Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

* NHỮNG BƯỚC ĐI THẦM LẶNG


Vesak 2014 được GHPGVN đăng ký, là một cố gắng thể hiện tự thân trong khả năng tuy kinh phí ngoài tầm tay. Tuy ngoài tầm tay, nhưng Giáo Hội vẫn đủ khả năng trang trải mọi việc nhờ nguồn đầu tư nhiều ngành trong nước!
Vì thế, không đặt nặng vấn đề kinh phí mà đang lo âu về sinh khí, giá trị tầm vóc của buổi lễ.
Cũng như đại lễ Phật Đản tại các quốc gia Bắc truyền, Vesak ở các quốc gia Nam truyền từng là lễ hội truyền thống của mỗi quốc gia mà Phật giáo được xem như quốc giáo. Nhưng từ khi Liên Hiệp Quốc được 34 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đồng thuận công nhận Đại Lễ Vesak là một lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Những hoạt động của Đại Lễ kỷ niệm Đức Phật được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hiệp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Năm 2001, Đại lễ Phật Đản được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) với sự tham gia của đại biểu đến từ 34 nước. Kể từ đó đến nay, Đại Lễ Phật Đản đã được tổ chức thường niên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở các khu vực.
Tuy được công nhận mang tính pháp nhân quốc tế, nhưng hầu hết hàng năm chỉ có Thái Lan là quốc gia chủ động tổ chức, do kinh phí, năng lực, an ninh khu vực và là quốc gia toàn tòng trên 95% theo đạo Phật.
Trước xu thế hội nhập WTO và mở rộng vòng tay giao lưu quốc tế, chính phủ Việt Nam năm 2008 đã chính thức đăng ký lễ hội Vesak của Liên Hiệp Quốc, có sự tham dự của sư ông Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai làm tăng thêm giá trị lễ hội lần đầu tiên chưa đủ kinh nghiệm. Chính những ách tắt gập ghềnh trong các khâu dẫm chân nhau, thiếu nhất quán, đã được phủ lấp bởi sinh khí và năng lượng dồi dào giữa hội trường im phăng phắt khi đoàn Làng Mai tiến vào hội trường; vì vậy sinh khí hội trường tránh được tính chất nghị trường và trở thành lễ hội tâm linh rõ nét.
Năm nay, cách 6 năm sau ngày đăng ký sự kiện lịch sử của đất nước và Phật giáo đó, một lần nữa, Phật giáo chính thức đăng ký tổ chức Đại Lễ, dĩ nhiên sau lưng phải có sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan để tổ chức được hoàn chỉnh.
Mục tiêu của Vesak Liên hiệp quốc năm nay là: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Thì, theo ông Phạm Dũng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn Giáo Chính phủ đã nhận định - Đại lễ Vesak LHQ 2014 tổ chức tại VN là dịp để các Tăng, Ni, Phật tử ở các quốc gia và vùng lãnh thổ giao lưu, gắn kết với nhau. Ông cũng nhấn mạnh: “Đại lễ là cơ hội giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế. Đây cũng là dịp để khẳng định sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam tới tự do tôn giáo, vận động để thế giới và UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới.
Cho dù đăng ký với tổ chức theo mục tiêu nào thì cũng chứng tỏ GHPGVN đã từng bước trưởng thành về nhận thức, năng lực tổ chức và khả năng giao lưu Phật giáo quốc tế, đặt vị thế Phật giáo Việt Nam tương quan với Phật giáo Quốc tế trong xu thế hội nhập và phát triển.
Mặt khác, nhà nước Việt Nam cũng muốn chứng tỏ dành một phần trách nhiệm cho tôn giáo trước sự phát triển của đất nước. Tuy Phật giáo Việt Nam hiện nay chưa là quốc giáo, nhưng truyền thống đạo đức xã hội qua tinh thần Phật giáo cũng đã từng thắm đẩm trong huyết thống dân tộc, vì thế, việc gánh vác trách nhiệm trong một giai đoạn nhất định của đất nước mang tính vì lễ hội tín ngưỡng ít nhiều cũng nhẹ gánh cho nhà nước trong việc quảng bá gương mặt phát triển của đất nước Việt Nam.
Để lễ hội được đậm nét giá trị, thay vì có sự tham dự của các danh Tăng cao đức như Đức Thánh thiện Đạt Lai Lạt Ma, hay sư ông Làng Mai, thì đoàn Pháp Vương GYALWANG DRUKPA - Nhiếp chính vương THUKSEY RINPOCHE và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa đã đến sinh hoạt tại ba miền Việt Nam suốt một tháng trước ngày khai mạc Vesak, để tạo bầu không khí nhộn nhịp mở đầu cho lễ hội.
Những Đại lễ Vesak hàng năm tại Thái Lan, diễn ra bình thường, vì đã là truyền thống và Thái Lan không có nhu cầu chính trị, nhu cầu kinh tế và nhu cầu phổ cáo văn hóa du lịch một đất nước đang phát triển như Việt Nam; Chính vì thế, Vesak Việt Nam là một sự kiện không chỉ là sự kiện truyền thống mà còn là sự kiện lịch sử thể hiện nhiều mặt cho nhu cầu chung của một đất nước chưa ra khỏi lạc hậu, cần giao lưu trao đổi với một vị thế tương quan thế giới để Phật giáo và xã hội cùng đi lên.
Chính vì vậy, Vesak 2014 của Phật giáo Việt Nam không là một sự kiện bình thường giữa lúc kinh tế còn eo hẹp, và địa điểm diễn ra tại Ninh Bình, Bái Đính cũng không phải là sự chọn lựa bình thường. Thay vì trên 1.500 đại biểu thế giới tham dự và dự đoán 5.000 khách tham quan cần tổ chức tại Thủ đô hoặc tại Sài gòn, thì ở vùng cách xa Hà Nội 90km, vùng hiu quạnh dân cư, nhưng là địa danh lịch sử của dân tộc, “là cơ hội giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế. Đây cũng là dịp để khẳng định sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam tới tự do tôn giáo, vận động để thế giới và UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thiên nhiên thế giới.” Theo ông Phạm Dũng đã phát biểu.
Đó là những bước đi thầm lặng được hoạch định tỉ mĩ những năm trước khi chính thức đăng ký tổ chức. Trong phần 3.2 Hiến chương Đại Lễ Vesak trong mục đích của IOC:
3.2.1   Thừa nhận trên toàn thế giới và tổ chức kính mừng ngày Đại Lễ Vesak hay ngày lễ Tam hợp, tưởng niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập niết-bàn của đức Phật như ngày quốc tế về tôn giáo và văn hoá.
3.2.2   Tăng cường, cỗ vũ và duy trì các hợp tác giữa các truyền thống và tông môn pháp phái Phật giáo trên thế giới, nhằm nuôi dưỡng và bảo hộ văn hoá, triết lý và hành trì Phật giáo vì sự an bình và hạnh phúc của nhân loại.
Đó là mục đích chung của Vesak Liên Hiệp Quốc, có lẽ, tùy mỗi quốc gia đăng ký với mục đích riêng hòa trong mục đích chung để có một sự kiện đặc thù trong quốc gia mình. Tuy là bước đi thầm lặng nhưng biểu hiện một tính toán chi li để một Đại Lễ Vesak mang tầm quốc tế mà bản thân nước đăng ký đạt được sáng giá như mong muốn.
MINH MẪN
10/4/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét