Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

THẠCH ĐỘNG ĐÔN HOÀNG 
NGUỒN GỐC VÀ THÀNH TỰU NGHỆ THUẬT 


Tâm Hiếu dịch
Đôn Hoàng - vùng đất phía Tây Bắc Trung Quốc - là điểm khởi đầu trên con đường giao thương hay còn được gọi là “con đường tơ lụa” giữa Trung Quốc và các nước Tây vực. Không chỉ đẹp về mặt vị thế, Đôn Hoàng còn là nơi chứa đựng nhiều kho báu nghệ thuật của người Trung Hoa cổ, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.
Hang đá Mạc Cao (tiếng Trung: 莫高窟, bính âm: mò gāo kū) là một hệ thống 492 ngôi đền cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 25 kmvề phía Đông Nam. Đây cũng được gọi là Thiên Phật Động(chữ Hán: 千佛洞; bính âm: qiān fó dòng)[1], hay hang Đôn Hoàng. Các hang đá này thực sự không phải làđộng mà là các công trình chạm khắc trong đá, thuộc dạng kiến trúc chạm khắc đá.
Hang Mạc Cao là một ngôi nhà đá có quy mô lớn nhất, nội dung phong phú nhất và có giá trị nghệ thuật cao nhất Trung Quốc còn tồn tại cho đến ngày nay. Các tác phẩm nghệ thuật chủ yếu trong ngôi nhà đá này là các tượng điêu khắc và các bức bích họa. Hiện nay nơi này còn có 492 hang động, 45.000m² bích họa và 2415 pho tượng, 5 ngôi nhà gỗ từ đời Đường, Tống. Năm 1987 hang Mạc Cao đã đượcUNESCO công nhận là "Di sản văn hóa thế giới".
(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Phía Tây hành lang Hà Tây, trên núi Minh Sa thuộc Đông Nam huyện Ðôn Hoàng tỉnh Cam Túc, có một vách núi cao sừng sững, bên trên gồm rất nhiều thạch động trông như tổ ong. Đây chính là khu Mạc Cao nổi tiếng Trung Quốc.

Đôn Hoàng vốn có lịch sử   lâu đời. Sách Thượng thư   Vũ Cống ghi: “Tam Nguy tức trạch”. Tam Nguy tức Cổ Qua Châu, nay là động Ðôn Hoàng. Hiện tại, phía Nam của động Ðôn Hoàng cũng gọi là núi Tam Nguy. Sách thường chép: “Vũ Cống thuộc thời đại Chiến Quốc”. Như vậy, Ðôn Hoàng đã có ít nhất hơn 2.000 năm lịch sử. Vào thời Hán Võ đế, Ðôn Hoàng được sáp nhập vào bản đồ nhà Hán, và tên gọi Ðôn Hoàng cũng bắt đầu từ đây. Hán thư Ðịa lý chí chép: “Ðôn Hoàng đương thời có 11.200 hộ, hơn 38.000 dân khẩu”. Hán Ứng Thiệu giải thích danh từ Ðôn Hoàng rằng: Ðôn là đại, Hoàng là thạnh. Có thể thấy, Ðôn Hoàng thời Hán Võ đế đã rất hưng thịnh.
Ðôn Hoàng nổi tiếng hoàn toàn không phải do lịch sử lâu đời của nó, mà nổi tiếng nhờ vào những thạch động. Thạch khu Mạc Cao từ Nam chí Bắc dài 1.618m, nay còn lưu lại 492 khu; trong những thạch khu này, hiện bảo tồn hơn 1.000 pho tượng và bích họa tương đối hoàn hảo. Theo thống kê, nếu liên kết những bích họa này lại, chúng có độ dài từ 50-60 dặm. Do đó, Đôn Hoàng được xem là viện bảo tàng mỹ thuật lớn và hùng vĩ nhất trên thế giới. Thạch khu còn lưu trữ nhiều sách cổ, kinh điển, tranh lụa quý giá, thật lộng lẫy, đẹp mắt.
Thạch khu Mạc Cao Ðôn Hoàng xây dụng sớm nhất vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, và thời Tùy Ðường chính là giai đoạn phồn vinh nhất. Việc xây dựng thạch khu đầu tiên có liên quan đến một truyền thuyết ly kỳ như sau: Vào năm thứ 2 niên hiệu Kiến Nguyên Tiên Tần (năm 366), có một vị Hòa thượng hiệu Lạc Tôn vân du đến núi Tam Nguy phía Nam thành Ðôn Hoàng. Lúc này, mặt trời sắp lặn, song Hòa thượng vẫn tìm không ra chỗ nghỉ. Ngài thất vọng dõi mắt nhìn ra xa. Ðột nhiên, một cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện: trên núi Tam Nguy phát ra luồng ánh sáng trang nghiêm sáng chói, tựa như ánh hào quang của chư Phật. Hòa thượng vô cùng xúc động, vội vàng đảnh lễ, và cho rằng đây là điềm chỉ thị của Ðức Phật: “Nơi đây chính là thánh địa!”. Sau đó ngài vội hóa duyên khắp nơi, quyên góp được một số tiền lớn, mời người đến khai mở thạch khu. Khi thạch khu thứ nhất ở Mạc Cao xuất hiện, tứ chúng Phật tử khắp nơi đến chiêm bái. Không lâu sau, Thiền sư Pháp Lương từ phương Đông đến khai mở thêm thạch khu thứ hai bên cạnh thạch khu của ngài Lạc Tôn (Theo “Văn bia trùng tu Phật am khu Mạc Cao” của Lý Hoài Nhượng - niên hiệu Thánh Lịch, Võ Chu, đời Ðường).
Kỳ thực, ánh sáng mà Hòa thượng Lạc Tôn thấy được, chỉ là sự phát xạ ánh sáng trên nham thạch lúc mặt trời sắp lặn. Cảnh tượng này bây giờ vẫn có thể nhìn thấy được. Vào thời đó, mọi người chưa lý giải được cảnh tượng tự nhiên này, họ lại sùng tín Phật giáo, nên cho rằng đó chính là ánh hào quang của chư Phật. Từ đó về sau, thạch khu Ðôn Hoàng bắt đầu nổi tiếng, các viên quan địa phương, thương nhân, thường dân, thậm chí cả những vị đại thần, công chúa nước ngoài, vì cầu phúc mà tiếp tục khai mở các thạch khu lớn nhỏ khác nhau. Ðến đời Ðường, khu Mạc Cao đã trở thành thánh địa Phật giáo với hơn 1.000 thạch khu, cho nên cũng gọi là “Thiên Phật động”.
Nghệ thuật Ðôn Hoàng không chỉ riêng ở khu Mạc Cao, mà còn ở tại Thiên Phật động, Du Lâm khu và Tiểu Thiên Phật động. Tuy nhiên, do số lượng tác phẩm, thành tựu nghệ thuật, cũng như được bảo tồn hoàn hảo nhất, nên thạch khu Mạc Cao nghiễm nhiên được chọn làm đại diện cho nghệ thuật Ðôn Hoàng. Vì vậy, trong bài văn này, chúng tôi chỉ chủ yếu giới thiệu đến nghệ thuật của thạch khu Mạc Cao.
Nghệ thuật khu Mạc Cao chủ yếu là tượng và bích họa. Nghệ thuật gia cổ đại kế thừa truyền thống tiền đại, sáng tạo rất nhiều các pho tượng màu đặc sắc. Nhưng những pho tượng nơi đây đều bằng đất, khác với các pho tượng đá ở thạch khu Long Môn, Tân Cương. Vì chất liệu đá của núi Tam Nguy khá thô cứng, không thể tạc tượng được, cho nên các nghệ nhân mới dùng đất để tạc tượng. Với những dụng cụ đơn giản, điều kiện khó khăn, bằng sức tưởng tượng phong phú và kỹ xảo điêu luyện của mình, các nghệ nhân đã sáng tác không ít những pho tượng độc đáo màu mang nhiều sắc thái khác nhau.
Những pho tượng đời Bắc Ngụy dáng dấp to cao, trán rộng, mũi cao, mày dài, tóc quăn, ngực trần, mang đậm sắc thái nghệ thuật Ấn Ðộ. Những pho tượng đời Ðường, gương mặt đầy đặn, nhu hòa, tai to, mũi thấp, dáng dấp không cân xứng, mang phong cách dân tộc Trung Quốc.
Ðời Ðường, tượng khu Mạc Cao đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Tổng cộng có hơn 670 pho tượng, chiếm hơn 1/4 trong số những pho tượng điêu khắc ở đây. Những pho tượng này hoàn toàn mang sắc thái riêng - nét mặt hài hòa, thần thái trang nghiêm, phục sức trang nhã. Tượng Thiên Vương thể hiện rõ phong cách của đấng trượng phu: oai nghiêm, chánh trực, dõng mãnh, cương nghị. Tượng Bồ tát dáng vẻ thoát tục, gương mặt đầy đặn, miệng mỉm cười, sinh động như thật, thể hiện nét đẹp hiện thực trong sinh hoạt của người phụ nữ đời Tùy Ðường.
Theo thống kê, khu Mạc Cao tổng cộng có 2.415 pho tượng, trong đó tượng cao nhất hơn 30m, tương đương độ cao tiền môn lầu thành Bắc Kinh; tượng nhỏ nhất chỉ hơn 10cm, điêu khắc tinh xảo. Những pho tượng này không những thể hiện được tài năng sáng tạo, trí tuệ siêu việt của nghệ nhân cổ đại Trung Quốc, mà còn hình thành nên chiều dài lịch sử phát triển nền nghệ thuật tạc tượng qua các triều đại Trung Quốc.
Bích họa khu Mạc Cao càng đặc sắc hơn. Nghệ thuật gia dùng bút màu, họa rất nhiều cảnh sinh động trên tường vách. Nội dung chủ yếu của các bích họa gồm: kinh biến, bổn sanh, tôn tượng, tượng người cúng dường và các đồ trang sức.
Kinh biến: kinh, chỉ Phật kinh; biến, là biến dịch. Có nghĩa là những bức họa biến Phật kinh thành hình tượng hóa. Kinh biến, chính là tranh Phật kinh. Những bức họa này chiếm phần quan trọng trong thạch động. Như “Tây phương tịnh độ biến”, các họa sư dùng sức tưởng tượng của mình, họa cảnh Cực lạc thế giới: Cung điện lầu đài nguy nga tráng lệ, ao nước thanh khiết, bồ đề xinh tươi, thiên không tường vân bay, trong ao thủy điểu dang rộng cánh, chính giữa là Phật Di Ðà đoan tọa trên tòa sen, hai bên là hai vị Bồ tát Quan Âm và Ðại Thế Chí, cùng rất nhiều Thánh chúng vây quanh.
Bổn sanh: Bổn sanh là chỉ những câu chuyện tiền thân Đức Phật Thích Ca. Tứ chúng Phật tử tin vào thuyết luân hồi, cho rằng Phật Thích Ca trước khi thành đạo đã trải qua nhiều kiếp, có kiếp là quốc vương, tăng sĩ, thương nhân... làm rất nhiều việc thiện cứu độ chúng sanh, đây là những câu chuyện chủ yếu trong kinh Bổn Sanh. Điển hình như phía Bắc thạch động số 275, có bức bích họa mô tả câu chuyện vua Thi Tì, vì cứu chim bồ câu sắp bị chim ưng ăn thịt, đã hiến thịt mình cho chim ưng. Trong bích họa, bên cạnh vua Thi Tì là một người đàn ông ngồi cắt thịt, cắt rất nhiều, nhưng vẫn không bằng trọng lượng chim bồ câu, cuối cùng đành phải lấy thân thể vua làm trái cân, và bồ câu được đặt trên bàn cân. Thạch khu số 254, họa câu chuyện bổn sanh của thái tử Tát Ðóa Na. Bích họa miêu tả 3 vương tử cưỡi ngựa đi săn, giữa đường trông thấy một con cọp đói, trừng mắt nhìn 7 con cọp con vừa sinh của mình. Xem chừng, nếu không có gì lót dạ, e rằng nó sẽ ăn thịt 7 cọp con. Thái tử Tát Ðóa Na cảm thương cọp con, quyết định hy sinh mạng sống của mình để cứu chúng. Thái tử để các anh đi trước, còn mình cởi áo quần, nằm trước mặt cọp mẹ. Qua hồi lâu, hai người anh không thấy em đâu, mới đi tìm, trông thấy áo quần và hài cốt của em, đau lòng bất tỉnh. Quốc vương và hoàng hậu sau khi nghe tin, đau buồn vô hạn, liền cho kiến tạo một ngôi bảo tháp ngay nơi thái tử xả thân để an táng di cốt thái tử...
Tôn tượng: là ảnh vẽ tượng Phật, Bồ tát, A La Hán, tiểu thiên Phật, thuyết pháp đồ... Trong bích họa tôn tượng, gây sự chú ý nhất là tượng phi thiên. Phi thiên là hình ảnh tiên nhân trong trí tượng tượng của người cổ đại, tự do bay lượn trên không, Phật giáo gọi là “Thần Hương Âm”, có thể tấu nhạc, nhảy múa, toàn thân tỏa hương. Ðạo Gia Tô phương Tây cũng có tiên, gọi là thiên sứ. Thiên sứ có đôi cánh, có thể bay. Ðạo giáo cũng tin tưởng có tiên, thường vẽ những đám mây dưới chân các vị tiên, biểu đạt chư tiên cưỡi mây bay. Tuy nhiên, phi thiên trong những bích họa khu Mạc Cao kết hợp cả hai thuyết trên. Các họa sư giỏi chỉ cần vẽ trên thân chư thiên hai dây phiêu đai, một xoay một gấp, thư thái nên trông các vi tiên trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển như đang bay. Phương pháp này đơn giản, khéo léo, lại giàu óc tưởng tượng.
Tượng người cúng dường: chỉ người xuất tiền cúng dường kiến tạo thạch khu, họ muốn họa hình ảnh mình trên tường vách, muốn thể hiện Phật tượng trong thạch động là do chính họ cúng dường, và như vậy, Phật và Bồ tát sẽ hộ trì cho họ. Những người cúng dường này là người có thật trong xã hội, có tên có tuổi đàng hoàng. Trong số họ có công tôn quý tộc, cũng có người ở vào địa vị thấp kém nhất. Như thạch khu số 107, có tượng của các kỹ nữ v.v...
Những pho tượng và bích họa này đã mô tả lịch sử thời đại một cách sống động. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống hiện thực, tôn giáo vào thời đó. Xuyên qua tầng lớp mê tín, màn che thần Phật, chúng ta mới có thể nhận ra diện mạo thời đại một cách cụ thể, quan hệ giữa người và người, giữa giai cấp với giai cấp... Thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều, xã hội loạn lạc, Nam Bắc Trường Giang, Hán tộc và bộ tộc du mục kiến lập chính quyền, chinh chiến không ngừng, đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đan chéo nhau, nhân dân rơi vào cảnh lầm than. Những điều này cấu thành một bộ phận chủ yếu trong bích họa thạch khu. Mặc dù nghệ thuật khu Mạc Cao đa phần là câu chuyện Phật kinh, nhưng với tay nghề họa sư kỹ thuật cao, có lúc họ cũng vẽ lại những cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội hiện thực, càng thể hiện được thành tựu lớn của nghệ thuật thạch khu Mạc Cao.
Như trong bích họa phía Nam của thạch khu số 285, chúng ta thấy 5 tên cướp bị quan quân vây bắt, và bị đưa ra phán quyết. Một kẻ thống trị mão cao đai rộng, tuyên án: móc mắt. Thế là những tên cướp này bị tước hết áo quần, bị móc đi hai mắt, vứt ngoài đồng trống, cầu sống cũng không được, muốn chết cũng không xong. Thật không gì bi thảm bằng!
Một bích họa khác miêu tả cảnh tượng cuộc sống ở gần Phổ Ðà Sơn. Trong tranh có rất nhiều lữ quán: quán Long Tuyền có người đang giã gạo, quán Linh Khẩu có người đang đẩy cối xay, quán Thái Nguyên có người đang mài dao; trong chùa có người đang hội yến, các tăng sĩ đang hoạt động; trên đường người đi kẻ lại, không khí thật náo nhiệt. Ðây là bức tranh sinh động của Ngũ Ðài Sơn đầu đời Tống. Trong bích họa thạch khu số 45, chúng ta có thể thấy được một số thương buôn người Hồ, mũi cao, mắt sâu, râu cằm rậm đang lùa đàn lừa thồ đầy hàng, đi vào sơn cốc. Ðột nhiên, đoàn thương buôn gặp cường đạo, họ chắp tay cầu xin tha mạng, hàng hóa rơi vãi đầy trên đất. Bức họa phản ánh được cảnh mậu dịch Trung ngoại...
Những bích họa sinh động này không chỉ mang nghệ thuật tôn giáo, mà còn là bức tranh lịch sử, là di sản văn hóa xán lạn, huy hoàng của dân tộc Trung Hoa, miêu tả được hiện thực xã hội, thể hiện rõ hỷ nộ ái ố của con người, đồng thời, cũng phản ánh sự tàn bạo, dối trá của giai cấp thống trị.
Thời kỳ Minh Thanh về sau, thạch khu Mạc Cao bị vùi trong sa mạc, không người chú ý đến, mãi đến năm 1900, khu Mạc Cao mới bắt đầu khôi phục lại.
Ngày 26-5-1900, đạo sĩ Vương Viên Lục cư trú tại khu Mạc Cao, lúc thanh lý cát, phát hiện bức tường hướng Bắc có vết nứt. Ðâu ngờ rằng, lần phát hiện ngẫu nhiên này trở thành sự kiện trọng đại trong lịch sử văn hóa loài người thế kỷ XX.
Vương đạo sĩ thuận tay gõ vào bức tường, phát hiện bên trong vang vọng âm thanh trống rỗng. Ông Vương phá tường, thấy một cánh cửa nhỏ, bên trong cửa là một gian phòng chất đầy những vật trân quý, như: kinh quyển, văn thư, tranh lụa, hội họa, pháp khí... Nơi đây sau này gọi là Tàng kinh động. Trong những đồ vật phát hiện, có một số tư liệu văn hiến vô cùng quý giá của xã hội phong kiến 1.000 năm, là báu vật của dân tộc Trung Hoa.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, thời kỳ Tây Hạ thống trị Ðôn Hoàng (sau 1049), Hòa thượng ở khu Mạc Cao vì lánh nạn, nên đem lịch sử bảo tạng đặt trong gian phòng này, bên ngoài kiến lập một bức tường phong lấp. Sau khi chiến loạn kết thúc, các vị Hòa thượng không ai trở lại, gian phòng trở nên bí mật không người biết đến.
Vương đạo sĩ hoàn toàn không biết được giá trị của đồ vật, nên tự ý đem một ít trong số đồ vật này tặng cho huyện trưởng Uông Tông Hạn. Ông Hạn lại đem tặng cho Diệp Xương Xí . Ông Xí là một học gia kim thạch nổi tiếng, nên đối với những di vật này vô cùng trân quý. Nhưng triều đình nhà Thanh bấy giờ thối nát, không lưu tâm đến những văn vật như thế này. Vì thế, từng đoàn thám hiểm nước ngoài, như Anh, Nga, Hungary, Pháp... đến khu Mạc Cao tìm báu vật, một số lượng lớn bảo vật bị họ mang đi, làm hư hỏng nặng một số bích họa, mãi đến khi bảo vật khu Mạc Cao chẳng còn lại bao nhiêu thì người Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm đến.
Thời gian giải phóng, khu Mạc Cao được Ðảng và Chính phủ biết đến; năm 1950, Sở Nghiên cứu Văn vật Ðôn Hoàng được thành lập, khu Mạc Cao qua đó được trùng tu. Viên minh châu trên Con đường tơ lụa này bắt đầu phát sáng!
Ngày nay, nghệ thuật Ðôn Hoàng được các học giả thế giới chú ý đến, tiến hành nghiên cứu rộng rãi, hình thành một chuyên ngành nghiên cứu, gọi là Ðôn Hoàng học, đã nhiều lần tổ chức hội thảo Ðôn Hoàng học có quy mô thế giới. Nền nghệ thuật lâu đời Ðôn Hoàng đã được các nước biết đến, những tác phẩm nghệ thuật này trở thành báu vật quý hiếm trên toàn thế giới.
Tâm Hiếu
(Lược dịch theo Phật giáo và Văn hóa Trung Quốc)
Dưới đây là một số hình ảnh do BBT TVHS thu thập từ Internet:


Trong động có chứa Kinh Phật với 5 vạn bản kinh chép tay, tư liệu lịch sử, tranh lụa, tranh khắc gỗ và các tác phẩm thư pháp, được ca tụng là “Thư viện trên vách đá”. Khối lượng khổng lồ này đòi hỏi một phòng tranh dài 25km mới đủ để trưng bày hết, chẳng khác gì những kì động chứa bí kíp được mô tả trong những câu chuyện kiếm hiệp.
Phong cách nghệ thuật của những bức bích họa trong động Đôn Hoàng chịu ảnh hưởng của 2 phong cách bích họa Trung Nguyên. Các bức theo phong cách Tào gia có hình Phật mặc áo cà sa nhiều nếp gấp, vải mềm như bị ướt nước. Phong cách thứ 2 là phong cách bích họa đời Đường, chú trọng vào quần áo, cân đai của nhân vật.

Hang động ở Đôn Hoàng được vinh danh là thiên hạ đệ nhất động bởi sở hữu một quần thể lên tới 492 hang động và hơn 2.400 bức tượng Phật, cùng vô vàn bức bích họa, trải dài trên diện tích 45.000 m2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét