tạm tóm lược tiểu sử của Đức Phật từ ngày đản sinh đến ngày viên tịch để đề cập đến những loại thảo mộc gắn liền với Đức Phật như: cây shala hay cây vô ưu, hoa sen, cây bồ đề, lúa gạo và nấm truffle căn cứ vào giả thuyết về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật. Bài viết hoàn toàn không có màu sắc tôn giáo mà chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh thực vật học của cây cỏ gắn liền với Đức Phật. Phần cuối của bài có một số giả thuyết tóm lược từ các cuộc nghiên cứu về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật trên khía cạnh khoa học. Xin người đọc bình tâm trước những lời giải thích của các nhà khoa học. Nhờ sự mạnh dạn tìm hiểu nguồn gốc của mọi sự vật một cách khách quan và khoa học, chúng ta mới được hưởng những tiện nghi hiện có thay vì nhìn các hiện tượng trong vũ trụ bằng sự huyền hoặc, hoài nghi và sợ sệt.
Cây Vô Ưu
Đức Phật chào đời dưới tàn cây vô ưu. Có hai loại cây vô ưu:
– cây shal hay shala
– cây ashoka
Về cây shala lại có một loại thảo mộc được người Indonesia gọi là Sala và người Ấn Độ gọi là Naga linga và được gọi là thánh mộc. Tôi nói qua về 3 loại cây nầy vì cả ba đều được xem là thiêng mộc trong Ấn Giáo (Hinduism) lẫn Phật Giáo.
Cây Vô Ưu Shala, cây Vô Ưu Ashoka và cây Thánh Mộc
1. Cây Vô Ưu Shala: Tên khoa học của cây vô ưu Shala là Shorea robusta thuộc gia đình Dipterocarpaceae như cây sao, cây dầu, nghĩa là loại cây có trái có cánh. Cây cao từ 30-40m; lá rộng; hoa màu trắng rất thơm. Hoa nở vào tháng 4 dương lịch hàng năm. Cây vô ưu shala có nhiều ở Ấn Độ, các xứ vùng Hy Mã Lạp Sơn, Bangladesh. Người Ấn Độ gọi là Sal, Shala ; tiếng Sanskrit (Phạn): ashvakarma.
2. Cây Vô Ưu Ashoka: Theo tiếng Sanskrit ashoka có nghĩa là vô ưu. Do đó người Anh gọi là sorrowless tree hay ashoka tree. Người Ấn Độ gọi là Vanjulam. Cây vô ưu ashoka tức cây vàng anh cao từ 20-30m. Lá rộng, đầu lá nhọn. Hoa to, cánh bầu tròn màu đỏ-vàng, nhụy dày đặc. Hoa thơm và đẹp. Tên khoa học của hoa vô ưu ashoka là Ashoka saraca thuộc gia đình Fabaceae. Cây ashoka liên hệ đến Thần Rama và vợ là nữ Thần Sita của Ấn Giáo và Đức Phật. Đó là nguồn thuốc của phụ nữ, biểu tượng cho sự sinh sản. Đến ngày lễ Ashok Shasthi phụ nữ Ấn Độ ăn hoa ashoka để được vô ưu. Nhiều phụ nữ cầu tự bằng cách nhảy múa dưới cây ashoka. Người ta cũng tin rằng Đức Phật ra đời dưới cây ashoka vì có sự lẫn lộn giữa cây shala vô ưu với cây ashoka vô ưu. Vỏ cây vô ưu ashoka sắc uống trị rối loạn tử cung, huyết tiện, tử cung xuất huyết, u bướu, da mất sắc tố v.v…
3. Thánh Mộc Naga Linga: Loại thảo mộc nầy được tìm thấy nhiều ở Nam Mỹ Châu, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Sri Lanka. Tên khoa học là Couroupita guianensis thuộc gia đình Lecythidaceae. Người Tamil gọi là Naga Linga (Naga: con rắn được tín đồ Ấn Giáo quí trọng; Linga: dấu hiệu của Thần Shiva trong Ấn Giáo. Linga-Yoni là bộ phận sinh dục của Nam và Nữ tượng trưng cho sự sinh hóa trong vũ trụ). Người Ấn Độ gọi là Shiva Linga. Người Anh gọi là cannon ball tree vì trái tròn, to bằng cái tô giống như trái đạn đại bác hay monkey pot (nồi khỉ vì khỉ dùng tay bóc ruột trái chín để ăn). Người Indonesia gọi là Sala tựa như cây Shala Shorea robusta. Cây Naga Linga cao từ 20-30m; lá to và có hương thơm. Hoa màu đỏ-vàng rất đẹp kết thành một chuỗi dài 3m. Trái nhiều, tròn và to như cái tô, vỏ cứng, cơm nhiều khi chín có mùi thơm nhưng có người lại cho là mùi không chịu nổi như trường hợp trái sầu riêng. Ngoài loài khỉ, loài người cũng ăn trái cây nầy được. Vỏ và lá thánh mộc Naga Linga dùng như thuốc trụ sinh, kháng nấm, trị cảm, trị đau bụng. Lá giã nát vắt nước dùng trị bệnh ngoài da. Lá cũng được dùng để trị nhức răng. Ở Nam Mỹ người ta dùng vỏ cây Naga Linga sắc nước uống trị sốt rét. Cây Naga Linga thường được trồng quanh đền Thần Shiva hay chùa Phật Giáo ở Ấn Độ, Sri Lanka. Vì trái to và nặng khi rụng trúng đầu người có thể gây nguy hiểm đến tánh mạng nên người ta không trồng cây Naga Linga (cây nồi khỉ hay cây đạn thần công) ngoài đường như trường hợp cây dừa vậy.
Hoa Sen
Hoa sen là hoa thiêng trong Ấn Độ và Phật Giáo Đại Thừa, Tiểu Thừa và Hoàng Giáo Tây Tạng. Tên khoa học của hoa sen là Nelumbo nucifera thuộc gia đình Nelumbonaceae . Người Ấn Độ gọi hoa sen là Kamala. Tiếng Sanskrit cũng gọi là Kamala hay Padma. Người Anh gọi là Sacred lotus (Sen thiêng), Indian sacred lotus.
Hoa sen đỏ liên hệ đến Thần Vishnu và sen trắng liên hệ nữ Thần Sarasvati.
Lá sen, ngó sen, hột sen, nhụy hột sen, củ sen đều có công dụng. Hoa sen vừa có tính biểu tượng, vừa đẹp vừa có hương thơm. Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết của một loài hoa mộc dưới nước nhưng:
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Ngoài đặc tính là thức ăn ngon và bổ dưỡng toàn thân, hoa sen còn được xem là một nguồn thuốc. Hoa sen có alkaloids nuciferine C19H21NO2 và apomorphineC17H17NO2 có tác dụng trị chứng bất lực sinh lý. Ngó sen, củ sen và hột sen được dùng để cầm máu, trị loét dạ dày, xuất huyết hậu sản, kinh nguyệt quá đà (ngó sen), nhuận trường, trị tiêu chảy, kiết lỵ, bán thân bất toại, mất ngủ, di mộng tinh, bất lực sinh lý, hạ huyết áp, hạ cholesterol, hưng phấn các sớ thịt tử cung (hột, củ sen) v.v…
Phật mẫu Mahamaya thấy voi trắng dùng ngà có hoa sen trắng chạm vào hông. Voi trắng là voi thiêng biểu tượng cho sự sinh sản và sự khôn ngoan. Sự xuất hiện của voi trắng như là sự báo hiệu của sự xuất hiện của đấng siêu phàm. Hoa sen trắng (bạch liên) là hiện thân của nữ Thần Satasvati. Bảy đóa hoa sen (bảy bước) là Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ, Trung Tâm. Có phải chăng số 7 tượng trưng cho 7 ngôi sao trong chòm Đại Hùng Tinh (Ursa Major) của Sao Bắc Đẩu trên vòm Trời?
Cây Bồ Đề
Đức Phật ngồi thiền và đắc đạo dưới cây bồ đề ở Bodh Gaya, tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Cây bồ đề là thiêng mộc đối với Ấn Giáo và Phật Giáo. Tín đồ Ấn Giáo tin rằng Thần Vishnu ra đời dưới cây bồ đề và Thần Krishna chết dưới gốc cây bồ đề. Huyền thoại Ấn Độ tin rằng gốc và rễ cây bồ đề là Thần Brahma; thân cây là Thần Vishnu và lá là Thần Shiva. Người Ấn Độ gọi cây bồ đề là Peepal (pipal). Tiếng Sanskrit (Phạn) là pipala, bodhi; Sri Lanka: Bo; Thái Lan: bodhi. Bodhi có nghĩa là sự khôn ngoan. Người Anh phải gọi cây bồ đề là Sacred bodhi (cây bồ đề thiêng), bodhi tree vì họ biết người Ấn Độ, tín đồ Ấn Giáo lẫn Phật Giáo đều tôn kính cây bồ đề.
Tên khoa học của cây bồ đề là Ficus religiosa thuộc gia đình Moraceae. Không phải thảo mộc mang tên khoa học Ficus religiosa nào cũng được xem là cây bồ đề thiêng. Chỉ có những cây bồ đề lấy giống từ cây bồ đề ở Bodh Gaya, Bihar, Ấn Độ, nơi Đức Phật Thiền tịnh và đắc đạo mới được xem là có đặc tính đặc biệt xứng đáng gọi là cây bồ đề thiêng. Cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi ở Anuradhapura, đảo Sri Lanka, lấy giống từ cây bồ đề Sri Maya Bodhi ở Bodh Gaya, Bihar, nơi Đức Phật Thiền tịnh và đắc đạo, được trồng từ năm 288 trước Tây Lịch (2300 tuổi tính đến năm 2012).
Cây bồ đề cùng dòng và cùng gia đình thảo mộc với cây đa. Cây cao lối 20m; lá hình trái tim. Trái chín màu tím đen.
Đối với người Ấn Độ cây bồ đề được bao quanh bởi nhiều huyền thoại. Nó có nhiều công dụng và tính năng trị liệu theo y học cổ truyền Ấn Độ. Ở Ấn Độ người ta trồng cây bồ đề ở hướng Đông của nhà hay đền, chùa. Vỏ cây bồ đề có nhiều tannins được dùng trong kỹ nghệ thuộc da. Từ vỏ cây bồ đề người ta khai thác màu nhuộm màu đỏ. Lá bồ đề là nguồn thức ăn cho voi và lạc đà.
Lá, vỏ, rễ, trái cây bồ đề dùng làm thuốc trị suyễn (trái tán thành bột), tiêu hóa, loét, tê thấp, nướu răng đau (rễ), lá già vắt nước nhỏ vào tai bị đau. Vỏ thân tán thành bột trị vết thương, viêm, loét, hoàng đản.
Lúa gạo
Tên khoa học của lúa gạo là Oryza sativa thuộc gia đình Poaceae. Đó là một loại cây lương thực quan trọng ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, các hải đảo Thái Bình Dương ngày xưa. Cây lúa có năng xuất cao hơn lúa mì. Từ lúa biến thành gạo, cơm nhanh chóng và giản dị hơn từ hột lúa mì biến thành bột mì và tạo ra ổ bánh mì. Dân tộc ăn cơm đều nấu cơm ở nhà nhưng dân tộc ăn bánh mì không thể nhồi bột mì, rải men, cho bột dậy và xây lò để nướng bánh mì trong nhà dễ dàng được.
Cây lúa là nguồn sống của nhân loại, đặc biệt là người Á Châu. Trung Hoa và Ấn Độ là hai nước sản xuất và tiêu thụ nhiều lúa gạo nhất thế giới. Từ gạo người ta làm ra bột, làm bánh, cất rượu, làm giấm và biến chế ra nhiều thức ăn khác. Trấu được dùng nấu nướng thay than củi. Rơm dùng để làm thức ăn khô cho trâu bò. Gốc rạ dùng để nấu nước uống và trị bịnh trái rạ. Người ta ăn gạo lức đề ngừa bịnh thủng. Cám gạo dùng ̣để làm thức ăn cho heo hay để làm một loại bánh ngọt lợ ăn để ngừa bịnh phù thủng. Gạo rang nấu nước giúp cho người bị thổ tả phục hồi lại nước trong thân thể v.v…
Ấn Giáo tức đạo Bà La Môn (Brahmanism) là tôn giáo có ảnh hưởng tuyệt đối quan trọng ở Ấn Độ. Xã hội chia ra nhiều giai cấp:
1. Brahmins (Tu Sĩ)
2. Kshatriyas (Quân Nhân)
3. Vaisyas (Thương)
4. Shudras (Công)
Những người Harijans là những người bần cùng, ngoại hạng không thuộc giai cấp nào trong xã hội. Họ bị xã hội chê bai, khinh bỉ và xa lánh đến nỗi không ai dám đụng đến họ vì sợ bị lây nghiệp chướng sâu nặng của họ. Vì vậy người Tây Phương gọi họ là những người Parias hay Untouchables. Ấn Giáo, Phật Giáo, đạo Sikh (Sikhism), đạo Jain (Jainism) đều chủ trương ăn thực vật (Shakahara) và bất bạo động (ahimsa). Phái ăn thịt gọi là Mansahara theo Phạn ngữ (Sanskrit). Nếu ăn thịt thì không ăn thịt heo và thịt bò. Bò được xem là Vật thiêng. Thức ăn thực vật được đề cao. Vấn đề này rất phức tạp vì theo cách diễn dịch của từng địa phương. Người Ấn Giáo ở Nepal không ăn thịt bò nhưng ăn thịt trâu. Người Ấn Giáo ở Ấn Độ không ăn thịt bò cũng không ăn thịt trâu. Có nơi không ăn vịt. Có nơi không ăn hành, tỏi mặc dù thức ăn của Ấn Độ có nhiều hương liệu cay và nồng.
Trong xã hội Ấn Giáo người ăn thịt được xem là người nghèo thuộc giai cấp thấp trong xã hội. Thực phẩm cho những người khất thực phần lớn xuất phát từ những người thuộc giai cấp Thương (Vaisyas), Công (Shudras) trong xã hội. Chắc chắn trong số đó có thịt (gà, vịt, dê, trừu nấu cari v.v…) nhưng tu sĩ khất thực không thể vất ra vì làm vậy là coi thường lòng thành kính của họ đối với người tu hành. Người tu có thể ăn thịt với điều kiện không thấy con thú bị giết và không nghe tiếng rên rỉ, gào thét của nó trong lúc bị giết. Chén cơm mà người phụ nữ dâng cho Phật dưới cội bồ đề không thể là chén cơm trắng? Hay có thể là cơm trắng với cà ri thực vật? Và ly sữa là sữa nấu từ thực vật như đậu nành, đậu phọng chẳng hạn chớ không phải là sữa dê hay sữa bò? Dù là thức ăn chay hay mặn, tất cả đều là lòng thành của người phụ nữ. Nhưng nếu bà chuẩn bị thức ăn để dâng cho người tu thì bà nấu thức ăn chay. Nếu bà không chuẩn bị thì bà có thức ăn gì mà trong nhà dùng thì bà dâng cho. Trong trường hợp thái tử Siddharta ngồi tham Thiền dưới gốc cây bồ đề theo các tu sĩ khắc khổ và gầy gò ốm yếu chắc chắn người phụ nữ nầy chuẩn bị nấu thức ăn bổ dưỡng để dâng cho người tu để cứu Người khỏi cửa Tử Thần khi thực hành phép tu khắc khổ. Thức ăn bổ dưỡng nhằm bồi bổ sức khỏe là thức ăn có thịt hay thức ăn thực vật?
Bữa ăn cuối cùng của Ðức Phật: Thịt heo hay nấm truffle?
Đức Phật và các đệ tử đến làng Pava và được Cunda, một người thợ rèn, nấu món sukara-maddava cho Người dùng. Ăn xong Đức Phật thấy khó chịu vì đau bụng dữ dội. Các đệ tử đưa Người về Kusinagara cách đó lối 10km. Người bị đi kiết ra máu rất nhiều và khát nước vô hạn. Người gọi Ananda kiếm nước cho Người uống. Ananda không thể lấy nước được vì có một đoàn xe bò đi ngang qua dòng nước làm cho dòng nước bị đục và nổi lên nhiều vết đất bùn dơ bẩn. Đức Phật viên tịch ở Kusinagara, tiểu bang Bihar, Ấn Độ, dưới gốc cây shala.
Món sukara-maddava là gì? Theo các bản dịch thì đó là “thịt heo mềm” (sukara: heo) khiến cho người nghiên cứu lẫn các tín đồ Phật Giáo ngạc nhiên vì không lẽ nào Cunda nấu thịt heo cho Đức Phật dùng! Như đã nói, Ấn Giáo (Hinduism-Brahmanism thế kỷ XVI trước Tây Lịch), Phật Giáo, đạo Sikh hay đạo Jain đều đề cao thức ăn thực vật, không lý nào Đức Phật lại dùng thịt heo. Không phải ở Ấn Độ ngày xưa người ta không ăn thịt. Nhưng thịt heo và thịt bò bị cấm chỉ. Sự cấm chỉ nầy có trước khi Do Thái Giáo (Judaism – thế kỷ XI trước Tây Lịch) ở Trung Đông xuất hiện và cấm tín đồ ăn thịt heo. Sau nầy đạo Hồi (Islam – thế kỷ VII) cũng ngăn cấm tín đồ ăn thịt heo. Không lý nào Cunda dám vi phạm điều nầy? Và nếu có, nhằm mục đích gì ông ấy lại phải mạo hiểm như vậy? Điều chắc chắn là món sukara-maddava không phải là món ăn nấu bằng thịt heo vì khi bị quặn đau bụng dữ dội, Đức Phật sợ người ta hiểu lầm Cunda có ý hại Người. Phật chỉ khuyên Cunda đổ bỏ các món sukara-maddava còn lại vì sợ người ăn khác cũng bị đau bụng dữ dội như vậy. Theo sự giải thích của một vị bác sĩ Thái Lan, Mettando Bikkhu, qui y và trở thành Đại Đức thì Đức Phật không bị ngộ độc vì thức ăn của Cunda. Vì chất độc chỉ bộc phát vài tiếng đồng hồ sau khi ăn chớ không phải bộc phát ngay sau khi vừa ăn xong như đã xảy ra với Đức Phật. Vị đại đức bác sĩ nầy cho rằng Phật viên tịch vì già. Một mạch máu bị nghẽn không cung cấp máu cho ruột nên gây sự quặn thắt đau đớn và bị xuất huyết đường ruột mà ông gọi là mesentery infarction (infarctus mesenterium). Chứng bệnh nầy thường xảy ra cho người già.
Vậy món sukara-maddava được dịch là "thịt heo mềm" có vẻ không chính xác vì chỉ có chữ sukara có nghĩa là heo mà thôi. Sau có người dịch là “sự ham thích của heo” tức thực vật được heo ưa thích hay thực vật bị heo giẫm lên (maddita) như măng tre hay nấm chẳng hạn. Ở Ấn Độ có nhiều tên thảo mộc có chữ sukara (Heo) như ta có Hoa Cứt Lợn tức cây Bù Xít Ageratum conyzoides, Cỏ Cứt Lợn Nepeta indica, Cỏ Cứt Heo (Hy Thiêm Thảo) Siegesbeckia orientalis chẳng hạn. Khi đề cập đến thực vật mà trư tộc ham thích, người ta liên tưởng đến nấm truffle có rất nhiều trong tiểu bang Bihar.
Tuber melanosporum
Gọi là nấm truffle do chữ tuber trong tiếng La Tinh có nghĩa là củ mà ra. Tên khoa học của nấm truffle là Tuber melanosporum thuộc gia đình Tuberaceae. Nấm truffle không có chân và tàng nấm như những loại nấm thông thường. Nó chỉ là một khối tròn như một củ khoai to bằng cái chén. Trên mặt nấm có nhiều đốm lồi lõm và lỗ nhỏ. Nấm không mọc lộ thiên trên mặt đất mà nằm dưới đất như các loại khoai củ. Nấm truffle có nhiều ở Pháp (vùng Périgord) và Ý. Nấm toát mùi của chất kích thích tố của heo đực nên muốn tìm nấm phải dẫn một con heo cái đánh hơi và ủi đất để lấy nấm. Nấm truffle rất quí vì việc tìm kiếm nó rất khó khăn. Vả lại khi ủi đất và gặp nấm, con heo cái vội ăn nấm ngay! Vì vậy ngày nay người ta huấn luyện chó đi tìm nấm truffle thay cho heo cái.
Nấm truffle trắng Tuber magnatum rất đắt tiền. Mỗi pound (453 grams) nấm truffle trắng giá từ 1.000 - 2.000 Mỹ kim. Năm 2007 một chủ sòng bạc ở Macau, Stanley Ho, mua 1,5 ký lô nấm truffle Ý với giá 330.000 Mỹ kim.
Tuber magnatum
Nấm truffle ở Ấn Độ là nấm Tuber indicum màu đen, không thơm giá khoảng 20 Mỹ kim một pound .
Tuber indicum
Nếu món sukara-maddava là món nấm truffle thì đó là một món ăn quí giá vô cùng. Nếu Cunda chọn nhầm nấm độc chớ không phải nấm truffle hay xào nấu bằng nồi chảo đồng rỉ ten xanh độc thì không những Đức Phật bị ngộ độc mà các đệ tử cũng bị trúng độc. Như vậy sự giải thích của Đại Đức bác sĩ Mettanando Bhikkhu được xem là khả tín.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
___________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét