(Hoa Hậu Bích Liên, Chủ nhân Dược Mỹ Phẩm EV Princess)(VienDongDaily.Com - 20/02/2016)Phỏng Vấn
THANH PHONG thực hiệnCuối năm 2014, tin Hoa Hậu Bích Liên, chủ nhân Dược Mỹ Phẩm EV Princess nổi tiếng khắp nơi trên thế giới đã từ bỏ vinh hoa phú qúy, tiền tài, danh vọng để bước vào cửa Phật, làm ngạc nhiên nhiều người. Từ đó, các tin đồn được tung ra, người nói Hoa Hậu Bích Liên “thất tình” nên xuống tóc đi tu; người khác lại nói, Hoa Hậu Bích Liên “làm ăn thất bại” nên chán nản bỏ đi tu, và nhiều, rất nhiều tin đồn khác; thậm chí có một số người có ý nghĩ xấu, không tin rằng Hoa Hậu Bích Liên có thể đi tu lâu dài được mà đây chỉ là một kế hoạch, một mưu toan gì đó. Tuy nhiên, đến nay, Hoa Hậu Bích Liên đã trở thành sư cô Thích Nữ Ngọc Liên và đã khóac áo cà sa, ăn chay trường và biến trung tâm thương mại của mình thành Tịnh Xá Ngọc Phú ở địa chỉ 1164 McLaughin Ave., San Jose, CA 95122. Không những thế, Sư Cô Ngọc Liên còn đang có chương trình tu học tại Tích Lan để lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học và sẽ trở về lại Hoa Kỳ hoằng dương chánh pháp.Sau khi xuất gia: Sư Cô Thích Nữ Ngọc Liên. (Thanh Phong/ Viễn Đông)Câu hỏi của rất nhiều người là lý do tại sao một người có nhan sắc, có danh vọng và tiền bạc thoải mái như Hoa Hậu Bích Liên bỗng chốc lại từ bỏ tất cả để đi tu. Liệu tu có thành chánh quả hay không?
Để trả lời những câu hỏi trên, phóng viên Viễn Đông đã được Sư Cô Ngọc Liên hoan hỷ đón tiếp tại Tịnh Thất của cô trong khu Little Saigon, và trả lời tất cả câu hỏi chúng tôi đưa ra. Trong bộ cà sa vàng, Sư Cô Ngọc Liên còn trẻ, rất khiêm nhường, gọi chúng tôi là chú và xưng “con.” Để tôn trọng sự khiêm tốn, hòa nhã của sư cô, chúng tôi xin để nguyên văn cách xưng hô, đối đáp giữa chúng tôi và sư cô Ngọc Liên.
Viễn Đông: Xin chào Sư Cô. Trước hết xin Sư Cô cho độc giả Viễn Đông biết qua về gia cảnh.
Sư Cô Ngọc Liên: Chào chú. Con sinh ra trong một gia đình gồm chín anh chị em, con là con thứ năm . Trong chín anh chị em, hiện bốn người còn đang ở Việt Nam, năm người đang ở Hoa Kỳ. Mẹ con qua đời khi con vừa 12 tuổi, còn ba con mới qua đời được hai năm nay.
VĐ: Thưa Sư Cô, lý do nào khiến cô từ bỏ tất cả để vào nương tựa cửa Phật?
Sư Cô Ngọc Liên: Thưa chú, trước hết con rất cám ơn chú đã hỏi câu này. Trước đây khi con còn là một trong những thương gia tạm gọi là thành công. Ở đất nước Hoa Kỳ này, người ta dùng cái câu là “American Dream” giấc mơ Mỹ Quốc của nhiều người Việt. Con cũng như bao nhiêu người từ Việt Nam qua đây, con cũng cầu mong là mình cần có một tấm bằng vững chắc cho đời sống mình rồi tìm công ăn việc làm để cho đời sống không bị chật vật, nên con cố gắng hoạc hành và làm việc suốt hơn ba chục năm nay, với hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp, trong đó con cũng có bốn em nhỏ nữa con phải cưu mang.
“Đối với con, con thấy cuộc đời con rất là may mắn. May mắn là con làm thành công nhưng con rất là cực. Với hai bàn tay trắng và sức lực của con, con khổ lắm! Người ta làm một ngày 8 tiếng chứ con làm một ngày mười mấy, hai chục tiếng. Đêm con ngủ rất ít, nên đồng tiền con làm ra, con hiểu được giá trị của nó, vì chính bản thân con làm mới có đồng tiền đó, con không nhờ một người nào hết. Khi con có tiền như vậy thì con nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh, kể cả ở gia đình con.
“Con sinh ra ở Phú Quốc, một hòn đảo xa xôi, nghèo nàn chứ không phồn thịnh như bây giờ. Ngày xưa con còn nhớ, lần đầu tiên con được cái vinh dự là Hoa Hậu Áo Dài thì con nghe có người chê bôi, nói rằng con sinh ở chỗ đồng khô hiu quạnh, cứt bò đầy đường vậy mà cũng bày đặt hoa hậu, hoa hiếc. Con cũng không bao giờ buồn và để ý, bởi vì con hãnh diện với nơi bố mẹ con sinh ra, hãnh diện với quê hương nước Việt của con, con có cầu tiến, học hỏi hay không là do chính bản thân con, nên khi con đến đất Mỹ rồi con biết, nếu mình chịu cực, chịu khổ để vươn lên thì đó là phương tiện giúp mình thành công.
“Vì lẽ đó con cố gắng miệt mài trong việc học hành cũng như công việc ngoài xã hội. Con coi xã hội và cộng đồng là người thân trong gia đình của con. Mỗi khi con đóng góp, giúp cho những cảnh đời bất hạnh, đặc biệt là cộng đồng của mình ở Cali cũng như ở nơi khác khi cần là con thấy mãn nguyện. Sau khi xuất gia, con cũng đóng góp 3 tỷ đồng để xây dựng ngôi Tam Bảo nơi con xuống tóc.
Mỗi lần con cho đi là con rất hạnh phúc. Khi con nhìn thấy trong cộng đồng cũng như quê hương và tất cả các nơi gặp thiên tai, bão lụt như chú đã thấy, người còn, kẻ mất. Có tiền nhiều bao nhiêu đi nữa rồi cũng chết. Danh vọng, tiền tài cho dù có đến đâu đi nữa cũng không tồn tại; nay còn, mai mất thôi, và đồng thời con thấy trong cuộc sống này đầy ganh đua, chém giết lẫn nhau, thù hận lẫn nhau, gây ra rất nhiều điều buồn phiền cho nhau.
Rồi con cũng nhìn qua những ông tướng, bà tá những người có tên tuổi trong cộng đồng chúng ta cũng dần dần ra đi và cũng chẳng để lại được cái gì, cho nên con suy nghĩ, chính bản thân con sau này cũng vậy thôi, cho nên cái ngày đầu tiên con khai trương, khánh thành cái tiệm trong thương xá Phước Lộc Thọ con rất thành công, con nghĩ thành công rực rỡ như vậy rồi nó tồn tại được bao lâu? Nên con quyết định con đi xuất gia, còn những tin đồn này kia như chú đã nghe chỉ là tin đồn mà thôi, con không quan tâm.
VĐ: Sư Cô chọn vị nào làm Bổn Sư và chùa nào để quy y?
Sư Cô Ngọc Liên: Khi con quyết định như vậy thì con chọn Hòa Thượng Thích Minh Hồi tại Như Lai Thiền Tự ở San Diego làm Bổn Sư. Thầy đồng ý nhưng con thưa với thầy: Bổn Sư là Tăng, con là Ni, không tu chung được nên con xin phép Bổn Sư cho con về nơi nào đó xa xăm trên quê hương của mình để con xuống tóc, để con ở đó hiểu được và cảm thông hoàn cảnh những người nghèo khổ, và con đã về Bình Thuận, cách Phan Thiết 70 cây số; nơi đó có một tịnh xá hẻo lánh. Con chưa từng gặp vị trụ trì ở tịnh xá này bao giờ nên khi con về đến đó, con trình bày và sư phụ cho con xuống tóc tại đây, tịnh xá này là Tịnh Xá Ngọc Vân.
Trong ba tháng tu học ở đây con thấy có rất nhiều Phật tử họ có cái tâm, họ ở rất xa nhưng cũng đến tu học, mặc dù tịnh xá này còn quá nghèo nàn, nhà tranh vách lá nhưng mỗi ngày họ đều đến tu học, thấy thế con cũng giúp làm được gần 20 căn nhà tình thương để họ có chỗ tu học. Tất cả những cảnh đời con nhìn thấy nó rất vô thường, con tự nhủ trong lòng “nếu một đêm con ngủ mà thần chết đến gọi con liệu con có chuẩn bị kịp hay không thì tại sao mình không đi xuất gia? Xuất gia đâu phải chết đâu! Xuất gia mình làm được nhiều việc thiện hơn; mình ngồi mình tịnh tâm và làm được nhiều việc hơn khi chưa xuất gia. Con nghĩ, khi con xuất gia rồi, mai này con có chết đi thì con có được tâm linh để mà nương tựa. Nghĩ như vậy mà con xuất gia mãnh liệt hơn và phát Bồ Đề Tâm ngay lập tức để xuất gia. Đó là lý do tại sao con xuất gia như chú vừa hỏi.
VĐ: Ai cũng biết, trước khi xuất gia, sư cô là một Hoa Hậu nổi tiếng, dĩ nhiên từ việc ăn uống đến trang phục đều phải là những thức ăn ngon, đắt tiền, quần áo, giày dép phải là hàng sang trọng; nay đột nhiên ăn chay, khoác trên mình bộ áo cà sa. Sư cô có thấy bỡ ngỡ, khó khăn và luyến tiếc quá khứ không?
Sư Cô Ngọc Liên: Thưa chú, nhiều người, kể cả những người ở bên cạnh nhà con tại San Jose họ đều nói “Khi bước ra đường là con phải đẹp.” Sáng nào con bước ra đường là phải sửa soạn đàng hoàng, sao cho đẹp. Con rất quan trọng về y phục, bởi vì mỗi lần con tham dự các sinh hoạt của cộng đồng, người ta đều muốn nhìn con với hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đẹp đẽ cho nên con chuẩn bị rất kỹ, những bộ đồ thật đẹp, thật sang trọng, đắt tiền bởi vì họ trọng cái bề ngoài.
Chính vì nhiều người coi trọng cái bề ngoài mà con rất cực. Mỗi lần con chuẩn bị là vô cùng mệt mỏi chứ không có hạnh phúc gì. Người ta muốn nhìn hình ảnh sang trọng của một Hoa Hậu chứ không ai muốn nhìn hình ảnh người Hoa Hậu như con mà ăn mặc lè phè cho nên con phải trau chuốt rất là kỹ mỗi khi đi ra ngoài, và mỗi lần họ muốn nhìn hình ảnh hoa hậu thì con phải đội vương miện, mà đội vương miện một lần từ ba tới năm tiếng đồng hồ chương trình mới xong làm con đau đầu lắm! Nhưng vì cái nhu cầu của ban tổ chức họ dặn: “Bích Liên nhớ đội vương miện nghe.”
Khi chưa xuất gia, con tôn trọng ban tổ chức nên phải bỏ thời gian làm mọi thứ do họ yêu cầu. Nhưng khi xuất gia rồi con cảm thấy rất hạnh phúc, dù bây giờ mặc bộ áo cà sa chỉ có một màu giống nhau nhưng con thấy nó nhẹ nhõm vô cùng, và với cái đầu tròn áo vuông bây giờ con cảm thấy nó khỏe lắm. Con không tốn công, tốn sức gì nhiều hết, thậm chí con phải nói con không tốn tiền kể cả dầu thơm bây giờ con cũng không cần.
Ngày xưa khi con đi từ San Jose xuống Nam Cali, con phải chuẩn bị từ một đến hai vali lớn mới đủ, với những bộ đồ từ hai ngàn đồng trở lên chứ không ít, bóp đầm, giầy dép đều phải là loại đắt tiền nhưng khi con xuất gia rồi con mới thấy nó khỏe. Đi xuất gia quá nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng từ thể xác cho đến tâm hồn, đó là cái điều con cảm thấy rất an lạc trong tâm hồn. Còn chú hỏi con đang ăn mặn bây giờ ăn chay có nhớ mặn không? Con xin thưa, trước khi xuất gia con thỉnh thoảng cũng đã ăn chay nên khi xuất gia rồi con thấy ăn chay cũng bình thường thôi chú.
VĐ: Khi Sư Cô về một tịnh xá hẻo lánh ở Bình Thuận để xuống tóc đi tu. Vị trụ trì có biết cô là Hoa Hậu Bích Liên không? Nếu biết, vị trụ trì đó có ngạc nhiên, có khuyên lơn cô nên suy nghĩ lại không hay chấp nhận ngay?
Sư Cô Ngọc Liên: Trước đây con có gửi tiền về tài trợ cho Ni Sư Thích Nữ Viên Liên để xây dựng những căn nhà tình thương mặc dù con chưa biết mặt Ni Sư, nhưng khi nói chuyện với Ni Sư qua điện thoại, Ni Sư mới biết con là người ngày xưa đã gửi tiền về giúp. Ni Sư bèn nói: “Bây giờ Hoa Hậu Bích Liên đã phát Bồ Đề Tâm rồi, là một cái nụ hoa sen vừa chớm nở và khi con xuống tóc nữa là hoa sen của con sẽ nở rộ đẹp hơn. Lời khuyến dũng đó còn mãnh dũng hơn khiến con thêm mạnh dạn để Tết xong là con đi liền. Con về đến nơi Sư Y Chỉ của con là Thích Nữ Viên Liên rất là hạnh phúc, bởi vì khi con vào tu con không phải mất thời gian dạy dỗ giống như những người mới đi tu. Con xuất gia rồi là con thích ứng ngay với nền nếp không có gì trở ngại cả khiến Ni Sư con nói: “Con là đi tu truyền kiếp chứ không phải kiếp này đâu con. Kể cả Sư Bà cũng thương con vì không mất thì giờ dạy con như những người khác. Cho nên con đi như vậy mọi người đều vui vẻ hết.”
VĐ: Khi còn là Hoa Hậu Bích Liên, cô đã đóng góp rất nhiều cho khắp nơi và cũng đã xuống tóc tại tịnh xá Ngọc Vân. Vậy sau này, Sư Cô có trở lại đó để tiếp tục con đường tu hay không?
Sư Cô Ngọc Liên: Trước đây con đã giúp khoảng 20,000 ngàn đô để xây dựng nhà tình thương, sau này con đóng góp ba tỷ cho Sư Y Chỉ xây dựng ngôi Tam Bảo. Sư Y Chỉ cho con đi học bởi vì Sư nói con đã có bằng Master ở đây rồi thì con phải đi học Phật Học để mai này con đem đời vào đạo để con có thể giúp chúng sanh nhiều hơn, thì Sư Phụ con cho con vào Saigon học ở Học Viện Phật Giáo rồi con qua Tích Lan cũng như đến Miến Điện để học thiền, và đi Úc cũng để học thiền rồi về lại Mỹ con tiếp tục học ở University of the West và đi đi về về. Cái điều con hạnh phúc là quý ngài hiểu được, biết được cái khả năng và cái hạnh của con mà quý vị rất hài lòng. Hiện con đang chuẩn bị chừng một, hai tuần nữa con qua lại Tích Lan tiếp tục học lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học. Con đã ở bên đó rồi nhưng vừa qua con xin phép về bên này lo thỉnh tượng Đức Phật về Thiền Viện của con ở San Jose, và thật ngẫu nhiên, ngày con thỉnh tượng Phật về Thiền Viện trùng đúng vào ngày con xuất gia (27-12-2014). Ngoài ra con cũng phải giải quyết một số việc với các cơ sở thương mại của con nữa.
VĐ: Sau khi đã trở thành Sư Cô Ngọc Liên, những cơ sở thương mại do cô điều hành trước đây bây giờ giải quyết ra sao?
Sư Cô Ngọc Liên: Những cơ sở đó bây giờ con để cho em gái con lo cũng như một số cơ sở khác do cổ đông lo nhưng trên tất cả mọi mặt, con vẫn là người cố vấn cho các em, vì sự xuất gia của con là niềm tin vững chắc hơn cho mọi người. Khi con chưa đi xuất gia thì uy tín của con có nhưng nhiều người vẫn phân vân, không biết có phải vì danh lợi mà con quảng cáo hay không nhưng bây giờ con đi xuất gia, khách hàng họ có đến họ tin tưởng nhiều hơn, vì con làm những điều tốt họ đã thấy rồi nên con hoan hỷ điều hành để làm sao các em, các cháu con đừng phụ lại tấm lòng thương yêu của khách hàng của con.
VĐ: Sau khi tu học tại Tích Lan và lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học, Sư Cô có dự tính gì cho tương lai?
Sư Cô Ngọc Liên: Hiện tại con nghĩ rằng con cố gắng học lấy bằng Tiến Sĩ để con có kiến thức riêng cho con về Phật pháp, và con dự định khi con có cái Thiền Viện như vậy rồi, con về con vừa tu vừa có thể hướng dẫn Phật tử Thiền; con học về “Thiền Quán” để mình có thể quán tưởng đến những sự hạnh phúc và thành công trong cuộc sống của mình cũng như làm sao sống lạc quan hơn, và đưa đời vào đạo để chúng sanh có cuộc sống cảm thấy có ý nghĩa hơn, vì cuộc sống hiện tại có quá nhiều ganh đua, sát phạt nhau. Con mong mỏi trong tương lai con sẽ làm được điều đó, cũng như con sẽ lập một Đạo Tràng để cùng sinh hoạt với nhau.
VĐ: Sư Cô dự định lập đạo tràng tại đâu?
Sư Cô Ngọc Liên: Con đã lập rồi ở số 1164 McLaughlin Ave, nơi thị tứ của thành phố San Jose, CA 95122, và con đã xin được đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
VĐ: Trong cuộc sống tu hành, Sư Cô cảm nhận điều gì và có lời nào khuyên nhủ giới trẻ trong cộng đồng chúng ta?
Sư Cô Ngọc Liên: Con xin phép quý độc giả báo Viễn Đông để chia sẻ một chút cảm nghiệm của con. Khi con đặt chân đến đất Mỹ này con cũng là một người trẻ, con đã cố gắng để học hành và với hai bàn tay trắng con đã làm nên sự nghiệp. Từ chỗ thành công đó con mới có phương tiện đóng góp cho cộng đồng nên con mong các bạn trẻ cũng cố gắng làm được việc gì hữu ích cho cộng đồng thì nên làm.
Riêng vấn đề tu hành thì con không cảm thấy ân hận hay hối tiếc gì hết, vì con đã may mắn được sống, được hưởng thụ vinh hoa phú quý, danh vọng và tiền bạc một thời gian rồi, nay con thấy tất cả những thứ đó rồi cũng qua đi, và khi bước chân vào cõi khác mình chẳng mang theo được gì nên con quyết tâm từ bỏ mọi sự, xuất gia tu hành để mong sau này khi nhắm mắt xuôi tay, con sẽ được giải thoát không còn phải luân hồi nữa.
VĐ: Cám ơn Sư Cô và chúc sư cô thân tâm luôn an lạc.
Sư Cô Ngọc Liên: Con gửi lời cám ơn Ban Giám Đốc nhật báo Viễn Đông, cám ơn chú và nếu có những lời nói nào không vừa lòng quý đồng hương, xin vui lòng hỷ xả cho con.LTH - Peace
Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016
Sư Cô Thích Nữ Ngọc Liên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét