Vấn đề tín ngưỡng tôn giáo không còn gì để nói, vì đó là hiện
tượng của cuộc sống như bao cuộc sống trong xã hội con người, có cả hai mặt:
tiêu cực và tích cực. Lãnh vực tâm linh lại là vấn đề khác, nó không thuộc
những cạnh tranh, phô diễn, tiềm tàng những thủ đoạn tranh danh đoạt lợi, nơi
đây là sự cố gắng tự thân để chuyến hóa tính ô trược thành thanh tịnh, từ thanh
tịnh sẽ đi vào trạng thái thanh khiết cho cơ năng sinh lý, tâm lý đến tâm thức.
Cho dù tu bất cứ pháp nào, các hành giả mà thuật ngữ gọi là
Yogi, với trạng thái miên mật, ít nhiều cũng cảm nhận được pháp lạc hành trì.
Trong lúc thọ pháp hành trì, hành giả phải được vị thầy có kinh nghiệm sở đắc
để hướng dẫn vượt qua các hiện tượng tâm lý, sinh lý mà Lăng Nghiêm gọi là NGŨ
ẤM MA. Bằng không, sẽ bị lạc dẫn bởi vọng tưởng, đưa đến tâm lý bất bình thường
mà thường gọi là tẩu hỏa nhập ma.
Dạng bất bình thường do vô số nguyên nhân, hoặc không được minh
sư hướng dẫn, hoặc hành sái pháp, hoặc do vọng tưởng, hoặc thiếu phước để tiến
vào lãnh vực tâm linh, vì vậy nhà Phật thường gọi là: PHƯỚC-HUỆ SONG TU. Tu Huệ mà không đủ Phước, không tạo Phước
như người đi một chân khập khễnh, dễ vấp ngả, còn được gọi làCÀN HUỆ ĐỊA.
Phước là phân bón để cho cây Huệ phát triển. Ai cũng biết, Phước là do nhiều
phương cách tác tạo lợi mình, lợi người, lợi cho tất cả hữu tình và vô tình;
phước do hành động thể hiện và do tư tưởng hoan hỷ. Nhìn y báu chúng ta biết
mức độ phước báu. Người chuyên tu Huệ mà không trọng Phước như cây khô giữa
đồng; người chuyên tu Phước mà không chú trọng Huệ thì như cây được chăm bón quá
nhiều dinh dưỡng, tươi tốt phì nhiêu nhưng khó có quả, nghĩa là có thể thụ
hưởng sung túc vật chất mà trí tuệ lu mờ. Trí tuệ đây không phải là kiến thức, trí thức mà là Tri Thức.
Hành giả có đủ Phước thì tiến vào Huệ suôn sẻ hơn. Nơi đây, chỉ
nói đến trạng huống của những hành giả gặp phải khi trải nghiệm trên con đường
tiến vào lãnh vực tâm linh thuần túy thông qua pháp hành. Hành giả nào cũng
phải thể nghiệm một số hiện tướng, ngay cả đức Bổn Sư của chúng ta, trước khi
chứng đắc, cũng phải trải qua những ma chướng cám dỗ dưới cội Bồ Đề. Hiện tướng
có thể thích thú, có thể lo sợ e ngại, có thể thuận hoặc nghịch với tâm cảm của
hành giả.
Hiện Tướng là hình ảnh phản chiếu từ tâm thức kết tụ bởi tập
khí. Khi vô minh chưa sạch thì những hiện tướng đó gọi là Ngũ Âm Ma; tâm càng
lắng đọng thì hiện tướng càng rõ. Một số hành giả làm chủ được sanh tử, tức
vượt qua Tứ Thiền. Những Hiện Tướng xuất hiện thì gọi là LINH ẢNH, vì không còn
tác động bởi tập khí vô minh mà đây là hình ảnh xuất phát từ siêu thức. Sóng âm
siêu thức trong lúc Thiền định, phát tần sóng Gamma, loại sóng cực mạnh mà
trong cuộc sống thường nhật, ai cũng trải qua từng trạng thái các dạng sóng
Alpha, Beta, Theta, Delta, những dạng sóng đó thấp hơn Gamma.
Khi hành giả còn vô minh, cho dù vi tế, nó thuộc năng lượng âm,
tương ứng với năng lượng âm ngoại biên từ vũ trụ, bao quanh mọi sinh vật, xuất
hiện dưới dạng sóng âm mà tưởng thức khởi hiện. Những dạng sóng đó tác động lại
tưởng thức, cộng hưởng với nguồn sinh lực dương nội thể, biến hiện mọi hiện
tướng. Sinh thời hành giả nặng về một trong những kiết sử nào thì lúc bấy giờ
kiết sử đó hiện rõ nhất khi thiền định. Nếu tâm sân nhiều thì hiện cảnh khởi
sân, tâm dục nặng thì hiện tướng tham dục, oan trái nhiều thì chúng sanh tướng
đeo bám.
Có một hành giả, mỗi khi ngồi Thiền là thấy xuất hiện con rắn từ
một điểm sáng bò ra đe dọa. Trong quá khứ đã tạo oan gia với nó, hiện tại dẫn
khí bị bế tắt tại luân xa hai. Do hai yếu tố tuy hai nhưng là một đó, gây khó
khăn cho hành giả trên con đường tu tập. Đoạn đường tiến tu là đoạn đường gian
nan nhất, gian nan hơn cả cuộc sống vật chất, y báu là do phước tiền căn để có
một chánh báu nhất định, do vọng tâm mà con người bon chen được thua còn mất
nên khổ đau miên tục. Riêng hành giả trong lãnh vực tâm linh, tự phấn đấu với
chính mình khó khăn bội phần hơn là tranh danh đoạt lợi ngoài xã hội. Chuyển
hóa nội tâm từ những tập khí quá khứ và hiện tại để hóa giải những mắc mứu
tưởng thức đi dần đến vô thức và siêu thức. Cuộc chiến miên viễn để vượt qua
bao chướng duyên, mỗi chặng đường là một chướng ngại không hề suôn sẻ.
Người chiến đấu tâm linh không hề mang mặc cảm đố kỵ và không hề có đối tượng
đố kỵ. Ngay cả tâm cảm hỷ và xả cũng phải ly hỷ và ly xả. Không còn lưu lại một dấu vết tâm lý hay trạng thái tâm lý, vì
thế thọ và xả thọ cũng phải lìa.
Không thể đi quá sâu vào trạng thái tâm thức khi không phải là
hành giả. Nơi đây, chỉ nói đến trạng thái pháp lạc, một trạng thái sơ đẳng cho
những ai mới bước vào ngưỡng cửa tâm linh, đã chọn cho mình một pháp hành. Mỗi
pháp có một mô thức thực tập, dù thực tập theo mô thức nào, nguyên tắc chung là
hành giả không chỉ làm đúng theo thao tác từ thể tướng cho đến tâm tưởng mà bí
quyết là có sự tác động của tâm cảm và sự phấn kích. Nếu chỉ thực hiện đúng
nguyên tắc như chiếc máy thì hành giả khó cảm nhận được niềm hỷ lạc từ pháp
mạch. Thiền tập mà không cảm nhận được một tâm cảm sơ đẳng để kích thích tiếp
con đường tu tập thì dễ chán nản bỏ cuộc. Biết rằng tiếp biến nguồn pháp lạc
cũng chỉ là ảo giác, nhưng vẫn cho biết rằng bước khởi đầu đi đúng đường để từ
đó, bỏ chúng lại đi tiếp con đường trước mặt. Một bài toán khó, một vấn đền nan
giải, khi nắm được mấu chốt thì trạng thái tâm lý cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái
hưng phấn.
Cũng vậy, pháp hành có khác một chút là trạng thái pháp lạc
không do hành giả nắm được mấu chốt mà mấu chốt là hành giả đã bước vào được
ngưỡng cửa pháp hành, thâm nhập vào mảnh đất dự lưu một cách chính xác thì
nguồn hỷ lạc tự xuất hiện.
Bước khó đầu tiên cho mọi hành giả chọn con đường tâm linh là
bước vào ngưỡng cửa pháp hành; thường thì dễ bị đánh bạt ra như một thiên thể
bị bầu khí quyển đánh trượt khỏi. Không thành công trong suốt thời gian dài
hành trì thì dễ chán nản, có thể pháp hành không tương thích với căn cơ của
hành giả, hoặc hành giả chưa nắm được thủ thuật để thâm nhập và hòa đồng cùng
pháp hành. Trạng thái pháp lạc làm cho Yogi thoải mái an lạc hưng phấn suốt
thời gian hành trì và sau khi xả thiền. Sự hưng phấn đó đã tăng trưởng hồng
huyết cầu nuôi dưỡng hệ thần kinh, kích hoạt tuyến Tùng để đi lần đến giác ngộ
(dĩ nhiên đang là giác ngộ từng phần).
Vì vậy, một hành giả muốn biết mức độ tiến tu thì quá trình hành
trì, hành giả sẽ phát triển lòng từ bao la, trí tuệ sáng tỏ và an lạc từng hơi
thở. Trong vòng một năm hành trì mà tâm tính không đổi thay, thậm chí sân si,
tham dục càng nặng hơn, biết rằng con đường đi đã không đúng.
Tôn giáo chỉ là cầu ván giúp kẻ lạ làm quen với tâm linh, muốn
tiến hóa tâm linh, đừng vướng chiếc bè tôn giáo để chọn một pháp hành từ tôn
giáo cung ứng mới thoát khỏi mọi ô trược phiền não. Ngược lại, bỏ thế tục để
vướng thêm tướng trạng tôn giáo thì phiền não khổ đau chồng chất, thà không có
tôn giáo còn hơn. Tâm linh là cánh cửa bên trong tôn giáo, pháp hành là mảnh
đất bên trong tâm linh, pháp lạc là hoa trái xuất phát từ mảnh đất pháp hành
giành cho những ai đến bằng cái tâm trong sáng, cao thượng và thoát ly.
MINH MẪN
4/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét