Trích từ “Đức Phật bên trong”
Nguyễn Duy Nhiên
Một trong những câu truyện mà tôi thích nhất là câu truyện của ông Nasrudin, một tu sĩ Sufi. Một hôm, người ta thấy ông Nasrudin ra ngồi ở giữa chợ, nước mắt và nước mũi chảy ròng ròng, và trước mặt ông là một giỏ ớt thật to. Ông cứ đều đặn đưa tay vào giỏ lựa một trái ớt bỏ vào miệng nhai, rồi ông lại khóc than kêu lên thật to mà không kềm chế được.
Những người đi ngang qua thấy vậy ghé lại hỏi, "Nasrudin, ông làm gì thế, ông có điên không vậy?" Nước mắt mũi vẫn tuông chảy, ông nói giọng thều thào, "Tôi cứ muốn ăn những trái ớt này, vì hy vọng rồi sẽ tìm được một trái ớt ngọt."
Một khoảng cách không thể nối liền
Nasrudin là một người nhiều tuệ giác nhưng ông lại thường làm những hành động dại khờ để nhắc nhở người đời. Việc ông làm có mang hai ý nghĩa: một ý nghĩa rất rõ ràng ai cũng thấy, và một ẩn ý khác sâu sắc và tế nhị hơn.
Ý nghĩa thứ nhất thì chúng ta ai cũng hiểu. Nó cũng chính là cái thông điệp căn bản của đạo Phật: lòng ham muốn của ta sẽ không bao giờ chịu học hỏi và thay đổi, nó sẽ không bao giờ khôn ra! Ngay cả những khi mà nó không mang lại được một ích lợi nào hết, ngoại trừ sự khổ đau, lòng ham muốn vẫn cứ lì lợm đeo đuổi cái mục đích riêng của nó. Thái độ đeo đuổi không biết mệt mỏi theo những mục đích ấy, khiến chúng ta có thể làm những việc rất là lạ lùng và điên rồ.
Câu truyện của ông Nasrudin là một ví dụ rất cụ thể cho cuộc đời của chúng ta: như câm như điếc trước mọi tuyệt vọng, ta nhất định phải đi tìm cho được một trái ớt ngọt. Trong khi những người đi ngang qua nhìn ông với một con mắt kinh dị, tại sao ông không dừng lại có phải tốt hơn không? Chính lòng ham muốn là sợi dây trói buộc ta vào bánh xe của khổ đau. Mặc dù thấy rõ rằng chúng mang lại cho mình khổ đau, nhưng ta vẫn không tài nào thuyết phục mình buông bỏ để thoát ra được. Cũng giống như nhà phân tâm học Freud thường hay nói, giữa sự ham muốn và sự thoả mãn có một khoảng cách không bao giờ có thể nối liền được - an unbridgeable gap.
Tại sao không dừng lại đi?
Nhưng thái độ lì lợm của ông Nasrudin là một ví dụ cho ta thấy rằng buông bỏ sự ham muốn trong cuộc đời là một việc dường như bất khả thi. Theo tôi thấy thì Nasrudin là một thiền sư nhiều tuệ giác, chứ không phải một người ngu khờ như ta nghĩ. Ông ta muốn dạy chúng ta rằng, lòng ham muốn sẽ không bao giờ để cho chúng ta yên. Nó cứ mang lại cho ta hy vọng và sẽ không bao giờ bằng lòng với câu trả lời "không" của mình!
Nếu nghiệm cho kỹ thì câu truyện ông Nasrudin còn có ẩn ý cho ta thấy được cả hai khía cạnh của vấn đề: sự tuyệt vọng của lòng ham muốn và lối thoát ra khỏi nó. Lòng ham muốn của ông không hề bị lay chuyển, mặc dầu nó đã mang lại cho ông nhiều khổ đau. Trong lời than van của ông, trong sự chấp nhận khổ đau với một hy vọng về một trái ớt ngọt, có ẩn chứa một tuệ giác về sự ham muốn. Nasrudin không hề hối tiếc về sự ham muốn của mình, ông vẫn tiếp tục mà không chút do dự, mặc dù trước những khổ đau rõ rệt. Và ông cũng không hề chống cự hoặc trốn tránh nó. Khổ đau và hy vọng, cả hai đều có mặt nơi đó. Mặc dù thấy rất rõ sự điên rồ của mình, Nasrudin vẫn cứ tiếp tục. Dường như ông muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng, mặc dù than khóc và chảy tuông nước mắt, nhưng trong sự tìm kiếm ấy có mang lại cho mình một thú vui nào đó.
Tôi thích câu truyện của ông Nasrudin vì nó nói lên một sự thật rất phủ phàng và cũng rất là quyến rủ của lòng ham muốn. Là một nhà tâm lý trị liệu và cũng là một bác sĩ phân tâm học, hằng ngày tôi phải đối diện với những bệnh nhân mà câu chuyện của họ cũng tương tự như ông Nasrudin vậy. Họ cứ tiếp tục có những hành động và thái độ mà bất cứ ai có chút suy nghĩ đều biết là mình nên dừng lại ngay. Những thất vọng và bức xúc của họ tuông trào ra trong phòng bệnh của tôi như nước mắt của ông Nasrudin. Lắm lúc tôi cũng muốn nói to lên như những người bạn của Nasrudin. "Vậy tại sao không dừng lại đi?" Tôi muốn nói với họ, "Tại sao không buông bỏ đi mà cứ đeo đuổi nó làm gì cho khổ?"
Buông xả là con đường hạnh phúc
Là một bác sĩ không phải chỉ chịu ảnh hưởng của môn phân tâm học Tây phương, mà còn hiểu được tuệ giác của đạo Phật, tôi có thể dễ dàng nhìn thấy được việc ấy. Đức Phật dạy, con đường duy nhất để chấm dứt khổ đau là buông bỏ sự ham muốn của mình. Buông xả là con đường của hạnh phúc. "Tại sao ta lại đi tìm kiếm hạnh phúc nếu chính sự tìm kiếm ấy lại là cái nguyên nhân của khổ đau." Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với bệnh nhân của mình, tôi nhận thấy rằng, mặc dù sự ham muốn mang lại cho ta nhiều khổ đau, nhưng ta không nên và cũng không thể nào dễ dàng buông bỏ nó.
Khi ta cố chối bỏ một phần nào của mình, nó sẽ vẫn còn dai dẳng có mặt như một cái bóng của ta. Cũng vậy, ta sẽ không thể nào tiêu diệt được lòng ham muốn bằng cách giả vờ rằng nó không hề có mặt. Vấn đề là ta phải đối diện, chấp nhận và chuyển hóa nó. Vì cũng như người Pháp có câu "Chassez le naturel, il revient au galop." Xua đuổi sự tự nhiên đi, nó sẽ phi nước đại trở lại với ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét