Theo từ điển Phật học Tuệ Quang, "VỌNG TƯỞNG" là - "nghĩ
tưởng- tưởng tượng- tưởng nhớ những điều sai lầm không đúng đắn. Còn "VỌNG
NIỆM" là những ý niệm hư vọng, như tà niệm.
Phật Quang
Đại Từ Điển giải thích "VỌNG TƯỞNG":
cũng gọi là phân biệt, vọng tưởng phân biệt, Hư vọng phân biệt, vọng tưởng điên
đảo. Đồng nghĩa với vọng niệm, vọng chấp. Tức phân biệt tướng các pháp với tâm
hư vọng điên đảo, cũng có nghĩa do tâm chấp trước nên không thấy biết được sự
vật một cách như thực.
Kinh Lăng Già quyển 2
(bản dịch đời Tống) nêu ra 12 thứ vọng tưởng:
1/ Ngôn thuyết vọng
tưởng
2/ Sở thuyết sự vọng
tưởng
3/ Tướng vọng tưởng
4/ Lợi vọng tưởng
5/ Tự tính vọng tưởng
6/ Nhân vọng tưởng
7/ Kiến vọng tưởng
8/ Thành vọng tưởng
9/ Sinh vọng tưởng
10/ Bất sinh vọng
tưởng
11/ Tương tục vọng
tưởng
12/ Phược bất phược
vọng tưởng
Vọng tưởng, vọng niệm
là căn bản của mọi tạp niệm, nó là hạt giống tích tụ trong tàng thức, luân lưu
như một giòng sông, như mạch nước ngầm; như bóng theo hình từ khi chúng ta có
mặt. Đến khi xả bỏ báo thân, chủng tử Thiện Ác và VÔ KÝ tiếp tục dẫn dắt nghiệp
thức lên xuống trong 6 nẽo, ngoại trừ bậc chứng đắc, vô minh đoạn tận thì chiếc
bóng đó mới chấm dứt.
Tạp niệm căn bản là
vọng tưởng, vọng niệm, đôi khi biến khởi không có chủ đích rõ ràng, cho nên đã
ví "tâm viên-ý mã" là vậy, nó tùy duyên, tùy cảnh, tùy tập khí mà
hiện khởi.
Đây là một chướng ngại
lớn cho việc tu tập; có những hành giả cố tâm đè nén, loại trừ, đối trị,
nhưng đâu lại vào đó, càng đối trị chúng càng phát khởi. "TRI VỌNG-CHỈ
VỌNG" nghĩa là biết vọng phải ngưng vọng lại càng vọng; vọng là cái không
thật, mình biết không thật mà cố ngăn chận thì càng vọng như đùa với bóng vậy.
Kinh nghiệm của những
thành tựu giả thì không cần phải đối trị, loại trừ. Việc mình mình cứ làm, lúc
đầu chúng muốn xen vào trong lúc mình hành trì để tâm bị phân tán, vì thế,
trong 30 phút đầu khó mà nhập định; những hành giả đạt đại định thì khi bắt
chân ngồi xuống chỉ một hơi thở tâm đã an trú nơi pháp hành. Nói là vậy, thật
ra bậc đạt ngộ lúc nào cũng ở trong định dù đi đứng nằm ngồi. Không riêng về
Thiền pháp, Tịnh độ, Mật tông đều gặp chướng ngại như nhau. Người bình thường
vẫn bị sai sử lăng xăng cũng từ vọng tưởng tạp niệm đó.
Xác định nó là tập khí
tiềm ẩn trong tàng thức, nó xuất hiện trong giấc ngủ gọi là chiêm bao. Một hành
giả thâm sâu định lực thì hạt giống loạn động trong tâm sẽ mỏng dần cho đến khi
đắc pháp chứng ngộ. Vì vậy, không cần phải quá bận lòng bởi tiếng nói nội tâm
đó. Có người luôn chăm chú vào những diễn tiến đó mà không phán xét, không nhận
định, không làm gì cả... Một lúc nào đó tâm vẫn được an định, tiếng nói nội tâm
đó tự chìm lặng.
Càng lắng đọng, tạp
niệm càng sanh khởi, chúng tự đối thoại lăng xăng. Kinh nghiệm huân tập chủng
tử đó mà hành giả hạn chế suy nghĩ lung tung, chú tâm vào một đề mục gọi là
chánh niệm. Người có chánh niệm thì tâm ít giao động, ngủ không mộng mị. Lúc bỏ
xác thân tâm không tán loạn - tránh được con đường ác đạo. Đầu óc chất chứa quá
nhiều những chuyện suy nghĩ không đâu dĩ nhiên tàng thức sẽ là kho chứa tạp
niệm, vọng tưởng. Chính vì thế, người tu bất cứ pháp môn nào cũng cần giản lược
tạp niệm, duy trì chánh niệm, an lạc sẽ xuất hiện.
MINH MẪN
23/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét