Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Món quà muộn




Vẫn như mọi ngày, tôi lái xe dưới cái nắng mùa hè để đi làm trước khi vào học mùa tiếp theo. Tinh thần tôi cảm thấy thoải mái cho đến khi tôi chạy ngang qua một ngôi chùa Việt Nam nơi có ghi dòng chữ rất to trên băng rôn: "Vu Lan báo hiếu". Lòng tôi chợt thấy bồi hồi xúc động. Có lẽ cuộc sống vội vã nơi xứ Mỹ đã làm cho "ai đó" quên đi giá trị tinh thần và bản sắc tôn giáo của một người con xa xứ lập nghiệp lãng quên.
          Chợt nhớ về quê hương, nơi ba tôi vẫn làm việc vất vả để đứa con xa xứ có một tương lai tốt hơn bản thân người cha của nó.Cuộc đời ba tôi là một chuỗi ngày buồn, trong đó thời thơ ấu là những bức tranh với gam màu đen đuốc và bi ai. Bỏ nhà ra đi vì sự ngược đãi của ông bà nội, ba tôi phải ra đời mưu sinh từ khi mới lên tám tuổi; cái tuổi mà trẻ con người ta nhận được chăm sóc và yêu thương hết mực từ cha mẹ. Cho đến khi bị bắt vào tù (do Việt Cộng bắt đi cải tạo),ba tôi lại phải đón nhận sự khinh khi từ dòng họ bên nội,những gì ba có là sự đồng cảm và quan tâm từ mẹ của tôi. Đối với ba, sự ruồng bỏ đã trở thành "món ăn" chưa bao giờ ưa thích nhưng lại phải nuốt suốt từ thuở thơ bé.

             Năm tôi lên ba tuổi cũng là lần đầu tiên tôi nếm trải "món ăn" của ba mình. Nghe lời các cô, ba đưa tôi về nhà nội chơi vào dịp cuối tuần cho có cái gọi là "không khí gia đình" sau bao nhiêu năm cắt đứt liên lạc. Tôi không cảm thấy thích thú nhưng rồi cũng phải đi cho biết. Đối với tôi, những người bên họ nội là những người xa lạ không hơn không kém và tôi thậm chí không biết đến mặt mũi của ông bà nội từ lúc mới chào đời. Ở căn nhà "xa lạ" đó, những gì tôi trải nghiệm là sự phân biệt đối xử của ông bà nội đối với những đứa cháu của mình. Tôi được cho ăn cháo trắng trong khi những đứa cháu khác lại ăn cháo gà. Tôi cảm thấy khó chịu và kêu ba lên chở về trong ngày. Trải nghiệm đầu tiên đã cho tôi một ấn tượng khó phai.

              Năm lên 16 tuổi cũng là lần thứ 2 trở về thăm ông bà nội. Có lẽ vì tuổi già nên ông bà nội trở nên dễ gần hơn, nhưng đổi lại là sự khi dễ của những đứa cháu nộikhác.Ông bà ta thường nói:" Lời chào cao hơn mâm cỗ"; ấy vậy mà những gì hai cha con nhận được là cái nhìn thiếu thiện cảm và sự thờ ơ từ những đứa cháu. Không một lời chào, không một ly nước,hai cha con hỏi thăm ông bà trong sự lạnh nhạt của cái gọi là "gia đình" cho đến lúc ra về.Bây giờ tôi cũng đã đủ lớn để hiểu được "bức tranh thời thơ ấu" của ba mình được vẽ như thế nào.

             Thời gian trôi qua, tuy ông bà nội đã không còn nhưng tôi biết vết thương lòng trong ba vẫn nằm đó. Vu Lan về cũng là lúc những ký ức trong ba quay về.Cài trên mình chiếc hoa hồng để ghi nhớ ơn sinh thành; cũng như đính thêm chiếc bôngmàu trắng trên ngực áo để biết rằng ông bà đã ra đi,ba tôi đã làm cho nhiều người khó hiểu nhưng với tôi điều đó lại mang nhiều ý nghĩa. Đối với tôi, dù chưa thể giúp gì cho ba me, nhưng sự cố gắng học hành cho thành công mai sau là món quà ý nghĩa nhất mà ba mẹ tôi mong muốn. Có lẽ Vu Lan con không về nhưng món quà sẽ đến trễ một chút ba mẹ nhé !


Trí Nguyễn

                                                               USA
                                                           08/17/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét