TÀM-QUÝ là hai tâm sở thiện trong "Đại
Thiện Địa Pháp" của Nhất Thiết Hữu Bộ thuộc Pháp tướng Tông, gọi chung là: HỔ THẸN. Luận Câu Xá quyển 4 nêu ra 2 cách giải thích về Tàm và Quý như
sau:
Cách thứ nhất: Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có
đức, Quý là lòng sợ tội lỗi.
Cách thứ hai: Tàm là khi mình phạm tội mặc dù không có ai
biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết
mà mình xấu hổ.
(Phật Quang Đại Từ
Điển tập 4)
KINH TRUNG A HÀM
5. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
45. KINH TÀM QUÝ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa
tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn
bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu có Tỳ-kheo nào
không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có ái và kỉnh thì làm
tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh
tư duy thì làm tổn hại chánh niệm chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí
thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh
chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải
thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Nếu Tỳ-kheo nào biết
hổ thẹn thì có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì
thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí.
Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận,
hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải
thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Tăng nhất A-hàm,
tập I, phẩm Tàm quý,
VNCPHVN ấn hành, 1997,
tr.259)
“Một thời Phật ở nước
Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo:
- Có hai diệu pháp ủng
hộ thế gian. Thế nào là hai? Nghĩa là có tàm, có quý. Này các Tỳ-kheo, nếu
không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có
em, có vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ sẽ cùng lục súc heo, gà, chó,
trâu, dê v.v... đồng một loại. Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian
ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không
đồng với lục súc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tập có tàm, có quý. Như vậy, này
các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo
nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
HT T.Trí Quảng cũng đã
nói:
Hạnh TÀM QUÝ là thiện
tâm sở rất quan trọng; vì không có hạnh này, người ta dễ tạo tội lỗi và đi vào
thế giới ác ma. Cảm thấy xấu hổ khi người xem thường mình, cảm thấy xấu hổ khi
được người kính trọng, nhưng thực sự mình không đáng kính trọng. Biết xấu hổ
thì tiến tu được. Dẹp được tâm vô tàm vô quý, trí tuệ chúng ta sáng lần, thấy
được việc chính xác hơn; với tâm trung thực, chúng ta mới nhận ra sai lầm của
mình trước kia.
Theo tu viện Chơn Như:
TÀM QUÝ
Tàm là mắc cỡ, xấu hổ
trước mặt mọi người về một việc làm sai trái của mình.
Quý là tự mình cảm
thấy xấu hổ về việc làm sai trái của mình mặc dù không có ai thấy, hay biết.
Người muốn giữ gìn
giới luật mà không biết xấu hổ thì không bao giờ giữ gìn giới luật được. Cũng
như người muốn tu thiện pháp mà không biết xấu hổ thì không bao giờ tu thiện
pháp được.
Người muốn giữ gìn đức
hạnh làm người, làm Thánh mà không biết xấu hổ thì chẳng bao giờ giữ gìn đức
hạnh được.
Người muốn tu hành
giải thoát mà không biết xấu hổ thì không bao giờ có giải thoát được.
*****
Qua kinh điển và lời
giáo huấn của chư Tôn túc, Tàm-Quý là căn bản trong 11 thiện tâm sở, giúp cho
"con" có giá trị làm người. Một người làm sai không biết hổ thẹn, hối
lỗi thì người chỉ có giá trị của bản chất "con" như bao con
động vật khác.
Bậc cao đức do từ
Tàm-Quý mà đã trở thành khiêm hạ trước mọi đối tượng. Có vị tu sĩ tuổi đã cao,
thế mà nói chuyện với bất cứ ai cũng tự xưng mình là con. Họ không bao giờ dám
xưng thầy đối với ai cho dù đức độ của họ đáng là bậc thầy. Ngược lại, người
thiếu tính Tàm Quý thì thường xưng thầy trước mọi đối tượng, cho dù đối tượng
đó đáng tuổi cha mẹ ông bà.
Thế gian vì thiếu tính
Tàm - Quý mà không phân biệt đúng sai phải quấy đã đành; tôn giáo, một tu sĩ
không có Tàm-Quý thì không còn nhân cách một tu sĩ. Cho dù đứng trước hàng vạn
người thao thao bất tuyệt mà không biết Tàm-Quý có nghĩa là không biết xấu hổ
việc sai phạm mình vừa làm thì có nghĩa biết rất nhiều, biết đủ thứ mà không
biết xấu hổ, xem như không đủ nhân cách để làm thầy thiên hạ.
Đối nghĩa của Tàm-Quý
là vô tàm, vô quý, là bất thiện tâm sở, một trong những chướng ngại lớn trên
con đường tiến hóa tâm linh. Một khi đã vô tàm vô quý thì sẽ không đủ trí
tuệ phân biệt đúng sai, kiến thủ, chấp thủ. Cho dù kinh điển hay các bậc cao
minh xác định điều đó là sai, nhưng vì vô tàm vô quý, cứ khư khư cố chấp nên đi
xa chánh pháp, xa chính lý để tự mình chấp nhận con đường đi xuống; chẳng những
thế còn đanh mất "ái" "kính". Ái kính không có thì
"tín" cũng không có, dẫn đến không có chánh tư duy, đánh mất chánh
niệm chánh định... lạc vào tà kiến, dẫn dắt đồ chúng sa vào ngụy tín.
Theo định nghĩa của
Đại Tự điển Phật Quang, người biếtTàm là người có lòng tôn kính các công đức và người có đức, nghĩa là
người biết khiêm hạ và biết lắng nghe, không xem sự hiểu biết của mình là vượt
trội mọi người, thậm chí xem kinh điển là lỗi thời hạn hẹp... Tự mình lập thành
học thuyết tà mị vì chối bỏ kinh điển cổ nhân. Người vô Tàm là người cao ngạo,
không bao giờ biết tiến thủ. Còn Quý là lòng sợ tội lỗi. Vì
không biết Quý nên không tội lỗi nào mà không dám làm. Có thể làm tội lỗi không
ai biết nhưng người có lương tâm phải biết ăn năn sợ tội, vì không biết ăn năn
sợ tội nên tiếp tục sa vào hành động sái quấy, chỉ che mắt được mọi người nhưng
lương tâm không thể không cảm thấy sợ sệt, nếu phạm lỗi mà không biết sợ sệt
thì thuộc dạng không còn thuốc chữa, thuộc loại nhất xiểng đề.
Tóm lại, TÀM-QUÝ là
một trong 11 thiện tâm sở, là căn bản bước đầu cho việc tu tập của người
con Phật đúng nghĩa. Sau khi Phật thành đạo triệt phá được ma quân nội tâm, dẫn
dắt đệ tử tiếp tục hành trình chuyển hóa nghiệp chướng, khai mở tuệ giác, Ma
vương bất lực, tuyên thệ trước mặt đức Thế tôn:
Ta không phá được
ngươi, ta thề sẽ phá đệ tử người sau khi người nhập diệt. Ăn cơm Như Lai, mặc
áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, trụ xứ Như Lai để hủy pháp Như Lai, đó là hiện
tượng ngày nay đã xuất hiện khắp nơi mà trang mạng chỉ là một phát hiện nhỏ
giữa cuộc sống bộn bề. Ma quân cũng như ma vương làm gì có Tàm-Quý!!!
MINH MẪN
27/11/2015